Đến nhà sàn cổ trăm năm tuổi của vua săn voi Ama Kông nghe huyền thoại kỳ thú về vua săn voi

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi dollarupload39, 20 Tháng tư 2024.

  1. dollarupload39

    Bài viết:
    382
    Bản Đôn – Buôn Đôn là một địa điểm du lịch sinh thái rất đẹp ở Đắk Lắk. Những ai đã từng đi du lịch thành phố Buôn Ma Thuột chắc chắn không hề thấy xa lạ với buôn làng này.

    [​IMG]

    Nhà của Vua săn voi Ama Kông, căn nhà sàn hơn trăm năm tuổi nằm ở buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk được làm hoàn toàn từ các loại gỗ tốt vô cùng công phu và quý hiếm.

    1. Bản Đôn – Buôn Đôn nằm ở đâu?

    Bản Đôn – Buôn Đôn là khu du lịch sinh thái quen thuộc với hầu hết khách du lịch Buôn Ma Thuột. Bản Đôn nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40km về hướng Tây. Đây là một buôn làng rất đẹp ẩn dưới những cánh rừng xanh thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Không chỉ vậy, Bản Đôn còn nằm bên cạnh dòng sông Sêrêpôk nổi tiếng nhất Tây Nguyên.

    Mang trong mình vẻ đẹp của thiên nhiên và văn hóa đậm đà bản sắc Tây Nguyên, Bản Đôn chính là khu du lịch sinh thái hấp dẫn du khách đến tham quan nhiều nhất tỉnh Đắk Lắk. Đi du lịch Buôn Đôn, du khách sẽ được trải nghiệm khám phá rừng xanh, ngồi thuyền tham quan dòng sông Sêrêpôk, tìm hiểu đời sống của người dân tộc Ê Đê, M'Nông sinh sống ở Bản Đôn.. Đặc biệt, du khách chắc chắn sẽ rất thích thú với những câu chuyện truyền thuyết về vua săn voi ở Bản Đôn – Khunjunop.

    Huyền thoại Vua săn voi Bản Đôn

    Từ thành phố Buôn Mê Thuột, chúng tôi mất hơn 1h đồng hồ chạy xe hơn 50km để đến được nhà sàn cổ của vua voi.

    Truyền thuyết về kho báu khổng lồ của vua Voi

    Trong những câu chuyện truyền miệng từ bao đời nay của người dân bản Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), người ta vẫn thường kể cho nhau nghe về người khai sáng ra bản Đôn và sự tồn tại về kho báu khổng lồ của vị vua voi Y Thu K'nul (ông tổ của nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng).

    [​IMG]

    Dù tất cả đã đi vào dĩ vãng, chìm khuất sâu vào những cánh rừng bạt ngàn nhưng những hiện vật còn lại vẫn cho hậu thế thấy được một thời huy hoàng và giàu có của vị vua lừng danh.

    Chuyện 200 năm về trước..

    Mảnh đất Tây Nguyên chỉ toàn nắng và gió, trên khắp các nẻo đường, ánh nắng như muốn thiêu đốt tất cả. Đường vào bản Đôn dù xa xôi, cách trở nhưng những câu chuyện kỳ bí về vị vua voi danh tiếng một thời đã để lại cho khách những tò mò và sự ngưỡng mộ. Có những bí ẩn đã được khám phá, cũng có những thứ mãi mãi chỉ là huyền thoại.

    Trong rất nhiều câu chuyện mang đậm màu sắc sử thi vùng Tây Nguyên đang dần bị mai một, đáng chú ý nhất là câu chuyện về vua săn voi nổi tiếng ở Bản Đôn. Ngược dòng quá khứ trở lại 200 năm về trước, có một đám cưới nhiều điều tiếng diễn ra tại một buôn làng giáp ranh vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.

    Cô dâu trong đám cưới đó là người M'nông còn chú rể là người Lào. Đáng nói là sau cuộc hôn nhân được vài tháng thì cô dâu đã lâm bồn, đứa bé trai mới chào đời cất tiếng khóc vang động cả đại ngàn được đặt tên là Y Thu K'Nul. Ít ai ngờ, đứa bé ấy có lai lịch "bất minh" này, sau đó đã làm nên huyền thoại cả một vùng Tây Nguyên rộng lớn.

    Trong số các câu chuyện được lưu truyền lại cho đến ngày nay, người ta vẫn tò mò về kho báu khổng lồ mà ông đã gây dựng nên. Cuộc đời của ông từ khi sinh ra đến khi mất đi đều gắn với những câu chuyện phi thường, những câu chuyện ấy cho đến nay chỉ còn vài người nắm giữ. Bí mật cuộc đời của ông được truyền lại cho các thế hệ con cháu về sau. Y Thu mang họ K'nul là theo tiếng của người Lào, còn tiếng M'nông gọi là Rơ Nôl.

    [​IMG]

    Dũng sĩ săn voi giữa đại ngàn Tây Nguyên (hình minh họa)​

    Là con cả trong gia đình có 5 anh em nhưng Y Thu lại không có con nối dõi. Xuất thân của Y Thu từ lúc sinh thời cho đến lúc mất đi chưa ai dám khẳng định chắc chắn. Theo lời kể của ông Ama Ghi (SN 1940, cháu đời thứ tư của Y Thu). Tại nơi núi cao, rừng thẳm lúc bấy giờ, các dân tộc thiểu số vùng đất đỏ này vẫn sống trong chế độ chiếm hữu nô lệ. Mẹ của Y Thu là người M'nông Bu Dương.

    Khi còn là thiếu nữ, bà đẹp như một đóa hoa rừng và được nhiều chàng trai đem lòng yêu mến. Có nhiều giai thoại về cuộc đời người phụ nữ đẹp này nhưng chẳng ai nắm rõ thực hư. Nhưng người ta hay kể nhất là khi còn trẻ, bà đã trải qua một mối tình với tràng trai dũng cảm nhất vùng. Chàng trai đó cũng là người M'nông, tuy nhiên anh ta đã hy sinh trong một trận chiến với bộ tộc khác mà số lượng quân thù áp đảo.

    Trước khi chết, chàng dũng sĩ đã để lại giọt máu của mình nơi thiếu phụ M'nông xinh đẹp. Sau cái chết của người yêu, một chàng trai xuất thân từ gia đình giàu có ở Lào qua đây buôn bán đã đem lòng yêu mến thiếu phụ xinh đẹp. Người con trai đó bất chấp điều tiếng đã hỏi cưới nàng làm vợ. Cảm phục tấm lòng của chàng trai, nên cô đã đồng ý làm vợ. Hai người nên vợ nên chồng chồng với nhau. Vì người M'nông theo chế độ mẫu hệ, nên cả hai người ở lại quê vợ để cùng nhau tạo dựng cơ nghiệp.

    Năm 1829, Y Thu ra đời, đứa bé có tiếng khóc vang động núi rừng khiến người người phải chú ý. Cậu lớn nhanh như cây rừng gặp đất tốt, nhanh nhẹn và dũng mãnh như con thú hoang, đặc biệt là nhân cách của cậu khiến người người quý mến, nể phục.

    Gia đình Y Thu lúc ấy cũng có tiếng tăm ở trong làng, nhưng cách sống nhân hậu của họ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những gia tộc bề thế khác trong vùng. Khi Y Thu lớn lên cũng là lúc sự ganh ghét của họ lên đến đỉnh điểm. Kẻ cầm đầu một gia tộc độc ác khét tiếng là Srem Lem đã bất ngờ đem quân đánh gia đình Y Thu.

    Cuộc tập kích bất ngời khiến gia đình Y Thu bị tổn thất nặng nề, 12 người bị chết, mẹ của Y Thu thì bị bắt nhốt vào hang đá và canh phòng cẩn mật. Riêng Y Thu nhờ một người bạn trung thành mở đường máu nên kịp thoát thân và dẫn theo vài người tâm phúc. Sau nhiều lần cố gắng giải cứu mẹ không thành công, người bạn đã khuyên Y Thu đi đến nơi người nữ tù trưởng người Ê Đê là Yă Wăm (tù trưởng nổi tiếng về sự giàu có và quyền lực, cả đời không lấy chồng) để mượn quân.

    Dũng sĩ cứu mẹ, lập làng

    Để cứu được mẹ, Y Thu lặn lội lên vùng cao nguyên có tên đặt theo tên nữ tù trưởng này đó là buôn Yă Wăm. Vượt qua một chặng đường dài, đối mặt với bao thú dữ cuối cùng chàng thanh niên dũng cảm cũng đến được nơi. Y Thu kể lại chuyện mình cần người để cứu mẹ đang bị bắt làm con tin, nữ tù trưởng Yă Wăm nghe hết câu chuyện và nhìn vào đôi mắt đầy ý chí của Y Thu, bà đã nhận lời cho anh mượn quân.

    Những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh nhất buôn được triệu tập đến trước nhà Yă Wăm. Đến nơi, Yă Wăm ra lệnh cho họ ngửa mặt lên trời, ai chớp mắt sẽ bị loại, vì theo họ nếu chớp mắt sẽ không tránh được gươm đao của kẻ thù. Cuối cùng Y Thu đã mượn được một đạo quân tinh nhuệ để trở về cứu mẹ.

    Dưới sự chỉ đạo của Y Thu và sự giúp sức của người bạn thân, cuộc giải cứu diễn ra bất ngờ và trót lọt, tuy nhiên kẻ thù phát hiện và dùng một lực lượng lớn để truy đuổi quân của Y Thu ngay sau đó. Y Thu đưa quân và gia đình từ vùng biên chạy sâu vào Tây Nguyên. Sau nhiều ngày, họ đến một vùng đất cây cối um tùm nhô lên như ốc đảo, giữa con suối lớn có nhiều nhánh bao quanh, nhiều ghềnh đá.

    Gia đình, dòng họ Y Thu đưa nhau qua suối để trốn tránh kẻ thù, quân của Yă Wăm trở về buôn của họ đồng thời làm nhiệm vụ đánh lạc hướng kẻ địch. Ở trên đảo, thấy địa thế thuận lợi, họ dựng nhà ở, sau đó đặt tên là Bon Akao (theo tiếng M'nông), còn tiếng Lào gọi là Ban Đôn, mãi sau này gọi là Buôn Đôn theo tiếng phổ thông. Khúc sông được đặt tên là thác Bảy Nhánh (nay thuộc buôn N'Drech, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn).

    Sau thời gian dài tìm kiếm, kẻ thù cũng phát hiện ra chỗ ở của Y Thu và người thân, chúng dùng tiền bạc và thế lực liên kết với người Ê Đê để quyết tiêu diệt gia đình Y Thu một lần nữa. Biết được âm mưu của kẻ thù, Y Thu cho dựng 3 chiếc cầu treo nối đảo với đất liền và chờ đợi quân địch tập kích. Khi tất cả quân địch đã di chuyển lên cầu, Y Thu phát lệnh chặt dây.

    Nhờ mưu ấy mà một số lượng lớn quân địch bị dòng nước cuốn trôi. Y Thu thắng trận, ông kéo người đến đánh lại kẻ thù bắt được vô số con tin. Tuy nhiên sau đó ông đã ngỏ ý làm hòa và trả lại con tin cho kẻ thù khiến họ vô cùng nể phục và không gây hấn từ đó về sau. Có được sự hòa bình, Y Thu tập trung lo phát triển kinh tế, lập làng trên hòn đảo nhỏ. Sinh sống ở đảo 7, 8 năm, do đất chật, xung quanh là sông dữ nên giao lưu với bên ngoài rất khó khăn.

    Vậy nên trong một lần bị cháy làng, Y Thu đã quyết định đưa cả dòng họ ngược lên thượng nguồn con sông Krông Na (nay là sông Srêpốk). Y Thu cùng dòng họ quyết định lập buôn, định cư lâu dài ở đây. Do có một cái đầu biết tính toán, Y Thu đã sáng tạo ra cách bắt voi rừng về thuần dưỡng và buôn bán, thế nên dòng họ Y Thu nhanh chóng giàu có. Số người trong họ và những người nghe tiếng Y Thu kéo đến sinh sống ngày một tăng, đất rừng khai phá lại bị hạn chế bởi những tộc người xung quanh khiến ông rất trăn trở vì điều đó.

    Vận may đến khi trong một lần Y Thu đưa voi đi săn, người của nữ tù trưởng người Ê Đê Yă Wăm đã vô tình bắn chết voi mồi của Y Thu. Y Thu yêu cầu bà ta đền lại voi cho mình. Người phụ nữ quyền lực này cho người đi bắt voi trả Y Thu, nhưng người Ê Đê nào có săn voi bao giờ, vậy nên người bà ta cử đi đều ra về tay không, có người còn bị thương hoặc bỏ mạng do voi dẫm. Không có cách nào đền lại voi, vị nữ tù trưởng đối mặt với việc sẽ thất tín, điều đó khiến bà giảm sự uy nghi có thể mất lòng tin của người dân.

    Lúc này Y Thu nói "voi cũng đã chết, nếu Yă Wăm không có voi trả thì cho tôi một phần đất để làm ăn sinh sống. Sau này sẽ đối xử với nhau như anh em..". Yă Wăm đồng ý và cắt cho Y Thu một vùng đất rộng lớn từ Suối Cạn (nay thuộc xã Tân Hòa) sang Ea Súp đến tận biên giới giáp ranh Campuchia.

    Sông Srêpốk chảy qua hướng tây huyện Buôn Đôn và nhập vào dòng Mê kong tại ngã ba Stung Treng - Campuchia. Những thập niên cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, sự giao thương kinh tế, văn hóa của các tộc người Ê đê, M'nông, Jarai.. ở Buôn Đôn rất sôi động, đặc biệt là nghề săn bắt, thuần dưỡng và mua bán voi rừng.

    Vùng đất Buôn Đôn trở thành trung tâm trao đổi thương mại, buôn bán voi lớn nhất Đông Nam Á. Hàng ngày có hàng chục con voi được nhóm thương hồ trong vùng thay nhau đưa đi cung cấp cho nhiều quốc gia trong khu vực.

    Từ đó hình thành những gia tộc danh giá với nghề săn voi, đặc biệt gia tộc Y Thu Knul, sinh năm 1827, săn và thuần dưỡng khoảng 400 con voi, được vua Thái Lan phong tặng danh hiệu Khunjunop - vua săn voi.

    Ông Y Thu sau khi qua đời, đã kịp truyền lại nghề săn voi cho con rể Ama Kông, người được phong danh vua voi thứ hai, và là vị vua cuối cùng ở Buôn Đôn. Trong sự nghiệp của mình, Ama Kông (thọ 103 tuổi) săn và thuần dưỡng 298 con voi, trong đó có ba con voi trắng.

    Trong căn nhà sàn của gia tộc ở buôn Ako Tam, TP Buôn Ma Thuột, người con trai thứ 11 của Ama Kông, ông Khăm Phết Lào, 56 tuổi, kể rằng, từ lúc năm tuổi ông đã theo bố vào rừng săn voi từ tháng ba đến tháng bốn hàng năm.

    Đó là thời điểm Tây Nguyên bắt đầu mùa mưa, những cánh đồng cỏ bắt đầu xanh tốt, voi ở trong rừng già lũ lượt kéo nhau ra ăn. Chúng thường đi theo bầy đàn, có lúc lên đến hơn trăm con.

    Nhóm thợ săn (gru - cách gọi của người Ê đê) thường đi ba bốn người, mỗi người cưỡi một voi, ông Ama Kông luôn dẫn đầu. Trước hôm đi săn, dân làng trong buôn sẽ tổ chức lễ cúng xin phép Yàng (thần linh). Ông Khăm Phết Lào vẫn nhớ rất rõ, sáng sớm mùa xuân, trời mưa tầm tã, ông cùng bố và hai người trong buôn thực hiện chuyến đi săn kéo dài hơn một tuần.

    Họ rong ruổi đến ngày thứ ba mới tìm thấy đàn voi hoang dã hơn trăm con, ông Ama Kông liền giơ tay lên ra hiệu nài voi nhà tìm cách "đột nhập" vào đàn để phát hiện. Chỉ sau vài phút, cánh thợ săn lẫn vào trong đàn voi rừng.

    Bằng con mắt tinh tường của thợ săn lành nghề, bố ông nhanh chóng phát hiện ra ngay con voi trắng ở giữa đàn, cả nhóm liền tiếp cận, bao vây con voi quý và đuổi dồn nó vào trong bìa rừng, cả đàn hốt hoảng chạy tán loạn. Ông Ama Kông ép sát bên phải con voi trắng, dùng cây gậy có dây thòng lọng nhanh tay ném xuống đất, đón lõng bước chân voi.

    Khi chân nó nằm trong vòng dây, lập tức rút dây thòng lọng và nhảy xuống voi cột chặt vào thân cây. Những người phía sau nhanh chóng ập tới, trùm những sợi dây bằng da trâu, nhằm giữ chặt con voi không tẩu thoát. Chỉ trong vòng khoảng 30 phút, con voi trắng đã bị tóm gọn.

    Dắt con voi trắng về gần tới buôn, công việc bắt buộc của thủ lĩnh săn voi là phải thông báo cho dân làng biết. Ông Ama Kông dừng lại ở lưng chừng ngọn núi, bắt đầu thổi tù và. "Âm thanh tù và bắt được voi trắng khác với voi thường, nên chỉ cần nghe qua người trong làng có thể đoán và có sự chuẩn bị trước", ông Khăm Phết Lào cho biết.

    Về đến buôn, người dân đã tụ tập quanh nhà để tận mắt chứng kiến con voi trắng và tôn quý nó như báu vật, sứ giả của thần linh. Voi trắng vốn rất thông minh, nó không cần thuần nhiều, chỉ cần đưa về nhà vài ngày là bảo gì nó cũng nghe.

    Theo kinh nghiệm của ông Ama Kông truyền lại cho người con trai, để phân biệt voi trắng và voi thường chỉ bằng cách nhìn vào mắt và ngà của chúng. Mắt voi trắng màu xanh, ngà trắng hồng. Đàn có con voi trắng thường rất đông, chúng rất hiền, đặc biệt voi trắng luôn ở trung tâm.

    Suốt một đời của mình, Ama Kông đã bắt được tổng cộng ba con voi trắng. Con voi trắng này Ama Kông tặng cho Tổng thống Ngô Đình Diệm vào tháng 1/1961. Đổi lại, ông Diệm tặng cho vua voi một khẩu súng săn hai nòng, một khẩu súng ngắn và 150 đồng.

    [​IMG]

    Con voi trắng ông Ama Kông tặng cho Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ảnh: Tư liệu.​

    Một con được tặng cho vua Bảo Đại và một con ông Khăm Phết Lào không nhớ nó được tặng ai. Vào thập niên cuối của thế kỷ XX, voi trở thành phương tiện để vận chuyển hàng hóa, nên rất có giá trị. Mỗi con voi đen có thể đổi tương đương hơn 100 con trâu, bò, chiêng. Ngoài mua bán đổi voi với những nhân vật lớn lúc bấy giờ, Ama Kông trong cuộc đời mình còn góp voi cho kháng chiến chống quân xâm lược.

    Vào năm 1954, Ama Kông được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giấy khen kèm khoản tiền thưởng 50 nghìn đồng. Sau này, ông cũng được Đảng, Nhà nước trao tặng huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

    Ông Khăm Phết Lào cho biết, thời thế đã thay đổi, nghề săn voi đã đi vào quá khứ, nhưng dân làng trân trọng, lưu giữ những thành quả cha ông để lại, nó minh chứng cho thời kỳ chinh phục thiên nhiên của người đồng bào Tây Nguyên.

    Trước đây, người đồng bào M'nông, Jarai, Ê đê xem voi như thành viên trong gia đình, chúng chết cũng được chôn cất cạnh mộ của tổ tiên. Còn bây giờ vì đồng tiền, nhiều nài voi đã lạm dụng chúng với mục đích du lịch.

    "Chúng ta sinh ra có chân tay, sao không tự cầm cuốc mà lao động, sao phải bốc lột chúng để kiếm tiền", ông Khăm Phết Lào nói và cho biết, trước đây ở Đăk Lăk hàng năm có lễ đua voi, nhưng thực tế đó là lễ "đánh voi".

    VUA SĂN VOI

    Y THU K'NUL (KHUNSANUP)

    Dân tộc M'Nông​

    Sinh năm 1827 – Mất năm 1937 (Thọ 110 tuổi)

    Ông là người khai sinh ra địa danh Bản Đôn và có công lao to lớn trong buổi đầu tạo lập và phát triển nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng (bằng dây da con trâu).

    Ông đã từng bắt được hàng trăm con voi và là người Tù trưởng có uy lực, giàu có nhất vùng, được các tù trưởng các tộc người ở Tây Nguyên tôn quý. Năm 1861, khi bắt được Bạch tượng (Voi trắng) ông tặng vua Thái Lan (vua Xiêm) và vua Bảo Đại. Được vua Thái Lan hậu đãi và phong tặng tước hiệu Khunsanup (Vua Săn Voi).

    Ông là nhân vật lịch sử, lãnh đạo tinh thần và trở thành một huyền thoại của đất rừng Bản Đôn..

    [​IMG]

    Vua săn voi Y THU K'NUL (KHUNSANUP)​

    Xem video:

    Người du lịch cưỡi Voi ở Hồ Luck bản Đôn



    Người quản tượng và người dân du lịch cho Voi ăn mía và chuối


    Cô hướng dẫn viên du lịch xinh đẹp kể về nhà sàn dài nhất trong làng


    Cô hướng dẫn viên du lịch kể về chiến công của hai cụ săn voi và nói về rượu Amakong

     
    Minh Hi, Chì ĐenLieuDuong thích bài này.
    Last edited by a moderator: 21 Tháng tư 2024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...