Đọc câu chuyện sau và trả lời các câu hỏi dưới đây. Giá trị vĩ đại của một tai nạn Tháng 12 năm 1914, phòng thí nghiệm của nhà bác học Thomas Edison bị thiêu rụi hoàn toàn trong một trận hỏa hoạn. Mặc dù con số thiệt hại vượt quá hai triệu đô la Mỹ nhưng công ty bảo hiểm chỉ bồi thường 238.000 đô la. Vì theo họ, toàn bộ tòa nhà được đúc bằng bê tông, một vật liệu được đánh giá là không bắt lửa. Ngọn lửa đêm hôm đó đã thiêu rụi nhiều công trình tâm huyết của cuộc đời Edison. Khi đám cháy vẫn chưa được dập tắt, Charles, cậu con trai 24 tuổi của Edison, hốt hoảng lùng sục, tìm kiếm cha mình giữa đống đổ nát mịt mù khói. Cuối cùng, cậu cũng tìm thấy Edison, rất bình tĩnh, đang quan sát cảnh tượng xung quanh. Gương mặt ông đỏ bừng phản chiếu hình ảnh đám cháy, mái tóc bạc trắng bay phất phơ trong gió. "Tôi nhìn cha mà tim đau nhói," Charles kể. "Cha tôi đã 67 tuổi, không còn trẻ nữa để bắt đầu lại khi mọi thứ đều đã cháy theo ngọn lửa. Khi trông thấy tôi, cha hét to:" Charles, mẹ con đâu? "Khi tôi bảo rằng tôi không biết, ông nói," Đi tìm và đưa mẹ con đến đây ngay. Mẹ con sẽ không bao giờ có dịp chứng kiến cảnh này trong cuộc đời một lần nữa đâu. " Sáng hôm sau, Edison nhìn đống hoang tàn và bảo:" Tai nạn này đã mang đến cho ta một giá trị vĩ đại. Mọi lỗi lầm chúng ta gây ra đều bị xóa sổ hoàn toàn. Cảm ơn Thượng Đế. Giờ đây, chúng ta có thể bắt đầu lại. " Ba tuần sau đám cháy, Edison cho ra đời chiếc máy hát đĩa đầu tiên. a, Nêu PTBĐ chính của văn bản trên. b, Sau khi phòng thí nghiệm của mình bị cháy, Edison đã có thái độ như thế nào? c, Nhận xét về nhan đề của văn bản d, Từ câu chuyện trên, kết hợp với hiểu biết của bản thân, viết đoạn văn 1 trang giấy thi nêu suy nghĩ của anh/ chị về câu ngạn ngữ sau:" Nếu ngôi nhà bạn bị cháy, hãy tự sưởi ấm mình bằng ngọn lửa ấy. " Bấm để xem Tham khảo câu trả lời: a, PTBĐ chính: Tự sự b, Sau khi phòng thí nghiệm của mình bị cháy, Edison đã có thái độ lạc quan, tự tin, suy nghĩ tích cực, coi thất bại là cơ hội làm lại từ đầu. c, Nhan đề cho thấy cách khai thác mới, tích cực về ý nghĩa của một" tai nạn "- sự cố xảy ra đầy bất ngờ, không trong dự đoán của con người. Tai nạn đôi khi có thể giúp ta tỉnh ngộ, nhận ra điểm mới mẻ mà trước đây ta cố ý bỏ mặc hay vô tình lãng quên, hoặc tai nạn cho ta một bài học, một kinh nghiệm và một cơ hội làm lại từ đầu. Tác giả cũng không đặt tên cụ thể tai nạn này đến với phòng thí nghiệm của Edison, cho thấy nhan đề có sức khái quát cao, muốn nhắn nhủ đến toàn bạn đọc về những tai nạn có thể xảy ra trong cuộc sống. d, " Cảm ơn Thượng Đế. Giờ đây, chúng ta có thể bắt đầu lại. "Câu chuyện về cách phản ứng đầy lạc quan, tích cực khi chứng kiến phòng thí nghiệm của mình bị hỏa hoạn thiêu rụi hoàn toàn của nhà bác học Edison đã khiến chúng ta nhớ đến một câu ngạn ngữ Tây Ban Nha sâu sắc:" Nếu ngôi nhà bạn bị cháy, hãy tự sưởi ấm mình bằng ngọn lửa ấy. "Câu nói đã dùng hình ảnh căn nhà cháy để ẩn dụ cho những tai nạn bất ngờ và khủng khiếp có thể xảy ra trong cuộc sống, đồng thời nhắn nhủ bạn đọc" tự sưởi ấm mình bằng ngọn lửa ", đối diện với sự cố một cách bình tĩnh, can đảm, kiên trì. Câu nói này nhằm cổ vũ và khuyến khích con người sống thiện lương, tình nghĩa kể cả trong hoàn cảnh khó khăn và bế tắc nhất. Những người biết" tự sưởi ấm mình "là người bản lĩnh, biết dùng thất bại, thử thách, gian truân làm bệ phóng, động lực để tiến lên phía trước. Họ luôn tận dụng mọi cơ hội để được trui rèn và luôn tự nhận thức giá trị, năng lực của bản thân. Họ có những thói quen sống lành mạnh, kỷ luật, có cái nhìn lạc quan, yêu đời, không ưu sầu quá lâu về một vấn đề và luôn tìm kiếm mặt tốt từ chính vấn đề ấy. Vì vậy, nhờ có suy nghĩ tích cực, họ sống trọn vẹn hơn, tận hưởng nhiều niềm hạnh phúc giản dị và có một tâm hồn thanh thản, nhẹ nhõm. Cách nhìn nhận mới mẻ khiến họ trở nên dí dỏm, thoải mái, tự do tự tại, nên được người xung quanh tin tưởng và yêu quý. Sự tích cực, tự tin, tin vào tương lai khiến họ tràn đầy năng lượng, như những bông hoa đẹp nhất tỏa sắc khoe hương cho vườn đời. Vì vậy, khi gặp giông bão, họ vui vẻ đón nhận, mạnh mẽ vươn lên và làm chủ cuộc đời. Nhà chính trị gia Sir Winston Churchill đã từng nói:" Người bi quan nhìn thấy khó khăn trong mỗi cơ hội, còn người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong mỗi khó khăn ". Câu này quả đúng với cố CEO Apple Steve Jobs, người biết" tự sưởi ấm mình "bởi ngọn lửa khó khăn. Gắn bó với Apples 10 năm, ông bất ngờ bị công ty sa thải. Trong hoàn cảnh gần như trắng tay đó, trải qua bao cú sốc, sự nuối tiếc và đau đớn, ông đã nhận ra niềm đam mê dành cho công việc có thể giúp ông vượt qua sự chán nản của thất bại. Từ đó, ông vực lại tinh thần, tận dụng hết vốn liếng, năng lực, kinh nghiệm, khát khao của mình để tiến xa hơn nữa tại Next và Pixar cuối cùng cũng trở lại Apple với vị trí là Tổng giám đốc điều hành. Chẳng những vậy, ông còn luôn nhìn vào quá khứ như lấy đó làm động lực để bản thân tận tâm tận lực trong hiện tại và phấn đấu cho tương lai. Ông cũng tích cực kể câu chuyện của mình, lan tỏa ngọn lửa ý chí đó và truyền cảm hứng cho bao người trong ngoài giới làm việc, kể cả cho một bạn trẻ như tôi. Anais Nin từng nói:" Chúng ta thường không đón nhận sự việc theo như tính chất của chúng: Trái lại, chúng ta có khuynh hướng cảm nhận mọi biến cố theo cách thức chúng ta sống và suy nghĩ."Ngày nay, có nhiều người lớn trong môi trường đầy đủ tiện nghi, từ nhỏ đã đạt nhiều thành tích khiến nhiều người trầm trồ ngưỡng mộ, nên khi bất ngờ gặp phải thất bại, khó khăn, họ có thể sẽ dễ rơi vào trạng thái thất vọng, bi quan, tập trung vào những khó khăn của mình và lo sợ, chán nản, than vãn. Trong cái khó thì ló cái khôn, mong rằng khi một cánh cửa đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra. Họ sẽ tỉnh ngộ, nhận ra những điều mới mẻ mà trước đây cố ý bỏ mặc hay vô tình quên lãng, để nhận lấy một bài học, một kinh nghiệm và một cơ hội thay đổi, làm lại từ đầu. Vì sẽ không bao giờ có thành quả nếu nghĩ rằng thành công là thứ dễ dàng hay không phải trả một cái giá nào đó. Nhưng tiếc rằng ngày nay, vẫn nhiều người thấy khó là nản, thấy gian nan là nhụt chí, tuyệt vọng, để rồi tự cô lập mình, bỏ lỡ những đốm lửa hy vọng ấm áp giữa tro tàn. Hãy phân tích, thừa nhận sai lầm nhưng cũng đừng để cảm giác thất bại nhấn chìm bạn, khiến những ám ảnh của quá khứ ảnh hưởng đến quyết định trong hiện tại và cả tương lai. Thay vào đó, hãy dùng kinh nghiệm tích lũy được để có những cân nhắc sáng suốt và kiên trì đến cùng với mục tiêu của mình. Là một học sinh sắp trải qua kì thi quan trọng, tôi luôn lo lắng khi thấy các bài kiểm tra thử đạt kết quả không như mong muốn. Song hành với đó, tôi biết mình cần lấy đó làm động lực mà cố gắng hơn nữa, chăm chỉ khắc phục nhược điểm, phát huy thế mạnh để trở thành phiên bản tốt hơn, cứng cáp hơn trong tương lai. Đời người có bao nhiêu nơi là nhà, là thứ ta tin yêu, trân trọng, bảo vệ, nâng niu, mà cuộc sống lại luôn tiềm ẩn những ngọn lửa hung tàn, nhưng còn ý chí và đôi bàn tay, ta có thể khéo léo làm bạn với ngọn lửa ấy để tạo dựng nên những giá trị tốt đẹp.