Đề thi thử vào lớp 10 năm học 2023 - 2024 môn Ngữ văn THCS ĐỊNH LONG có đáp án

Thảo luận trong 'Cần Sửa Bài' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 1 Tháng sáu 2023.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    I. ĐỌC -HIỂU VĂN BẢN (3, 0 điểm).

    Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu:

    "(.) Chúng ta hãy biết trân quý vẻ đẹp tâm hồn, bởi đó là yếu tố tiên quyết làm nên giá trị chân chính của một con người. Con người là tổng hòa của vẻ đẹp hình thức bên ngoài lẫn tâm hồn bên trong (.). Với tôi, vẻ đẹp đáng được nâng niu, trân trọng, được ngưỡng mộ hơn hết vẫn là nét đẹp toát lên từ tâm hồn mỗi người.

    Vẻ đẹp tâm hồn là vẻ đẹp tổng hòa của cảm xúc, nhận thức, lý trí và khát vọng; của lòng nhân ái, bao dung thấu hiểu và sẻ chia; của sự chân thành, hiểu biết, thái độ, cách suy nghĩ và sự lắng nghe.. trong cuộc sống. Một tâm hồn đẹp giúp ta biết yêu thương, biết sống đẹp, sống có ích. Vẻ đẹp tâm hồn như người ta vẫn nói, tuy nó không có hình hài nhưng thực sự sâu xa và bền vững. Bởi vậy, đó là cái đẹp đáng được quý trọng nhất.

    (.) Giống như lớp vỏ bên ngoài, như bình hoa hay một cô búp bê, khi ngắm mãi, (.) ta cũng sẽ thấy chán. Vẻ đẹp hình thức của một con người cũng vậy. Dẫu đẹp, dẫu ấn tượng đến mấy rồi cũng sẽ dễ dàng bị xóa nhòa nếu người đó chỉ là một con người nhạt nhẽo, vô duyên, hay ích kỷ, xấu xa.. Nhưng vẻ đẹp tâm hồn thì khác. Nó luôn tạo nên được sức hút vô hình và mạnh mẽ nhất, là giá trị thực sự lâu bền của bản thân mỗi người. Một người có tâm hồn đẹp thì vẻ đẹp tâm hồn sẽ càng tôn vinh, bồi đắp cho vẻ đẹp hình thức của người ấy. Và muốn có được vẻ đẹp tâm hồn, mỗi người cần phải trải qua quá trình rèn luyện, tu dưỡng, học hỏi một cách thường xuyên (.)"

    (Nguyễn Đình Thu, Trích "Vẻ đẹp tâm hồn"

    Nguồn: Link )

    Câu 1 (0, 5đ) Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là gì?

    Câu 2 (0, 5đ) Chỉ ra một phép liên kết hình thức có trong đoạn văn sau: "Vẻ đẹp tâm hồn như người ta vẫn nói, tuy nó không có hình hài nhưng thực sự sâu xa và bền vững. Bởi vậy, đó là cái đẹp đáng được quý trọng nhất"

    Câu 3 (1, 0đ). Em hiểu như thế nào về quan niệm của tác giả trong câu văn: "Một tâm hồn đẹp giúp ta biết yêu thương, biết sống đẹp, sống có ích" ?

    Câu 4 (1, 0đ). " Một người có tâm hồn đẹp thì vẻ đẹp tâm hồn sẽ càng tôn vinh, bồi đắp cho vẻ đẹp hình thức của người ấy". Em có đồng tình với quan điểm này của tác giả không? Vì sao? (Trình bày bằng một đoạn văn ngắn khoảng 5-7 câu).

    II. TẠO LẬP VĂN BẢN (7, 0 điểm).

    Câu 1 (2, 0đ). Từ nội dung của phần Đọc hiểu, em hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ ) bàn về việc làm thế nào để nuôi dưỡng một tâm hồn tươi đẹp?

    Câu 2 (5, 0đ). Trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng có đoạn:

    [..] Tôi hãy còn nhớ buổi chiều hôm đó – buổi chiều sau một ngày mưa rừng, giọt mưa còn đọng trên lá, rừng sáng lấp lánh. Đang ngồi làm việc dưới tấm ni lông nóc, tôi bỗng nghe tiếng kêu. Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà.

    Sau đó anh lấy vỏ đạn hai mươi li của Mĩ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc. Chẳng hiểu sao tôi thích ngồi nhìn anh làm và cảm thấy vui vui khi thấy bụi ngà rơi mỗi lúc một nhiều. Một ngày, anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi, cây lược cho con gái, cây lược dùng để chải mái tóc dài, cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: "Yêu nhớ tặng Thu con của ba". Cây lược ngà ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh. Những đêm nhớ con, anh ít nhớ đến nỗi hối hận đánh con, nhớ con, anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con. Nhưng rồi một chuyện không may xảy ra. Một ngày cuối năm năm mươi tám – năm đó ta chưa võ trang – trong một trận càn lớn của quân Mĩ – ngụy, anh Sáu bị hi sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào ngực. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại đôi mắt của anh.

    – Tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu.

    Tôi cúi xuống gần anh và khẽ nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi.

    (Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng, SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2014)

    Phân tích nhân vật ông Sáu trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về vẻ đẹp của con người Nam Bộ trong kháng chiến chống Mĩ.

    GỢI Ý ĐÁP ÁN

    Phần I.


    Câu 1: Phương thức biểu đạt nghị luận.

    Câu 2: Phép liên kết: Phép nối: "Bởi vậy", phép thế: "Đó"

    Câu 3: Một tâm hồn đẹp sẽ giúp ta làm nên nhiều hành động đẹp như sống lương thiện, nhân ái, hòa nhập và chia sẻ.. từ đó làm được những điều có ích cho bản thân, cho xã hội.

    Câu 4: Có thể nêu quan điểm: Đồng tình với quan điểm tác giả vì con người là tổng hòa của vẻ đẹp hình thức bên ngoài lẫn tâm hồn bên trong. Vì vậy, nếu tâm hồn càng đẹp thì càng tôn vinh, bồi đắp cho vẻ đẹp hình thức con người, đó là vẻ đẹp hoàn hảo, đáng trân trọng.

    Phần II.

    1. Nghị luận xã hội

    A- Đảm bảo thể thức của một đoan văn nghị luận: Mở đoạn giới thiệu vấn đề. Thân đoạn làm rõ nội dung, ý nghĩa của vấn đề. Kết đoạn khái quát được vấn đề.

    B-Xác định đúng vấn đề nghị luận: Làm thế nào để nuôi dưỡng một tâm hồn tươi đẹp?

    C- Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn:

    *Giải thích

    - Tâm hồn con người là tổng hòa của nhiều yếu tố như cảm xúc, nhận thức, lí trí, khát vọng.. Người có tâm hồn đẹp là người có tấm lòng nhân ái, bao dung, nhạy cảm trước mọi nỗi niềm của con người.

    *Bàn luận

    - Vẻ đẹp tâm hồn là vẻ đẹp của phẩm chất bên trong, là yếu tố tạo nên nét đẹp chân chính, giá trị đích thực của mỗi người. Nuôi dưỡng tâm hồn là điều rất quan trọng và rất cần thiết. Con người chỉ hoàn thiện khi có sự hài hòa giữa vẻ đẹp hình thức với vẻ đẹp tâm hồn. Con người trong xã hội sống và đối xử với nhau bằng suy nghĩ và hành động, không phải bằng vẻ bề ngoài, vì vậy, để trở thành người tốt được mọi người yêu quý, tin tưởng, chúng ta cần phải tu dưỡng, rèn luyện vẻ đẹp tâm hồn và những đức tính tốt đẹp.

    - Làm thế nào để nuôi dưỡng tâm hồn đẹp: Biết quan sát, lắng nghe, học hỏi, nhạy cảm, thấu hiểu, chia sẻ với người khác để cùng hướng tới những điều thiện. Không ngừng học hỏi để nâng cao vốn sống, vốn hiểu biết. Luôn hướng thiện và có tâm hồn đồng cảm với người khác. Tránh gây tổn thương cho những người xung quanh

    (HS lấy dẫn chứng phù hợp)

    *Mở rộng: Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người đề cao vẻ đẹp về ngoại hình hơn vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách, hoặc để tâm hồn khô cằn..

    *Bài học nhận thức và hành động:

    - Cái đẹp tiềm ẩn bên trong phẩm chất, tính cách mới tạo nên giá trị đích thực của mỗi con người, vẻ đẹp tâm hồn tôn vinh thêm cho vẻ đẹp hình thức

    - Vẻ đẹp tâm hồn làm nên giá trị sâu xa, bền vững của con người.

    - Con người ta chỉ hoàn thiện khi có sự hài hòa giữa vẻ đẹp hình thức với vẻ đẹp tâm hồn.

    - Liên hệ bản thân.

    D- Sáng tạo: Có cách diễn đạt độc đáo, thể hiện những suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về vấn đề.

    E- Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo những qui tắc về chuẩn chính tả, dùng từ, đặt câu.

    2. Nghị luận văn học

    A. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận: Có đầy đủ ba phần: Mở bài giới thiệu vấn đề nghị luận; Thân bài triển khai được luận điểm và làm rõ; Kết bài khái quát được vấn đề nghị luận.

    B- Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cảm nhận nhân vật ông Sáu trong đoạn trích.

    C- HS triển khai vấn đề: Luận điểm cụ thể, rõ ràng, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. HS có thể trình bày theo hướng sau:

    * Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích

    - Nguyễn Quang Sáng (1932) là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam thời kì chống Mĩ. Tác phẩm của ông tập trung thể hiện cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình.

    - Truyện ngắn "Chiếc lược ngà" được viết năm 1966, khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ và được đưa vào tập truyện cùng tên. Tác phẩm đã thể hiện cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh.

    - Đoạn trích nằm ở phần cuối tác phẩm, thể hiện vẻ đẹp của tình phụ tử thiêng liêng, sâu sắc của ông Sáu đối với bé Thu trong những ngày ở chiến khu.

    *Khái quát về nhân vật: Ông Sáu là một chiến sĩ cách mạng, lên đường chiến đấu từ khi đứa con gái duy nhất chưa đầy tuổi. Sau tám năm mong nhớ, ông được về phép thăm nhà, khao khát được nghe một tiếng "ba" nhưng bé Thu lại kiên quyết chối từ. Uẩn khúc được tháo gỡ, lúc hạnh phúc vô ngần vì được ôm con trong lòng, được nghe tiếng gọi "ba" cũng là lúc ông Sáu trở lại chiến trường với lời hứa: Ba về, ba mua cho con một cây lược..

    * Phân tích nhân vật ông Sáu trong đoạn trích.

    - Nội dung: Đoạn trích tập trung miêu tả tình cảm của ông Sáu đối với bé Thu khi trở lại chiến khu.

    + Tìm được mảnh ngà: Nỗi mừng vui òa vỡ như một đứa trẻ được quà, vì ông Sáu đã có thể thực hiện lời hứa với bé Thu, làm một cây lược thật đặc biệt để chải mái tóc dài của con gái.

    + Quá trình làm lược: Thận trọng, tỉ mỉ, công phu, kiên nhẫnnhư người thợ bạc – bởi ông Sáu dồn vào món quà nhỏ cả tình yêu thương, nỗi nhớ mong, cả nỗi ân hận dày vò vì trót lỡ đánh con.

    + Hoàn thành chiếc lược ngà: Nguôi ngoai phần nào nỗi hối hận vì đánh con, ông Sáu càng cháy lòng nỗi nhớ con, khao khát được gặp con. Câylược mà mỗi lúc mong nhớ ông Sáu lại đem rangắm nghía rồi mài lên tóc cho thêm bóng, thêm mượt ấy chính là nơi kí thác tấm lòng yêu thương sâu nặng, thiêng liêng của người cha.

    + Trong khoảnh khắc hi sinh: Bị trúng đạn, ông Sáu dùng chút sức lực cuối cùng để trao lại cho ông Ba cây lược với ánh nhìn trăn trối, rồi phải được nghe lời hứa: Tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu, mới yên lòng ra đi. Cây lược trở thành kỉ vật của tình yêu thương con bất diệt, tình yêu thương vượt lên cái chết, chiến thắng sự tàn khốc, hủy diệt của chiến tranh.

    - Đặc sắc nghệ thuật: Nhà văn đã đặt nhân vật vào một tình huống đặc biệt, nghệ thuật kể chuyện chân thực, thấm thía (bằng lời của ông Ba, người bạn thân, đồng đội của ông Sáu), miêu tả tâm lí, tình cảm nhân vật sâu sắc, sáng tạo hình ảnh chiếc lược ngà mang nhiều ý nghĩa.

    =>Đánh giá: Xuất hiện trong cảnh ngộ éo le, tình cảm yêu thương thường trực ông Sáu dành cho bé Thu được thể hiện vô cùng cảm động với nhiều cung bậc. Qua việc thể hiện tình cảm cha con sâu nặng của ông Sáu, nhà văn khẳng định và ca ngợi tình phụ tử sâu sắc, mãnh liệt, thiêng liêng như một giá trị nhân bản sâu sắc. Tình cảm ấy góp phần tạo nên sức mạnh đưa dân tộc ta vượt lên sự hủy diệt tàn bạo của chiến tranh, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

    * Nhận xét về vẻ đẹp của con người Nam Bộ trong kháng chiến chống Mĩ.

    - Nhân vật Ông Sáu - người chiến sĩ cách mạng, người cha trong truyện "Chiếc lược ngà" là đại diện tiêu biểu cho những con người Nam Bộ trong kháng chiến chống Mĩ. Đó là những con người đã chịu nhiều mất mát, đau thương do bom đạn kẻ thù nhưng luôn kiên cường vượt qua gian khổ, sẵn sàng chấp nhận hi sinh để chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

    - Đó cũng là những con người tha thiết với cuộc sống gia đình, với hạnh phúc bình dị bên người thân, luôn nâng niu những kỉ niệm thân thương.

    D- Sáng tạo: Có cách diễn đạt độc đáo, thể hiện những suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về vấn đề.

    E- Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo những qui tắc về chuẩn chính tả, dùng từ, đặt câu.

     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...