Diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Alice101296, 3 Tháng ba 2023.

  1. Alice101296

    Bài viết:
    29
    Đề bài: Diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài (đoạn từ "Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong.. Cho tới khi trời tang tảng rồi không biết sang từ bao giờ")

    Tô Hoài là nhà văn lớn, có số lượng tác phẩm đạt kỷ lục trong văn học Việt Nam hiện đại. Sáng tác của ông thiên về diễn tả sự thật đời thường. Trước cách mạng ông chủ yếu viết về mảng đề tài loài vật và cuộc sống của người dân nghèo vùng ngoại ô. Sau cách mạng ông viết nhiều về cuộc sống của người dân lao động miền núi. Truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" in trong tập "Truyện Tây Bắc" là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Tô Hoài sau cách mạng. Đọc tác phẩm để lại ấn tượng nhất trong lòng người đọc là tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm xuân ở Hồng Ngài.

    Mị là người con gái miền núi xinh đẹp, nết na thùy mị, có tài thổi sáo, và đã có người yêu. Gia đình Mị rất nghèo, bố mẹ Mị khi cưới nhau không có tiền phải vay nhà Thống lí. Không có tiền trả, Thống lí đã cho người đến bắt Mị về làm dâu (làm vợ A sử) để gạt nợ. Mị kiên quyết phản đối nhưng không được. Trong những ngày tháng đầu của cuộc đời làm dâu "có đến hàng mấy tháng đêm nào Mị cũng khóc". Mị đã nghĩ đến việc ăn lá ngón để giải thoát. Nhưng vì thương cha, Mị đã chấp nhận quay trở về nhà thống lí Pá Tra sống cuộc đời làm dâu gạt nợ. Đời con dâu gạt nợ của Mị ở nhà thống lí là một quãng đời thê thảm, tủi cực nhất. Đối với Mị chỉ toàn là công việc. Mị trở thành công cụ lao động của nhà thống lí. Cái gia đình ấy đã bóc lột đến tận xương tận tủy sức lao động của Mị. Không những thế chúng còn bóc lột Mị cả về tinh thần. Sống trong nhà thống lí, Mị như một tù nhân ở chốn địa ngục trần gian. Những tưởng phải sống trong cảnh đời cơ cực như vậy sẽ làm cho Mị chai lì. Nhưng không, với Mị khát vọng sống, khát vọng tự do vẫn cứ như ngọn lửa âm ỉ. Ngọn gió thổi bùng lên ngọn lửa của lòng ham sống, của khát vọng tự do, hạnh phúc trong Mị chính là cái đêm mùa xuân ở Hồng Ngài năm ấy.

    Cảnh xuân vui tươi, tràn đầy sức sống và màu sắc, tình xuân phơi phới đã làm cho bất kể ai cũng phải nao lòng và nó đã tác động không nhỏ tới Mị. Tác động mạnh vào Mị phải kể đến tiếng sáo gọi bạn đầu xuân. Sở dĩ tiếng sáo tác động mạnh tới Mị là bởi vì mị thổi sáo rất giỏi, bao nhiêu người từng mê tiếng sáo của Mị, ngày đêm đã thổi sáo theo Mị. Bởi vì tiếng sáo gọi bạn tình chính là tiếng ca hạnh phúc, là biểu tượng của lứa đôi, biểu tượng của tự do. Tiếng sáo ấy đã xuyên qua cái gió và rét của miền núi cao, len lỏi vào sâu thẳm tâm hồn Mị, như những lời mời gọi lớn lao làm cho Mị rạo rực, xốn xang: "Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi", rồi "Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi". Điều đó đã đánh dấu bước đầu trở lại của người con gái yêu đời, yêu sống ngày nào. Trong không khí nồng nàn của một đêm tình mùa xuân lại chứng kiến cảnh cả nhà thống lí vừa ăn xong bữa cơm tết cúng ma, lại tiếp ngay bữa rượu bên bếp lửa trong tiếng chiêng ầm ĩ. Như càng tiếp thêm sức mạnh cho Mị, Mị cũng lấy rượu ra uống "Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát". Mị uống rượu là để nuốt đi cái uất hận trong lòng là quên đi phần đời cay đắng vừa qua và để sống mạnh mẽ cái phần đời tươi trẻ sẵn có của mình. Mị uống rượu còn để chứng tỏ mình là một con người, mình cũng có quyền bình đẳng như một con người. Men rượu đã trở thành chất xúc tác, khơi dậy chất men cuộc sống trong Mị. Đưa Mị trở về với những kỉ niệm ngày trước, những ngày tươi đẹp, hạnh phúc đầy kiêu hãnh của Mị. Mị vừa uống rượu vừa thổi sáo. Mị thấy "Phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước" và mị thấy "Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi". Mị ý thức được quyền sống quyền tự do, quyền đi chơi của mình. Mị cảm thấy hơn bao giờ hết cái vô lý hiện tại.

    Giữa lúc ấy tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn cứ lơ lửng ngoài đường. Tiếng sáo như thúc giục Mị, và Mị không nói "Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng". Nếu như trước kia phải sống trong một căn buồng tối tăm, hôi hám, ẩm thấp, bẩn thỉu, Mị không bận lòng, nhưng giờ thì Mị đã khác. Sức sống tiềm tàng đã trỗi dậy mạnh mẽ, Mị muốn đời mình sáng sủa hơn. Như vậy, việc Mị thắp sáng căn buồng của mình cũng đồng nghĩa với việc thắp sáng lên ngọn lửa cuộc sống trong tâm hồn Mị, ngọn lửa của khát vọng, của tình yêu. Tiếng sáo cứ mỗi lúc một gần hơn và giờ đây nó không còn là âm thanh bên ngoài nữa, nó đã trở thành "nốt nhạc" trong tâm hồn Mị. "Trong đầu Mị rập rờn tiếng sáo". Tiếng sáo thôi thúc Mị thực hiện khát vọng tự do một cách nhanh hơn. Lúc này Mị không còn biết sợ là gì. Mị hành động nh một người tự do "Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách". Mị không quan tâm tới sự có mặt của A Sử, không cần biết A Sử hỏi gì "Mị không nói". Có thể nói, đây chính là lúc sức sống trong Mị trỗi dậy mạnh mẽ nhất.

    Nhưng khát vọng của Mị vừa mới trỗi dậy cha kịp thực hiện thì đã bị dập tắt một cách tàn nhẫn, phũ phàng. Người dập tắt khát vọng của Mị không ai khác chính là A Sử. "A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thùng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc vào cột, làm Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa". Trói xong Mị, A Sử tắt đèn, đi ra khép cửa buồng lại. Hành động của A Sử thể hiện rất rõ bản chất tàn nhẫn chà đạp lên khát chính đáng của con người. Nhưng sợi dây trói nghiệt ngã của A Sử chỉ có thể trói buộc được thể xác của Mị chứ không thể trói được tâm hồn Mị. Dù A Sử có thổi tắt ngọn lửa ở đĩa đèn thì cũng không thể thổi tắt được ngọn lửa khát vọng đang bừng sáng trong tâm hồn Mị. Mị vẫn cứ đang dạt dào với khát vọng tự do. Mị như không biết mình đang bị trói, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi và "Mị vùng bước đi". Nhưng rồi sợi dây trói kia càng thít chặt hơn, nó cắt cứa vào da thịt Mị làm Mị đau đớn, kéo Mị về với thực tế cuộc sống mà Mị đang phải chịu đựng. "Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa". Cho dù Mị chưa thực hiện được khát vọng của mình vào cái đêm mùa xuân ấy, nhưng đoạn văn đã cho ta thấy niềm tin của tác giả gửi vào nhân vật vào con người. Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến mức nào, con người cũng không mất đi khát vọng sống, khát vọng tự do và hạnh phúc.

    Bằng lối dẫn truyện tự nhiên, nghệ thuật miêu tả tâm lí và phát triển tính cách nhân vật đặc sắc, Tô Hoài đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Mị. Với diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài, là một hình tượng đẹp về người phụ nữ lao động miền núi Tây Bắc, điển hình cho một lớp người phụ nữ từ trong cảnh ngộ nô lệ tối tăm vươn ra ánh sáng tự do. Thông qua nhân vật Mị, nhà văn đã gửi tới người đọc bức thông điệp: Không một thế lực đen tối nào có thể vùi lấp được khát vọng của con người.
     
    LieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...