Đi làm thêm, nên hay không nên?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Tiểu Quy Quy, 21 Tháng tám 2021.

  1. Tiểu Quy Quy (Tiểu Quy Quy)

    Bài viết:
    19
    Lợi và hại của việc đi làm thêm.

    ( Tiểu Quy Quy )

    * Lợi: Bạn mới bước chân vào cánh cửa đại học? Bạn thấy bạn bè đi làm thêm và đang phân vân không biết mình có nên đi làm thêm hay không? Mình mong rằng những chia sẻ của mình dưới đây sẽ giải quyết phần nào những thắc mắc của bạn.

    Đầu tiên là việc bạn có thể trải nghiệm thực tế. Nếu chỉ nắm lí thuyết mà không thực hành thì ắt hẳn những kĩ năng của bạn sẽ không thể phát triển được. Ưu điểm của việc đi làm thêm đó là bạn sẽ được tham gia vào một môi trường doanh nghiệp đúng nghĩa, bạn sẽ phải học cách sắp xếp công việc, cách cười với khách, cách đối nhân xử thế, cách hòa đồng với mọi người xung quanh, và đặc biệt là cách quản lí thời gian hiệu quả. Ví dụ như khi bạn làm nhân viên bán hàng part time tại một cơ sở bán quần áo, bạn phải học cách chào hàng, cách sắp xếp đồ đạc, những vấn đề liên quan đến thông số quần áo, mã hàng.. bạn phải nắm rõ. Tất nhiên, bạn phải nắm được cái guồng quay của công việc, phải ép mình đúng giờ, thậm chí nếu "bốc" phải một người sếp khó tính, bạn còn học được cách kìm chế bạn thân khi bị bới móc, học được cách giấu cảm xúc, học được cách lạc quan, biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh. (hình như chỗ này mình hơi bị nói quá, nhưng căn bản là bạn có thể rèn được tính nhẫn nại)

    Thứ hai là bạn có thể có được một khoản nho nhỏ để bù vào phí sinh hoạt của bạn, tất nhiên là nho nhỏ nhé.

    Thứ ba là bạn sẽ biết quý trọng đồng tiền. Khi tự mình lao động, tự mình đổ mồ hôi nước mắt ra để làm việc, thì không chỉ đối với việc làm thêm mà bất kể việc gì cũng vậy, bạn sẽ thấy quý trọng sức lực mình hơn, quý trọng thành quả mình đạt được hơn.

    * Hại: Tất nhiên đi làm thêm có nhiều cái lợi mà chúng ta không thể phủ nhận được. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ tự đặt cái công việc ấy lên bàn cân đong đếm chưa?

    Trước tiên hãy nói về vấn đề thu nhập bạn đạt được nhé. Đối với mình, lần đầu tiên nghe được là lương tháng sẽ là 1.8 triệu trong một tháng, mình đã nghĩ nó là một khoản khá lớn, và mỉnh sẽ chỉ làm và lấy tiền đó làm sinh hoạt, mình sẽ không phải xin tiền bố mẹ, vân vân và mây mây. Nhưng sau khi trải qua khoảng hai ba tháng, mình thật sự thấy suy nghĩ trước kia thật ngắn ngủn. Với mức lương kia, mình phải làm gần 5 tiếng một ngày, thường để tiết kiệm, mình sẽ nấu ăn mang đi, nhưng nếu vừa lên lớp đi làm ngay thì mình sẽ mua đồ ăn ngoài, một ngày làm được mấy chục, mà mua đồ ăn hết 1/3 số tiền một ngày luôn rồi. Hơn nữa, nếu chỗ làm thêm nhiều con gái như chỗ mình, mọi người sẽ cách vài giờ mua trà sữa hay nước uống gì đó.. nhìn nhiều, mình cũng không thể luôn nhìn được, lại thêm một khoản. Chưa kể đến vấn đề xe cộ đi lại của bạn. Có một thực tế khó trốn chạy được đó là việc mình tiêu pha hoang hơn khi có thêm tiền, mình nhìn thấy một cuốn sách tham khảo đắt đỏ mà chưa mua được, nhìn thấy một cái váy, một lọ dưỡng da phù hợp, mình đi chơi nhiều chỗ hơn.. vì lúc ấy mình có tiền mà. Sau khi tính toán thì những gì còn lại chỉ còn chút ít mà thôi.

    Về vấn đề kinh nghiệm, đúng là bạn có thể trải nghiệm thực tế, có thể rèn được kĩ năng giao tiếp, kĩ năng mềm.. nhưng bạn sẽ bớt rèn luyện kĩ năng chuyên ngành của bạn. Thử hỏi nếu đi học các môn đại cương có vẻ nhàm chán đến tận chiều, rồi lại đi làm thêm đến tối đêm, về nhà các bạn sẽ chỉ muốn tắm và ngủ thôi, vì đi làm rất mệt. Là sinh viên, trong tay lại không có bằng cấp gì, nên mức lương trả cho bạn rất thấp với những gì bạn phải bỏ ra. Dù biết thời gian quý báu, phải thức học bài, nhưng sáng mai bạn lại không dậy được, mệt mỏi không chăm chú vào bài giảng, thi lại.. Thật sự là nếu công việc làm thêm bạn chọn không liên quan đến chuyên ngành bạn học thì kết quả học tập của bạn sẽ khó mà tăng tiến được.

    Cuối cùng là về vấn đề thành tích, như mình đã chia sẻ ở trên, nêu bạn không làm một công việc gắn với chuyên ngành thì thật không đáng. Bạn nghĩ thi lại là chuyện thường sao? Mình không biết quy định trường bạn thế nào, nhưng trường mình bạn chỉ được phép thi lại 6 tín – tương đương 2-3 môn. Nếu quá số lượng ấy bạn sẽ bị hạ bằng, có nghĩa là đang khá – xuống trung bình, giỏi - xuống khá. Nếu đi làm thêm, đâu hẳn điểm chuyên ngành của các bạn đã cao, số kinh nghiệm các bạn tích lũy khi đi làm thêm sao có thể dồn thành kiến thức trong bài thi của bạn được. Và nếu điểm thấp, nhất là các môn chuyên ngành, bạn sẽ bị mất điểm khi xin việc đúng chuyên ngành khi ra trường. Bởi khi đó ngoài kinh nghiệm đi làm thêm nhỏ nhặt, thậm chí là không liên quan đến chuyên ngành, bạn chỉ có tấm bằng đại học, người ta sẽ nhìn vào bảng điểm của bạn.. Thật buồn khi mình đã bỏ ra bao năm học đại học mà kết quả không như mơ ước đúng không nào.

    Theo mình thấy, làm thêm không phải xấu, cũng không rất tốt. Nó có thể giúp bạn trải nghiệm, tích lũy kĩ năng mềm, nhưng đừng coi nó là tất cả. Nếu làm thêm, bạn vẫn nên lựa chọn những công việc gắn với ngành của bạn, và hãy luôn đặt việc học lên hàng đầu nhé, vì cái bằng ở trường mới thực sự là tờ A4 đời đời ấm no.

    Trên đây là những cái nhìn, chia sẻ, kinh nghiệm của mình đối với công việc làm thêm khi là một sinh viên, chúc các bạn sẽ đưa ra được những quyết định sáng suốt nhất. Thật vui các bạn đã đọc hết bài viết của mình. Xin cảm ơn.

    (Tiểu Quy Quy)
     
    lnanhh, Mạnh Thăng, iammai9 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 27 Tháng tám 2021
  2. Tiểu Quy Quy (Tiểu Quy Quy)

    Bài viết:
    19
    Cảm ơn bạn đã đưa ra những góp ý cụ thể cho bài viết của mình, trên đây chỉ là những trải nghiệm mà mình muốn chia sẻ cho mọi người thôi. Thật sự làm thêm cũng tốt, và theo cái nhìn của mình thì nó có cả ưu và nhược điểm cả. Thời sinh viên là một quãng thời gian tuyệt đẹp, và mình chỉ mong sao các sinh viên còn đang mông lung thì sẽ đưa ra cho mình quyết định sáng suốt nhất. Một lần nữa cảm ơn bạn nhiều nha.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...