Đất nước Việt Nam nổi danh với thế giới không chỉ nhờ vào phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, con người thân thiện hay các dịch vụ công cộng giá rẻ mà còn là sự đa dạng trong ẩm thực. Qua bài viết này, mình xin giới thiệu với các bạn một số món ăn tiêu biểu trong ẩm thực ba miền: Bắc, Trung, Nam. Từ đó, các bạn có thể tự mình thưởng thức và giới thiệu với bạn bè khắp thế giới nhé! Ẩm thực miền Bắc Bắc bộ nước ta là nơi tổ tiên định cư lâu đời nên từ món ăn đến cái mặc đều được sàng lọc kĩ càng và trở thành một chuẩn mực nhất định, không dễ gì thay đổi. Người miền Bắc thường chọn những món ăn thanh đạm, nhẹ nhàng, có vị chua nhẹ như: Bún thang, miến xào cua bể, bún chả, chả giò, bánh tôm Hồ Tây, bún ốc, phở Hà Nội, thịt đông, xôi cốm vòng.. Bún thang Hà Nội - Một món ăn xuất hiện trong nền văn hóa ẩm thực của thủ đô trong một thời gian dài. Loại bún này có nguồn gốc từ một loại súp có tên là "thượng thang". Một bát Bún thang chứa không ít hơn hai mươi thành phần. Bao gồm tôm khô, gà, trứng, hành tây, và các loại gia vị khác. Thịt đông ngày Tết - Thoạt nhìn, tô thịt đông trông mộc mạc nhưng lại là nét ẩm thực nổi bật và đầy tinh tế của miền Bắc. Một đặc trưng khác rất Bắc bộ chính là những thức quà bánh. Đây không phải là những món ăn để no nhưng mang lại cho người ta nhiều háo hức, đặc biệt, nó lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp trong tuổi thơ của mỗi người dân xứ Bắc. Bánh cốm - Hình vuông vàmàu xanh của bánh tượng trưng cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đất xanh màu mỡ nên thường được sử dụng trong mùa cưới. Được bọc trong giấy bóng kính và gói vào hộp màu, tương đồng với màu hộp tráp trong phần sính lễ. Mứt (ô mai) sấu - Món ăn vặt hấp dẫn của mọi chị em phụ nữ. Thịt quả giòn ngon, se chắc lại cùng vị gừng thơm dịu cho ta quyến luyến không rời. Vào những ngày lạnh, ô mai sấu gừng là vị thuốc trị ho và giúp giữ ấm họng hữu hiệu. Ẩm thực miền Trung Không giống như người miền Bắc, món ăn của người miền Trung sử dụng nhiều vị cay nhưng độ ngọt lại ít hơn ở miền Nam, cùng với đó là sự phối trộn màu sắc phong phú, rực rỡ, thiên về màu đỏ và nâu sậm. Bún bò Huế - Tại Huế, món này được gọi đơn giản là "bún bò". Các địa phương khác gọi là "bún bò Huế" để chỉ xuất xứ của món ăn. Nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng. Đôi khi tô bún còn được thêm vào thịt bò tái, chả bò và các loại nguyên liệu khác tùy theo sở thích của người nấu. Mì Quảng - Một món ăn đặc trưng và phổ biến bậc nhất ở Quảng Nam. Không một khu phố, làng mạc, chợ búa, ngóc ngách nào ở đây là không bán mì Quảng. Mì Quảng là món ăn bình dân nhất, dễ nấu bậc nhất; bởi nó được xem là món ăn thích nghi với mọi hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Nhắc đến ẩm thực miền Trung thì không thể không nhắc đến nét ẩm thực duyên dáng của người Huế, từ món ăn dành cho người bình dân hay vua chúa đều sử dụng nhiều gia vị, đặc biệt là vị chua và cay như ở trong mắm cà, mắm tôm.. Bánh bèo - Tên gọi của bánh có thể xuất phát từ hình dạng trông giống như lá bèo của nó. Tuy nhiên, cũng có một cách giải thích khác rằng vì những chiếc bánh bèo nhỏ xinh thật bình dị, dân dã nên người ta đặt cho nó cái tên "bèo" có nghĩa là đơn giản, dân dã. Bánh hỏi heo quay - Nếu thiếu đi những thành phần đặc biệt như gạo, cách pha chế bí mật của nước chấm hay cách trang trí và món ăn kèm theo thì bạn sẽ chẳng bao giờ tạo được món ngon tròn vị. Do đó, bất cứ ai đã từng thưởng thức món ăn này một lần thì sẽ nhớ mãi mùi vị ngọt thơm của sợi bánh, vị the hắt của hẹ, vị béo của lòng heo và vị chua chua ngọt ngọt của nước mắm chanh không thôi! Có thể kể ra các món đặc trưng của người miền Trung như: Bún bò Huế, bánh bèo, bánh xèo, bánh đập, chả ram, bún cá, bánh tráng cuốn thịt heo, mì Quảng, cao lầu, bánh bột lọc.. Ở mỗi địa phương lại có những đặc sản mang đậm bản sắc phong phú và hương vị của từng nơi. Vì thế nên đặc sản miền Trung cũng nhiều vô kể. Ẩm thực miền Nam Tất cả các món ăn trong ẩm thực của người Nam bộ đều mang phong cách của vùng sông nước phương Nam vốn rất hoang dã, hào phóng. Chỉ với những nguyên liệu đơn sơ, bình dị là những con người nơi đây đã có thể tạo nên những nét đặc trưng riêng biệt cho các món ăn của vùng đất này rồi. Cơm tấm - Là một trong những món ăn sáng được ưa chuộng nhất của người miền Nam, nhất là Sài Gòn. Gỏi cuốn - Một món ăn ngon, bổ, rẻ, dễ thưởng thức và thực hiện. Chẳng tốn nhiều thời gian, chẳng cần một nơi sang trọng, chẳng phải tốn công tìm kiếm hay đắn đo về giá cả bạn đều có thể thưởng thức được món gỏi cuốn hấp dẫn. Không giống như ẩm thực miền Bắc và miền Trung, ẩm thực Miền Nam rất đa dạng, biến hóa khôn lường với vị ngọt, cay, béo rất đặc trưng. Ẩm thực miền Nam mang nét giản dị, dân dã mà vô cùng đa dạng. Món ngon miền Nam thường được nêm đường hoặc mang vị ngọt của các loại rau củ và vị béo do sử dụng nước dừa. Chỉ cần những nguyên liệu đơn sơ, bình dị là có thể tạo nên một phong thái riêng cho các món ăn của vùng đất này. Bánh chuối nếp nướng - Món chuối bọc nếp nướng có lớp vỏ nếp bên ngoài dai dai, giòn giòn, quả chuối bên trong mềm ngọt, thêm nước cốt dừa beo béo, thơm thơm thật hấp dẫn. Bánh ướt ngọt nhân đậu xanh - Vỏ bánh dai mềm với vị thơm của vừng, phần nhân ngọt đậu xanh, dừa làm bánh thêm ngày, đậm vị. Món ăn này được xem là một trong những loại bánh đậm chất nhất miền Tây . Không chỉ dân dã, còn ngọt ngào, đậm đà như chính tình người nơi đây vậy. Ngoài ra, những món ăn Nam Bộ đã góp phần làm nên sự phong phú của ẩm thực Việt Nam không thể không kể đến như: Gỏi cuốn tôm thịt, hủ tiếu Nam Vang, cá lóc nướng chui, lẩu mắm, lẩu cá kèo, cơm tấm.. Mặc dù mỗi miền có những đặc điểm khác nhau, nhưng vẫn có những điểm tương đồng, thể hiện qua nguyên tắc chế biến như nước dùng, cơ cấu bữa ăn, gia vị hỗn hợp, rau phong phú, các loại nước chấm chế biến đa dạng phù hợp với món ăn. Không chỉ người Việt mà còn có nhiều người đặc biệt là người nước ngoài đều rất yêu thích văn hóa ẩm thực của Việt Nam mình.