Di chúc là một văn bản vô cùng quan trọng giúp người lập di chúc quyết định được tài sản theo ý muốn của bản thân sau khi ra đi. Để đảm bảo được rằng di chúc được lập ra và thực hiện theo đúng ý nguyện của bản thân thì quy trình lập di chúc là bước quan trọng nhất quyết định việc di chúc có hiệu lực hay không. Hãy cùng Luật Việt Chính tìm hiểu quy trình, thủ tục lập di chúc qua bài viết Hướng dẫn thủ tục lập di chúc theo quy định của pháp luật. 1. Di chúc là gì? Điều kiện để một di chúc được coi là hợp pháp? a. Khái niệm – Di chúc là một văn bản pháp lý thể hiện nguyện vọng và mong muốn của một người về việc phân chia di sản sau khi họ qua đời. Trong di chúc, cá nhân hoặc nhóm người được ủy quyền sẽ đảm nhiệm việc thực thi và quản lý tài sản theo đúng ý muốn được ghi trong di chúc cho đến khi phân chia hết tài sản theo đúng di chúc. – Theo đó, pháp luật cũng có quy định tại Điều 624 Bộ Luật Dân sự 2015 thì Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. b. Điều kiện để một di chúc được coi là hợp pháp. Để một di chúc được coi là hợp pháp thì đầu tiên phải nói đến việc: – Người lập di chúc đã thành niên, phải còn minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc bị cưỡng ép. – Nội dung của di chúc không trái với pháp luật, đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật. Luật Việt Chính hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho quý khách hàng – Di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. – Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. – Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015. – Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người để lại di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng, và ngay sau khi người để lại di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người để lại di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng. 2. Hình thức của di chúc theo quy định của pháp luật. – Theo quy định tại Điều 627, 628 Bộ luật Dân sự 2015 thì di chúc có thể được lập thành văn bản hoặc di chúc miệng. – Với mỗi một hình thức lập di chúc thì để một di chúc được xác định là hợp pháp, có hiệu lực. Thì trên thực tế pháp luật đều yêu cầu di chúc đã lập phải đáp ứng các điều kiện nhất định về mặt hình thức. * Di chúc miệng: – Theo quy định tại Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015 thì trường hợp lập di chúc miệng là trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. – Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ. Như vậy theo quy định trên, ta có thể thấy rằng di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp, nếu người để lại di chúc miệng thể hiện đó là ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Văn bản ghi lại nội dung di chúc miệng của người lập di chúc thì phải được công chứng, hoặc chứng thực hợp pháp trong thời gian 05 ngày kể từ ngày người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng để nhằm mục đích xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng trong nội dung di chúc. Khác với việc lập di chúc bằng văn bản, pháp luật còn quy định rằng di chúc miệng không có hiệu lực ngay nếu sau 03 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên sẽ không có hiệu lực và bị hủy bỏ. * Di chúc bằng văn bản: – Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: Khi một người quyết định lập di chúc bằng văn bàn và không cần người làm chứng thì di chúc này phải có đầy đủ nội dung của một di chúc thông thường theo quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015. Và theo quy định tại Điều 633 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc này phải do người lập di chúc tự viết và tự ký chữ ký của mình vào di chúc. Trường hợp di chúc có nhiều trang, thì người lập di chúc phải ghi đầy đủ số thứ tự của từng trang và đồng thời ký nháy vào từng trang của di chúc. Trong di chúc không được viết tắt, cũng không được viết hay chú thích bằng ký hiệu. Nếu người lập di chúc có sửa chữa, tẩy xóa một nội dung nào đó trong di chúc thì phải ký tên vào bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa đó để xác nhận rằng việc tẩy xóa, sửa chữa là người lập di chúc làm chứ không phải do người khác thực hiện để đảm bảo được tính hợp pháp của di chúc. – Di chúc bằng văn bản có người làm chứng: Theo quy định tại Điều 634 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng được áp dụng trong trường hợp người lập di chúc tự mình viết di chúc và có yêu cầu người làm chứng hoặc thuộc trường hợp người lập di chúc không tự mình viết di chúc, nhưng tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc. Đối với di chúc được lập trong trường hợp này, theo quy định của pháp luật thì phải có ít nhất 02 người làm chứng. Sau khi lập xong nội dung di chúc, người lập di chúc phải ký tên hoặc điểm chỉ vào nội dung di chúc trước sự chứng kiến của những người làm chứng. Người làm chứng sau khi đã chứng kiến việc ký tên hay điểm chỉ của người lập di chúc thì phải xác nhận về chữ ký hay điểm chỉ của người lập di chúc vào nội dung di chúc. Đồng thời, những người làm chứng cũng phải ký tên dưới nội dung xác nhận về chữ ký, điểm chỉ nêu trên để đảm bảo tính chất pháp lý của di chúc. – Di chúc bằng văn bản được công chứng: Việc người lập di chúc bằng văn bản muốn công chứng có thể thực hiện qua việc tới Văn phòng công chứng, hoặc tổ chức hành nghề công chứng để lập hoặc yêu cầu công chứng viên tới tận chỗ ở của mình để lập di chúc. – Di chúc bằng văn bản được chứng thực: Với việc lập di chúc bằng văn bản có chứng thực thì người lập di chúc sẽ trực tiếp đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình cư trú để thực hiện việc lập di chúc. 3. Thủ tục, hồ sơ lập di chúc. * Lập di chúc miệng: – Để di chúc miệng pháp pháp phải chuẩn bị hồ sơ để công chứng di chúc bao gồm: + Phiếu yêu cầu công chứng; + Giấy tờ tùy thân của người muốn lập di chúc; + Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế nếu di chúc có liên quan tới tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất. Lưu ý: Nếu tính mạng của người lập di chúc đang bị đe dọa thì không cần đưa tài liệu, nhưng phải ghi nhận rõ điều này trong văn bản công chứng. * Lập di chúc bằng văn bản: Lập di chúc bằng văn bản có công chứng: Thủ tục lập di chúc bằng văn bản có công chứng là một quy trình đảm bảo tính hợp pháp và xác thực của di chúc. Khi người lập di chúc quyết định việc lập di chúc bằng văn bản có công chứng, điều này đòi hỏi phải có sự can thiệp bên có thẩm quyền, thường là một luật sư hoặc người làm công chứng, để chứng thực tài liệu và ký tên chứng thực. Thủ tục lập di chúc bằng văn bản có công chứng gồm các bước như sau: Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ: – Phiếu yêu cầu công chứng; – Bản dự thảo di chúc; – Giấy tờ cá nhân: Chứng minh nhân dân/căn cước công dân, hộ chiếu của người lập di chúc và người thụ hưởng, sổ hộ khẩu, xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy xác nhận đăng ký kết hôn.. ; – Tài liệu liên quan đến tài sản: Như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe oto, xe máy.. Bước 2: Nộp hồ sơ, tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ: – Người lập di chúc phải tự bản thân yêu cầu công chứng di chúc hoặc nộp trực tiếp tại văn phòng công chứng. – Công chứng viên sẽ tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ của người lập di chúc. Họ sẽ ghi chép lại nội dung di chúc theo nguyện vọng của người lập di chúc. Trước khi thực hiện công chứng, công chứng viên sẽ giải thích quyền và nghĩa vụ cho người lập di chúc, đồng thời xác nhận rằng bản di chúc đã được ghi chép đúng với ý chí của người lập di chúc. Bước 3: Trả kết quả: – Thời gian trả kết quả vào khoảng 02 – 03 ngày làm việc. – Và không quá 10 ngày làm việc với các trường hợp có nội dung phức tạp. Lập di chúc bằng văn bản có chứng thực: Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và tiến hành nộp hồ sơ: – Hồ sơ gồm có: + Bản sao tất cả giấy tờ tùy thân của người yêu cầu chứng thực; + Bản di chúc dự thảo; + Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản theo di chúc; + Các giấy tờ cần kèm theo bản chính để tiến hành đối chiếu. – Nộp hồ sơ: Người yêu cầu chứng thực (người lập di chúc) mang đầy đủ hồ sơ đã chuẩn bị nộp trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đang cư trú. Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết yêu cầu: – Công chức tư pháp xã sẽ tiếp nhận hồ sơ chứng thực và kiểm tra hồ sơ, nếu đầy đủ và phù hợp với quy định của pháp luật thì thực hiện chứng thực. – Công chức tư pháp xã sẽ yêu cầu người lập di chúc thực hiện việc ký tên, điểm chỉ trước mặt mình và ký nháy từng trang với di chúc có nhiều tờ. – Khi người yêu cầu chứng thực không thể ký thì thực hiện điểm chỉ; trong trường hợp người lập di chúc bị hạn chế về thể xác thì cần có 02 người làm chứng. Bước 3: Nhận kết quả hồ sơ: – Người yêu cầu chứng thực sẽ nhận kết quả hồ sơ vào thời gian không quá 02 ngày làm việc. – Cần đưa phiếu hẹn trả kết quả chứng thực nếu thời gian chứng thực kéo dài. Những câu hỏi thường gặp: a) Điều kiện để di chúc hợp pháp là gì? – Với câu hỏi này, Luật Việt Chính xin giải đáp quý độc giả câu trả lời như sau: Theo quy định tại Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc hợp pháp cần thỏa mãn của các điều kiện sau đây: + Người tiến hành thủ tục lập di chúc phải sáng suốt, minh mẫn trong quá trình lập di chúc, thực hiện với tinh thần tự nguyện không bị đe dọa hay lừa dối; + Nội dung và hình thức của di chúc không trái với quy định của pháp luật cũng như trái với đạo đức xã hội; + Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc riêng cho mình khi có sự đồng ý của cha mẹ, hoặc người giám hộ. + Người làm chứng phải lập thành văn bản với di chúc của người không biết chữ hoặc năng lực thể chất bị hạn chế và phải có công chứng hoặc chứng thực; + Di chúc bằng văn bản không có công chứng hay chứng thực, cần đáp ứng các điều kiện tại Khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 thì mới được coi là hợp pháp; + Cần có ít nhất 2 người làm chứng khi người lập di chúc thể hiện ý nguyện cuối cùng thì di chúc miệng mới được coi là hợp pháp. Nguyện vọng của họ phải được làm chứng thể hiện bằng văn bản và cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Di chúc phải được chứng thực xác nhận chữ ký/điểm chỉ của người làm chứng trong thời hạn 05 ngày làm việc. b) Lập di chúc ở đâu, có cần phải lập trước mặt cơ quan có thẩm quyền hay không? – Nhiều người cho rằng việc lập di chúc cần phải lập trước mặt cơ quan có thẩm quyền, hoặc lập trước mặt công chứng viên thì bản di chúc đó mới được pháp luật công nhận. Nhưng việc lập di chúc là thể hiện mong muốn của người lập di chúc đối với việc quyết định về tài sản của họ, vì vậy chỉ cần người lập di chúc viết ra văn bản, thì văn bản đó có thể được tạo ra ở bất kỳ đâu thì sẽ tức thì có giá trị pháp luật ngay sau khi viết mà không cần phải viết trước mặt cơ quan có thẩm quyền hoặc công chứng viên. Luật Việt Chính hỗ trợ thủ tục về dân sự Trên đây là toàn bộ bài viết về khái niệm và thủ tục lập di chúc theo quy định của pháp luật, hi vọng sẽ mang lại kiến thức cho bạn đọc.