Đề thi cuối học kì I Ngữ văn 6 – Sách Cánh diều – có ma trận, đáp án

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 5 Tháng mười hai 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề thi cuối học kì 1 Ngữ văn 6Cánh diều – có ma trận, đáp án

    Xin được giới thiệu tới các thầy cô và các em học sinh tài liệu bộ Đề thi văn 6 - Cánh diều học kì 1 bao gồm các đề thi, đề kiểm tra tham khảo.

    Mỗi đề có 3 phần: Ma trận đề, đề thi và đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm.

    Các câu hỏi trong đề thi, đề kiểm tra bao quát kiến thức của cả ba phân môn: Văn học, Tiếng Việt, Làm văn.

    Các câu hỏi trong đề thi, đề kiểm tra bao gồm 4 cấp độ: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng, Vận dụng cao.

    ĐỀ 1

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (4.0 điểm)

    Đọc bài ca dao sau:

    Công cha như núi ngất trời,

    Nghĩa mẹ như nước ở ngoài Biển Đông.

    Núi cao biển rộng mênh mông,

    Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1 (0.5 điểm) : Bài ca dao trên được làm theo thể thơ nào? Vì sao em có thể xác định được thể thơ đó?

    Câu 2 (1.0 điểm) : Bài ca dao viết về đề tài gì? Em hãy nêu nội dung của bài ca dao.

    Câu 3 (1.0 điểm) : Trong hai câu đầu, tác giả dân gian đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Hãy nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

    Câu 4 (0.5 điểm) : Em hãy viết thêm một bài ca dao khác cùng đề tài với bài ca dao trên.

    Câu 5 ( 1.0 điểm) : Em hãy viết một đoạn văn (khoảng 5 đến 7 câu) trình bày cảm nhận của em về bài ca dao trên.

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Em hãy viết bài văn kể về một kỉ niệm sâu sắc của bản thân với người thân, thầy cô hoặc bạn bè.

    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm

    [​IMG]

    [​IMG]

    Đáp án bản text:

    PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (4.0 điểm)

    Câu 1. (0.5 điểm)

    - Thể thơ: Lục bát

    - Căn cứ: Câu trên 6 tiếng, câu dưới 8 tiếng.

    (Mỗi ý 0.25đ)

    Câu 2. (1.0 điểm)

    - Bài ca dao viết về đề tài tình cảm gia đình. (0.5đ)

    - Nội dung:

    + Bài ca dao ca ngợi, khẳng định công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ dành cho con cái. (0.25đ)

    + Từ đó, khuyên nhủ con cái hãy ghi nhớ công ơn to lớn của cha mẹ dành cho mình. (0.25đ)

    Câu 3. (1.0 điểm)

    - Biện pháp tu từ: So sánh (0.5đ)

    - Tác dụng:

    + Nhấn mạnh công lao to lớn của cha mẹ dành cho con cái. Đó là tình yêu thương vô bờ bến không gì có thể đo đếm được. (0.25đ)

    + Tăng tính gợi hình, biểu cảm cho bài ca dao. (0.25đ)

    Câu 3. (0.5 điểm)

    Công cha như núi Thái Sơn,

    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

    Một lòng thờ mẹ kính cha,

    Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.


    (HS có thể chọn viết bài khác, phù hợp yêu cầu).

    Câu 5. (1.0 điểm)

    Cảm nhận được nội dung hoặc nghệ thuật cụ thể của bài ca dao:

    + Bài ca dao khẳng định công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ là vô cùng vô tận. Mỗi người con cần biết khăc ghi và sống tròn đạo hiếu.

    + Thể thơ lục bát, hình ảnh so sánh đặc sắc, giàu sức gợi..

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Em hãy viết bài văn kể về một kỉ niệm sâu sắc của bản thân với người thân, thầy cô hoặc bạn bè.

    Mở bài: Giới thiệu được vấn đề: Kỉ niệm của bản thân: Đó là kỉ niệm sâu sắc gì? Nêu khái quát về kỉ niệm em định kể (0.5đ)

    Thân bài: Triển khai vấn đề: Kể chi tiết, cụ thể về kỉ niệm ấy :(4.0đ)

    - Nêu địa điểm và thời gian xảy ra câu chuyện, các nhân vật liên quan.

    - Kể lại diễn biến câu chuyện từ bắt đầu đến kết thúc; chú ý các sự việc, hành động, ngôn ngữ.. đặc sắc, đáng nhớ.

    - Nêu điều làm em nhớ hay vui, buồn, xúc động.

    Kết bài :(0.5đ)

    - Nêu cảm nghĩ của em về kỉ niệm hoặc bài học rút ra từ kỉ niệm ấy.

    - Nói lên mong ước từ kỉ niệm ấy.

    Tiêu chí bổ sung:

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25đ)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết. (0.5đ)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25đ)

    Xem tiếp bên dưới ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng mười hai 2021
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 2

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (4.0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau:

    Có một điều khẳng định rằng, sen Tháp Mười là một thế lực, thế lực của cái đẹp tự nhiên. Nước ta từ Bắc chí Nam đâu cũng có sen, chả thế mà người ta định lấy hoa sen làm quốc hoa, chả thế mà Vietnam Airlines lại lấy hoa sen làm biểu tượng sơn lên máy bay.. Về đây mới thấy, sen xứng đáng để.. ngợp. Bạt ngàn sen giữa rừng tràm, sen tinh khiết bung nở giữa bùn, sen ngạo nghễ khoe giữa năn lác. Không chen chúc chật chội, chúng chiếm những không gian rộng lớn, bát ngát chỉ mình sen. Tràm dày đặc tíu tít xung quanh như những người lính gác cần mẫn và trung thành. Sen vươn lên giữa nắng, giữa gió phương Nam, kiêu hãnh và tự tin khoe sắc hồng đặc trưng của mình khiến con người chợt chùng lại, bâng khuâng và ngơ ngác giữa thế giới sen; thấy rợn ngợp và cô độc giữa mênh mông Đồng Tháp Mười...

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1 (0.5 điểm) : Đoạn trích trên trích trong văn bản nào? Văn bản đó của tác giả nào?

    Câu 2 (1.0 điểm) : Xác định nội dung chính của đoạn trích trên.

    Câu 3 (0.5 điểm) : Em hãy tìm một câu văn có sử dụng phép điệp ngữ trong đoạn trích trên và chỉ ra điệp ngữ đó.

    Câu 4 (1.0 điểm) : Trong vế câu sau: "Sen vươn lên giữa nắng, giữa gió phương Nam, kiêu hãnh và tự tin khoe sắc hồng đặc trưng của mình" tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Hãy nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

    Câu 5 ( 1.0 điểm) : Cảm xúc của tác giả khi đứng trước bạt ngàn sen Đồng Tháp Mười được thể hiện như thế nào? Hãy dẫn một số từ ngữ chỉ cảm xúc ấy.

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Em hãy viết bài văn ghi lại cảm nhận của em về bài ca dao: "Công cha như núi ngất trời".

    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm

    [​IMG]

    [​IMG]

    Đáp án bản text:

    I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

    Câu 1:

    - Đoạn trích trích trong văn bản: "Đồng Tháp Mười mùa nước nổi".

    - Tác giả: Văn Công Hùng

    (Mỗi ý đúng: 0.25đ)

    Câu 2:

    Nội dung:

    + Đoạn trích miêu tả vẻ đẹp của sen Đồng Tháp Mười.

    + Từ đó, thể hiện cảm xúc ngỡ ngàng, choáng ngợp và tình cảm mến yêu của nhà văn với thiên nhiên, cảnh vật Đồng Tháp Mười.

    (Mỗi ý đúng 0.5đ)

    Câu 3.

    Câu có phép điệp ngữ:

    - Bạt ngàn sen giữa rừng tràm, sen tinh khiết bung nở giữa bùn, sen ngạo nghễ khoe giữa năn lác.

    - Điệp ngữ: Sen

    (Mỗi ý đúng 0.25đ; HS có thể chọn viết câu khác, phù hợp yêu cầu).

    Câu 4.

    - Biện pháp tu từ: Nhân hóa (vươn lên, kiêu hãnh, tự tin). (0.5đ)

    - Tác dụng :(Mỗi ý đúng 0.25đ)

    + Nhấn mạnh sức sống, vẻ đẹp của sen.

    + Tăng tình gợi hình, biểu cảm cho bài ca dao.

    Câu 5.

    - Cảm xúc của con người: Ngạc nhiên, ngỡ ngàng, cảm thấy mình nhỏ bé khi đứng trước mênh mông sen Đồng Tháp Mười.

    - Những từ chỉ cảm xúc: chùng lại, bâng khuâng, ngơ ngác, rợn ngợp, cô độc

    (Mỗi ý đúng 0.5đ)

    II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Mở bài: Giới thiệu được bài ca dao, nêu cảm xúc ban đầu về bài ca dao. (0.5đ)

    Triển khai vấn đề: Cảm nhận được vẻ đẹp cảu bài ca dao về phương diện nội dung, nghệ thuật.

    - Về nội dung: Bài ca dao ca ngợi công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ dành cho con cái là vô cùng lớn lao, sâu nặng. Công lao ấy không thể đo đếm hay kể hết được. Từ đó, bài ca dao nhắc nhở mỗi người con phải biết ơn, biết sống hiếu thảo với cha mẹ. (3.5đ)

    - Về nghệ thuật: Thể thơ lục bát du dương, trầm bổng; biện pháp tu từ so sánh gợi hình, biểu cảm cao, những hình ảnh so sánh đều lớn lao, kì vĩ, phù hợp với việc khẳng định công lao cha mẹ. (0.5đ)

    Kết bài (0.5đ) :

    Nêu cảm xúc riêng của bản thân về vẻ đẹp, ý nghĩa của bài ca dao. Từ đó nêu lên bài học cho bản thân mình sau khi đọc và hiểu được nội dung của bài ca dao.

    Tiêu chí bổ sung:

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25đ)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết. (0.5đ)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25đ)

    Xem tiếp bên dưới...
     
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 3

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (4.0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau:


    Mẹ tôi lấy vạt áo nâu thấm nước mắt cho tôi rồi xốc nách tôi lên xe. Đến bấy giờ tôi mới kịp nhận ra mẹ tôi không còm cõi xơ xác quá như như cô tôi nhắc lại lời người họ nội của tôi. Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da trắng mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Hay tại sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc? Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường.

    Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp đặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay mẹ vuốt ve từ trán đến cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một sự êm dịu vô cùng. Từ ngã tư đầu trường học về đến nhà, tôi không còn nhớ mẹ tôi đã hỏi tôi và tôi đã trả lời mẹ những câu gì.

    Thực hiện yêu cầu:

    Câu 1 (0.5 điểm) : Đoạn trích trên trích trong văn bản nào? Văn bản đó của ai?

    Câu 2 (0.5 điểm) : Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 3 (1.0 điểm) : Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ mấy, vì sao em xác định được ngôi kể đó? Em hãy chỉ ra tác dụng ngôi kể này.

    Câu 4 (1.0 điểm) : Đoạn trích trên kể lại tình huống gì? Cảm xúc của bé Hồng trong tình huống đó là cảm xúc gì?

    Câu 5 (1.0 điểm) : Em hãy viết khoảng 5 – 7 câu nêu cảm nhận của mình về tình mẫu tử của mẹ con bé Hồng.

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Cuộc sống hằng ngày có nhiều trải nghiệm vui hoặc buồn, em hãy viết bài văn kể lại một trải nghiệm đó (có sử dụng biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ...).


    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm

    [​IMG]

    [​IMG]

    Đáp án bản text:

    I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm) :

    Câu 1 (0.5 điểm) :

    - Đoạn trích trên trích trong văn bản: "Trong lòng mẹ"

    - Tác giả: Nguyên Hồng.

    (Mỗi ý đúng 0.25 điểm)

    Câu 2 (0.5 điểm) :

    Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Tự sự.

    Câu 3 (1.0 điểm) :

    - Ngôi kể: Thứ nhất (0.5 điểm)

    - Căn cứ: Người kể chuyện là "tôi" – bé Hồng. (0.25 điểm)

    - Tác dụng của ngôi kể: Vì người kể trực tiếp bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình trước những gì mà mình chứng kiến, trải qua nên ngôi kể này giúp câu chuyện trở nên chân thực, giàu cảm xúc hơn. Từ đó, người đọc cũng có thể cảm nhận và thấu hiểu một cách trọn vẹn được suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật "tôi" - bé Hồng. (0.25 điểm)

    Câu 4 (1.0 điểm) :

    - Tình huống: Bé Hồng gặp lại mẹ sau nhiều năm xa cách.

    - Cảm xúc của bé Hồng trong đoạn trích trên: Xúc động, vui mừng, hạnh phúc khi gặp lại mẹ.

    Câu 5. Viết đoạn: HS đảm bảo hình thức đoạn 5 – 7 dòng; cảm nhận được tình mẫu tử của mẹ con bé Hồng là vô cùng cảm động, thiêng liêng. Tình mẫu tử ấy không điều gì có thể vùi dập được..

    II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Mở bài (0.5 điểm) :

    Giới thiệu được trải nghiệm của bản thân.

    Thân bài (4.0 điểm) :

    Kể lại trải nghiệm:

    + Thời gian, không gian của tình huống, sự việc (bối cảnh sự việc xảy ra).

    + Trải nghiệm diễn ra như thế nào, những nhân vật nào tham gia vào trải nghiệm đó (diễn biến sự việc xảy ra).

    + Trải nghiệm đó đi đến kết thúc vui hay buồn?

    Kết bài (0.5 điểm) :

    Nêu ý nghĩa của trải nghiệm đối với bản thân.

    Tiêu chí bổ sung:

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu; biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm; biết sử dụng các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ trong bài viết. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng mười hai 2021
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 4

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (4.0 điểm)

    Đọc đoạn bài ca dao sau:

    Anh em nào phải người xa,

    Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.

    Yêu nhau như thể tay chân,

    Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.

    Thực hiện yêu cầu:

    Câu 1 (0.5 điểm) : Bài ca dao trên được làm theo thể thơ nào? Vì sao em có thể xác định được thể thơ đó?

    Câu 2 (1.0 điểm) : Bài ca dao viết về đề tài gì? Em hãy nêu nội dung của bài ca dao.

    Câu 3 (1.0 điểm) : Trong câu "Yêu nhau như thể tay chân", tác giả dân gian đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Hãy nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

    Câu 4 (0.5 điểm) : Em hãy viết thêm một bài ca dao khác cùng đề tài với bài ca dao trên.

    Câu 5 ( 1.0 điểm) : Em hãy viết một đoạn văn (khoảng 5 đến 7 câu) trình bày cảm nhận của em về bài ca dao trên.

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Em hãy viết bài văn kể về một kỉ niệm sâu sắc của bản thân với một người bạn mà em yêu mến.

    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm

    [​IMG]

    [​IMG]

    Đáp án bản text:

    I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm) :

    - Thể thơ: Lục bát

    - Căn cứ: Câu trên 6 tiếng, câu dưới 8 tiếng.

    (Mỗi ý đúng 0.25 điểm)

    Câu 2 (1.0 điểm) :

    - Bài ca dao viết về đề tài tình cảm gia đình.

    - Nội dung: Bài ca dao thể hiện tình cảm anh em ruột thịt trong gia đình.

    (Mỗi ý đúng 0.5 điểm)

    Câu 3 (1.0 điểm) :

    - Biện pháp tu từ: So sánh (0.5 điểm)

    - Tác dụng :(0.5 điểm)

    + Nhấn mạnh sự yêu thương, gắn bó không thể tách rời trong tình cảm anh – em.

    + Tăng tình gợi hình, biểu cảm cho bài ca dao.

    (Mỗi tác dụng đúng: 0.25 điểm)

    Câu 4 (0.5 điểm) :

    Anh em như thể chân tay,

    Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần.

    (HS có thể chọn viết bài khác, phù hợp yêu cầu).

    Câu 5. Viết đoạn

    Cảm nhận được nội dung, nghệ thuật cụ thể của bài ca dao:

    + Bài ca dao thể hiện tình anh em yêu thương, thuận hòa, gắn bó trong gí đình.

    + Thể thơ lục bát, hình ảnh so sánh đặc sắc, giàu sức gợi..

    II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Mở bài (0.5 điểm) :

    Giới thiệu được vấn đề: Kỉ niệm của bản thân: Đó là kỉ niệm sâu sắc gì? Nêu khái quát về kỉ niệm em định kể

    Thân bài (4.0 điểm) :

    Triển khai vấn đề: Kể chi tiết, cụ thể về kỉ niệm với người bạn ấy:

    - Nêu địa điểm và thời gian xảy ra câu chuyện, giới thiệu về nhân vật người ban thân.

    - Kể lại diễn biến câu chuyện từ bắt đầu đến kết thúc; chú ý các sự việc, hành động, ngôn ngữ.. đặc sắc, đáng nhớ.

    - Nêu điều làm em nhớ hay vui, buồn, xúc động.

    Kết bài (0.5 điểm) :

    - Nêu cảm nghĩ của em về kỉ niệm hoặc bài học rút ra từ kỉ niệm ấy.

    - Nói lên mong ước từ kỉ niệm ấy.

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm) :

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)

    Xem tiếp bên dưới...
     
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 5

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (4.0 điểm)

    Đọc đoạn thơ sau:

    Con về thăm mẹ chiều đông
    Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà
    Mình con thơ thẩn vào ra
    Trời đang yên vậy bỗng òa mưa rơi.


    Chum tương mẹ đã đậy rồi
    Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa
    Áo tơi qua buổi cày bừa
    Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm.

    Thực hiện yêu cầu:

    Câu 1 (0.5 điểm). Những câu thơ trên trích trong bài thơ nào? Tác giả của bài thơ đó là ai?

    Câu 2 (0.5 điểm). Bài thơ được làm theo thể thơ nào? Vì sao em có thể xác định được như vậy?

    Câu 3 (1.0 điểm). Hãy xác định các tiếng được gieo vần và cách ngắt nhịp trong mỗi dòng của khổ thơ thứ nhất.

    Câu 4 (1.0 điểm). Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong dòng thơ:

    Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa .

    Câu 5 (1.0 điểm). Mẹ không có nhà nhưng người con vẫn thấy bóng dáng, cuộc sống của mẹ qua những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó cho em biết điều gì về người mẹ?

    Câu 6 (1.0 điểm). Tình cảm người con dành cho mẹ trong 2 khổ thơ trên được thể hiện như thế nào?

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Em hãy viết bài văn kể lại kỉ niệm đáng nhớ của em với người thầy (cô) mà em yêu quý.

    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm

    [​IMG]

    Đáp án bản text:

    PHẦN I: ĐỌC - HIỂU
    (5.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm).

    Những câu thơ trên trích trong bài thơ: Về thăm mẹ

    Tác giả: Đinh Nam Khương

    (Mỗi ý đúng 0.25 điểm)

    Câu 2 (0.5 điểm).

    Bài thơ được làm theo thể thơ: Lục bát

    Căn cứ: Bài thơ gồm nhiều cặp lục bát (trên 6 tiếng, dưới 8 tiếng).

    (Mỗi ý đúng 0.25 điểm)

    Câu 3 (1.0 điểm).

    - Các tiếng được gieo vần trong khổ thơ: đông – không; ra – òa (vần lưng) ; nhà – ra (vần chân).

    - Các dòng trong khổ thơ được ngắt nhịp như sau: 4/2; 4/4; 2/2/2; 4/4.

    (Mỗi ý đúng 0.5 điểm)

    Câu 4 (1.0 điểm). Trong dòng thơ:

    Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa .

    - Sử dụng biện pháp tu từ: Nhân hóa (nón mê được gán cho đặc điểm của con người đứng – ngồi )

    - Tác dụng: Khiến câu thơ thêm sinh động, lột tả rõ nét sự vất vả khó khăn của người mẹ.

    (Mỗi ý đúng 0.5 điểm)

    Câu 5 (1.0 điểm).

    - Về thăm mẹ, mẹ không có nhà nhưng người con vẫn thấy bóng dáng, cuộc sống của mẹ qua những hình ảnh: Chum tương, nón mê, áo tơi, người rơm.

    - Qua những hình ảnh đó, có thể thấy mẹ hiện ra là người cẩn thận, giản dị, vất vả, tần tảo, lam lũ..

    (Mỗi ý đúng 0.5 điểm)

    Câu 6 (1.0 điểm). Cảm xúc của người con khi về thăm mẹ trong 2 khổ thơ trên:

    - Bồi hồi, xúc động.

    - Thương mẹ một đời tần tảo, lam lũ.

    II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Mở bài (0.5 điểm) :

    Giới thiệu được vấn đề: Kỉ niệm của bản thân: Đó là kỉ niệm sâu sắc gì, với thầy, cô nào? Nêu khái quát về kỉ niệm em định kể.

    Thân bài (3.0 điểm) :

    Triển khai vấn đề: Kể chi tiết, cụ thể về kỉ niệm ấy:

    - Nêu địa điểm và thời gian xảy ra câu chuyện, giới thiệu về thầy, cô đã để lại trong em kỉ niệm sâu sắc.

    - Kể lại diễn biến câu chuyện từ bắt đầu đến kết thúc; chú ý các sự việc, hành động, ngôn ngữ.. đặc sắc, đáng nhớ.

    - Nêu điều làm em nhớ hay vui, buồn, xúc động.

    Kết bài (0.5 điểm) :

    - Nêu cảm nghĩ của em về kỉ niệm hoặc bài học rút ra từ kỉ niệm ấy.

    - Nói lên mong ước từ kỉ niệm ấy.

    Tiêu chí bổ sung:

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng mười hai 2021
  6. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 6

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau:

    "Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực. Nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến.. Mặc dầu non một năm ròng mẹ tôi không gửi cho tôi lấy một lá thư, nhắn người thăm tôi lấy một lời và gửi cho tôi lấy một đồng quà."

    (Ngữ văn 6, tập I, trang 52)​

    Thực hiện yêu cầu:

    Câu 1
    (0.5 điểm) : Đoạn trích trên trích trong văn bản nào? Văn bản đó của ai?

    Câu 2 (0.5 điểm) : Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 3 (1.0 điểm) : Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ mấy, vì sao em xác định được ngôi kể đó? Em hãy chỉ ra tác dụng ngôi kể này.

    Câu 4 (1.0 điểm) : Đối với người cô và những người có định kiến xấu khác, mẹ bé Hồng là người như thế nào? Điều đó có khiến bé Hồng có ác cảm với mẹ không?

    Câu 5 (1.0 điểm) : Em hãy nêu cảm nhận của mình về tình cảm của bé Hồng đối với mẹ.

    II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Em hãy viết bài văn nêu cảm nhận của mình về bài thơ Về thăm mẹ:

    Con về thăm mẹ chiều đông
    Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà
    Mình con thơ thẩn vào ra
    Trời đang yên vậy bỗng òa mưa rơi.

    Chum tương mẹ đã đậy rồi
    Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa
    Áo tơi qua buổi cày bừa
    Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm.

    Đàn gà mới nở vàng ươm
    Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành
    Bất ngờ rụng ở trên cành
    Trái na cuối vụ mẹ dành phần con.

    Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn
    Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.


    (Về thăm mẹ, Đinh Nam Khương)

    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm

    [​IMG]

    [​IMG]

    Đáo án bản text:

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU
    (4.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm)

    - Đoạn trích trên trích trong văn bản: "Trong lòng mẹ"

    - Tác giả: Nguyên Hồng.

    (Mỗi ý đúng 0.25 điểm)

    Câu 2 (0.5 điểm)

    Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Tự sự.

    Câu 3 (1.0 điểm)

    - Ngôi kể: Thứ nhất (0.5 điểm)

    - Căn cứ: Người kể chuyện là "tôi" – bé Hồng. (0.25 điểm)

    - Tác dụng của ngôi kể: Vì người kể trực tiếp bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình trước những gì mà mình chứng kiến, trải qua nên ngôi kể này giúp câu chuyện trở nên chân thực, giàu cảm xúc hơn. Từ đó, người đọc cũng có thể cảm nhận và thấu hiểu một cách trọn vẹn được suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật "tôi" - bé Hồng. (0.25 điểm)

    Câu 4 (1.0 điểm)

    - Trong suy nghĩ của người cô và nhiều người khác, mẹ bé Hồng là người đàn bà đã bị cái tội là góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực.

    - Tuy nhiên, điều đó không làm cho bé Hồng có ác cảm với mẹ.

    (Mỗi ý đúng 0.5 điểm)

    Câu 5 (1.0 điểm)

    Tình cảm của bé Hồng đối với mẹ là tình yêu thương lớn lao và bền bỉ. Tình cảm ấy giúp bé Hồng vượt lên trên tất cả nỗi đau và những định kiến xã hội tàn nhẫn để giữ trọn vẹn niềm kính yêu đối với mẹ mình.

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Mở bài (0.5 điểm)

    Giới thiệu tác gải, tác phẩm, nêu ấn tượng ban đầu khi đọc bài thơ (0.5 điểm)

    Thân bài (4.0 điểm)

    1. Cảm nhận nội dung bài thơ :(3.5 điểm)

    - Bài thơ là lời của người con, thể hiện cảm xúc về mẹ: Cảm xúc nghẹn ngào, nhớ nhung, yêu thương sau bao ngày xa cách.

    - Qua cảm xúc của người con, hình ảnh người mẹ hiện lên gần gũi, mộc mạc, gắn liền với những sự vật đời thường. Mỗi cảnh, mỗi vật đều biểu hiện sự vất vả, sự tần tảo, hi sinh và đặc biệt là tình thương yêu của mẹ dành cho con

    2. Cảm nhận nghệ thuật bài thơ :(0.5 điểm)

    - Thể thơ lục bát nhịp nhàng, biểu cảm.

    - Kết hợp thành công các biện pháp tu từ: Ẩn dụ, liệt kê.

    Kết bài (0.5 điểm)

    Nêu cảm xúc của bản thân khi đọc bài thơ (0.5 điểm).

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm)

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng mười hai 2021
  7. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 7

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

    Đọc đoạn văn sau:

    Ai từng tiếp xúc với Nguyên Hồng đều thấy rõ điều này: Ông rất dễ xúc động, rất dễ khóc. Khóc khi nhớ đến bạn bè, đồng chí từng chia bùi sẻ ngọt; khóc khi nghĩ đến đời sống khổ cực của nhân dân mình ngày trước; khóc khi nói đến công ơn của Tổ quốc, quê hương đã sinh ra mình, đến công ơn của Đảng, của Bác Hồ đã đem đến cho mình lí tưởng cao đẹp của thời đại. Khóc cả khi kể lại những khổ đau, oan trái của những nhân vật là những đứa con tinh thần do chính mình "hư cấu" nên. [..] Ai biết được trong cuộc đời mình, Nguyên Hồng đã khóc bao nhiêu lần! Có thể nói mỗi dòng chữ ông viết ra là một dòng nước mắt nóng bỏng tình xót thương ép thẳng ra từ trái tim vô cùng nhạy cảm của mình.

    (Trích Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ, Nguyễn Đăng Mạnh)​

    Thực hiện theo yêu cầu:

    Câu 1 (0.5 điểm). Xác định thể loại của văn bản Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ.

    Câu 2 (0.5 điểm). Xác định câu văn nêu ý khái quát cho cả đoạn.

    Câu 3 (1.0 điểm). Để thuyết phục người đọc rằng: Nguyên Hồng"rất dễ xúc động, rất dễ khóc", tác giả đã nêu lên những bằng chứng nào? Tác dụng của việc tác giả nêu những bằng chứng đó?

    Câu 4 (1.0 điểm). Xác định biện pháp tu từ được nhà văn sử dụng trong hình ảnh "dòng nước mắt nóng bỏng". Chỉ ra tác dụng của biện pháp ấy.

    Câu 5 (1.0 điểm). Qua văn bản "Trong lòng mẹ" đã học, em hãy chứng minh rằng, "Trong lòng mẹ" được viết ra từ "dòng nước mắt nóng bỏng tình xót thương ép thẳng ra từ trái tim vô cùng nhạy cảm" của Nguyên Hồng.

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Viết bài văn trình bày cảm nhận của em về bài ca dao:

    Anh em nào phải người xa,

    Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.

    Yêu nhau như thể tay chân,

    Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.

    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm

    [​IMG]

    [​IMG]

    Đáp án bản text:

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm). Thể loại của văn bản Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ: Văn bản nghị luận (hoặc nghị luận, nghị luận văn học).

    Câu 2 (0.5 điểm). Câu văn nêu ý khái quát cho cả đoạn: Ai từng tiếp xúc với Nguyên Hồng đều thấy rõ điều này: Ông rất dễ xúc động, rất dễ khóc.

    Câu 3 (1.0 điểm).

    - Để thuyết phục người đọc rằng: Nguyên Hồng "rất dễ xúc động, rất dễ khóc", tác giả đã nêu lên những bằng chứng:

    Khóc khi nhớ đến bạn bè, đồng chí từng chia bùi sẻ ngọt; khóc khi nghĩ đến đời sống khổ cực của nhân dân mình ngày trước; khóc khi nói đến công ơn của Tổ quốc, quê hương đã sinh ra mình, đến công ơn của Đảng, của Bác Hồ đã đem đến cho mình lí tưởng cao đẹp của thời đại. Khóc cả khi kể lại những khổ đau, oan trái của những nhân vật là những đứa con tinh thần do chính mình "hư cấu" nên. (0.75 điểm).

    - Tác dụng của việc tác giả nêu những bằng chứng đó: Những bằng chứng đó giúp lí lẽ đưa ra trong câu đầu thêm thuyết phục (Hoặc: Tăng độ tin cậy cho lí lẽ/ Tăng tính thuyết phục cho văn bản). (0.25 điểm).

    Câu 4 (1.0 điểm).

    - Biện pháp tu từ được nhà văn sử dụng trong hình ảnh "dòng nước mắt nóng bỏng" : Ẩn dụ. (0.5 điểm).

    - Tác dụng:

    + Nhấn mạnh vào tấm lòng nhân hậu, trái tim dễ rung động và giàu cảm xúc cảm thông với những mảnh đời cùng khổ của ông. (0.25 điểm).

    + Làm cho lời văn thêm sinh động, tăng tính gợi hình, biểu cảm. (0.25 điểm).

    Câu 5 (1.0 điểm). " Trong lòng mẹ" được viết ra từ "dòng nước mắt nóng bỏng tình xót thương ép thẳng ra từ trái tim vô cùng nhạy cảm" của Nguyên Hồng: "Trong lòng mẹ" viết về cảnh ngộ đáng thương của bé Hồng: Phải sống xa mẹ, thiếu vắng tình thương của mẹ, sống trong sự dè bỉu, dèm pha của người cô độc ác.. "Trong lòng mẹ" còn cho người đọc thấy được cảnh ngộ đáng thương của mẹ bé Hồng: Chồng mất, phải tha phương cầu thực mưu sinh, không được ở bên cạnh con.. Cảnh ngộ của mẹ con bé Hồng được nhà văn viết lên bằng tình xót thương, bằng trái tim nhạy cảm.. nên có sức truyền cảm đặc biệt đến người đọc.

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Viết bài văn trình bày cảm nhận của em về bài ca dao:

    Anh em nào phải người xa,

    Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.

    Yêu nhau như thể tay chân,

    Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.

    Mở bài (0.5 điểm)

    Giới thiệu bài ca dao, nêu ấn tượng ban đầu khi đọc bài ca dao.

    Thân bài (4.0 điểm)

    1. Cảm nhận nội dung bài ca dao:

    - Bài ca dao thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó của anh em ruột thịt trong gia đình.

    - Từ sự khẳng định mối quan hệ gắn bó ấy, bài ca dao nhắc nhủ anh em trong nhà hãy biết yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, làm cho cha mẹ vui vẻ, hạnh phúc.

    2. Cảm nhận nghệ thuật bài ca dao:

    - Thể thơ lục bát nhịp nhàng, biểu cảm.

    - Biện pháp tu từ: So sánh, điệp ngữ.

    Kết bài (0.5 điểm)

    Cảm nhận chung về vẻ đẹp của bài ca dao, nêu cảm xúc, suy nghĩ của bản thân sau khi đọc bài ca dao..

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm).

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)
     
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng mười hai 2021
  8. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 8

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

    Đọc đoạn văn sau:

    Nói đến Đồng Tháp Mười là phải nói đến lũ. Lũ chính là nguồn sống của cả cư dân miền sông nước này. Nó mang phù sa mùa màng về, mang tôm cá về, làm nên một nền văn hóa đồng bằng. Năm ngoái, chúng tôi lại xuống Long An. Giữa mùa lũ mà đồng nứt nẻ, dân ngơ ngác hoang mang đợi lũ. Bởi nếu không có lũ, nước kiệt đi thì toàn bộ vùng này sẽ thiếu nước ngọt nghiêm trọng, phèn nổi lên rất nhiều và đậm. Lúc đó, nước đọng ở các lung, trấp, đìa, bàu.. không dùng được, cây cỏ khô rụi, di chuyển chủ yếu là đi bộ hoặc xe trâu, toàn bộ đời sống sẽ ngưng trệ. Lũ tồn tại song song với người miền Tây như con lộ (đường) nào cũng song song một con kinh (kênh) bên cạnh, làm nên một đặc trưng đồng bằng Nam Bộ. Người ta đào kênh để thông thương, để lấy nước, lấy đất đắp đường. Cứ chằng chịt như thế, những con kênh huyết mạch nối những cù lao, những giồng.. thành một đồng bằng rộng lớn và đầy bản sắc.

    (TríchĐồng Tháp Mười mùa nước nổi – Văn Công Hùng, Ngữ văn 6)​

    Thực hiện yêu cầu:

    Câu 1 (0.5 điểm). Xác định thể loại của văn bản Đồng Tháp Mười mùa nước nổi.

    Câu 2 (0.5 điểm). Khái quát nội dung của đoạn trích trên.

    Câu 3 (1.0 điểm). Vai trò quan trọng của lũ được tác giả nêu lên qua những chi tiết nào?

    Câu 4 (1.0 điểm). Từ nào là từ láy trong những từ sau: Ngơ ngác, hoang mang, thông thương. Chí ra tác dụng của việc sử dụng từ láy trong câu văn xuất hiện từ láy đó.

    Câu 5 (1.0 điểm). Bài kí mang phong vị miền Nam rất rõ qua cách nhà văn sử dụng từ ngữ, em hãy liệt kê các từ ngữ thể hiện chất Nam Bộ trong đoạn trên.

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Viết bài văn trình bày cảm nhận của em về bài ca dao:

    Công cha như núi ngất trời,

    Nghĩa mẹ như nước ở ngoài Biển Đông.

    Núi cao biển rộng mênh mông,

    Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm

    [​IMG]

    [​IMG]

    Đáp án bản text:

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm). Thể loại của văn bản Đồng Tháp Mười mùa nước nổi: văn bản kí (hoặc du kí).

    Câu 2 (0.5 điểm). Nội dung của đoạn trích: Viết về tầm quan trọng của lũ Đồng Tháp Mười đối với cuộc sống con người.

    Câu 3 (1.0 điểm).

    Vai trò của lũ:

    - Lũ chính là nguồn sống của cả cư dân miền sông nước này. Nó mang phù sa mùa màng về, mang tôm cá về, làm nên một nền văn hóa đồng bằng. (0.75 điểm).

    - Nếu không có lũ, nước kiệt đi thì toàn bộ vùng này sẽ thiếu nước ngọt nghiêm trọng, phèn nổi lên rất nhiều và đậm. (0.25 điểm).

    Câu 4 (1.0 điểm).

    - Từ láy: Ngơ ngác, hoang mang (0.5 điểm).

    - Tác dụng:

    + Thể hiện tâm trạng lo lắng, mong chờ lũ của người dân. (0.25 điểm).

    + Làm cho câu văn mượt mà, sinh động hơn. (0.25 điểm).

    Câu 5 (1.0 điểm).

    Các từ ngữ thể hiện chất Nam Bộ trong đoạn trên: Lung, trấp, đìa, bàu, con lộ, con kinh, cù lao, giồng

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Mở bài (0.5đ) : Giới thiệu được bài ca dao, nêu cảm xúc ban đầu về bài ca dao. (0.5đ)

    Thân bài (4.0đ) :

    Triển khai vấn đề: Cảm nhận được vẻ đẹp cảu bài ca dao về phương diện nội dung, nghệ thuật.

    - Về nội dung: Bài ca dao ca ngợi công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ dành cho con cái là vô cùng lớn lao, sâu nặng. Công lao ấy không thể đo đếm hay kể hết được. Từ đó, bài ca dao nhắc nhở mỗi người con phải biết ơn, biết sống hiếu thảo với cha mẹ. (3.5đ)

    - Về nghệ thuật: Thể thơ lục bát du dương, trầm bổng; biện pháp tu từ so sánh gợi hình, biểu cảm cao, những hình ảnh so sánh đều lớn lao, kì vĩ, phù hợp với việc khẳng định công lao cha mẹ. (0.5đ)

    Kết bài (0.5đ) :

    Nêu cảm xúc riêng của bản thân về vẻ đẹp, ý nghĩa của bài ca dao. Từ đó nêu lên bài học cho bản thân mình sau khi đọc và hiểu được nội dung của bài ca dao.

    Tiêu chí bổ sung (1.0đ)

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25đ)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết. (0.5đ)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25đ)
     
  9. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 9

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau:

    Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trên trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng. Từ ngã tư đầu trường học về đến nhà, tôi không còn nhớ mẹ tôi đã hỏi tôi và tôi đã trả lời mẹ tôi những câu gì. Trong những phút rạo rực ấy, cái câu nói của cô tôi lại nhắc lại:

    - Mày dại quá! Vào Thanh Hóa đi, tao chạy cho tiền tàu. Vào bắt mợ mày may vá sắm sửa cho và bế em bé chứ.

    Nhưng bên tai ù ù của tôi, câu nói ấy bị chìm ngay đi, tôi không mảy may nghĩ ngợi gì nữa.


    (Ngữ văn 6 - tập 1)​

    Thực hiện yêu cầu:

    Câu 1 (0.5 điểm) : Đoạn trích trên trích trong văn bản nào, văn bản đó của tác giả nào?

    Câu 2 (0.5 điểm) : Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

    Câu 3 (1.0 điểm) : Đoạn trích trên kể lại tình huống gì? Cảm xúc của nhân vật "tôi" trong tình huống đó như thế nào?

    Câu 4 (1.0 điểm) : Xác định nghĩa của từ "chạy" trong câu nói của bà cô. Đó là từ đồng âm hay từ đa nghĩa?

    Câu 5 (1.0 điểm) : Viết đoạn văn khoảng 5 – 7 câu trình bày cảm nhận của em về tình cảm của nhân vật "tôi" dành cho mẹ trong đoạn văn trên.

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Viết bài văn nêu cảm nhận của em về bài thơ À ơi tay mẹ của tác giả Bình Nguyên:

    Bàn tay mẹ chắn mưa sa
    Bàn tay mẹ chắn bão qua mùa màng.

    Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng
    À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon
    À ơi này cái trăng tròn
    À ơi này cái trăng còn nằm nôi...

    Bàn tay mẹ thức một đời
    À ơi này cái Mặt Trời bé con
    Mai sau bể cạn non mòn
    À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru.

    Ru cho mềm ngọn gió thu
    Ru cho tan đám sương mù lá cây
    Ru cho cái khuyết tròn đầy
    Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau.

    Bàn tay mang phép nhiệm mầu
    Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi.

    Ru cho sóng lặng bãi bồi
    Mưa không chỗ dột ngoại ngồi vá khâu
    Ru cho đời nín cái đau
    À ơi... Mẹ chẳng một câu ru mình.​

    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm

    [​IMG]

    [​IMG]

    Đáp án bản text:

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm) :

    - Đoạn văn thuộc văn bản Trong lòng mẹ . (0.25 điểm)

    - Tác giả Nguyên Hồng. (0.25 điểm)

    Câu 2 (0.5 điểm) : Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Tự sự.

    Câu 3 (1.0 điểm) :

    - Đoạn trích trên kể lại tình huống bé Hồng gặp lại mẹ sau một thời gian dài xa cách. (0.5 điểm)

    - Cảm xúc của nhân vật bé Hồng: Vui sướng, xúc động. (0.5 điểm)

    Câu 4 (1.0 điểm) :

    - Nghĩa của từ "chạy" trong câu nói của bà cô: Từ "chạy" mang ý nghĩa khẩn trương lo liệu để mau chóng có được, đạt được cái đang cần, đang muốn (ví dụ lo tiền lộ phí, lo mua vè tàu) (0.5 điểm)

    - Đó là từ đồng âm (hoặc đồng âm khác nghĩa) (0.5 điểm)

    Câu 5 (1.0 điểm) : Có thể viết theo gợi ý:

    Tình cảm bé Hồng dành cho mẹ là tình yêu thương sâu sắc, bền bỉ, không gì có thể lay chuyển, làm nhạt nhòa được, dù có sống với bà cô cay nghiệt, chịu sự dèm pha, chia cắt tình cảm của cô. Tình cảm ấy được thể hiện rất rõ trong đoạn văn trên, lần bé Hồng được gặp mẹ sau thời gian dài xa cách. Cảm xúc nghẹn ngào, vui sướng, rạo rực của bé Hồng khi ngồi trong lòng mẹ đã nói lên tình yêu thương, lòng quý trọng của bé Hồng dành cho mẹ..

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Mở bài (0.5 điểm) : Giới thiệu được bài thơ, nêu cảm xúc ban đầu về bài thơ. (0.5đ)

    Thân bài (4.0 điểm) :

    Triển khai vấn đề: Cảm nhận được vẻ đẹp của bài thơ về phương diện nội dung, nghệ thuật.

    - Về nội dung (3.5 điểm) : Bài thơ thể hiện tình yêu thương sâu nặng mà mẹ dành cho con:

    + Hai câu đầu: Khi đối mặt với cuộc đời, mẹ mạnh mẽ, kiên cường trước khó khăn, chông gai trong cuộc đời để bảo vệ con, cho con được hạnh phúc, bình yên. Đó là sức mạnh phi thường, là bản năng của người làm mẹ.

    + Tám câu tiếu theo: Đối với con: Mẹ dịu dàng, yêu thương con, gọi con là cái trăng vàng, cái trăng tròn, mặt trời bé con..

    + Những câu còn lại: Thể hiện sự nhiệm màu của đôi bàn tay mẹ và sự hi sinh, vất vả, chắt chiu.. nuôi nấng con. Mẹ nuôi con suốt một đời dù cho bất cứ điều gì xảy ra.

    - Về nghệ thuật (0.5 điểm) :

    Thể thơ lục bát du dương, trầm bổng; Phép điệp từ, điệp cấu trúc: "Bàn tay mẹ", "À ơi này cái" ; Phép ẩn dụ, hoán dụ: Bàn tay mẹ - người mẹ, Cái trăng, cái Mặt Trời - người con..

    Kết bài (0.5 điểm) :

    Nêu cảm xúc riêng của bản thân về vẻ đẹp, ý nghĩa của bài thơ. Từ đó nêu lên bài học cho bản thân mình sau khi đọc và hiểu được nội dung của bài thơ.

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm)

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)
     
  10. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 10

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

    Đọc đoạn văn sau:

    Người dân ở đây vui vẻ sống, hiền lành sống, năng động sống.. Sống chung với nhịp nhàng nước kiệt, nước ròng; với những câu vọng cổ la đà trên nước. Cuộc sống cứ thế trôi, bình dị và an lành, tự tin và khảng khái, nhưng họ góp phần làm nên một Đồng Tháp năng động, hiện đại. Đêm ấy, tôi cùng Hữu Nhân dạo một vòng thành phố và nhận ra một đô thị Cao Lãnh vừa trẻ trung vừa hiện đại, rất có gu kiến trúc, vừa mềm vừa xanh, cứ nao nao như một câu hò vươn trên sóng.

    (Ngữ văn 6 – tập 1, Cánh diều)​

    Thực hiện yêu cầu:

    Câu 1 (0.5 điểm). Đoạn văn trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?

    Câu 2 (0.5 điểm). Xác định thể loại của văn bản trên.

    Câu 3 (1.0 điểm). Tác giả thể hiện suy nghĩ gì về thành phố Cao Lãnh trong đoạn văn trên?

    Câu 4 (1.0 điểm). Em hãy xác định nghĩa của từ "sóng" trong câu văn cuối. Từ đó hãy tìm 2 từ đồng âm có yếu tố "sóng".

    Câu 5 (1.0 điểm). Qua đoạn văn trên cho thấy tình cảm của tác giả thể hiện như thế nào khi viết về Đồng Tháp Mười?

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Em hãy viết bài văn kể lại một trải nghiệm đáng nhớ của bản thân.

    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm

    [​IMG]

    [​IMG]

    Đáp án bản text:

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm).

    - Đoạn văn trên trích trong văn bản "Đồng Tháp Mười mùa nước nổi". (0.25 điểm).

    - Tác giả: Văn Công Hùng. (0.25 điểm).

    Câu 2 (0.5 điểm). Thể loại của văn bản trên: Kí (hoặc du kí).

    Câu 3 (1.0 điểm).

    Tác giả thể hiện suy nghĩ gì về con người và thành phố Cao Lãnh:

    - Con người: Vui vẻ sống, hiền lành sống, năng động sống. Cuộc sống của họ gắn bó với thiên nhiên. (0.5 điểm).

    - Thành phố Cao Lãnh: Vừa trẻ trung vừa hiện đại, rất có gu kiến trúc, vừa mềm vừa xanh. (0.5 điểm).

    Câu 4 (1.0 điểm).

    - Nghĩa của từ "sóng" trong câu văn cuối: Là sự chuyển động của mặt nước, được tạo nên bởi tác động của gió. (Hoặc sóng là hiện tượng mặt nước nhấp nhô dao động) (0.5 điểm).

    - Hai từ đồng âm có yếu tố "sóng" : Sóng từ, lò vi sóng (mỗi từ 0.25 điểm, HS có thể tìm từ khác phù hợp).

    Câu 5 (1.0 điểm).

    Tình cảm: Thích thú, yêu mến, trân trọng, ngợi ca..

    II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Mở bài (0.5 điểm) :

    Giới thiệu được trải nghiệm của bản thân.

    Thân bài (4.0 điểm) :

    Kể lại trải nghiệm:

    + Thời gian, không gian của tình huống, sự việc (bối cảnh sự việc xảy ra).

    + Trải nghiệm diễn ra như thế nào, những nhân vật nào tham gia vào trải nghiệm đó (diễn biến sự việc xảy ra).

    + Trải nghiệm đó đi đến kết thúc vui hay buồn?

    Kết bài (0.5 điểm) :

    Nêu ý nghĩa của trải nghiệm đối với bản thân.

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm) :

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...