Đề tài chiến tranh trong tam quốc chí diễn nghĩa

Thảo luận trong 'Kiến Thức' bắt đầu bởi Kim Phi98, 14 Tháng sáu 2020.

  1. Kim Phi98

    Bài viết:
    11
    ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH TRONG "TAM QUỐC CHÍ DIỄN NGHĨA"

    CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT CHUNG

    1.1. Cuộc đời và sự nghiệp của La Quán Trung:

    La Quán Trung tên là La Bản, tên chữ là Quán Trung, có biệt hiệu là Hồ Hải tản nhân, là người Tiền Đường, Thái Nguyên. Ông sinh vào cuối đời Nguyên, mất vào đầu đời Minh, ước chừng khoảng năm 1300 đến năm 1400 giữa thời thống trị của nhà Nguyên Thuận Đế và Minh Thái Tổ. Là người học rộng biết nhiều, tính tình thích cô độc, có chí đồ bá vương. Ông đã từng làm mạc khách trong cuộc khởi nghĩa của Tương Sĩ Thành.

    La Quán Trung xuất thân từ gia đình quý tộc. Tuổi thanh niên ông nuôi chí phò vua giúp nước, song lúc đó triều đình nhà Nguyên đang suy tàn, ông bỏ đi phiêu lãng nên có biệt hiệu là Hồ Hải tản nhân. Ông là một trong những người có chí mưa đồ sự nghiệp bá vương nhưng tiếc là thời thế không như mong đợi.

    Ông rất có tài văn chương, rất giỏi về từ khúc, câu đố, lại viết cả các loại kịch, song nổi tiếng nhất là về tiểu thuyết. Trong đó"Tam quốc chí diễn nghĩa" là tác phẩm lớn nhất trong cuộc đời sự nghiệp của ông, nằm trong bộ tứ tác phẩm cổ điển hay nhất của văn học Trung Quốc. "Tam quốc chí diễn nghĩa" là tác phẩm được La Quán Trung viết dựa trên ba nguồn tư liệu. Trước hết là sử liệu, đặc biệt là cuốn Tam Quốc chí của Trần Thọ (người đời Tấn) và cuốn Tam Quốc chí chú của Bùi Tùng Chi (người Nam Bắc Triều), tiếp đến là dã sử, truyền thuyết, cuối cùng là tạp dịch và thoại bản đời Nguyên, đặc biệt là cuốn sử biên niên Tam Quốc chí bình thoại, trong đó các nhân vật chính có tướng mạo và tính cách khá giống với Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Có thể nói tác phẩm đã có một quá trình sáng tạo lâu dài từ nhiều người. Song La Quán Trung vẫn xứng đáng là tác giả bộ sách vĩ đại này. Bởi lẽ tài năng tổ chức nghệ thuật, La Quán Trung đã tạo ra một chỉnh thể thống nhất từ tư tưởng đến sự kiện, con người. Những nhân vật lịch sử vừa chân thực vừa sinh động, những sự kiện lịch sử điển hình đã thể hiện bức tranh lịch sử hoành tráng sống động.. chịu được mọi thử thách của thời gian. Cũng có một số tác giả viết lại cốt truyện "Tam quốc chí diễn nghĩa" song chưa ai vượt qua La Quán Trung

    1.2. Tác phẩm "Tam quốc chí diễn nghĩa" :

    " Tam quốc chí diễn nghĩa" (Viết tắt là "Tam quốc diễn nghĩa") nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỉ 14 kể về thời kỳ hỗn loạn Tam Quốc (190 -280 ) với khoảng 120 chương hồi, theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu). Tiểu thuyết này được xem là một trong bốn tác phẩm cổ điển hay nhất của văn học Trung Quốc . "Tam quốc chí diễn nghĩa" mở màn cho dòng tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử, đồng thời nó cũng đã trở thành điểm phạm của loại hình tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử. Trong thời đại Minh –Thanh, tiểu thuyết này được xem là một trong bốn tác phẩm cổ điển hay nhất của văn học Trung Quốc, được gọi là "Tứ đại kì thư" (gồm có: "Tam quốc chí diễn nghĩa" của La Quán Trung, "Thủy hử" của Thi Nại Am, "Tây du kí" của Ngô Thừa Ân và "Kim Bình Mai") trong thời hiện đại nó là một trong sáu danh tác tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc.

    Đây là bộ tiểu thuyết dài 75 vạn chữ, nổi tiếng của Trung Quốc, căn cứ vào tài liệu lịch sử và truyền thuyết dân gian mà viết ra. Xét về phương diện biên soạn chủ yếu là công lao của La Quán Trung, nhưng thực ra bộ tiểu thuyết này trước sau đã trải qua một quá trình tập thể sáng tác lâu dài của rất nhiều người. Trước La Quán Trung, từ lâu chuyện Tam Quốc đã lưu hành rộng rãi trong dân gian truyền miệng, các nghệ nhân kể chuyện, các nhà văn học nghệ thuật viết kịch, diễn kịch đều không ngừng sáng tạo, làm cho tình tiết câu chuyện và hình tượng nhân vật trở nên phong phú.

    Cuốn tiểu thuyết này chủ yếu gồm hai thành phần. Thành phần thứ nhất là bắt nguồn từ tuồng dân gian của ba triều đại Tống, Kim, Nguyên, gồm hơn 30 truyện như: Kết nghĩa vườn đào; Tam anh chiến Lã-Bố; Vương-Doãn khéo dùng kế liên hoàn; Quan-Vũ một mình đi ngàn dặm; Lưu Quan Trương cổ thành tụ nghĩa; Lưu-Bị ba lần đến lều tranh, Trận Đương-Dương; Trận Xích-Bích; Gia-Cát-Lượng ba lần chọc tức Chu-Du; Quan-Vũ một mình một đao sang dự hội.. Những câu chuyện này tuy chỉ chiếm khoảng một nửa của cuốn sách, nhưng lại là truyện hay nhất trong cả cuốn tiểu thuyết. Thành phần thứ hai là La Quán Trung trực tiếp dựa vào trích lục sử và cải biên thành truyện, gồm hơn 50 câu truyện, chủ yếu kể về việc cuối thời Đông-Hán quần hùng cắt cứ, sự hưng thịnh và diệt vong của hai nước Ngụy- Ngô, cũng như sự suy vong của Thục Hán và triều nhà Tấn ra đời sau khi Gia Cát Lượng mất.

    1.3. Phương thức nghệ thuật:

    "Tam quốc chí diễn nghĩa" là sự kết hợp giữa sáng tác tập thể của dân gian với sáng tác riêng cả nhà văn La Quán Trung, mà phần cốt lõi là sáng tác truyền miệng được tích lũy qua nhiều thế hệ. Những tác phẩm truyền miệng là kết tinh của trí tuệ tập thể, thể hiện một cách rõ nét ý thức chính trị xã hội, ý thức đạo đức luân lý và ý thức thẩm mĩ của đa số quần chúng nhân dân, trải qua nhiều năm được nhà văn gọt giũa đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật cũng như triết lý nhân sinh.

    "Tam quốc chí diễn nghĩa" là tiểu thuyết sử thi nên:

    Về giọng điệu: Chủ yếu là ca ngợi hay châm biếm hài hước để phê phán. Khoa trương phóng đại để ngợi ca những kì tích của các anh hùng hảo hán như những phóng đại những khó khăn hiểm trở để thử thách tài năng võ nghệ của các anh hùng.

    Về hình tượng nhân vật: Các nhân vật luôn có vóc dáng khác người, những hành động phi thường và tâm hồn họ cũng khác với người thường. Có lẽ vì thế, có thể có nhiều trận đánh ác liệt tử vong rất nhiều nhưng làm cho người đọc không thấy không khí bi thảm. Truyện giống như một bản "anh hùng ca" về sự dũng cảm, mưu lược, tấm lòng nhân ái trung nghĩa của các anh hùng nhà Thục Hán, mà hậu thế khi đọc vẫn phải cảm kích và thu nhận những bài học quý giá cho chính mình.

    Ngôn ngữ của "Tam quốc chí diễn nghĩa" là sự kết hợp giữa văn ngônbạch thoại, sử dụng được ngôn từ thông dụng trong nhân dân. Ngôn ngữ kể lấn át ngôn ngữ miêu tả, và trong ngôn ngữ miêu tả rất ít sử dụng định ngữ và tính từ. Người Trung Quốc gọi loại miêu tả ngắn gọn như vậy là lối bạch miêu, nhưng nhờ lối kể chuyện khéo léo, đối thoại sinh động và sử dụng rộng rãi khẩu ngữ, các truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại, chuyện lịch sử.. nên đã tạo cho tác phẩm một vẻ đẹp hấp dẫn vừa bác học và dân dã.

    1.4. Ý nghĩa và giá trị của tác phẩm:

    Trong tác phẩm, tác giả đứng về phía Thục Hán, lên án Tào Ngụy, còn Tôn Ngô chỉ là lực lượng trung gian. Những nhân vật của Thục Hán như hoàng đế Lưu Bị với tư tưởng " trọng Nhân hòa, lấy dân làm gốc", thừa tướng Gia Cát Lượng phò tá triều đình với tấm lòng " cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi", các đại tướng Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân võ nghệ xuất chúng, bao phen xả thân để tận trung bảo vệ cơ nghiệp nhà Hán.. mỗi nhân vật đều phản ánh nguyện vọng của quần chúng về một vị vua xuất thân hàn vi, biết thấu hiểu nỗi khổ của nhân dân, biết yêu thương quý trọng nhân dân, một triều đình thực hiện "nhân chính", một đất nước thống nhất và hòa bình.

    Đặc biệt trong bối cảnh tác phẩm ra đời, khi nhà Nguyên của ngoại tộc Mông Cổ đang thống trị Trung Hoa, tư tưởng "ủng Lưu phản Tào" còn thể hiện khát vọng của nhân dân có một vị vua kế thừa dòng máu người Hán (Lưu Bị là dòng dõi hoàng thất nhà Hán ), đánh đuổi ngoại tộc để giành lại giang sơn cho dân tộc Hán .

    Đương truyền Lưu Bị vốn có xuất thân hàn vi, thuở nhỏ phải đan dép cỏ kiếm sống nên rất thấu hiểu nỗi khổ của nhân dân, ông từ hai tay trắng gây dựng cơ đồ nhờ sự trợ giúp trung thành của các tướng sĩ, khi lên ngôi lại thi hành chính sách khoan hòa với nhân dân. Những yếu tố đó rất gần gũi với hình mẫu một vị vua lý tưởng đối với nhân dân Trung Quốc thời phong kiến, do vậy các câu chuyện dân gian về thời Tam Quốc có xu hướng ca ngợi Lưu Bị, căm ghét kẻ thù của ông, và xu hướng "ủng Lưu phản Tào" đã là tư tưởng chung của đại đa số nhân dân Trung Quốc từ trước cả khi tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa" ra đời. Chính sự kế thừa nguyên vẹn tư tưởng đó đã giúp tác phẩm được đông đảo nhân dân Trung Hoa đón nhận một cách trọn vẹn.

    CHƯƠNG 2. NỘI DUNG CHÍNH

    2.1. Bối cảnh lịch sử - xã hội trong thời kì Tam Quốc:

    Bối cảnh diễn ra vào thế kỉ thứ III, nhà Hán một thời huy hoàng đang lâm vào suy yếu khi hoàng đế cuối cùng của nhà Hán quá tin dùng giới hoạn quan mà gạt bỏ những bề tôi trung thành. Triều đình ngày càng bê tha, hư nát, khiến kinh tế suy sụp, an ninh bất ổn. Nhân dân kì vọng cảnh thái bình và lo lắng cho cuộc sống của họ khi chiến tranh nổ ra. Triều đại nhà Hán dừng như đã đánh mất thiên mệnh của mình và mọi việc không biết sẽ đi về đâu. Triều đình đang trong cảnh tranh quyền đoạt lợi, quan lại và tướng lĩnh tranh hùng giành quyền thống trị đất nước. Ba vị thủ lĩnh kiệt xuất gồm: Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền. Họ là những nhân vật uy hùng, can đảm, mưa trí mỗi người đều đam mê theo đuổi tham vọng của mình đều đứng đầu quốc gia của mình đó là Ngụy, Thục, Ngô. Cả ba người đều mong muốn thống nhất Trung Hoa, bình định thiên hạ. Tuy nhiên, họ lại luôn đặt lợi ích của tập đoàn lên trên mà không phải là lợi ích toàn dân tộc điều đó dẫn đến chiến tranh kéo dài loạn lạc khắp nơi. Ba người, ba thế lực giằng co ngày càng gây gắt, không bên nào chịu yếu thế (làm cuộc chiến kéo dài gần 100 năm). Chiến tranh diễn ra liên miên, máu đổ thành sông, gây ra nhiều đau khổ tang thương cho dân chúng. Mãi đến năm 280, nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hoa, mở ra một trang mới cho sự phát triển đất nước và dân tộc.

    2.2. Nghệ thuật miêu tả chiến tranh trong "Tam quốc chí diễn nghĩa" :

    2.2. 1. Nghệ thuật miêu tả quân sự:

    Trong tác phẩm tác giả đã xây dựng hơn bốn trăm nhân vật chính, dung lượng tác phẩm gồm một trăm hai mươi hồi, trong đó xuất hiện hơn hai trăm trận đánh và hơn một trăm trận trong số đó được miêu tả một cách cụ thể.

    "Tam quốc chí diễn nghĩa" kể lại cuộc phân tranh quyền lực và lãnh thổ của ba tập đoàn chính trị Ngụy (Tào Tháo), Thục (Lưu Bị), Ngô (Tôn Quyền). "Tam quốc chí diễn nghĩa" đã nói lên lòng bất mãn của tác giả đối với hiện thực xấu xa và lý tưởng mà ông theo đuổi. Một trong cái làm thành công trong tác phẩm đó chính là cách miêu tả đời sống quân sự và chính trị của vương hầu tướng lĩnh. Những cảnh mưu quyền chèn ép về chính trị, những cuộc chiến tranh dồn dập, cảnh xã hội loạn lì làm cho đời sống của nhân dân hết sức cực khổ. Tác giả đã thể hiện khéo léo các sự kiện trong đại trong lịch sử bằng hình tượng nghệ thuật. Nói rõ hơn, trên một chừng mực nhất định, La Quán Trung đã tái hiện được sự thực lịch sử thông qua các hành vi của các nhân vật trong tác phẩm như lôi kéo, bài xích, hợp tác, đấu tranh..

    Sự miêu tả chiến tranh trong "Tam quốc chí diễn nghĩa" chủ yếu gồm các đặc trưng như sau:

    Một chiến tranh là sự kết hợp giữa đấu mưu và đấu sức, La Quán Trung thường miêu tả đấu mưu là chính, đấu sức là phụ. Nói cách khác là ông đã giành tương đối ít trang viết về sự chém giết đẫm máu trên chiến trường, mà ông dành tương đối nhiều trang viết về nguyên nhân, hậu quả, cũng như quá trình chuẩn bị cuộc chiến tranh. Qua đó, các chiến dịch lớn nhỏ nối tiếp nhau liên miên không ngớt, dưới ngòi bút của tác giả càng trở nên muôn hình vạn dạng, mà không trận nào giống trận nào. Ta có thể lấy trận Xích Bích làm ví dụ, trận Xích Bích được bắt đầu từ Gia Cát Lượng đến Giang Đông, trước tiên dùng ba tấc lưỡi chiến đấu với bầy nho sĩ, tiếp sau là khích Tôn Quyền và Chu Du, một mặt miêu tả trận đấu mưu giữa Tào Tháo và Chu Du, mặt khác xen kẽ miêu tả lục đục nội bộ giữa Chu Du và Gia Cát Lượng, cho tới khi miêu tả lửa thêu chiến thuyền, đã đẩy cuộc chiến lên cao trào rầm rộ, đoạn cuối lại viết thêm Tào Tháo "Ba cười một khóc" trên đường chạy trốn, để lại một dư âm đầy thú vị. Tác giả đã miêu tả đầy đủ toàn bộ quá trình chiến dịch, chiến dịch đã được miêu tả tưng bừng và vô cùng sinh động.

    Hai là sự miêu tả chiến tranh trong "Tam quốc chí diễn nghĩa" một mặt dựa theo tài liệu lịch sử, mặt khác không bị gò bó bởi ghi chép lịch sử, đã sáng tạo ra nhiều tình tiết ly kỳ, nguy hiểm và biến hóa khôn lường. Ta thấy như "kế không thành" trong hồi thứ 95 của "Tam quốc chí diễn nghĩa" không hề phù hợp với sự thật lịch sử, nó được gia công trên cơ sở truyền thuyết.

    Ba là miêu tả chiến tranh trong "Tam quốc chí diễn nghĩa" không chỉ đơn thuần theo đuổi tình tiết éo le, nguy hiểm, đồng thời còn chú ý khắc họa hình tượng nhân vật. Độc giả một khi đã tiếp xúc với những câu chuyện chiến tranh hồi hộp trong "Tam quốc chí diễn nghĩa" thì đồng thời cũng đã quen thuộc với những hình tượng nhân vật rất sinh động trong tiểu thuyết. Tác phẩm viết về cuộc đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị nên tác giả đã thể hiện câu từ hoành tráng của mình qua miêu tả chiến tranh. Dưới ngòi bút của tác giả các cuộc chiến tranh lớn nhỏ với quy mô và cách tổ chức khác nhau. Thiên biến vạn hóa, không trùng lặp, không cứng nhắc, đều có tính độc đáo riêng nói lên tính đa dạng và phức tạp của chiến tranh đã tạo nên sự lôi cuốn.

    Điều đặc biệt đó là số lượng các trận đánh được đề cập rất nhiều với mật độ dày đặc như thế nhưng lại không hề mang đến cảm giác nhàm chán mà lại là niềm say mê hứng thú. Qua nghệ thuật miêu tả của La Quán Trung chúng ta khó tìm thấy sự giống nhau hay lặp lại giữa các trận đánh mà chúng luôn khác biệt nhau và trải dài từ đầu đến cuối tác phẩm. Bạn đọc sẽ rất khó nhận ra một hồi nào không có không khí hay sự hiện diện của chiến tranh. Thực sự người đọc bị thu hút từ đầu đến cuối tác phẩm với đề tài chiến tranh là nhờ vào nghệ thuật miêu tả của tác giả chứ không hoàn toàn là bộ mặt khách quan của các trận đánh, bộ mặt thật ghê sợ của chiến tranh, nhất là chiến tranh phong kiến đầy sự mất mát và tang tóc.

    2.2. 2 Nhân vật quân sự:

    Trong "Tam quốc chí diễn nghĩa" hệ thống các nhân vật được tác giả phân định rất rạch ròi ở hai bên chính tà, thiện ác, trắng đen. Chính bởi vậy tính cách của các nhân vật được khắc họa một cách chi tiết và đặc sắc.

    a. Tào Tháo: Sau mấy thế kỉ đi vào Tam Quốc thì người này lại tượng trưng cho sự gian hung, nham hiểm, tàn bạo, ích kỉ, hại nhân.. Chính tính chất phức tạp của cuộc chiến tranh chính trị của ba nước Ngụy, Thục, Ngô đã tạo nên tính cách phức tập của Tào Tháo, ông vô cùng đa nghi (trước khi chết Tào Tháo dặn vợ đắp 72 cái mộ ngoài thành để phòng sau này có kẻ trộm. Vốn là người có tài, có kiến thức nên bản tính nham hiểm của y càng trở nên đáng sợ (Nễ Hành chửi Tào trước đám đông, Tào không giết ; Dương Tu chưa chửi Tào lần nào lại bị giết. Vì theo Tào Tháo "người chửi ta ai cũng biết cả, không giết họ, ta được mọi người cho là độ lượng, nhưng người rõ được ý nghĩ riêng của ta mà không giết là nguy). Thế nên sau khi xuất hiện trên vũ đài chính trị, Tào Tháo lấy câu châm ngôn" thà ta phụ người chứ quyết không để người phụ ta "làm phương châm xử thế, đó là triết lý nhân sinh biểu hiện triết lý nhân sinh biểu hiện tính cách ích kỉ hại nhân của tập đoàn phong kiến thống trị

    Tào Tháo có tài" kinh bang tế thế ", biết nhìn xa trông rộng, biết phán đoán thời thế (khi Hà Tiến định rước quân phiệt Đổng Trác vào kinh, Tào Tháo biết đây là việc" rước voi giày mả tổ ", nên can ngăn, Hà Tiến không nghe, Tào Tháo bỏ đi còn nói" làm loạn thiên hạ ắt Hà Tiến ". Quả thế không sai, sau đó không lâu, cơ nghiệp trên bốn trăn năm của nhà Hán bị sụp đổ tang tành). Tào Tháo là một chính trị gia thời Tam Quốc, người biết dựa thời cơ, nhìn thấy tài năng của người khác nên đã tập hợp được hàng nghìn viên tướng giỏi, suốt đời tận tụy với sự nghiệp của mình.

    b. Gia Cát Khổng Minh (Gia Cát Lượng ) : Là nhà quân sư đại tài, tỉnh táo trong mọi tình huống. Khổng Minh có học vấn uyên bác, có tầm nhìn xa trông rộng, biết địch biết ta, nhiều mưu mẹo, giỏi dự đoán, vạch ra những chiến thuật để giành chiến thắng. Trong quân sự, chính ông là người chủ động tạo ra nhiều chiến thuật: Trận Bát Đồ, Liên Nỏ, Mộc Ngu Lưu Mã.. và đều phát huy thế trận giành chiến thắng. Chính sách pháp trị của ông là" nhân chính và pháp trị "vì thế được lòng dân.

    Khổng Minh là nhà chính trị gia tài giỏi, người có trí tuệ tuyệt vời, với tấm lòng trung thành tận tụy, với ý trí sắt đá vô hạn, quyết tâm xây dựng cơ nghiệp nhà Hán. Ông là nhà quân sự thiên tài, đã vạch ra chiến lược chiến thuật khiến quân Thục đánh thắng quân Ngụy trong nhiều trận chiến. Ông còn giỏi về cách dùng gián điệp, khổ nhục kế li gián hàng ngũ kẽ địch, dùng miệng lưỡi thuyết phục vân động kẻ địch, đánh vào tinh thần của chúng, hoàn thành sách lược liên minh với Ngô để chống Ngụy. Ông còn là nhà khoa hoc nghiên cứu thiên văn Khi Lưu Bị lên ngôi Khổng Minh giữ chức thừa tướng. Mặc dù biết cơ nghiệp nhà Hán đã suy, song Khổng Minh vẫn cúc cung tận tụy, dẫu chết cũng không đổi ý. Khổng Minh là hóa thân của của chữ" trí "bổ sung cho chữ" nhân "của Lưu Bị.

    c. Lưu Bị: Tư tưởng xuyên suốt trong" Tam quốc chí diễn nghĩa "của La Quán Trung là" ủng Lưu phản Tào "trên cơ sở đó mà khẳng định chính quyền Thục Hán. Hình ảnh Lưu Bị là ông vua anh minh biết yêu thương trăm họ, là nhân vật gửi gắm nhiều ước vọng của tác giả.

    Được tác giả miêu tả là người có dáng dấp ánh hùng hứa hẹn làm nên việc lớn. Con người đó mình cao tám thước, hai tai chảy xuống gần vai, hai tay buông khỏi đầu gối, mặt đẹp như ngọc, môi đỏ như son. Ấn tượng về Lưu Bị là người anh hùng không thích đọc sách, tính ôn hòa, ít cười nói, mừng giận không hề lộ ra mặt, có trí lớn, thích kết giao với những tay hào kiệt trong thiên hạ. Bởi thế Lưu Bị tuy mới xuất hiện trên vũ đài chính trị chưa làm nên công trạng gì nhưng được Tào Tháo quả quyết:" Anh hùng trong thiên hạ chỉ có Sứ quân (Lưu Bị) và Tháo mà thôi ". Với tài thu phục nhân tâm, Lưu Bị thu nạp được rất nhiều người tài. Thuở lập nghiệp, ông dù tay trắng nhưng 2 mãnh tướng Quan Vũ, Trương Phi vẫn bất chấp khó khăn phụng sự ông. Ông có ba quân sư tài giỏi là Từ Thứ, Gia Cát Lượng và Bàng Thống. Tất cả mọi người cùng rất trung thành dưới trướng của Lưu Bị.

    Phương châm quán triệt mọi hành động của Lưu Bị là" dĩ nhân vi bản "(lấy nhân làm gốc). Bởi Lưu Bị từng nói" thà ta chết, chứ không làm điều phụ nghĩa "đối lập hẳn với quan điểm sống của Tào Tháo Lưu Bị nhờ có lòng nhân từ rộng lượng, thương dân yêu lính cho nên từ hai bàn tay trắng ông làm đến Hán Trung Vương, lên ngôi Hoàng đế và chia ba thiên hạ. Nhân tố chủ yếu để Lưu Bị giành thắng lợi chính là đạo" nhân hòa ". Hình tượng nhân vật Lưu Bị trong tác phẩm đã vượt qua con người Lưu Bị trong lịch sử thể hiện lý tưởng, nguyện vọng của nhân dân về một ông vua chân chính, về một người anh em bằng hữu hết lòng vì bạn bè.

    d. Triệu Vân: Viên tướng mặc áo giáp trắng, cỡi ngựa trắng, cầm cây thương múa tít đi lại giữa trăm vạn hùng quân.

    Triệu Vân là một mãnh tướng vô địch, từ khi còn trẻ tới lúc về già, 70 tuổi vẫn đủ sức giết 5 người con của Hàn Đức trong một trận chiến. Con người không hề kiêu căng như Quan Vũ, cũng không nóng nảy như Trương Phi, điều này đã thể hiện bản lĩnh phi thường mà kiêm tốn, điềm đạm của một Triệu Tử Long. Triệu Vân hội tụ đủ các bản chất của những anh hùng trong thời đại ông. Trong tác phẩm, La Quán Trung chỉ đặc biệt miêu tả Triệu Vân võ công cao cường, mà thực ra ông còn có tài thao lực khôn khéo, lòng trung thành tận tụy, tính cách thẳng thắn và lòng dũng cảm phi thường.

    e. Quan Công: Ông là người đóng góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị. Ông là anh em kết nghĩa của Lưu Bị và Trương Phi

    Hình ảnh Quan Vũ với bộ mặt đỏ như gấc, bộ râu dài hai thước, tay cắp thanh long đao, cưỡi ngựa Xích thố ngày đi nghì dặm, oai phong lẫm liệt..

    Ông là người vũ dũng, hào hiệp, ghét kẻ ác, thường bênh vực người yếu. Do bênh vực người khác mà ông phạm tội giết người, phải bỏ quê hương đến nương náu ở quận Trác. Tại quận Trác, Quan Vũ đã gặp gỡ và trở nên thân thiết với Lưu Bị và Trương Phi. Tác giả tô đậm với lòng dũng cảm phi thường của một Quan Vũ ung dung đánh cờ để Hoa Đà rạch tay bị tên độc, cạo xương rắc thuốc (hồi 75), một khí phách anh hùng, thân ở doanh trại Tào mà tâm vẫn ở bên Lưu Bị. Bên cạnh lòng dũng cảm La Quán Trung còn muốn tô đậm cái nghĩa khí của Quan Vũ.

    Trung nghĩa ở đây được xét theo quan hệ trên dưới. Tác giả lặp đi lặp lại một số sự kiện nhằm nhấn mạnh lòng trung nghĩa dũng cảm vô bờ của Quan Công:" Gương trung vằng vặc soi trời bể-Nghĩa khí âm thầm nổi gió mưa.. ". Trước sau trung thành với nhà Thục Hán, đó là trung nghĩa của Quan Công. Khi thất thế về với Tào Ngụy, dù được đối đãi hậu hĩnh Quan Vân Trường vẫn hướng về Lưu Bị, cho đến khi sa cơ lỡ vận bọn Đông Ngô dụ hàng, Quan Công vẫn một lòng một dạ" Ngọc khả toái nhi bất khả cải kì bạch, trúc khả phần nhi bất khả hủy kì tiết "(Ngọc tuy đập vụn được nhưng không sao đổi được sắc trắng, trúc đốt cháy được nhưng không hủy được gióng thẳng).

    Tín nghĩa là yếu tố được xét theo quan hệ hàng ngang, thể hiện quan hệ anh em bạn bè, quan hệ xã hội. Kết nghĩa vườn đào, không thay lòng đổi dạ, sống chết có nhau là tín nghĩa của Quan Vũ. Quan Vũ trung thành với Lưu Bị, trung thành với lời thề kết nghĩa vườn đào nhưng lại quy thuận tào Tháo trong những điều kiện nhất định. Quan Vũ giải cứu Tào Tháo tại Bạch Mã, chém hai tướng của Viên Thiệu, suýt nữa làm Lưu Bị bỏ mạng tại doanh trại họ Viên; nhưng Quan Vũ lại hết lòng với chị dâu, qua năn cửa quan chém sáu tướng giỏi của Tào Tháo. Chữ tín cũng có mặt tích cực khi thể hiện kết nghĩa huynh đệ, đó là lúc con người cần hợp sức nhau trong thời đại tao loạn, song nó sẽ là tiêu cực khi quan hệ con người dựa trên ân oán cá nhân, đặt lợi ích cộng đồng xuống dưới.

    f. Trương Phi: Là người có tấm lòng cương trực, lòng dạ thẳng ngay. Ông đã đóng góp rất nhiều cho sự ra đời của nước Thục. Ông nổi tiếng với võ nghệ siêu phàm cùng với sự dũng cảm coi thường cái chết. Ông thật sự là nỗi khiếp đảm của quân thù. Như trận đánh cầu Trường Bản, ông đã quát mấy tiếng khiến Tào Tháo hoảng sợ mà lui quân. Khi ấy ông chỉ có vài mươi kị sĩ còn Tào Tháo có trăm vạn hùng binh. Trong trận ấy, viên quan theo hầu Tào Tháo là Hạ Hầu Lan đã hoảng sợ đến mức vỡ mật mà chết.

    Ông là một trong 2 tướng đã từng đơn độc giao chiến với Lã Bố mà chưa bị thua chạy hoặc bị giết (người còn lại là Hứa Chử). Trong trận Hổ Lao, để cứu Công Tôn Toản, ông đã đấu với Lã Bố hơn 50 hiệp bất phân thắng bại trước khi Quan Vũ và Lưu Bị ra trợ chiến. Tổng cộng ông đã đấu với Lã Bố 2 trận, tất cả gần 150 hiệp và đều bất phân thắng bại (trong khi Hứa Chử chỉ giao chiến với Lã Bố được 20 hiệp bất phân thắng bại trước khi Tào Tháo sai 5 tướng khác ra trợ chiến)

    Trương Phi trong mắt nhiều người là một vì tướng có vẻ như hữu dũng vô mưu nhưng không có chuyện như vậy. Ông cũng là một tướng có mưu lược dù không nổi bật như tài năng võ nghệ của mình. Những hành động như tha cho Nghiêm Nhan thu phục cho Thục một danh tướng, hay mẹo cột cành cây vào đuôi ngựa quét cho đất cát tung mù làm quân Tào nghi ngờ có phục binh tại cầu Trường Bản chứng tỏ ông cũng là người có mưu lược.

    La Quán Trung say sưa khi viết về tính tình khẳng khái, bộc trực và rất nóng nảy của Trương Phi. Ngòi bút của La Quán Trung không hề vướng vấp khi viết về tài năng của Gia Cát Lượng, về Triệu Tử Long là hình ảnh của một tướng tài trong thời chinh chiến, cũng không quanh co khi viết về tấm lòng trong sáng của Trương Phi.

    Trương Phi nổi giận đùng đùng, toan đánh quân áp giải Lư Thực, vì Trương Phi hiểu rõ hoàn cảnh của Lư Thực, bị Tả Phong bức hại. Hành động cứu Lư Thực là chí khí của người anh hùng:" Lộ kiến bất bình bạt đao tương trợ "chứ không như Lưu Bị chỉ nghĩ đến chuyện" sẽ có công luận của Triều đình ".

    Trương Phi muốn giết Đổng Trác, vì Trác kiêu ngạo khinh ba anh em Huyền Đức" đã vào đất chết cứu nó ra, nó không ơn thì chớ, lại còn làm phách khinh người, nếu không giết nó không sao hả giận này ".

    Lòng cương trực quyết định lối sống cương trực. Trương Phi sống ngay thẳng, đường hoàng, không dung hòa nhân nhượng, không quanh co giấu giếm, thẳng như làn tên bắn, trong sáng như gương soi. Trương phi cướp trên 150 con ngựa tốt của Lã Bố với lý do hết sức giản đơn:" Sao tao cướp ngựa của mày thì mày biết tức, mày cướp Từ Châu của anh tao sao mày không nói -Cũng là những người bạn kết nghĩa vườn đào nhưng quan niệm về "nghĩa" của Trương Phi rành rọt hơn Quan Vũ, dứt khoát hơn Lưu Bị. Quan Vũ hàng Hán chứ không hàng Tào, phân biết Hán- Tào đã rõ nhưng trương Phi còn phân biệt rõ hơn. Ông quan niệm đã là kẻ trung thần thà chết không chịu nhục. Nếu Trương Phi bị khốn tại Thổ Sơn thì chắc hẳn Trương Phi chịu chết chứ không chịu nương tựa tào. Hình ảnh Trương Phi là hình ảnh tuyệt đẹp của con người thượng võ, người anh hùng biết kết hợp giữa mưu mô và sức lực.

    2.2. 3. Trận tiêu biểu-Trận Xích Bích (208) :

    Chiến tranh vốn là mảng đề tài tiềm năng của văn học. Đó là gồm chứa nhiều cảm xúc khác nhau, thậm chí trái chiều, là nơi xảy ra nhiều điều bất ngờ nhất, khó tin nhất nhưng cũng chân thật nhất. Vẫn còn lưu lại những kiệt tác văn chương viết chiến tranh Đông Tây kim cổ. "Tam quốc chí diễn nghĩa" của La Quán Trung là một trong số đó. Miêu tả về một giai đoạn phân tranh loạn lạc với nhiều trận chiến khác nhau, La Quán Trung đã làm say mê người đọc bao thế hệ. Đỉnh cao của nghệ thuật miêu tả chiến tranh của cuốn tiểu thuyết này hẳn là cuộc đại chiến Xích Bích – trận chiến hình thành thế chân vạc chia ba thiên hạ.

    Nghệ thuật miêu tả chiến tranh của "Tam quốc diễn nghĩa" thông qua trận Xích Bích có những điểm chính sau đây:

    Xích Bích là một chiến dịch tổng hợp vừa thủy chiến, hỏa công, là chiến tranh ngoại giao, gián điệp, tâm lý. Đó không chỉ là chiến tranh giữa hai phe Tào Ngụy với Đông Ngô mà còn là cuộc chiến cân não giữa Chu Du và Gia Cát. "Tam quốc chí diễn nghĩa" lấy đấu trí làm phần chính để triển khai miêu tả chiến tranh, miêu tả sự vận dụng sách lược, chiến thuật. Trận Xích Bích dùng 9 hồi (từ hồi 42 đến hồi 51) để miêu tả trận đấu này, trong đó có 3 hồi tập trung miêu tả sách lược, chiến thuật. Sau khi thống nhất miền Bắc Trung Quốc, Tào Tháo kéo 83 vạn hùng binh xuống phương Nam, Gia Cát Lượng tìm cách liên kết với Đông Ngô, ông đã "thiệt chiến quần nho" phân tích tình hình lợi hại, lợi dụng nâu thuẫn, tranh thủ đồng minh. Nội bộ tập đoàn Tôn Quyền nổ ra về cuộc tranh luận về chiến lược hòa hay chiến. Được sự ủng hộ của Chu Du và Lỗ Túc, Tôn Quyền từ chỗ do dự, liên kết, kiên quyết thề sẽ sống mái với quân thù. Trong quá trình chiến đấu tác giả miêu tả hai phái Tôn Quyền và Lưu Bị, khi bắt tay nhau liên kết, khi thì đấu tranh mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫ n giữa hai phái chủ chiến và chủ hòa, mâu thuẫn trong nội bộ phái chủ chiến với nhau. Đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, làm cho việc miêu tả chiến thuật càng thêm cụ thể, sâu sắc.

    Ở trận Xích Bích vừa có thủy chiến, hỏa chiến, có phục binh cướp trại lại có bao vây cứu viện, có đánh nhau bằng ngựa, bằng xe, bằng thuyền, lại thậm chí có cả đánh giáp lá cà, tay không đấu võ.. Những trận đánh thiên biến vạn hóa không trùng lặp, mỗi trận đánh có một đặc điểm riêng. Trong trận Xích Bích ban đầu ai cũng nghĩ rằng quân Tào với chỉ huy tài giỏi, quân sĩ hùng mạnh.. như vậy giành thắng lợi là điều tất yếu, nhưng thông qua cách miêu tả tỉ mỉ toàn cảnh diễn biến trận đấu của tác giả làm độc giả không ngỡ ngàng trước kết quả cuối cùng là quân Tào thất bại thảm hại.

    La Quán Trung không tiếc bút mực để miêu tả trận Xích Bích và liên minh Tôn Quyền Lưu Bị. Tác giả mở rộng tình tiết câu chuyện một cách tỉ mỉ đã kể 6 hồi dài để miêu tả quá trình chuẩn bị trận đánh mà chỉ kể mấy dòng về trận đánh. Đó là điều hợp lý vì ngọn lửa bén ngọn là chiến dịch kết thúc, cái khó là quá trình nhen nhóm ngọn lửa. Nhưng, đối với quân thua trận là quân Tào thì tác giả chỉ trường thuật một cách đơn giản với cách mô tả hợp lý đấy, đỡ tốn bút mực lại làm nổi bật được trọng điểm của vấn đề.

    Tuy chiến tranh thường là căng thẳng kịch liệt, hiểm nguy, nhưng trong trận Xích Bích chiến tranh không bi thảm mà đượm vẻ hiên ngang của sử thi anh hùng. Đôi khi có vẻ ung dung khoan thai như Bàn Sỹ Nguyên khêu đèn đọc sách "trong động có tĩnh" tạo nên dư vị vô cùng, vô tận.

    Miêu tả trận Xích Bích tác giả không chỉ tỏ ra tài năng nghệ thuật hơn người mà còn tỏ rõ năng lực quan sát của ông đối với sự kiện lịch sử. Miêu tả lịch sử mà không đi lại tính chân thực của lịch sử lại đầy sức hấp dẫn lịch sử. Ông hiểu được tính phức tạp của cuộc sống và tính khốc liệt của chiến tranh, không đơn giản hóa mà miêu tả chiến tranh đa dạng thành một cuộc bày binh bố trận của hai bên.

    2.3. Kết luận:

    "Tam quốc chí diễn nghĩa" kể lại quá trình hình thành, phát triển và diệt vong của ba tập đoàn phong kiến cát cứ Ngụy, Thục, Ngô trong thời gian 97 năm, từ năm 184, năm nổ ra cuộc khởi nghĩa nông dân Hoàng Cân (Khăn Vàng) đến năm 280 họ Tư Mã thống nhất Trung Quốc lập nên nhà Tấn.

    Nội dung tác phẩm vô cùng phong phú trước hết là bức tranh cụ thể và sinh động về đời sống chính trị của xã hội phong kiến thời Tam Quốc, một xã hội phong kiến điển hình phương Đông với hai đường nét cơ bản là cát cứ phân tranh và cá lớn nuốt cá bé.

    Cát cứ phân tranh là một hiện tượng quen thuộc của lịch sử Trung Quốc. Ngay từ đầu khi đọc tên tác phẩm cũng đã một phần nào đó nói lên điều này. Trong đó có một quy luật chi phối cả đế chế Trung Hoa "Thế lớn trong thiên hạ hợp lâu tất phân, phân lâu tất hợp". Cả ba nước đều đề cao sự thống nhất theo ý đồ và quyền lợi của tập đoàn mà không phải thống nhất về quyền lợi của dân tộc. Như trong trận Xích Bích, Tào Tháo bình định xong phương Bắc, mang 83 vạn quân xuống phía Nam thu phục nốt Đông Ngô, bắt sống Lưu Bị. Nhưng hai nhà Tôn – Lưu liên kết, khiến Tào Tháo thảm bại ở Xích Bích, tạo thế giằng co giữa ba nước.

    Các tập đoàn quân phiệt coi chiến tranh là nguồn sống duy nhất, là phương tiện để tranh quyền đoạt lợi, mưu đồ sự sống cho tập đoàn mình. Chính vậy mà chúng không từ thủ đoạn nào. Các mưa sĩ được nuôi dưỡng nghĩ ra trăm phương ngàn kế ngoại giao, quân sự, chính trị nhằm thôn tính lẫn nhau theo quy luật cá lớn nuốt cá bé. Hậu quả của các tranh đoạt này là biết bao kinh đô phồn vinh, giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của nhân dân bị thiêu hủy và hơn cả là xương máu của hang vạn người dân Trung Hoa phơi đầy đồng nội

    "Tam quốc chí diễn nghĩa" là một bức tranh lịch sử sống động, xây dựng được những nhân vật lịch sử có xương thịt, có lời ăn tiếng nói, diện mạo với tính cách riêng biệt, nhằm đại diện cho một nhân vật lịch sử điển hình đem lại cảm giác chân thật cho người đọc. Bên cạnh đó tác phẩm cung cấp cho ta một cái nhìn rõ nét về chiến lược, sách lược trong chiến đấu. Trong gần 100 năm diễn ra không biết bao nhiêu cuộc chiến, có cuộc chiến đẫm máu cũng có cuộc chiến không có máu.

    "Tam quốc chí diễn nghĩa" nói lên nguyện vọng tha thiết của người dân mong muốn được sống một cuộc đời thanh bình và thống nhất đồng thời vạch trần tội ác của bọn vua quan phong kiến đã gây nên của chiến tranh đẫm máu và chia cắt đất nước lâu dài. Đầu tiên, tác giả phê phán vương triều nhà Hán đã "cấm cố các bậc hiền sĩ, tin dùng bọn hoạn quan" làm cho triều đình đổ nát, làm rối lòng người thiên hạ, khiến giặc nổi lên. Trong tác phẩm tuy cuộc khởi nghĩa của Hoàng Cân bị miêu tả thành bọn cường khấu, nhưng tác giả không che giấu một sự thật là số nghĩa quân của họ đã tăng lên đến mấy chục vạn người, trừng trị không chút thương xót bọn tham quan ô lại và rất được lòng dân. "Tam quốc chí diễn nghĩa" đã tái hiện lại nước Trung Hoa thời Tam Quốc phân quyền loạn lạc vì chiến tranh. Bên cạnh đó tác giả thể hiện lòng căm ghét của quần chúng đối với nạn cát cứ phân tranh, tàn bạo, nham hiểm. Mặc khác bày tỏ nguyện vọng của quần chúng về một vị vua hiền với các nhân vật anh hùng trí dũng. Vì vậy mà tác phẩm của có tính hiện thực vừa có tính nhân dân sâu sắc.
     
    chiqudoll, taodi, Tố Văn1 người nữa thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...