Tự Truyện Đi Qua Những Thiên Tai, Bệnh Dịch - Mây Xa

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Mây xa, 9 Tháng năm 2020.

  1. Mây xa

    Bài viết:
    43
    [​IMG]

    Đi Qua Những Thiên Tai, Bệnh Dịch

    Tác giả: Mây Xa

    Thể loại: Truyện ngắn​

    [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Của Mây Xa

    Tôi gặp Phủ Lào trong buổi chợ phiên chủ nhật. Trên lưng anh gùi một cuộn bạt màu xanh. Anh đứng trước cửa hàng tạp hóa, cầm lên bỏ xuống vài món đồ như còn đang cân nhắc, phân vân. Cuối cùng, anh chỉ lựa chọn vài gói muối, một túi cá khô và một gói kẹo trái cây đủ sắc màu. Chốc lát, anh lại đưa mắt sang nhìn một lượt xung quanh, đưa tay kéo lại chiếc khẩu trang đeo trên mặt. Giường như anh ấy đang e sợ điều gì.

    - Anh Phủ Lào đi chợ đấy à? - Tôi bước lại gần anh hỏi chuyện.

    Phủ Lào đột ngột lùi về sau một bước chân. Nhận ra tôi, anh mới tỏ vẻ ngượng ngùng:

    - Cô giáo à? Tôi đi mua cái bạt về che tạm lại cái nhà tôi đấy!

    Tôi biết chứ! Sau trận mưa đá và lũ quét kinh hoàng hai ngày trước, mấy chục nóc nhà bản Ma Can đã bị phá vỡ tan tành. Ngôi nhà nhỏ chênh vênh cuối bản của Phủ Lào cũng không còn tấm ngói nào nguyên vẹn.

    Tôi nuốt xuống những xót xa, nghẹn ngào đang cuộn lên trong lồng ngực, chọn một câu nói thật giản đơn để động viên anh:

    - Anh cố gắng khắc phục nhé, mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua thôi! Còn để San Mẩy yên tâm đi học chứ!

    - Ôi! Nhà bọn tôi đã bị hỏng cả rồi. Nương ngô cũng trôi đi mất. Lại còn có cái con cô vi gì làm chết người đấy nữa, sợ lắm. Trẻ con không dám ra khỏi bản đâu!

    Phủ Lào vừa e dè nhìn ngó xung quanh, vừa liên tục kéo lại chiếc khẩu trang trên mặt. Tôi hiểu rồi, anh sợ con "cô vi".

    Chúng tôi bắt tay vào công việc chuẩn bị đón học sinh trở lại trường sau kì nghỉ dịch Covid - 19 dài ngày. Sau mấy ngày lao động vệ sinh, phun thuốc khử trùng và chuẩn bị nơi ăn chốn ngủ cho các em chu đáo, chúng tôi chia nhau lặn lội vào từng bản vận động các em trở lại trường.

    Tôi cùng với thầy Công và cô Thu nhận nhiệm vụ vận động các em học sinh bản Ma Can. Đây là bản xa nhất, cách trung tâm trường hơn mười sáu ki - lô - mét đường rừng. Với vóc người nhỏ bé và đôi chân dài khiêm tốn như tôi, phải mất tới gần năm tiếng đồng hồ đi bộ mới vào đến bản. Vì vậy, ba anh em quyết định lên đường từ sáng sớm.

    Chúng tôi men theo những lối mòn bên sườn đồi đã bị cơn mưa lũ đầu mùa gặm vào nham nhở. Có chỗ chỉ còn đủ đặt một bàn chân vào rồi bước vọt qua. Cũng có chỗ đã sạt mất hẳn cả lối mòn, chúng tôi đành mở lối đi vòng lên bên trên đồi dốc.

    Sau hơn ba tiếng đồng hồ quanh co theo khắp các triền đồi, chúng tôi cũng dừng chân trước dòng suối Ma Can.

    Chiếc cầu được làm từ những thân tre bắc qua dòng suối không còn nữa. Nó đã bị dòng nước lũ cuốn trôi. Vạt ngô cùng với một lán ruộng phía bên kia cũng đã bị vùi lấp trong đất đá. Mấy cây chuối đứng gục đầu như những con bù nhìn tả tơi buồn bã. Nước suối đã trở nên ngầu đục, không còn nhìn được những tảng đá ngổn ngang. Ba chúng tôi dò dẫm lội qua suối. Sang đến bên kia bờ, tôi và Thu cũng ướt đến thắt lưng.

    Anh Công nhìn hai chúng tôi, cười bảo:

    - Cố lên! Sắp vào đến bản rồi!

    - Em biết! Sắp vào đến bản rồi. Chỉ còn khoảng hơn một tiếng đồng hồ leo dốc nữa thôi! - Thu vừa thở hổn hển vừa cười với anh Công.

    Tôi cũng cố với theo cầu khẩn:

    - Đoạn này anh chị vừa đi vừa nghỉ chờ em với nhé, em leo dốc hơi bị kém, hì hì!

    - Cố lên! - Anh Công vẫn không ngừng khích lệ.

    Cuối cùng, những nếp nhà đầu bản cũng hiện ra trước mắt chúng tôi.

    Ba chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau, nỗi thương cảm dâng đầy trong đáy mắt.

    Thương quá! Đồng bào tôi!

    Những tấm ngói bro vụn vỡ dưới sân nhà. Một vài tấm bạt được phủ vội lên nóc nhà để che mưa, che nắng. Trong nhà, đồ đạc còn ngổn ngang đổ vỡ. Một vài bao thóc đã ngấm nước chuyển màu nâu thẫm lại. Mấy cậu bé mình trần đang tần ngần nhặt nhạnh những quả mận tam hoa rụng vương vãi dưới vườn. Thấy chúng tôi chết lặng đứng nhìn, mẹ của chúng mới thở dài lên tiếng:

    - Quần áo bị ướt hết rồi. Chăn màn cũng vậy. Tôi giặt phơi mấy ngày rồi mà trời có nắng đâu!

    Chúng tôi ngậm ngùi giúp chị ấy vắt nước và đem hong mấy cái chăn ướt sũng rồi mới tiếp tục đi vào trong bản.

    Chẳng ai nói với ai câu nào nữa. Trước mắt chúng tôi đâu đâu cũng là những nóc nhà bị phá vỡ hoang tàn. Tôi nhận ra cảnh vật bỗng nhòe đi. Nhìn sang Thu, tôi thấy trên khuôn mặt chị ấy cũng lăn dài hai hàng nước mắt.

    Bệnh dịch vẫn đang hoành hành khắp chốn. Thiên tai thì bỗng ụp xuống trên đầu. Bảo sao, đồng bào ta cần cù chăm chỉ thế mà mãi vẫn cứ nghèo, cứ khổ!

    Chúng tôi tìm gặp anh Sài Hộ, trưởng bản Ma Can. Mấy tháng không gặp, tôi nhận ra anh già đi trông thấy. Trên gương mặt anh lộ rõ bao nỗi buồn lo. Chúng tôi thăm hỏi tình hình bà con trong bản, rồi nhờ anh thông báo trên loa phát thanh của bản về việc học sinh trở lại trường đi học tuần sau. Sài Hộ trầm ngâm gật đầu nhưng đôi mắt anh vẫn lo lắng không thôi:

    - Nhiều người đã đưa con lên nương trồng lại ngô rồi. Với lại, chúng nó bảo là sợ con vi rút cô vi, cô vít chết người đó lắm. Chắc là các thầy cô sẽ còn vất vả nhiều lắm đấy!

    Sài Hộ đã nói ra điều mà chúng tôi vẫn canh cánh ở trong lòng.

    Chúng tôi tìm đến ngôi nhà cuối bản của Phủ Lào. Ở đây, chúng tôi gặp được năm bảy phụ huynh của học sinh mình đang giúp Phủ Lào che lại bạt trên nóc nhà đã vỡ. Mấy học sinh nhìn thấy thầy cô giáo, mừng rỡ chen nhau chạy ra chào. Anh Công chuyển cho tôi chiếc balo to nặng trên vai anh. Tôi và Thu lấy gói kẹo ra chia cho mỗi em vài chiếc. Chúng rối rít cảm ơn, nhưng hình như vẫn còn điều gì muốn hỏi mà không dám nói.

    - Tuần sau các em được đi học lại rồi, có vui không? - Tôi hỏi.

    Những tiếng nói cười tíu tít bỗng ngừng bặt lại. Trên gương mặt trẻ thơ của các em phủ nhẹ một nỗi buồn khiến chúng tôi thấy nghèn nghẹn nơi lồng ngực. Tôi lúng túng chưa biết phải làm sao thì Phủ Lào từ trên mái nhà nói vọng xuống:

    - Đi học à? Sợ bị lây bệnh lắm cô giáo ạ!

    Các phụ huynh khác cũng nói theo:

    - Đúng rồi đấy! Thôi cứ để cho bọn trẻ con ở lại bản thôi!

    - Không đi học thì không chết được đâu. Đi học lại bị cái vi rút cô vi kia nó làm chết thì sợ lắm!

    - Nó cũng phải lên nương trồng ngô trồng lúa với bố mẹ thôi, không có cái ăn thì sống làm sao được!

    Cứ như thế, mỗi người một câu, các phụ huynh bày tỏ nỗi lo lắng về dịch bệnh Covid -19, về nỗi lo cơm áo do thiệt hại bởi thiên tai và không an tâm để con em mình đi học.

    Mấy học sinh dõi theo câu chuyện của thầy cô và bố mẹ. Trên gương mặt len lỏi một chút niềm hi vọng rồi lại nhìn nhau buồn bã. Tôi đến vỗ nhẹ lên vai chúng, tỏ ý an ủi các em nhưng chính tôi lại cảm thấy rối bời. Anh Công trầm ngâm rít một điếu thuốc lào. Còn Thu đã chạy vào bếp giúp vợ Phủ Lào nhặt rau. Những cọng rau dập nát còn sót lại sau mưa đá. Hôm ấy, chúng tôi ở lại nhà Phủ Lào ăn tối với mọi người, góp thêm chút thức ăn chúng tôi đã chuẩn bị mang theo từ trước.

    Tối hôm ấy, Sài Hộ giúp chúng tôi thông báo trên loa gọi bà con đến họp. Vì đang còn dịch bệnh, chưa ai đi làm thuê được nên buổi họp đông đủ mọi người. May mắn thay, tối đó trời tạnh ráo. Mọi người tập trung cả ở ngoài khoảng sân nhà Sài Hộ. Chúng tôi hướng dẫn bà con đeo khẩu trang và giữ đúng khoảng cách theo quy định.

    Đầu tiên, tôi phổ biến tới bà con diễn biến tình hình hiện nay của dịch bệnh Covid – 19 ở nước ta. Tôi cố gắng nhấn mạnh cho bà con hiểu rằng về cơ bản, dịch bệnh đã được kiểm soát và không còn lây nhiễm trong cộng đồng nữa. Các cấp, các ngành đã xem xét tình hình rất kĩ lưỡng mới quyết định cho học sinh đi học trở lại. Khi ở trường các em cũng được hướng dẫn thực hiện cách phòng tránh dịch bệnh đúng quy định nên các bậc phụ huynh hãy an tâm cho con trở lại trường. Ban đầu, nhiều người còn tỏ vẻ hồ nghi, lo lắng. Lúc lâu sau, những gương mặt căng thẳng mới từ từ giãn dần ra. Nhìn đám đông trước mặt gật gù tỏ vẻ đã hiểu ra, chúng tôi thầm thở phào nhẹ nhõm.

    Sau đó, chị Thu hướng dẫn bà con các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe.

    Anh Công nhanh nhảu đưa tặng bà con những chiếc khẩu trang vải mà nhà trường đã tổ chức cho các giáo viên may. Rồi anh chia kẹo cho mấy đứa bé vẫn đứng nép bên cột hiên chăm chú nghe cô Thu hướng dẫn.

    Khuya về, bản làng im lìm chìm trong màn đêm dày đặc. Tiếng suối chảy vọng lại ào ào như dọa dẫm nhưng chúng tôi đã thấy nhẹ lòng hơn.

    Sáng hôm sau, San Mẩy cùng vài học sinh nữa đến tiễn chúng tôi về. Chúng nhảy chân sáo theo chúng tôi ra tới tận đầu bản. Đứa nào đứa nấy hớn hở, tươi vui, trong trẻo như bình minh rực rỡ sau một đêm mưa.

    - Chúng em vui lắm thầy cô ạ! Nghỉ học lâu, chúng em nhớ thầy cô, nhớ các bạn lắm rồi!

    - Chúng em cảm ơn thầy cô nhiều lắm! Em cứ tưởng là mình sẽ không được đi học nữa!

    - Em đã nhớ cô lắm đấy ạ!

    - Thầy cô ơi, em đã từng lo sợ dịch bệnh kéo dài mãi mãi đấy!

    - Bố em đã đồng ý cho em đi học rồi. Bố bảo bố và mẹ sẽ cố gắng làm việc để cho em đi học.

    Mỗi đứa một câu ríu rít như bầy chim non gặp mẹ. Anh Công nhìn học sinh thân yêu trìu mến mỉm miệng cười. Thu và tôi thì phải lén quay mặt đi lau nước mắt. Những giọt nước mắt chứa chan tình yêu thương và hi vọng dạt dào.

    Ngày đón các em trở lại trường là một ngày nắng đẹp. Dù đã bị che khuất bởi những chiếc khẩu trang nhưng dễ dàng nhận ra tâm trạng vui vẻ của các em qua từng đôi mắt biết cười. Khi chiếc máy đo thân nhiệt báo nhiệt độ cơ thể ở mức độ bình thường, các em nắm hai bàn tay lại, đưa mạnh lên cao như một người chiến thắng. Đúng vậy! Các em là những người con chiến thắng, của một dân tộc chiến thắng! Chiến thắng dịch bệnh, chiến thắng mọi khó khăn để các em được đến trường trong niềm vui trọn vẹn.

    Những vòi nước chảy, những bánh xà phòng, những lọ sát khuẩn, những chiếc khẩu trang là những người bạn đồng hành thân thiết của các em bên cạnh sách vở và bút mực. Các em tự giác chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh phòng dịch. Tôi có cảm giác mỗi học sinh thân yêu của mình là một chiến binh thực thụ trong cuộc chiến chống Covid - 19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp này.

    Chiều nay, Phủ Lào tìm đến lớp. Trên mặt anh vẫn mang khẩu trang nhưng ánh mắt đã không còn dè dặt với xung quanh. Anh nhìn lớp học một lượt, sự an tâm ánh lên trong đáy mắt. Phủ Lào mang cho San Mẩy một túi ổi găng anh hái được ở trên rừng. Tôi cũng nhận được một phần quà như vậy. Khi ra về, bước xuống bậc thềm rồi anh mới ngập ngừng quay lại nói với tôi:

    - Cảm ơn cô giáo nhé!

    Chẳng hiểu sao, trong lòng tôi bỗng trào dâng xúc động:

    - Vâng! Em cũng cảm ơn các anh chị, vì đã tin tưởng chúng em!

    Tôi đưa mắt nhìn theo bóng lưng của Phủ Hào. Trong chiếc gùi có một túi hạt ngô giống mới. Nay mai thôi, màu xanh của lúa ngô sẽ phủ lên khắp các sườn đồi, hứa hẹn mùa màng mới lại bắt đầu khởi sắc. Tôi tin họ, những đồng bào máu thịt của tôi. Đi qua những ngày tháng đau buồn, họ rồi sẽ đứng dậy, sẽ chiến thắng mọi thiên tai, bệnh dịch. Cuộc sống tươi vui sẽ tồn tại mãi mãi trên mảnh đất hữu tình này. Tiếng cười, tiếng hát của trẻ thơ sẽ vang khắp đại ngàn thiêng liêng của Tổ quốc yêu thương.

    Hết​
     
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng năm 2020
  2. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Hay quá ạ! Thực sự rất ý nghĩa!
     
    Sua87264, Vọng ThanhMây xa thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...