Đề thi học sinh giỏi môn sử 12 tỉnh hà nam

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Bảo Ngọc Khánh Linh, 8 Tháng mười hai 2018.

  1. SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

    HÀ NAM

    ĐỀ CHÍNH THỨC

    (Đề thi gồm 01 trang)

    KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THPT

    NĂM HỌC 2017-2018

    Môn: LỊCH SỬ - LỚP 12

    (Thời gian làm bài: 180 phút)

    Câu 1 . (3, 5 điểm)

    Trình bày hoàn cảnh ra đời và mục tiêu của tổ chức ASEAN. Vì sao nói, từ sau Hội nghị cấp cao lần thứ nhất họp tại Ba-li (Inđônêxia) tháng 2/1976, ASEAN bước sang một giai đoạn phát triển mới?

    Câu 2 . (3, 5 điểm)

    Nền kinh tế nước Mĩ từ năm 1945 đến 1973 phát triển như thế nào? Nguyên nhân của sự phát triển đó. Hiện nay, nhân loại đang bước vào cuộc Cách mạng 4.0 , là học sinh anh/chị sẽ làm gì để sau này giúp nước ta bắt kịp sự phát triển với các quốc gia trên thế giới?

    Câu 3 . (4, 0 điểm)

    Quá trình thành lập và hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Anh/Chị hãy cho biết vai trò của Hội đối với cách mạng Việt Nam?

    Câu 4 . (3, 0 điểm)

    Một trong những nhân tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam sau này là Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo là Đảng đã "phân hóa và cô lập cao độ kẻ thù rồi tiến tới đánh bại chúng".

    Bằng những kiến thức đã học về lịch sử Việt Nam giai đoạn (1930-1945), anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

    Câu 5 . (4, 0 điểm)

    Cho đoạn tư liệu sau:

    "Với chiến thắng [.. ] con đường liên lạc của ta với các nước xã hội chủ nghĩa được khai thông; quân đội ta đã giành được thế chủ động trên chiến trường chính (Bắc Bộ), mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến"

    (Nguồn: SGK Lịch sử lớp 12, NXB Giáo dục, năm 2009 tr. 138)

    Đoạn tư liệu trên nói đến chiến dịch nào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta từ năm 1945 đến năm 1954. Hãy trình bày hoàn cảnh lịch sử, chủ trương của Đảng và kết quả của chiến dịch đó.

    Câu 6. (2, 0 điểm)

    Phân tích nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) do nhân dân ta tiến hành.

    -HẾT-

    Họ và tên thí sinh :. Số báo danh :.

    Giám thị 1 :. Giám thị 2 :.

    SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

    HÀ NAM

    KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THPT

    NĂM HỌC 2017-2018

    Môn: LỊCH SỬ - LỚP 12

    THANG ĐIỂM VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

    (Hướng dẫn chấm gồm 04 trang)

    Lưu ý: Khi chấm giám khảo vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, học sinh làm bài không đúng theo hướng dẫn nhưng lí giải phù hợp, khoa học, sáng tạo vẫn cho điểm tối đa. Điểm thi toàn bài giữ nguyên không làm tròn.

    Câu

    Nội dung

    Điểm

    Câu 1

    Trình bày hoàn cảnh ra đời và mục tiêu của tổ chức ASEAN..

    3.5đ

    a. Hoàn cảnh ra đời, mục tiêu..

    - Sau khi giành độc lập, nhiều nước trong khu vực thấy cần có sự hợp tác với nhau để cùng phát triển..

    0.25

    - Các nước này muốn liên kết lại để một mặt giảm bớt sức ép của các nước lớn, mặt khác hạn chế ảnh hưởng của CNXH đang thắng lợi ở Trung Quốc và Việt Nam

    0.25

    - Những tổ chức hợp tác mang tính khu vực trên thế giới xuất hiện ngày càng nhiều nhất là sự thành công của Khối thị trường chung châu Âu (EEC) đã cổ vũ rất lớn đối với các nước Đông Nam Á.

    0.25

    - Ngày 8/8/1967, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan)..

    0.75

    - Mục tiêu: Là phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các nước thành viên trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

    0.75

    b. Vì sao nói, từ sau Hội nghị cấp cao..

    - Trong giai đoạn đầu (1967-1975), ASEAN là 1 tổ chức non trẻ, sự hợp tác trong khu vực còn lỏng lẻo, chưa có vị thế quốc tế.

    0.25

    - Từ giữa những năm 70 của thế kỉ XX, ASEAN có bước tiến mới:

    + Sự khởi sắc này được đánh dấu từ Hội nghị cấp cao Bali (2/1976) với việc các nước kí Hiệp ước thân thiện và hợp tác , xây dựng nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước thành viên.

    0.25

    + Vào thời điểm này quan hệ giữa các nước Đông Dương và ASEAN bước đầu được cải thiện, hai nhóm nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau..

    0.25

    + Thành viên của ASEAN ngày càng được mở rộng: Năm 1984, Brunây là thành viên thứ 6, năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ 7, tiếp theo là Lào và Mianma (1997), Campuchia (1999).

    0.25

    - Từ đây, ASEAN đẩy mạnh hoạt động hợp tác kinh tế, xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định để cùng phát triển.

    0.25

    Câu 2

    Nền kinh tế nước Mĩ từ năm 1945 đến 1973..

    3.5đ

    a. A. Sự phát triển kinh tế..

    Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế Mĩ có bước phát triển mạnh mẽ:

    - Công nghiệp: Trong khoảng nửa sau những năm 40, sản lượng công nghiệp Mĩ chiếm tới hơn một nửa sản lượng công nghiệp toàn thế giới

    0.25

    - Nông nghiệp: Năm 1949, sản lượng nông nghiệp Mĩ bằng 2 lần sản lượng của 5 nước: Anh, Pháp, CHLB Đức, Italia và Nhật Bản cộng lại.

    0.25

    - Mĩ nắm hơn 50% số tàu bè đi lại trên mặt biển, ¾ dự trữ vàng của thế giới.

    0.25

    → Khoảng 20 năm sau chiến tranh, Mĩ trở thành trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất thế giới.

    0.5

    b. Nguyên nhân phát triển kinh tế..

    - Lãnh thổ Mĩ rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào..

    0.25

    - Mĩ lợi dụng chiến tranh để làm giàu, thu lợi nhuận từ buôn bán vũ khí..

    0.25

    - Áp dụng thành công những thành tựu của cuộc cách mạng KHKT hiện đại..

    0.25

    - Trình độ tập trung tư bản và sản xuất ở Mĩ rất cao..

    0.25

    - Các chính sách và biện pháp điều tiết của nhà nước đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế Mĩ phát triển.

    0.25

    c. Là học sinh anh/chị sẽ làm gì để sau này giúp nước ta..

    HS nêu các quan điểm cá nhân và giải thích hợp lí thì cho điểm tối đa

    1.0

    Câu 3

    Quá trình thành lập và hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng..

    4.0đ

    a. Quá trình thành lập..

    - Cuối 1924, Nguyễn Ái Quốc về hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã lựa chọn một số thanh niên tích cực trong tổ chức Tâm tâm xã lập ra nhóm Cộng sản đoàn (2/1925).

    0.5

    - Đến tháng 6/1925, Người đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhằm tổ chức và lãnh đạo quần chúng đoàn kết đấu tranh để đánh đổ đế quốc và tay sai.

    0.5

    b. Hoạt động..

    - Nguyễn Ái Quốc mở lớp đào tạo cán bộ. Đa số học viên là thanh niên, học sinh, trí thức Việt Nam yêu nước. Họ học làm cách mạng, học cách hoạt động bí mật. Phần lớn số học viên đó sau khi học xong họ lại "bí mật về nước truyền bá lí luận giải phóng dân tộc và tổ chức nhân dân"

    0.5

    - Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Tổng bộ , trụ sở đặt tại Quảng Châu (Trung Quốc). Năm 1928, Hội có gần 300 hội viên đến năm 1929 có khoảng 1700 hội viên. Hội đã xây dựng cơ sở khắp cả nước: Các Kì bộ Trung Kì, Bắc Kì, Nam Kì của Hội lần lượt đươc ra đời.

    0.5

    - Cơ quan ngôn luận của Hội là báo Thanh niên , số đầu tiên ra ngày 21/6/1925. Đầu năm 1927, tác phẩm Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc được xuất bản. Báo Thanh niên và tác phẩm Đường Kách mệnh đã trang bị lí luận cách mạng giải phóng dân tộc cho cán bộ của Hội để tuyên truyền đến giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

    0.5

    - Năm 1928, Hội thực hiện chủ trương "vô sản hóa", nhiều cán bộ của Hội đã đi sâu vào các nhà máy xí nghiệp, đồn điền, cùng lao động và sống với công nhân để tuyên truyền và vận động cách mạng.

    0.5

    - Hội VNCMTN phân hóa thành 2 tổ chức: Đông Dương Cộng sản đảng (6/1929) và An Nam Cộng sản đảng (8/1929)..

    0.25

    c. Vai trò của Hội đối với cách mạng Việt Nam

    - Việc truyền bá lí luận cách mạng giải phóng dân tộc về nước Việt Nam đã từng bước giải quyết tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước đầu thế kỉ XX.

    0.25

    - Làm cho phong trào công nhân ngày càng phát triển theo hướng vươn lên một phong trào "tự giác" và khuynh hướng vô sản ngày càng chiếm ưu thế trong phong trào dân tộc Việt Nam

    0.25

    - Góp phần chuẩn bị về tư tưởng - chính trị và tổ chức, tạo điều kiện chín muồi cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

    0.25

    Câu 4

    Bằng những kiến thức đã học về lịch sử Việt Nam giai đoạn..

    3.0đ

    - Hội nghị thành lập Đảng (1/1930), thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: Nhiệm vụ của cách mạng là đánh đổ đế quốc Pháp, bọn phong kiến và tư sản phản cách mạng..

    0.5

    - 7/1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương xác định: Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền Đông Dương là chống đế quốc và chống phong kiến, nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh..

    0.5

    - 11/1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, xác định nhiệm vụ, mục tiêu đấu tranh trước mắt của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập.. tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của bọn thực dân đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc, chống tô cao lãi nặng..

    0.5

    - Tháng 5/1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc, tiếp tục tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, nêu khẩu hiệu giảm tô, giảm thuế, chia lại ruộng đất công..

    0.5

    - Giữa lúc Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ngày 12/3/1945, đã ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Bản chỉ thị nhận định: Cuộc đảo chính đã tạo nên sự khủng hoảng chính trị sâu sắc nhưng những điều kiện tổng khởi nghĩa chưa chín muồi. Phát xít Nhật trở thành kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương..

    0.5

    - Ngay từ ngày 13/8/1945, khi nhận được những thông tin về việc Nhật sắp đầu hàng, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh lập tức thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc sau đó chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước tiến lên đánh bại chúng.

    0.5

    Câu 5

    Đoạn tư liệu trên nói đến chiến dịch nào trong cuộc kháng chiến..

    4.0đ

    a . Là chiến dịch Biên giới thu - đông năm 1950

    0.5

    b. Hoàn cảnh lịch sử

    * Về phía ta

    - Ngày 1/10/1949, cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời.

    0.5

    - Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với các nước. Ngày 18/1/1950, Trung Quốc, ngày 30/1/1950, chính phủ Liên Xô và trong vòng một tháng sau các nước trong phe XHCN lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

    0.5

    * Về phía Pháp

    - Được sự đồng ý của Mĩ, tháng 5/1949, Chính phủ Pháp đề ra Kế hoạch Rơve

    0.25

    - Mĩ từng bước can thiệp sâu và " dính líu trực tiếp" vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Ngày 7/2/1950, Mĩ công nhận Chính phủ Bảo Đại. Ngày 8/5/1950, Mĩ đồng ý viện trợ về kinh tế và quân sự cho Pháp nhằm từng bước nắm quyền điều khiển chiến tranh ở Đông Dương.

    0.5

    - Thực hiện kế hoạch Rơve, từ tháng 6/1949, Pháp đưa nhiều vũ khí mới vào Việt Nam, tăng cường hệ thống phòng ngự trên Đường số 4, thiết lập "Hành lang Đông - Tây" (Hải Phòng - Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La). Trên cơ sở đó, Pháp chuẩn bị một kế hoạch quy mô lớn tiến công Việt Bắc lần thứ hai, mong giành thắng lợi để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

    0.5

    c. Chủ trương của Đảng

    Tháng 6/1950, Đảng và Chính phủ quyết định mở chiến dịch Biên giới nhằm: Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; khai thông đường sang Trung Quốc và thế giới; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc đồng thời tạo những thuận lợi mới thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến lên.

    0.5

    d. Kết quả

    - Sau hơn một tháng chiến đấu, chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi: Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8000 tên địch, giải phóng tuyến biên giới Việt - Trung.. chọc thủng "Hành lang Đông - Tây" của Pháp.

    0.5

    - Thế bao vây của địch cả trong lẫn ngoài đối với căn cứ địa Việt Bắc bị phá vỡ. Kế hoạch Rơve bị phá sản.

    0.25

    Câu 6

    Phân tích nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến..

    2.0đ

    - Nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh..

    0.5

    - Toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, dũng cảm trong chiến đấu..

    0.5

    - Nhờ có hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân trong cả nước, mặt trận dân tộc thống nhất được củng cố và mở rộng..

    0.5

    - Có sự liên minh chiến đấu của nhân dân 3 nước Đông Dương chống kẻ thù chung, có sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô..

    0.5

    -HẾT-
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...