HÀNH HƯƠNG VỀ ĐẤT TỔ Dù ai đi đâu về đâu, Xin hãy một lần tìm về Nơi cội nguồn của dân tộc Tổ tiên dân tộc Việt Nam. Lịch sử Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm thăng trầm, phát triển với bao chiến tích, truyền thống hào hùng, vẻ vang. Nhưng liệu đã có ai tự hỏi rằng, cội nguồn dân tộc ở đâu và đã từng một lần tìm về cội nguồn, thắp nén nhang bày tỏ lòng thành kính, biết ơn hay chưa? Các bạn thân mến! Bất kỳ dân tộc nào trên thế giới cũng đều có nguồn cội. Và với dân tộc Việt Nam, nguồn cội, tổ tiên chính là di tích Đền Hùng. Khu di tích lịch sử Đền Hùng là một quần thể thâm nghiêm trên núi Nghĩa Lĩnh (cao 175m), được xây dựng vào thế kỉ XV, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ; là nơi thờ cúng các vua Hùng có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt. Xa xưa, vùng đất này là trung tâm của nước Văn Lang, nằm giữa hai dòng sông giống như hai dãy hào bao bọc lấy cố đô xưa của các vua Hùng. Núi Hùng nhìn tựa như đầu rồng hướng nam, mình uốn lượn thành các núi Trọc, Vặn, Pheo. Phía sau có những quả đồi lớn dài nối liền nhau như đàn voi chầu về Đất Tổ. Phía trước là ngã ba Bạch Hạc với sự hợp lưu của sông Hồng, sông Lô, sông Đà tạo nên một vùng nước mênh mông và những quả đồi nhấp nhô giống như một đàn rùa bò lên chầu về Nghĩa Lĩnh. Phía đông là dãy núi mẹ Tam Đảo điệp trùng, phía nam là dãy núi cha Ba Vì cao ngất. Theo sự tích Đền Hùng, đây là nơi con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ chọn đóng đô và lên làm vua lấy niên hiệu Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang. Bởi nơi đây có cảnh thế ngoạn mục, hùng vĩ, đầy khí thiêng của sơn thủy tụ hội. Đứng trên đỉnh núi có thể bao quát toàn bộ một vùng rộng lớn và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình. Khu di tích Đền Hùng có bốn ngôi đền, một ngôi chùa, một lăng và một số hạng mục kiến trúc khác, được xây dựng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Cổng đền: Được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh vào năm Khải Định thứ 2 (1917) dạng vòm cuốn, cao 8, 5m, gồm 2 tầng, 8 mái. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng, tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, bốn góc mái trang trí rồng, đắp nổi hai con nghê. Mặt trước cổng đắp nổi hai phù điêu võ sĩ, người cầm giáo, người cầm rìu chiến, mặc áo giáp, ngựa trang trí hổ phù. Đền Hạ: Từ chân núi rẽ qua cổng đền, leo thêm 225 bậc thang là đến Đền Hạ và chùa Thiên Quang. Trước cổng Đền Hạ có cây thiên tuế, bên cạnh là nhà bia có kiến trúc hình lục giác sáu mái. Nơi đây đặt tấm bia đá khắc câu nói của Bác Hồ trong chuyến thăm viếng đền ngày 19/9/1954: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước." Chùa Thiên Quang: Xưa có tên gọi là "Viễn Sơn Cổ Tự" sau đổi thành "Thiên Quang Thiền Tự", được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm Tiền Đường, Thiêu Hương, Tam Bảo ở phía trước, dãy hành lang, nhà Tổ ở phía sau. Các tòa được làm theo kiểu cột trụ, quá giang gối đầu vào cột xây, kèo suốt. Mái chùa được lợp ngói múi, có đầu dao cong. Bờ nóc tiền đường đắp lưỡng long chầu nguyệt. Chùa thờ Phật theo lối Đại thừa, trước sân có hai tháp sư hình trụ, bốn tầng, trên nóc đắp hình hoa sen, lòng tháp xây rỗng, cửa vòm nhỏ. Trong tháp có bia đá khắc tên các vị hòa thượng đã tu hành và viên tịch tại chùa. Chùa còn có một gác chuông, được xây dựng vào thế kỉ XVII, gồm ba gian, hai tầng mái, bốn vì kèo. Quả chuông treo trên gác ghi: "Đại Việt quốc, Sơn Tây đao, Lâm Thao phú, Sơn Vi huyện, Hy Cương xã, Cổ Tích thôn cư phụng". Đền Trung: Từ Đền Hạ leo thêm 168 bậc đá nữa là tới Đền Trung. Đền được xây kiểu hình chữ nhất, có ba gian quay về hướng nam, dài 7, 2m, rộng 3, 7m, mái hiên cao 1, 8m. Bộ vì kèo cầu quá giang gối vào tường. Tương truyền, đây là nơi các vua Hùng ngắm cảnh và bàn việc với các lạc hầu, lạc tướng. Đồng thời cũng là nơi hoàng tử Lang Liêu dâng bánh Chưng, bánh Giầy lên vua cha nhân dịp lễ cổ truyền. Đền Thượng: Từ Đền Trung đi tiếp 102 bậc đá là đến Đền Thượng. Phía trước đền là bức nghi môn lớn, nhà chuông trống, tiền tế, đại bá và hậu cung. Bên trái đền có một cột đá thề. Tương truyền, đây là nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời Đất, thần Núi và thần Lúa, và cũng là nơi Thục Phán sau khi được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề sẽ trông nom đền và giữ gìn cơ nghiệp vua Hùng. Lăng vua Hùng: Là ngôi mộ Hùng Vương thứ 6, tọa lạc ở phía đông Đền Thượng. Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong tám góc tạo thành hai tầng mái. Mái đắp giả ngói ống cổ, diềm ba phía đều đắp mặt hổ phù. Mộ xây hình chữ nhật, dài 1, 8m, rộng 1, 3m, cao 1, 1m. Xưa kia đầy là một mộ đất, niên hiệu Tự Đức năm thứ 27 đã cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định (1922) trùng tu lại. Đền Giếng: Từ lăng đi xuống, đền ở chân núi phía đông nam. Tên chữ là Ngọc Tỉnh, kiến trúc kiểu chữ Công, gồm tiền bái, hậu cung, một chuôi vồ, hai nhà oản, có phương đình nối tiền bái với hậu cung. Tương truyền, đây là nơi công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi gương, vấn tóc khi theo cha kinh lý qua vùng này. Đền Tổ Mẫu Âu Cơ: Là một ngôi đền mới, được xây dựng năm 2001 trên núi Vặn và khánh thành vào cuối năm 2004. Đền thờ Lạc Long Quân: Được xây dựng năm 2007, trên đồi Sim, với diện tích 13, 79 ha, khánh thành năm 2009, gồm nghi môn, trụ biểu, nhà bia, đền chính, tả, hữu, vu. Trong đền đặt tượng đồng Lạc Long Quân, bệ tượng, lư hương được tạc bằng đá khối, họa tiết tinh xảo. Bảo tàng Hùng Vương: Ở gần Công quán, xây dựng năm 1986 phỏng theo truyền thuyết bánh Chưng, bánh Giầy, phản ánh quan niệm của người Việt cổ về vũ trụ trời tròn, đất vuông. Năm 1933, bảo tàng mở cửa đón khách tham quan với rất nhiều hiện vật, tranh ảnh và nhiều hiện vật bổ trợ khác. Bảo tàng đã giới thiệu khái quát sự nghiệp dựng và giữ nước Văn Lang của các vua Hùng thông qua các nội dung trưng bày với các chủ đề khác nhau. Các bạn ạ! Di tích Đền Hùng là nơi tụ hội văn hóa tâm linh của dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng (10/3 âm lịch) đã thể hiện hết sức cụ thể, sinh động, thiêng liêng truyền thống cố kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Lễ hội Đền Hùng là lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia, đặc biệt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vừa qua đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Mỗi du khách, đặc biệt là người Việt Nam, hãy nên hành hương về nơi này, thắp nén nhang bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên, nguồn cội. Trở về nguồn cội thăm viếng, tôi chắc chắn rằng, bản thân các bạn sẽ luôn cảm phục thế hệ cha ông; từ đó, cảm thấy thật tự hào khi là người con đất Việt, đồng thời, tình yêu đất nước trong các bạn sẽ ngày càng sâu đậm hơn.. Ngày nay, Đền Hùng đã và đang được tôn tạo, tu bổ, xây dựng xứng đáng là trung tâm văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Nhằm bảo tồn, phát huy, giới thiệu rộng rãi những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt của di tích, ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích Đền Hùng là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.