Review Phim Dead Poets Society - Giá Trị Của Thơ Ca

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi MTrang1102, 17 Tháng sáu 2023.

  1. MTrang1102 Ờm …

    Bài viết:
    394
    [​IMG]

    Tên khác: Câu lạc bộ thơ ca.

    Đạo diễn: Peter Weir.

    Năm phát hành: 1989.

    Diễn viên chính: Robin Williams, Ethan Hawke, Robert Sean Leonard, Gale Hansen, Josh Charles, Dylan Kussman, Allelon Ruggiero, James Waterston..​

    Dead Poets Society là bộ phim của vị đạo diễn Peter Weir. Bộ phim là câu chuyện kể về những nam sinh theo học ở trường nam sinh Welton, là một ngôi trường danh giá với bốn tiêu chí như truyền thống, kỷ luật, danh dự, ưu tú. Nhóm học sinh là những con người có tư tưởng và khát vọng giống nhau, nhưng do lối quản giáo nghiêm khắc của thầy hiệu trưởng đã khiến những nam sinh rơi vào cảnh như bị cầm tù, luôn bị kỳ vọng quá cao từ các bậc phụ huynh, và sự nhòi nhét về các phẩm giá, thành tựu cao của các thầy cô đã khiến học sinh ở ngôi trường này ngày càng trở nên mòn mỏi và kìm kẹp tâm hồn họ.

    Sự xuất hiện của thầy giáo dạy văn John Keating ở ngôi trường nam sinh ấy như một cánh cửa mở ra cho những tâm hồn bị kìm kẹp ấy. Thầy là người tạo động lực và thay đổi suy nghĩ của những nam sinh ở đây. Thầy đã đưa ra suy nghĩ hoàn toàn khác biệt về thơ ca trong đời sống, mà mọi người ở xã hội lúc bấy giờ vẫn nhầm tưởng thơ ca quá đỗi mơ mộng và thừa thải, không có chút giá trị gì trong đời sống hiện thực vốn quá khắc nghiệt. Trong một phân đoạn phim, thầy từng nói về vấn đề này "Chúng ta không đọc thơ vì nó dễ thương. Chúng ta đọc và viết thơ bởi chúng ta là một phần của nhân loại và nhân loại thì tràn đầy khát vọng. Y học, luật, kinh doanh, kỹ thuật là những nhu cầu cao cả và cần thiết cho cuộc sống. Nhưng thơ ca, vẻ đẹp và tình yêu.. đó mới là mục đích sống của chúng ta." . Thơ ca thật chất lại là thứ lý tưởng cao đẹp mà cả nhân loại đều hướng đến sau cùng. Nhờ những bài dạy thơ ca say mê của thầy và cách dạy cho học sinh mình những góc nhìn mới về thới giới, đáng kể nhất là chi tiết, khi trước đây ngôi trường luôn bao trùm không khí đầy gò bó và kỷ luật, nhưng khi đến tiết học của thầy giáo John Keating, thầy lại yêu cầu cả lớp lần lượt đứng lên bàn giáo viên để nhìn thế giới ở một góc độ khác và cảm nhận thế giới ấy theo một cách của riêng mình, tự bản thân mình nhận định vấn đề theo cách của riêng mình chứ không phải là theo một nhận định có sẵn trong sách giáo khoa. Hay nói cách khác, cả việc khuyến khích học sinh đứng lên bàn hay yêu cầu học sinh tự nhìn nhận thế giới, thì người thầy giáo đang làm một điều khá phá cách và khuyến khích ý chí tự do của nhóm học sinh nam đã phải luôn gò bó trước đây. Ngoài ra, thầy còn dạy học sinh của mình về thơ ca của Henry David Thoreau, cụ thể là cuốn Walden, nhưng thầy giáo lại không gò bó, yêu cầu học sinh phải cảm nhận lời thơ ấy theo cảm nhận của người khác, mà khuyên học trò mình hãy tự do cảm nhận thơ ca theo một cách độc lập, và sống tự do như thơ ca của Thoreau. Thơ ca hiện lên trong đời sống lúc này là một triết lý giáo dục một cách nhẹ nhàng, mượn những lời thơ ca bay bỗng để giáo điều những bài học sâu sắc. Nhưng không vì vậy, mà những bài thơ ca rời thực tiễn, tuy có bay bỗng và lãng mạn, cách nhìn nhận thơ ca cũng phải gắn với thực tế. Như phân cảnh, thầy giáo John Keating đã truyền đạt tư tưởng 'Carpe diem' được trích từ một câu thơ của nhà thơ La Mã cổ đại, có nghĩa là 'sống hết mình cho ngày hôm nay', sau cùng đó đã trở thành câu chủ đề xuyên suốt cho tác phẩm, là châm ngôn dẫn lối cho các nam sinh trong trường Welton.

    [​IMG]

    Thơ ca không phải chỉ để cho học sinh phân tích chỉ để hiểu được nó không thôi, phân tích thơ ca còn là một quá trình, một hành trình trải nghiệm của chính tâm hồn mình. Phải nói văn học hay thơ ca đã góp phần to lớn cho cuộc sống hiện thực này trở nên phong phú và tươi mới hơn, việc tìm hiểu và đánh giá thơ ca là quá trình mà bản thân mình tiếp cận rộng mở hơn với thế giới một cách đa chiều hơn. Học và tiếp cận với thơ ca là quá trình nuôi dưỡng tâm hồn của con người, sẽ ra sao nếu thế giới không còn thơ văn tồn tại? Tâm hồn của con người sẽ ra sao nếu chẳng còn một cảm xúc bay bổng nào? Nếu vẫn còn thắc mắc tầm quan trọng của thơ ca, thì kết cục của bộ phim sẽ là một câu trả lời đầy sự đau đáu.

    [​IMG]

    Cái kết của tác phẩm mở ra một cái chết đầy bi thảm cho nhân vật Neil, nhưng khi xoáy sâu vào vào cái chết ấy, ta mới cảm nhận được sự thương tiếc và đau buồn cho nhân vật ấy. Cậu là một nam sinh trẻ tuổi và tài năng có biết bao tương lai sáng lạng vẫn đang chờ đợi phía trước. Cậu yêu thích nghề diễn viên nhưng bố cậu lại áp đặt cậu theo nghề mà họ cho là danh giá hơn như bác sĩ, luật sư. Cậu nam sinh trẻ tuổi với những hoài bão và cuộc đấu tranh nội tại đã dẫn đến kết cục buồn bã, rằng có nỗi đau nào khó chịu hơn khi mà chính bản thân mình cảm thấy như bị lạc lõng và không ai thấu hiểu ngay cả trong chính gia đình mình. Những mâu thuẫn và sự giằng xé nội tâm cứ khiến chàng trai tuổi vị thành niên dại dột chọn cho mình kết cục mà cậu cho là giải thoát. Và qua cái kết cục dại dột ấy, nó lại khiến chúng ta lại phải tự nhìn nhận về một nền giáo dục hà khắc và gò bó của xã hội đã giết mòn tâm hồn học sinh như thế nào.

    Câu trả lời cho sự thiếu vắng của thơ ca là một tâm hồn mục nát, một nỗi tràn trề thất vọng và bi quan. Một ngôi trường hà khắc đại diện cho một tư tưởng bài trừ thơ ca sến súa khỏi xã hội thực tiễn, và những học sinh ở ngôi trường hà khắc ấy chính là nạn nhân của tư tưởng ấy. Những tâm hồn trữ tình không còn ai thấu hiểu, sẽ là những tâm hồn lạc lõng và bơ vơ xuất hiện. Thầy John Keating xuất hiện như một sự đấu tranh lẻ loi của những tâm hồn quá đỗi gò bó cô độc, một hy vọng nhỏ nhoi nhen nhóm lên trong một xã hội rộng lớn quá tôn thờ danh vọng.

    Câu chuyện khép lại nhưng lại mở ra một câu hỏi rất lớn, văn học có đóng góp gì cho nền giáo dục? Chúng ta học văn để làm gì? Thưởng thức bộ phim để mỗi người trong chúng ta tự tìm ra một câu trả lời cho riêng mình.

    -HẾT-​
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng sáu 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...