"Đi trong hương tràm" của tác giả Hoài Vũ là một trong những bài thơ đi cùng năm tháng. Với giọng điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, bài thơ bộc bạch cảm xúc của nhân vật trữ tình - người con trai với nỗi nhớ "em" da diết. Mỗi lần "đi trong hương tràm" là mỗi lần hình bóng "em" lại ùa về trong nỗi nhớ của "anh". Bởi hương tràm luôn gắn bó với "em", nên nhìn cảnh lại nhớ đến người. Và dù "em" có xa "anh" vời vợi, nhưng chỉ cần một thoáng hương tràm cũng đủ để "ta bên nhau". Nỗi nhớ, tình yêu đã gắn kết những tâm hồn xa cách. Hương tràm, hoa tràm, lá tràm, bóng tràm.. chính là nhịp cầu nối những yêu thương. Bài thơ sau này được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Đi trong hương tràm Tác giả: Hoài Vũ (Phổ nhạc: Thuận Yến) Em gửi gì trong gió trong mây Ðể sáng nay lên Vàm Cỏ Tây Hoa tràm e ấp trong vòm lá Mà khắp nơi mây hương toả bay! Dù đi đâu dù xa cách bao lâu Dù gió mây kia đổi hướng thay mầu Dù trái tim em không trao anh nữa Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu Có nỗi thương đau có niềm hy vọng Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng Hương tràm bên anh, mà em đi đâu? Dù đi đâu và xa cách bao lâu Anh vẫn có bóng em giữa bóng tràm bát ngát Anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh mát Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao... (1983)
Tình yêu lứa đôi thường được con người cảm nhận gắn liền với những hình ảnh thân thuộc của quê hương: Giếng nước, gốc đa, bờ tre, rặng dừa.. Có thể tình yêu không trọn vẹn, người bên ta thuở nào mãi mãi cách xa, nhưng khi những cảnh vật thân thương từng là không gian của đôi lứa ấy bất chợt xuất hiện trong tầm mắt, bất chợt ùa về một mùi hương là cả một vùng hoài niệm lại sống dậy. Cũng như trong bài thơ trên, hình tượng "tràm" (hương tràm, hoa tràm, bóng tràm, lá tràm ) luôn gắn bó với nỗi nhớ em của nhân vật trữ tình. Bởi hình tượng tràm phải chăng đã từng gắn với kỉ niệm riêng về tình yêu của nhân vật trữ tình và người "em" trong bài thơ. Nên khi vắng em, khi em không còn bên anh nữa, tình em không trao anh nữa thì kí ức và nỗi nhớ ùa về nhức nhói trái tim anh.
Mỗi khổ thơ thể hiện một trạng thái cảm xúc của nhân vật trữ tình: Khổ thơ thứ nhất là nỗi niềm bâng khuâng của "anh" khi đối diện với rừng tràm bạt ngàn và mùi hương tràm tỏa ngát khắp trời mây. Trong cảm nhận của anh, hương tràm chính là hình bóng, là tình yêu, là niềm thương nỗi nhớ.. của em gửi lại, tỏa bay, vẫn vít, ngất ngây, nồng nàn. Khổ thơ thứ hai, đặt trong phép điệp, phép tương phản, hương tràm đã trở thành cây cầu kì diệu vượt thời gian (xa cách bao lâu ), vượt không gian (đi đâu ), vượt thực tếvà sự thay đổi của cuộc đời (gió mây đổi hướng thay màu, trái tim em không trao anh ) - để nối xa thành gần, biến đổi thay, phai bạc thành gắn kết. Em và anh trở thành ta trong mối chung tình bền chặt. Khổ thơ thứ ba, giọng thơ trở nên khắc khoải, buồn da diết bởi hương tràm gợi nhắc trong lòng anh nỗi trống vắng cô đơn, sự chông chênh không biết tựa vào đâu khi "Hương tràm bên anh còn em đi đâu". Những hình ảnh thiên nhiên kì vĩ, mênh mông của "gió thổi rất sâu", "bầu trời cao", "cánh đồng rộng" càng khiến cảm giác về sự chông chênh trống vắng trong lòng anh nhân lên gấp bội. Ai chẳng thấy cô đơn khi một mình đối diện với sự bát ngát của mây trời, bất tận của thiên nhiên? Nhất là khi không gian ấy đã từng là nơi anh và em có biết bao kỉ niệm, giờ đây chỉ còn mình anh cô lẻ. Khổ thơ thứ tư tiếp tục phát huy hiệu quả của phép điệp và đối lập tương phản để khẳng định tình yêu sâu đậm của anh dành cho em, dù thế nào cũng vẫn hướng về em. Đồng thời khẳng định tình em thủy chung gửi trong hương tràm, bóng tràm, lá tràm để tỏa bay, vấn vít mãi bên anh, để dù xa cách, anh vẫn thấy, vẫn có, vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao .