Địa Ngục Trần Gian - Nhà Tù Phú Quốc

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi MD0210, 4 Tháng mười hai 2021.

  1. MD0210 Một anh chàng HDVDL-Trẻ tuổi-Năng động

    Bài viết:
    28
    Di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc (còn có tên gọi khác: Địa điểm Nhà tù Phú Quốc, Trại giam tù binh Phú Quốc, Nhà tù Phú Quốc, Nhà lao Cây Dừa) nằm trên địa bàn thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

    [​IMG]

    Theo nhiều nguồn thì từ Thời Pháp thuộc: Từ năm 1941 - 1944, thực dân Pháp đã đưa tù nhân ra đảo Phú Quốc thiết lập 3 trại tù, giam cầm khoảng 1.000 người và sau đó giải thể. Tháng 6/1953, Pháp tái lập Trại giam tù binh Căng Cây Dừa (còn gọi là Trại giam Cây Dừa) lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, diện tích khoảng 40 ha, giam giữ các chiến sĩ, cán bộ kháng chiến cả ba miền Bắc, Trung, Nam và lúc đông nhất lên đến 14.000 tù binh. Và khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, việc trao trả tù binh được tiến hành, trại giam bị xóa bỏ.

    Đến thời Mỹ - Ngụy: Cuối năm 1955, trên nền Trại giam Cây Dừa - Phú Quốc, Mỹ - Ngụy tiếp tục lập một trại tù với tên gọi Trại Huấn chính Cây Dừa (còn gọi là Nhà lao Cây Dừa) giam giữ gần 1.000 tù binh, tù chính trị và đến tháng 3/1957 thì chấm dứt hoạt động. Năm 1967, chúng xây dựng lại, lấy tên là Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc để giam cầm, đọa đày các chiến sĩ cách mạng với quy mô, số lượng lớn nhất Việt Nam.

    Trại giam Phú Quốc được mệnh danh là "địa ngục trần gian" là bằng chứng về tội ác dã man, tàn bạo với hơn 45 kiểu tra tấn dã man của Mỹ - Ngụy. Trong thời gian tồn tại chưa đầy 6 năm (từ tháng 6/1967 đến tháng 3/1973), địch đã giam giữ 40.000 lượt tù binh, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang, ngoài ra còn có cán bộ dân chính đảng và dân thường. Số lượng tù binh bị nhồi nhét trong các phòng giam lúc cao điểm từ 120 - 180 người; khoảng 4.000 tù binh bị giết hại, hàng chục nghìn người bị thương tật, tàn phế. Bộ máy điều hành, quản lý của địch ở Trại giam Phú Quốc có khoảng 2.000 nhân viên và sỹ quan, gồm cả hải quân, lục quân, không quân.

    Diện tích Trại giam Phú Quốc lên đến 400 hecta, với gần 500 ngôi nhà, chia thành 12 khu, trong đó có 02 khu đôi (mỗi khu có 02 phân khu) và 10 khu (mỗi khu có 04 phân khu gọi là Khu A, B, C, D), mỗi phân khu cách nhau 100m. Phân khu có chiều dài 150m, rộng 50m, gồm 11 ngôi nhà trong đó có 09 phòng giam, kích thước mỗi phòng giam 20m x 5m. Mỗi phân khu đều có chuồng cọp, 04 phân khu có nhà biệt giam. Các nhà giam xây dựng với vách, mái, cửa đều bằng tôn thiếc, nền bằng đất tráng xi măng để tránh tù binh đào hầm vượt ngục. Xung quanh mỗi phân khu là 04 vọng gác canh giữ 24/24 giờ và 10 vọng gác lưu động, đèn chiếu sáng toàn khu trại. Toàn trại được bao bọc bởi dãy kẽm gai dày chằng chịt 7 đến 10 lớp; vùng bao quanh hoàn toàn trống trải tạo thành một vành đai trắng bao bọc, cách ly với bên ngoài. Tuy nhiên, với tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, các tù binh tại Trại giam Phú Quốc đã tổ chức thành công 45 cuộc vượt ngục dưới nhiều hình thức: Vượt rào, đánh lính áp giải khi ra ngoài làm việc khổ sai, đào hầm ngầm..

    Những hình thức tra tấn tàn bạo nơi đây, phải kể đến:


    Chuồng cọp kẽm gai: Chuồng cọp gồm hai khu, mỗi khu 2 dãy, mỗi dãy 20 chuồng. Phía trên chuồng cọp có giàn song sắt, hành lang để gác ngục hành hạ người tù bất kể lúc nào. Ngoài ra, tại đây còn có 60 phòng giam không có mái che được gọi là phòng "phòng tắm nắng" (chia làm 4 dãy, mỗi dãy 15 phòng). Tù nhân vào đây khoảng ba tháng thường là sẽ chết vì bị xiềng chân, bị tra tấn, bị bỏ đói.

    [​IMG]

    Đóng đinh: Chúng dùng những chiếc đinh 3 phân, 7 phân để đóng vào ngón tay, các khớp xương cổ, đầu gối.. để tra tấn. Sau khi bị đóng đinh thì xương của người tù sẽ vỡ vụn ra.

    [​IMG]

    Dùng đèn cao áp để soi vào mắt tù nhân cho nóng đến nổ con ngươi: Những người tù nhân bị đặt nằm trên ghế, sau đó một chiếc đèn cao áp được đặt ngay trên mắt tù nhân. Quản ngục nhà tù ép tù nhân phải mở to mắt và chiếu đèn vào trong thời gian dài, cho đến khi mắt bị chín đến phát nổ con ngươi mắt.

    [​IMG]

    Lộn vỉ sắt: Chúng bắt người tù cởi áo, lộn đầu trên đoạn vỉ sắt dài, đầy các mấu sắt mắc vào nhau. Sau vài lần lật là lưng người tù sẽ chảy máu, tróc da..

    [​IMG]

    Cho vào thùng bằng sắc (phuy) chứa đầy nước: Một tên quản ngục nhà tù ấn đầu tù nhân xuống cho ngập nước, tên kia dùng búa gõ mạnh vào thùng phuy, khiến nhiều tù nhân vỡ tai, sặc nước tới chết.

    [​IMG]

    Đục răng: Là một trong những màn tra tấn được coi là nhẹ nhất trong 24 ngón đòn được nghĩ ra để tra tấn các tù nhân nhà tù Phú Quốc. Một chiếc gậy nhỏ được kê vào răng tù nhân, sau đó gõ búa vào đầu gậy. Muốn đục răng hàm trên thì đánh xuống, đục răng hàm dưới thì đánh lên.

    [​IMG]

    Luộc sống tù nhân: Một hình thức tra tấn man rợ khác, tưởng như chỉ có từ thời Trung Cổ, là luộc sống các tù nhân. Các quản tù của nhà tù bỏ tù nhân vào bao tải, sau đó bỏ lên chảo nước đang sôi sùng sục. Nếu ai trong chúng ta từng bị bỏng nước sôi sẽ biết rằng vị trí bỏng trở nên vô cùng đau và rát, dù chỉ là một phần cơ thể rất nhỏ.

    [​IMG]

    Và còn rất nhiều hình thức tra tấn man rợ khác..

    Mặc dù hôm nay chiến tranh đã đi qua, quá khứ đầy đau thương mất mác đã khép lại nhưng trong lòng những chiến sĩ cách mạng còn sống sót ngày đó và cả trong những người dân chúng ta vẫn còn nỗi ám ảnh, sợ hãi về sự tàn bạo của bọn thực dân và đế quốc. Nhưng qua đó, chúng ta lại càng thêm khâm phục, cảm động trước ý chí kiên cường bất khuất của các chiến sĩ cách mạng, các anh hùng dân tộc.

    Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, Di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ).

    Nguồn: Cục di sản văn hóa, báo Tri thức và Cuộc sống


    Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết.
     
    Tiểu mèo conTường Thiên Dy thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng mười hai 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...