SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NGHỆ AN TRƯỜNG THPT CHUYÊN PHAN BỘI CHÂU ĐỀ THI THỬ KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2021 Bài thi: NGỮ VĂN (Đề thi gồm có: 02 trang) Thời gian: 120 phút I. ĐỌC HIỂU (3, 0 điểm) Đọc đoạn trích: * * *Về nhà đi, phố chẳng như lòng mẹ Lối quanh co ngõ ngách nhỏ chật dài Ánh trăng khóc trong đèn vàng cám dỗ Người với người như lá rớt qua vai Về nhà đi, tháng ngày dần ngắn lại Những sân ga trong mỗi cuộc đời? Ngày xuống tàu biệt li nào hẹn trước Nên rất cần tay nắm lúc còn vui. Về nhà đi, bởi trong mỗi cuộc đời Ai người cũng chỉ có một mái nhà để học cách yêu, Một mẹ, một cha cho bàn chân tìm lối về hiếu nghĩa Dù giang cánh chạm chân trời góc bể Hãy cứ về khi có thể - để thương.. Níu giữ trên tay thứ hạnh phúc cội nguồn.. (Về nhà đi, Lương Đình Khoa, NXB Văn học, 2016, Tr. 53-54) Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào? Câu 2. Hãy chỉ ra hai lý do ở đoạn trích mà tác giả khuyên chúng ta về nhà đi. Câu 3. Nêu hiệu quả của biện pháp điệp ngữ chính trong đoạn trích. Câu 4. Anh/ Chị hãy rút ra thông điệp mà tác giả gửi gắm trong câu thơ Ai người cũng chỉ có một mái nhà để học cách yêu. II. LÀM VĂN (7, 0 điểm) Câu 1. (2, 0 điểm) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: Nhà là nơi để trở về. Câu 2. (5, 0 điểm) Bà lão phấp phỏng bước theo con vào trong nhà. Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn. Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ? Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải. Bà lão nhìn kĩ người đàn bà lần nữa, vẫn chưa nhận ra người nào. Bà lão quay lại nhìn con tỏ ý không hiểu. Tràng tươi cười: - Thì u hẵng vào ngồi lên giường lên giếc chĩnh chện cái đã nào. Bà lão lập cập bước vào. Người đàn bà tưởng bà lão già cả, điếc lác, thị cất tiếng chào lần nữa: - U đã về ạ! Ô hay, thế là thế nào nhỉ? Bà lão băn khoăn ngồi xuống giường. Tràng nhắc mẹ: - Kìa nhà tôi nó chào u. Thấy mẹ vẫn chưa hiểu, hắn bước lại gần nói tiếp: - Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau.. Chẳng qua nó cũng là cái số cả.. Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì.. Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt.. Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không. (Trích Vợ nhặt, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam 2020, tr. 28) Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân. * * *HẾT..