Đi trên đường Hà Nội Thể loại: Tùy bút Tác giả: Đỗ Chu ** Những chiều đông Hà Nội ngồi bên vỉa hè uống chén trà nóng ngắm rặng bàng khô khẳng trút lá, thử hình dung mùa đông Hà Nội 1946. Nghe nói dạo đó rét cắt da cắt thịt, vài cụ già thì thào trời đất này không khéo loạn to, ngoài cánh đồng mạ chết cá nổi, vừa qua đận đói giờ lại đến mùa màng khô héo. Vào một chiều như thế bác sĩ Nguyễn Văn Luyện - nhà trí thức yêu nước nổi tiếng sang trọng đất Hà Thành đột ngột đến nhà một người bạn trong cái ngõ vắng thưa thớt người qua lại. Ông đi một mình như mọi bận nhưng lần này là để tiến hành một việc trọng đại. Nghĩa là ông tự đi hỏi vợ cho thằng con trai duy nhất, mẹ nó chả còn, từ nhiều năm nay ông sa vào cảnh gà trống nuôi con. Bên nhà bạn cũng hiếm hoi chỉ có một cô con gái. Hai ông cùng học thuở còn ở Trường Bưởi, xong hệ tú tài một ông vào trường thuốc Hà Nội, một ông qua Paris vào ngành khí tượng - thủy văn, tốt nghiệp về nước làm ở đài Phủ Liễn Kiến An. Đầu năm này xảy ra vụ Nhật - Pháp bắn nhau thế là ông chán bỏ về nằm nhà, nói đùa với các bạn moa từ nay thành thằng kỹ sư thất nghiệp, ăn hại vợ con mất rồi, thời tiết nhìn chung không lấy gì làm đẹp. Hôm đó họ ngồi với nhau nói chuyện được một lúc thì ông kỹ sư đứng dậy gọi bà vợ xuống, một lúc sau bà đứng dậy gọi cô con gái xuống. Cô con gái hôm ấy mặc áo dài lụa màu nâu nhã. Thoáng trông thấy bóng cô ông bác sĩ cười bằng một nụ cười ấm sáng như thể ông đã để dành nó từ bao năm tháng. Bác đã muốn sang nói chuyện này từ lâu mà nay mới có dịp. Hoàng nhà bác bỏ Trường Y ra nhập Vệ quốc đoàn mấy tháng nay rồi, giờ nó đứng bảo vệ Bắc Bộ Phủ. Tình hình nước nhà lúc này đang rất khó, đã có lệnh cho đồng bào tản cư, một chốc nữa bác phải xuống dưới Bạch Mai đốc thúc chuyển bệnh viện ra ngoài. Bởi thế bác tính nên qua bên này sớm, trước là để thưa chuyện với hai bác sau là với cháu. Cả hai bên đều muốn chúng mày nên vợ nên chồng, bất luận thời thế chuyển vần ra sao hai đứa vẫn phải tựa lưng vào nhau mà cùng lo liệu, chúng tôi đều già rồi, anh chị còn trẻ, cứng cáp lên. Thế là lễ chạm ngõ kết thúc. Chiều mai sẽ là lễ ăn hỏi. Sự thực cũng không ăn uống gì và cũng chẳng cần hỏi han gì nữa. Hôm sau đoàn nhà giai vẫn chỉ có bác sĩ Luyện đi trước, theo sau là anh con trai vốn sinh viên năm thứ hai giờ áo trấn thủ mũ ca-lô đính sao vàng, đôi giày cao cổ lộp cộp và một chiếc ba lô trên vai. Trong ba lô là ít hoa quả, mứt sen, bánh cốm, mươi bao thuốc lá, mươi gói trà bọc giấy đỏ. Mà hóa ra kịp tìm trầu cau. Đơn sơ đến cảm động. Bà kỹ sư mang mâm gỗ ra xếp mọi thứ để con rể bưng lên bàn thờ thắp hương tổ tiên. Cô dâu, chú rể nấp sau lưng mẹ tay chắp trước ngực sì sụp lạy bái theo sự hướng dẫn của bà, cũng là lần đầu trong đời họ quỳ trên một chiếc chiếu điều vùng Kim Sơn. Trước lúc ra về, ông Luyện đứng lên giao hẹn xin được đón dâu ngày một ngày hai, hai nhà đều thấy không cần phải làm đám cưới linh đình vào lúc này. Hình như đây là những ngày gấp gáp với họ. Anh con rể ngồi lại nói chuyện với bố vợ, họ dùng tiếng Pháp, đã thành một thói quen nghề nghiệp ông bao giờ cũng bắt đầu vào chuyện bằng một câu ngắn gọn đẹp trời, c'est il fait beau temps. Đợi ông nói một lúc lâu cho đã, bà mới giục lên gác để hai con còn bàn chuyện riêng. Thoạt đầu cô bối rối, lí nhí trả lời, sau dạn dần đối đáp trôi chảy. Đã thấy có tiếng cười khúc khích trong câu chuyện của họ. Tuy hai nhà là chỗ đi lại nhưng lâu nay mỗi khi gặp nhau ngoài đường họ vẫn chỉ dùng mấy lời thăm hỏi vừa đủ, thành vợ thành chồng cô bỗng có một cảm giác bàng hoàng, cô thấy anh gần gụi quá, người dễ mến dễ tin vậy mà sao cô không sớm nhận ra. Khuya. Họ nép mình bên nhau cùng đi về nơi anh đóng quân, vừa đi vừa đứng, chỉ vài con phố dăm bước chân mà tảng sáng mới chia tay. Thấp thoáng sau màn sương trắng đục, dưới những vòm cây, bóng các chiến sĩ ta chuyển động. Một ngày căng thẳng nữa lại đến. * * Thêm một chiều anh về xin phép cha mẹ đưa cô đi chơi. Bàn nhau lên mạn hồ Tây nhưng đến chùa Trấn Vũ vừa kịp thấy một mảng nước thì anh em trên ấy cản lại, cho biết từ ban trưa tụi lê dương đã mang xe tăng dàn quân dọc đường Yên Phụ. Anh có sáng kiến, ta sẽ quay về bằng giao thông hào, cũng là muốn cho em đủ mường tượng thế nào là trận địa chiến, thế nào là đánh giáp lá cà, đánh phòng ngự, đánh cầm cự. Giao thông hào xuyên qua đường qua nhà, vòng vo mạng nhện, đục tường khoét ngạch tạo thế liên hoàn. Dọc đường họ gặp những đám đông người vác gươm, người vác dao, vác búa đi lại bên những ụ súng. Có anh chỉ huy đứng chiếu ống nhòm chỉ chỏ tứ tung các hướng. Ngổn ngang là sập gụ tủ chè, cối giã giò, lọ lục bình, máy hát, cổng giả xà dọc xà ngang. Rất nhiều thứ lạ mắt cô không sao đoán nổi ngày thường dùng để làm gì, tất cả được mang ra chồng chất chiến hào. Về đến Hàng Gai đã thấy thấm mệt bảo nhau dừng chân tạm nghỉ. Anh dắt cô chui qua một mảng tường đổ bước vào mảnh sân vắng vẻ có cây dâu lớn cành lá xanh um. Vừa ngồi xuống ông chủ nhà ở đâu hiện về, ngực mang một chiếc máy ảnh có ống têlê. Với phong độ nghệ sĩ ông bảo hai người ngồi nhích lại gần cây dâu để ông cho một kiểu ảnh kỷ niệm. Chụp xong ông mở sổ tay xin địa chỉ phòng có lúc mang ảnh đến tặng họ. Anh lấy địa chỉ nhà vợ bảo ông ghi, nghĩ lại cũng thấy lạ lúc ấy sao anh lại không dùng địa chỉ nhà bên ấy. Ông nhiếp ảnh vui chuyện kể quê ông làng Lai Xá, cả làng theo nghề ảnh, nhiều người làm ăn trong Sài Gòn, bên Cao Miên, Ai Lao. Cụ tổ làng lặn lội sang Pháp mang nghề này về từ đầu thế kỷ. Mấy tuần lễ nay ông lang thang khắp thành phố chụp hàng trăm tấm ảnh thời sự định lúc nào đó sẽ có bộ sách ảnh đặt tên cho nó là Nhớ về Hà Nội một mùa đông rực lửa! Anh bàn góp, ý đồ rất hay nhưng cái tên sách dài quá, tôi mơ có một quyển như thế với tên gọi Mùa đông ấy. Chia tay với ông, họ tìm đường đi về hướng Bắc Bộ Phủ. Đến một góc phố lại trông thấy mảng nước xanh, họ rất muốn làm một vòng quanh hồ mà không thể. Đứng nhìn mảng nước ấy anh nói, trên trái đất này rất nhiều thành phố có hồ, hồ của người ta cũng đẹp lắm, lại lớn nhưng với chúng ta thì chỉ có hồ Gươm là thiêng liêng yêu dấu nhất. Bởi nó đã là tấm gương soi lịch sử dân tộc, và nó cũng là tấm gương soi khuôn mặt mỗi người. Đêm ấy chị đứng nhìn theo bóng anh bước vào khoảng sân cỏ rộng sau nhà Bắc Bộ Phủ, dáng anh cao lớn khác thường, những bước đi mềm mại của loài báo gấm. Vào khoảng 9 giờ tối, lúc đó cha đang ngồi dò sóng radio bất ngờ gọi vợ con đến để nghe tiếng Cụ Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cả nhà không ai ngủ nữa, thức chờ cái gì đó. Nửa đêm đèn vụt tắt, thành phố tối đen. Rồi tiếng đại bác từ Pháo Đài Láng bay vù vù vào thành Hà Nội. Những cột lửa bắt đầu cháy lên. Sáng sớm nghe có nhiều tiếng súng mạn Cửa Bắc, Cửa Đông. Cha chạy ra đường nghe ngóng rồi về thông báo, quân ta quân Pháp đang giao chiến trên chợ Đồng Xuân và chợ Hòe Nhai, Hàng Bún. Cũng là còn đang giằng co lâu. Chiến sự nổ khoảng một tuần anh đến xin phép cho vợ chồng được về sống bên nhà vài ngày vì ông Luyện chuẩn bị lên chiến khu, nội đêm nay hoặc đêm mai là có người đón. Lại bước vào ngôi biệt thự trắng trong mảnh vườn có những cây táo sù sì gai và giàn hoa giấy cũng gai. Lại bước từng bước lên cái cầu thang lát gỗ thơm từ những năm tuổi thơ đã được theo cha cho đến đây thăm bác Luyện. Ngồi trong phòng ông đón hai con bằng một nụ cười mà ông vẫn có ý để dành cho chúng. Cô thưa, ba thấy còn cần phải chuẩn bị thêm gì thì để con làm. Cảm ơn con, sẵn sàng cả rồi, hai đứa ngồi xuống đi. Ông ngồi đấy như nhiều năm nay vẫn ngồi, đôi bàn tay rộng đan vào nhau bằng những ngón tay thầy thuốc. Lúc lâu ông xem đồng hồ rồi bảo, hai đứa mang nhau về phòng, quá giờ hẹn rồi, đợi thêm ít phút nữa ba cũng sẽ đi nghỉ. Ông đứng lên bước tới gần khung cửa sổ. Màn sương mung lung, bên ngoài im ắng không người qua lại. Thành phố đang chìm vào một sự yên tĩnh giả dối. Trước mặt ông là một quảng trường rộng, gọi là ngã sáu đường Boulevard Careau, tên một viên tướng Pháp. Nhà ông nằm ở một góc quảng trường, phía bên kia là tòa Thượng Thẩm, nhà ngục Hỏa Lò, một con đường lớn bắt đầu từ cổng trường đại học, xuôi xuống phía dưới là khu Ga Hàng Cỏ. Ông mong đến ngày nước nhà giành độc lập, đại lộ có ngôi nhà của ông sẽ được mang tên một người anh hùng dân tộc mình, như đại lộ Lý Thường Kiệt chẳng hạn. Tảng sáng, ông Luyện gõ cửa giục hai đứa phải dậy nhanh, quanh nhà đang có những kẻ lạ mặt đi lại nom rất khả nghi. Anh còn đang ôm vợ trong lòng, hai đứa ở trần như nhộng, nghe tiếng bố gọi họ hoảng hồn choàng cả dậy. Mặc quần áo xong chạy ra phòng ngoài. Ông Luyện giơ ngón tay chỉ hướng cửa sổ. Anh lom khom nhòm ra. Rồi anh thản nhiên thưa, con đưa nhà con về bên kia sẽ quay lại ngay. Ông nói, đưa em về xong con cũng nên về thẳng đơn vị, ở đây có thế nào một mình ba đối phó được. Con được chỉ huy cho về vài ngày mà ba. Ông gắt, chỉ huy cho phép anh về với tôi nhưng tôi lại cho phép anh về với chỉ huy. Vợ chồng dắt nhau nhảy ra đường, cắm đầu cắm cổ chạy. Tới đầu phố nhà anh ôm chặt chị và dặn, em đi một mình được rồi, anh phải về với ba. Hôm nay rất có thể chúng sẽ nống ra chiếm con đường nhà mình. Nửa thế kỷ nay nó vẫn được gọi là phố Tây mà. Non trưa quả có tiếng tăng bò từ Cửa Nam vào ngã sáu. Súng lớn súng nhỏ loạn xạ, lúc đì đùng lúc lẹt đẹt. Qua chiều ông kỹ sư khí tượng nóng ruột quá mới đánh liều mò lên nghe ngóng xem thử tình hình thế nào. Quay về mặt ông buồn rười rượi, ngồi rũ trong nhà chẳng nói chẳng rằng. Ông kể, bọn chúng vây quanh nhà bác Luyện bắc loa gọi đầu hàng thì sống chống lại thì chết. Thằng quan ba gọi bằng tiếng Pháp. Thằng thông ngôn gọi bằng tiếng Việt. Hàng phố ngồi trong nhà nghe rõ mồn một. Có tiếng súng lục từ trong nhà bắn liền mấy phát trả lời. Bọn Pháp hò nhau lao tới, đứa ném lựu đạn, đứa lia súng. Lúc mấy thằng lom khom leo lên cầu thang có hai phát súng lục bắn ra dọa, chúng phải lùi. Rồi một chốc chúng mang súng máy vào nhà bắn xối xả. Sau đó hò nhau xông lên. Lúc bấy giờ thằng Hoàng rút kíp lựu đạn, hai thằng giặc đổ đè lên xác cha con. Chúng kéo xác họ ra khúc đường sau tòa Thượng Thẩm. Mấy hôm nay tử sĩ chất đống chỗ đó. Hóa ra thằng Hoàng trong tay chỉ có một quả lựu đạn, còn bác Luyện mới là người dùng súng. Lúc ngã súng vẫn còn nằm trong tay chỉ hiềm hết đạn mất rồi. Bà kỹ sư mếu máo, có bảo bác ấy cầm dao thầy thuốc mổ xẻ thì tôi tin chứ bác ấy có để tâm đến súng đạn bao giờ. Ông cứ nghe người đời bịa tạc chứ đã nhìn thấy đâu mà kể như thật. Tôi nói một sự thật, thưa bà. Đấy là từ thằng thông ngôn Việt gian đã kể lại với người bạn tôi vốn là thầy dạy tiếng Pháp của nó. Như thế liệu bà đã chịu tin chưa. Rồi ông đứng dậy làu bàu như chửi đổng, một ngày xấu, c'est il fait mauvais temps. Suốt mấy tháng trời nhà đóng chặt cửa, không khách khứa, không tiếng động, mỗi người một góc. Cô con gái rầu rĩ ngây dại, ông bà kỹ sư lo không khéo con bé này phát điên thì khổ. May mắn con bé đã không điên nhưng nó nhanh chóng hóa thành một góa phụ mười tám tuổi. Thế rồi mấy năm sau ông bà kỹ sư lần lượt qua đời để lại một người con gái nay thành bà cô trông nom nhà cửa thắp hương tổ tiên. Và ngong ngóng chờ đợi một cái gì đó chính cô cũng chưa nghĩ ra, chỉ lờ mờ thấy vậy thôi. Kháng chiến 9 năm kết thúc, Hà Nội giải phóng. Một ngày mùa đông có người đàn ông tìm đến đây gõ cửa, thoạt trông cô đã nhanh chóng vỡ lẽ, chính là mình đang đợi người này, đó là ông chủ hiệu ảnh Hàng Gai, quê làng Lai Xá. Uống xong chén trà, ông mở túi dết mang ra một phong bì rộng trong có tấm ảnh chụp đôi vợ chồng trẻ ngồi bên gốc dâu sân nhà ông hồi nào. Ông từ tốn kể, những năm xa nhà tôi theo bước chân Trung đoàn Thủ đô đi khắp các mặt trận, vẫn nhớ còn mắc nợ vì một lời hứa với anh chị, cũng may vẫn còn kịp. Nghe ông nói thế cô ôm mặt nấc lên, đợi cô lau khô nước mắt ông nói tiếp, mới gặp tôi chưa biết anh ấy là con trai và chị là con dâu bác sĩ Luyện. Vài năm sau có một số người trong Trung đoàn xúm vào xem đống ảnh tôi phơi ngoài đồi cọ vì bị ướt trong lúc vượt sông Đà, họ reo lên, vợ chồng thằng Hoàng chứ còn ai vào đây nữa, sao mà chúng nó đẹp đôi thế! Sau đó các anh ấy đã kể cho tôi nghe sự hy sinh cao cả của bố con ông bác sĩ. Chắc chỉ ít lâu nữa họ sẽ tìm đến thăm chị. Ông phóng viên nhiếp ảnh ra về, cô vội chạy đi kiếm khung kính lồng tấm ảnh vào, đặt lên bàn thờ. Rồi cô chắp tay khấn khứa. Em lồng vào khung tấm hình hai ta, bên gốc dâu buổi ấy đặt lên bàn thờ là để thờ anh, cùng mối tình nặng nghĩa, anh biết, đâu nhất thiết phải đi bước nữa, ngắn ngủi một hạnh phúc vậy thôi cũng đủ lắm rồi, cái em mất lớn đến mức không còn luyến tiếc gì thêm nữa. Trên cõi đời này, ngày lại ngày vui với đàn chim, thầm anh trò chuyện, đã nghe quá nhiều đã thấy quá nhiều và khóc đã quá nhiều, đêm sâu hồn anh lượn bay đậu xuống em nỗi nhớ, gió bấc trời thấp mây đừng nhìn lên, chỉ tin nước mắt. Ngày mai, lại ngồi bên đường tung thóc gọi chim về.. * * * Nhiều lúc thấy như ông trời đang đùa con người ta. Nó khiến ta cười chán, buồn chán rồi sau cùng cũng phải sáng mắt ra. Có những giá trị xã hội tưởng mười mươi phải hết ý, phải là vô giá vậy mà bỗng một hôm ai cũng phải giật mình tự hỏi sao lại thế được nhỉ, sao có thể sa xuống một tình cảnh ma bùn đến vậy. Từ đó ta không thể không ngẫm đến thân phận chính mình, không thể không thấy cần phải biết trân trọng những cách sống ít thèm khát thôi, ít ồn ào thôi và cũng nên ít quan trọng thôi. Suy cho cùng cũng chẳng có gì quan trọng lắm. Trên đời hình như không có hiện hữu nào là bền vững lâu dài, họa chăng chỉ có cái bóng mình để lại, trước hết là để lại với những người thân sau là với đời. Suốt hành trình của mình con người đánh mất, để rơi rất nhiều, chỉ những gì được nó mang trong lòng là còn mãi. Tấm lòng đến với tấm lòng, trọn đời gìn giữ, truyền kiếp gìn giữ, đấy là một sự thật hoàn toàn có thể có một khi nó muốn. Trong cõi vô cùng của tạo hóa, sinh hoại vốn là lẽ thường tình, có bao nhiêu cách sinh thì có ngần ấy cách hóa. Nhà Phật nói tứ sinh tứ hóa. Ẩm sinh là khuẩn mốc từ ẩm ướt mà ra, khỏa sinh là cái cây để lại hạt, noãn sinh là con gà con chim con rắn đẻ trứng, thai sinh là cách sinh của trâu bò chó lợn và người. Tất cả vẫn đang không ngừng biến hiện, tất cả vẫn đang có, từ cái nọ nhòa vào cái kia chứ chẳng phải đã biến mất. Ta nói chung đó là sự sống bất diệt. Trong sự biến diễn liên miên ấy của muôn loài chỉ riêng con người khi biến đi vẫn còn để lại bóng mình. Có điều, nếu cái bóng ấy mang một vẻ đẹp toàn bích thì chắc chắn sẽ bền lâu, sẽ hóa thành nỗi nhớ, là cái chết mọc cánh. Mà đó mới thật là của nả giàu có vô giá để lại cho mai sau, mãi mãi sống động trong tâm thức mọi người. Không gì nghèo nàn và đáng thương bằng một đám đông chỉ quen sống nhộn nhạo với một tâm thức thô lậu đến tội nghiệp, chẳng khác nào một cánh đồng hoang dần biến thành những tầng vỉa đá ong sống ngáp mòn mỏi. Trong cách nhìn của nhà địa chất, nhà nông học thì đấy là một vùng đất đã bị bào nạo cho tới cằn cỗi, đang ở trong quá trình latêrít hóa đáng lo ngại. Không thể nào nói khác được, đây chính là sự tha hóa nguyên khí nước nhà. Đi trên đường Hà Nội hôm nay một ngày là một ngày được lặng lẽ đồng hành với những năm tháng xa xăm tràn ngập tinh thần thuần Việt. Nhận ra điều đó ta chỉ còn biết nghẹn ngào thầm nói một lời tạ ơn, tự nhủ mình phải gắng lên sao cho xứng đáng với người đã khuất và để không phải thẹn thùng với con cháu. Sự không biết xấu hổ rất dễ trở thành căn bệnh tệ hại, nó có thể hủy hoại, làm hoen gỉ sức sống một dân tộc và cũng chỉ có thể chiến thắng nó bằng sức mạnh lấy từ chính niềm tự hào và tự trọng dân tộc. Vào những lúc không mấy dễ dàng, tôi thường tìm đến một câu dân ca miền Trung sao mà cứng cỏi. Một quả trứng ung, hai quả trứng ung, ba quả trứng ung, bốn quả trứng ung, năm quả trứng ung, sáu quả trứng ung, bảy quả trứng ung, một con diều tha, một con quạ bắt, con mắt cắt xơi, đừng than phận khó ai ơi, còn da lông mọc còn chồi nảy hoa.. Và tôi càng thêm thương yêu một Hà Nội lấm láp, càng thêm tin một Hà Nội điềm nhiên, mỗi ngày tôi tìm trong từng bước đi của nó một danh dự đất nước. Mất gì cũng là mất nhưng đến mất danh dự mới là mất hết. Sớm xuân, một nhành mai ngày mới. (Hà Nội, tháng Giêng 2013, Đỗ Chu) ** Đôi nét giới thiệu: Đỗ Chu là nhà văn thành công trong thể loại truyện ngắn và tùy bút văn học với những tác phẩm đã đi vào lòng bạn đọc nhiều thế hệ. Phần lớn tác phẩm của ông đều lấy đề tài từ các làng quê, đạo lý của con người và phong tục tập quán dân tộc.. Đỗ Chu nổi tiếng hầu như suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ. Về mảng tuỳ bút ở Việt Nam, tài năng của ông được đánh giá là chỉ sau Nguyễn Tuân. Trong đó, Đi trên đường Hà Nội là một trong những tác phẩm văn học đặc sắc cả về nội dung và nghệ thuật.