Đề thi học sinh giỏi môn ngữ lớp 9 năm 2008 - 2009 Thành phố Hà Nội - Câu NLXH

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi C.Ngân, 23 Tháng bảy 2025 lúc 6:20 PM.

  1. C.Ngân

    Bài viết:
    7
    A. Giới thiệu đề bài

    Câu 1 (6, 0 điểm) : Có người cho rằng: "Người chê ta, mà chê phải, tức là thầy ta, người khen ta, mà khen phải tức là bạn ta, còn người nịnh hót ta lại là người cừu địch hại ta vậy." (Trích Cổ học tinh hoa, NXB Văn học, 1999, tr. 24)

    Hãy tạo ra một văn bản (không quá 2 trang giấy thi) trình bày những suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

    *Đáp án

    Bước 1: Đọc kĩ đề, xác định:

    - Vấn đề nghị luận: Trình bày suy nghĩ về các vấn đề khen, chê, nịnh để từ đó xác định thầy, bạn, thù và cách ứng xử sao cho đúng.

    - Phương pháp lập luận: Giải thích, bình luận kết hợp chứng minh

    - Tư liệu: Vận dụng kiến thức trong đời sống thực tế.

    Bước 2: Xác lập ý:

    Giải thích câu nói trên (ý kiến)

    Bình luận:

    + Khẳng định vấn đề

    +Bàn bạc, mở rộng vấn đề

    +Bài học

    - Kết luận: Đánh giá vấn đề và liên hệ bản thân.

    Bước 3: Viết bài

    A) Mở bài . Dẫn dắt và nêu vấn đề

    - Con người là tổng hòa trong các mối quan hệ. Mối quan hệ giữa người với người trong xã hội không hề đơn giản. Ngược lại, nó vô cùng phức tạp, đòi hỏi trong quá trình giao tiếp, mỗi người phải có cách ứng xử sao cho phù hợp, sáng suốt, tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc.

    - Có ý kiến cho rằng: "Người chê ta, mà chê phải, tức là thầy ta, người khen ta, mà khen phải tức là bạn ta, còn người nịnh hót ta lại là người cừu địch hại ta vậy."

    B) Thân bài

    * Giải thích ý kiến

    - Vì sao nói: "Người chê ta, mà chê phải, tức là bạn ta?"

    + Chê là dùng lời nói để nhận xét, đánh giá về người, việc, hiện tượng nào chưa được tốt, chưa đúng. Thái độ của người chê bộc lộ sự không hài lòng, có thể là bực bội khiến người nghe khó chịu.

    + Chê đúng là nhận xét, đánh giá đúng bản chất của người, việc, hiện tượng. Cuộc sống thường nhiều lời khen mà ít lời chê. Khen thì dễ nhưng chê lại khó, vì chê không khéo sẽ làm mất lòng, phật ý, có khi biến bạn thành thù. Người xưa nói: "Nói thật trật lỗ tai", "Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng".

    + Nhưng người đã dám chê là người có lập trường, bản lĩnh vững vàng, có tầm hiểu biết và hiểu rất rõ việc ta làm hay hiện tượng, sự việc bị chê. Hơn nữa, họ còn là người sống thẳng thắn, chân thành, luôn mong muốn người khác tiến bộ, nên sẵn sàng chấp nhận tình huống xấu nhất do lời chê của mình đem lại.

    => Do vậy, người chê đúng giúp chúng ta nhận ra vấn đề và là người đáng để ta học tập, noi theo. Người đó là bậc thầy của ta, bất kể tuổi tác, địa vị.

    Vì sao nói: "Người khen ta, mà khen phải, tức là bạn ta?"

    + Khen là dùng lời nói để đánh giá tốt về người, việc, hiện tượng nào đó.

    + Khen là đánh giá, nhận xét đúng, hay, tốt đẹp về người, việc, hiện tượng nào đó. Khen đúng không chỉ đem đến niềm vui, hạnh phúc cho người được khen mà nó còn có tác dụng động viên, khích lệ người được khen tiếp tục cố gắng làm tốt hơn công việc và luôn suy nghĩ phải hành động đúng.

    + Người khen đúng cũng là người biết lẽ đời, hiểu mình, người đời, hiểu người mới có những lời khen chân thành, thực lòng nhằm khích lệ người được khen.

    => Do đó, người khen đúng là người đáng để ta tin cậy, chia sẻ suy nghĩ, việc làm của mình với người đó, chắc chắn ta sẽ nhận được từ người đó những lời khen - chê chân thành giúp ta sửa được mình và sống tốt hơn. Người ấy chính là bạn ta.

    - Vì sao nói: "Người nịnh hót ta lại là người cừu địch hại ta vậy?"

    + Người nịnh hót là người khen ta một cách quá mức, không đúng với sự thật nhằm làm ta hài lòng hay nhằm mua chuộc tình cảm của ta để đạt được mục đích cá nhân.

    + Lời xu nịnh đem đến cho ta niềm vui và sự ảo tưởng, có khi làm ta mù quáng, ru ngủ ta trong vinh quang giả tạo, khích lệ. Tâng bốc khiến ta tiếp tục sa vào những việc làm không có lợi.

    + Người có thói nịnh hót là người sống giả tạo, không thực lòng, bao giờ cũng ấp ủ những mưu mô, toan tính. Kẻ đó khi cần đạt được mục đích thì nịnh không tiếc lời, nhưng nếu không đạt được sẽ sẵn sàng trở mặt, hoặc khi ta gặp hoạn nạn thì "giậu đổ bìm keo" hay"cao chạy xa bay".

    => Vì vậy, người xu nịnh ra là kẻ hại ta, là cừu địch của ta: "Cái lười của kẻ nịnh hót chẳng khác gì một bàn tay giết người".

    * Bình luận

    - Ý kiến đưa ra thể hiện quan điểm về thầy, bạn, thù thật xác đáng. Nó thể hiện sự nhìn nhận sâu sắc về cách đối nhân xử thế trong cuộc đời, đúc rút kinh nghiệm, định hướng cho chúng ta cách nhìn nhận, đánh giá con người, tỉnh táo trong cách giao tiếp, ứng xử.

    Cuộc sống muôn hình vạn trạng, phức tạp khôn lường, thật- giả, tốt xấu đôi khi lẫn lộn. Mỗi người cần có con mắt tinh đời để nhận biết đâu là thầy, bạn, thù để tránh mắc phải sai lầm.

    - Biết thận trọng và tiếp nhận lời chê, biết phân biệt giữa lời khen đúng và lời xu nịnh, từ đó chọn bạn mà chơi.

    C) Kết bài

    Đối với lứa tuổi học sinh chưa đủ tinh khôn để nhận biết đâu là thầy, bạn, thù nên gặp phải những tình huống như thế cần có sự tỉnh táo, suy ngẫm để phân biệt đúng- sai, tốt- xấu, phải- trái..

    - Ý kiến trên là bài học quý giá cho chúng ta trong cách đối nhân xử thế.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...