Di Cư. (Kính tặng những người di cư tha hương. Kính tặng bà con, bạn bè xứ Động Đền, Bình Tuy-Quảng Trị thân yêu) Tác giả: Trang sach Thể loại: Hiện đại . Link thảo luận: Các Tác Phẩm Sáng Tác Của TRANG SACH (Ảnh: Từ internet) Tháng năm năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm. Những ngày sau khi kết thúc chiến tranh, ai cũng có tâm trạng phấn khích, lâng lâng khó tả. "Hòa bình, hòa bình, hòa bình rồi." Mọi người gặp nhau ai cũng la to như thể giải tỏa được lồng ngực căng cứng hàng chục năm lo lắng, sợ sệt trong chiến tranh khói lửa. Đã sống trong chiến tranh ai cũng mong ngóng hòa bình. Vợ chồng, cha con, anh em ly tán gần hai mươi năm giờ tìm lại nhau, mừng vui buồn tủi, giận hờn.. Ở một vùng quê miền duyên hải, sau gần một năm trong niềm vui khôn tả cùng đất nước, mọi người cũng phải đối diện với cuộc sống mưu sinh. Nó, một thằng bé chín tuổi theo hai anh kéo xe về thị trấn bán đủ thứ trong những tháng hè. Một ngày, sau khi bán dạo hết xe cây mì, mặt trời vừa ngã bóng, ba anh em kéo xe đến trước bến xe huyện. Buổi trưa, nắng gắt. Bến xe lưa thưa người. Ba anh em dựng xe kéo dưới bóng râm của một tán cây nhỏ để tránh bớt cái nắng chói chang. Thường thì sau khi bán hàng xong, để khi về không phí một cuốc xe không, ba anh em nghỉ và chờ đón khách trở về. Thời gian này cũng có những người di cư đến vùng đất này. Họ đến với nhiều rương hòm lỉnh kỉnh, tay xách nách mang, tay bế tay bồng, mệt mỏi sau một hành trình dài, có thể hơn cả ngàn cây số trên những chuyến xe ì ạch, cũ kỹ. Thỉnh thoảng, một chiếc xe đò vào bến. Không khí vắng vẻ, buồn bã trong trưa nắng của bến xe ồn ào hơn. "Anh về đâu?" "Hai anh chị và bác đi đâu?" "Anh Hai, cô hai về đâu?" "Tân hải.", "Bác về Tân bình.".. Tiếng gọi nhau í ới. Tiếng rao hàng "Mì thịt, mì xíu đây." "Bánh bao đa.." "Ai xôi không.." Mùi mồ hôi người của nhiều ngày không tắm giặt, mùi xăng, mùi thức ăn cũ.. trên xe quyện lại tỏa lan ra không gian nắng lóa mắt làm ai cũng uể oải. Trưa, trời nắng gắt. Bầu trời xanh trong, không một gợn mây. Thị trấn thưa vắng. Vài chiếc xe đạp cọc cạch thỉnh thoảng chạy qua, với tiếng kêu lách cách của xích líp cọ vào nhau, cho thị trấn đỡ buồn tẻ. Vài người đi bộ, lưng áo đẫm mồ hôi. Trong cái mệt mỏi, buồn tẻ ban trưa của thị trấn nhỏ, có một nét sinh động phá tan bầu không khí oi bức, ngột ngạt. Thằng bé nhìn đàn chim sẻ nhảy nhót tí tách "ti ti chích, ti ti chích.." Đàn chim sẻ vô tư, vui vẻ gọi nhau sà xuống một nhúm gạo rơi ra trên nền đường nhựa lồi lõm. "Ti ti chích, ti chích ti ti chích.." Tí tách, chúng nhảy nhót, đùa vui nhí nhảnh.. Ba anh em không giành giật khách được với những người chuyên nghiệp, nhưng đến gần hai giờ chiều cũng có một gia đình đi về cùng hướng nhà mình. "Hai anh chị về mô?" "Vợ chồng em về Tân Sơn." "Vậy cùng đường về, anh em tui chở đồ cho anh chị." Thỏa thuận giá cả xong, vì là trên đường về để kiếm thêm ít tiền và giúp người xa xứ nên giá rẻ, hai bên cùng vui cả. Anh chị ấy có hai va li và ba cái rương bằng gỗ. Có thể tất cả đồ đạc nhà họ gồm áo quần, mùng mền, nồi niêu soong chảo.. ở trong đó. Trời chiều. Đường đi về hướng tây, ánh nắng chiếu thẳng vào mặt. Đường gồ ghề những đá chẻ lởm chởm, cắt vào bàn chân trần đau điếng. Có những đoạn đường dài hơn cây số toàn cát trắng nóng bỏng. Trời cao trong xanh không một gợn mây nào. Ánh nắng sáng lóa trên mặt biển xanh biếc. Chẳng có một cơn gió nhỏ nào cả. Những tán lá bé nhỏ hai bên đường im lìm, không một tí lay động. Năm con người lầm lũi, im lặng bước đi trong cái nắng xế trưa miền biển. Đứa bé nhất chưa tròn năm người mẹ ẵm trên tay. Hai đứa lớn hơn nằm trên xe kéo chung với những va li và những cái rương gỗ. Âm thanh duy nhất trong trưa vắng là tiếng cót két, cót két của trục bánh xe cũ kỹ. Thỉnh thoảng hai bên đường những chú chim sẻ bay nhảy trên những dây điện gọi nhau ti ti chích, ti ti chích.. Ai cũng mồ hôi nhễ nhại trên những khuôn mặt ửng đỏ, mệt phờ.. Đến hơn bốn giờ chiều, đoàn người đến chân dốc Cam bình. Mọi người nghỉ chân dưới một tán cây nhỏ hiếm hoi. "Bác ơi, cho tụi con xin ít nước uống!" Bà lão chỉ cái lu nước mưa trước sân: "Mấy chú tự nhiên." Từng gáo nước mát lạnh ừng ực xuống những cổ họng khô khốc và khát khô sau một quãng đường dài. Người mẹ phe phẩy cái nón lá tạo ra một tí gió mát cho đứa con ẵm trên tay. Nghỉ chừng mười lăm phút, mọi người đã lấy lại sức. Trời đã về chiều, ánh nắng dịu bớt. Thỉnh thoảng có vài cơn gió nhẹ làm lay động cành lá. Mọi người bắt đầu leo dốc. Một con dốc dài hun hút. Đường cát, có đoạn bánh xe lún sâu. Tất cả cùng nhau "è dô, è dô" đẩy xe lên. Qua con dốc dài, lại phải nghỉ một lúc nữa. Mặt trời đã thấp xuống trên ngọn những cây cổ thụ hai bên đường. Còn chỉ hai cây số là đến nơi, nhưng mọi người đã mệt, lại đường dốc nên lê những bước chân chậm chạp.. Tôi, thằng bé chín tuổi nhìn con trai lớn của chú khách năm tuổi mặt mày nhễ nhại mồ hôi, mệt mỏi mà thương. Nhìn nó tôi hồi tưởng về những ngày của bốn năm về trước. Có lẽ tôi cũng ốm nhom gầy đét như thế.. * * * Tôi, thằng bé năm tuổi hí hửng mang túi xách, mừng quá vì được đi xa. Nó chẳng hiểu chạy giặc là gì, nghe đi là vui. Mẹ và chị, mỗi người một đôi quang gánh, nào gà vịt, gạo, mắm muối, tiêu hành.. và giấy tờ. Nghe sắp đánh nhau dữ nên cả làng phải di tản, dự định đi ba đến năm ngày rồi về. Thế mà chuyến đi hơn ngàn cây số đến giờ là đã bốn năm, tôi chưa về thăm lại làng quê trong nỗi nhớ khắc khoải. Một làng quê với dòng sông Thạch Hãn êm đềm, những cánh đồng lúa chín vàng ruộm thơm nồng trong ký ức! * * * "Đến rồi!" Anh tôi nhìn tờ giấy viết thư ghi địa chỉ có hình vẽ, nói trong hơi thở mệt nhọc. Trời chạng vạng tối. Những tia nắng cuối cùng ửng hồng ở chân trời phía tây. Phía xa, núi Đất, núi Xanh phủ một màu đen sẫm. Chúng tôi tìm đúng chỗ ghi trong thư, nhưng chỉ thấy khu đất và nền nhà trống. Đang lúng túng, phân vân, cả chủ và khách không biết làm sao, trời lại sắp tối ở vùng quê tỉnh mịch. Một người nhà cách đó gần trăm mét chạy qua: "Anh Thìn vừa đi tháng trước" Ông báo là nhà này đúng người thân của khách, nhưng đã chuyển đi nơi khác "Có thể anh ấy đã viết thư báo lại cho chú." Nhìn bức thư, ngày gửi cách hôm nay đã gần năm tháng. Chúng tôi cũng phải cho đồ xuống để về nhà nghỉ ngơi sau một ngày vất vả từ hai giờ sáng cho đến lúc này. Ấn tượng về sự lo lắng, hụt hẫng khi không gặp được người thân sau một hành trình dài khó khăn đến vùng đất mới tìm kế sinh nhai của gia đình họ vẫn còn trong ký ức tuổi thơ tôi.. (Ảnh: Từ internet) (Hết)
Cám ơn bạn đã đọc và cảm nhận truyện "Di cư" của Trang Sach. Chúc bạn một tuần mới đầy năng lượng và vui vẻ!
Cám ơn bạn đã đọc truyện của Trang Sach và có cảm nhận về tác phẩm. Chúc bạn cuối tuần vui vẻ và hạnh phúc!