Đề: Phân tích nội dung, nghệ thuật truyện ngắn Hương cuội của Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi AiroiD, 25 Tháng mười hai 2024.

  1. AiroiD

    Bài viết:
    75
    Đề bài: Anh/Chị hãy phân tích, đánh giá về chủ đề nội dung và nghệ thuật của tác phẩm truyện ngắn "Hương cuội" của Nguyễn Tuân.

    Bài làm tham khảo​

    Thạch Lam từng nói rằng: "Một nhà văn thiên tài là người muốn cảm nhận mọi vẻ đẹp man mác của vũ trụ" và Nguyễn Tuân là nhà văn như thế. Nguyễn Tuân được bạn đọc biết đến như một viên ngọc đắt giá trong làng văn Việt Nam, là cây bút tiêu biểu của nền văn học mới, người nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, một lòng thiết tha với cái đẹp, "suốt đời đi tìm cái đẹp". Trưởng thành trong thời điểm Hán học suy tàn, ông thấm thía rất rõ sự thay đổi của thời cuộc. Các sáng tác của ông đa dạng, sâu sắc không đi theo lối mòn mà mới lạ như chính ông từng quan niệm "Đã là nghệ thuật thì phải có phong cách độc đáo". Vẻ đẹp văn chương, dấu ấn về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân được thể hiện trong nhiều tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu như truyện ngắn "Hương cuội" - được trích từ tập "Vang bóng một thời".

    "Hương cuội" trích trong "Vang bóng một thời" – gồm 11 truyện ngắn viết về một thời đã qua nay chỉ còn vang bóng, tập truyện được đánh giá là "gần đạt tới sự hoàn thiện, hoàn mỹ". Với tập truyện này, Nguyễn Tuân đã khẳng định được tài năng của mình trên mọi phương diện. Nhân vật chính trong các truyện ngắn chủ yếu là những nhà Nho tài tử chứng kiến sự thất thế của Nho học trước Tây học nên họ đã quay lưng với thời cuộc tìm về với những thú vui tao nhã, sang trọng như uống trà, trồng hoa, uống rượu.. để giữ được thiên lương lại vừa cố gắng duy trì vẻ đẹp của Nho học buổi cuối mùa. Nguyễn Tuân cố gắng đi tìm vẻ đẹp từ những giá trị xưa cũ, tôn vinh những giá trị xưa cũ ấy lên một vẻ đẹp mới. Có thể nói, truyện ngắn "Hương Cuội" là một đóng góp của Nguyễn Tuân về đề tài yêu nước và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.

    Nội dung trong tác phẩm "Hương cuội" là khung cảnh của một đại gia đình khi chuẩn bị đón cái Tết cổ truyền đang tới rất gần. Đặt trong hoàn cảnh khi mà văn hóa phương Tây đang du nhập vào nước ta, đã có những sự thay đổi, sự đổi mới khiến cho Tết dần khác lạ, cũng như dần khiến cho con người quên đi những giá trị xưa cũ, những nét đẹp văn hóa truyền thống từ biết bao thế hệ. Thế nhưng, đối với gia đình cụ Kép thì lại khác. Gia đình cụ vẫn giữ được những truyền thống như làm bánh chưng, làm kẹo mạch nha ướp hương thạch lan, lễ cúng giao thừa và cả bàn trả để thưởng hoặc ngồi ngâm thơ.. Tất cả tưởng chừng như là những điều nhỏ nhặt, bình dị thế nhưng lại chứa đựng biết bao tinh hoa, biết bao nhiêu tình cảm trong đó. Những điều nhỏ bé đó chính là văn hóa, là cái nôi sinh ra sự sống, là những bản sắc văn hóa của dân tộc truyền đời biết bao nhiêu thế hệ. Nguyễn Tuân đã thật tinh tế khi viết về những truyền thống, bản sắc tốt đẹp đó của dân tộc để từ đó tôn vinh những giá trị tốt đẹp ấy.

    • Phân tích chủ đề tư tưởng của đoạn trích:

    Đoạn trích đã ca ngợi những nhà Nho tài tử nhân cách thanh cao giữ gìn lối sống, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Chủ đề tư tưởng này được thể hiện qua nhân vật ông cụ Kép – một người yêu thích trồng và thưởng thức vẻ đẹp của hoa lan, "cụ say mê hoa lan từ thời còn trẻ, cụ có cả quan niệm về việc trồng và thưởng thức hoa lan", "trồng hoa lan thì dễ nhưng có đủ thời gian chăm sóc không mới là cái khó", "phải lấy cái chí thành chí tình mà đối đãi với giống hoa cỏ thì mới phải đạo của người tài tử. Nếu chỉ đem hoa về trồng rồi phó mặc chúng cho gió với mưa thì chơi hoa là phải tội". Đó là suy nghĩ thật đẹp của một con người có nhân cách, hết lòng nâng niu những giá trị tốt đẹp. Những chi tiết ấy đã cho thấy ông cụ Kép dù mang trong mình nỗi buồn của kẻ chọn nhầm thời giữa buổi Tây Tàu nhố nhăng nên đến bây giờ khi đã nhàn rỗi, cụ mới trồng hoa lan để dưỡng lấy tính tình. Có thể nói, Cụ Kép là chứng nhân lịch sử, là dấu ấn của thời gian giữa dòng chuyển giao thời đại, vẫn còn giữ lại được trong mình nếp sống lề lối quen thuộc cùng những giá trị tinh thần xưa cũ. Cụ Kép kĩ tính, cầu kì, cẩn thận với những thú chơi tao nhã ngày Tết bởi cụ sành hoa, sành uống, sành thơ. Chiều 30 Tết, cụ cùng con cháu trong nhà tất bật chuẩn bị những công việc sửa soạn đón giao thừa và đích thân cụ tham gia vào việc chuẩn bị cho bữa tiệc rượu. Cụ dặn bõ già cẩn thận xem lửa cho nồi mạch nha, chạy xuống kiểm tra nồi mạch nha, lồng bàn giấy, ngồi xổm xuống nhặt từng viên đá cuội, mỗi lần có một người đụng mạnh vào giò lan đen, cụ lại xuýt xoa "như có người châm kim vào da thịt mình". Cụ xem xét từng chậu hoa lan nhắc con trai cả phải đo lại chậu mặc lan để đan cái lồng bàn cho hợp hơn, rồi cụ tự tay cùng bõ già và con cháu dung đá cuội vào nồi kẹo được viên nào là đặt luôn vào lồng chậu hoa để ướp hương. Cụ nhận định trời nồm hoa nở sớm nên thay vì như mọi năm đến tận rằm tháng Giêng mới thưởng hoa thì năm nay cụ mở tiệc rượu thưởng hoa từ ngày mùng một Tết. Tất cả các chi tiết đều được nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả thật công phu để làm nổi bật hình tượng nhân vật cụ Kép với tình yêu và sự trân quý cái đẹp, trân quý những giá trị truyền thống của quê hương, đất nước. Cụ còn là một nhà Nho biết giữ gìn và duy trì nếp sống gia đình. Điều đó được thể hiện ở chi tiết cụ cùng các con khăn áo đầy đủ lậy trước bàn thờ đặt ngoài trời vào tiết giao thừa. Cụ nhận định trời giao thừa lành như là cảm quan của người giàu kinh nghiệm sống và gieo niềm tin vào một mùa xuân mới. Phẩm chất nhà Nho tài tử của cụ Kép được thể hiện trong bữa tiệc rượu "Thạch lan hương". Đây là buổi tiệc rượu đặc biệt của cụ và những người bạn với thú vui tao nhã vừa uống rượu vừa làm thơ, và đó cũng là lúc các cụ được thưởng thức mùi hoa lan được cất giữ trong cái lồng bàn giấy đã qua một đêm mở ra thì hương hoa tản bay khắp vườn cây. Mỗi chén rượu, mỗi vần thơ, mỗi viên đá cuội tẩm rượu mạch nha lại tan vị ngọt trong cổ họng. Viên kẹo mạch nha ấy là đồ nhắm thanh tịnh và cũng là cách các cụ được thưởng thức trọn vẹn hương vị của hoa lan trong đó. Cụ Kép là lớp nhà Nho cuối cùng khi Hán học đã lụi tàn, cụ mẫn cảm với thời cuộc, tinh thông cuộc đời. Qua nhân vật cụ Kép, tác giả thể hiện niềm yêu mến, tự hào phẩm chất của những nhà Nho chân chính, về giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc. Bức chân dung nhân vật cụ Kép cũng như nhiều nhân vật khác trong "Vang bóng một thời" quả là những hình tượng sáng ngời về những con người giàu nhân cách, luôn có ý thức giữ gìn những vẻ đẹp mang giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

    • Đặc sắc nghệ thuật:

    Thành công của truyện ngắn "Hương cuội" không chỉ ở đề tài độc đáo, phản ánh, ca ngợi những giá trị cổ truyền của dân tộc trong bối cảnh xã hội giao thời mà còn ở nghệ thuật kể chuyện mang đậm phong cách Nguyễn Tuân. Cốt truyện nhẹ nhàng, đơn giản, không có những mâu thuẫn, xung đột gay gắt, chỉ xoay quanh việc kể, tả cụ Kép chơi lan, công đoạn chuẩn bị cho Tết và bữa rượu "thạch lan hương" như một nghệ thuật rất phù hợp để thể hiện sự thư thái, thanh thoát trong tâm hồn nhân vật.

    Nhan đề ngắn gọn và khơi gợi cho người đọc hôm nay cảm giác khác lạ ý muốn tìm hiểu về những điều xưa cũ. Đó là viên đá cuội được rửa sạch được dung vào nồi kẹo mạch nha cuốn kẹo cho kín rồi đặt vào chậu lan trong cái lồng bàn giấy. Như vậy viên đá cuội không chỉ có vị ngọt của kẹo mà còn có hương thơm thoang thoảng của hoa lan, trở thành đồ nhắm tinh túy của các cụ khi nhắm rượu làm thơ. Nhan đề ngắn gọn đã bao hàm chủ đề của tác phẩm.

    Cách xây dựng không gian, thời gian, điểm nhìn trần thuật của truyện. Nhà văn đã chọn thời điểm là ngày Tết với những công việc quen thuộc: Luộc bánh chưng, chuẩn bị mâm cỗ, thắp hương; cúng giao thừa, bày tiệc. Thời gian là chiều ba mươi Tết đến giao thừa, một khoảnh khắc giao hòa trời đất, năm mới năm cũ, gợi không khí ấm áp, hướng về nguồn cội, phù hợp diễn tả sự tinh tế, thanh tao của người thưởng hoa, ngâm thơ, uống rượu. Đặc biệt, với việc sử dụng ngôi kể thứ ba (người kể toàn tri) giúp Nguyễn Tuân có cái nhìn toàn cảnh về phong tục của một thời đã cũ để có thể miêu tả một cách cụ thể, tỉ mỉ sự công phu, tính chất nghệ thuật của thú thưởng hoa, thưởng rượu, ngâm thơ. Tác giả dùng nhiều từ Hán Việt, cổ kính, giàu giá trị tạo hình phù hợp việc phục dựng không khí cổ xưa, trang trọng, vẻ đẹp của một thời vang bóng. Cách dùng từ, chọn từ công phu, tỉ mỉ, tài hoa để làm nổi bật cái đẹp của thú chơi tao nhã, tính chất nghệ sĩ của con người. Giọng kể chậm rãi, trầm lắng, trang trọng gợi ra bầu không khí cổ kính, cổ xưa, phù hợp với nội dung câu chuyện. Tất cả những đặc sắc nghệ thuật ấy đã góp phần làm nội bật nội dung truyện, tư tưởng, chủ đề truyện cũng nhờ đó mà được khơi sâu, làm rõ.

    Tóm lại, "Hương cuội" là một tác phẩm độc đáo về nội dung, đặc sắc về nghệ thuật, thể hiện phong cách sáng tác tài hoa của nhà văn Nguyễn Tuân. Với cái nhìn phong phú sự hiểu biết sâu sắc về nhiều phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc ta, Nguyễn Tuân đã viết lên những trang văn tinh tế, giàu cảm xúc. Qua đây nhà văn muốn khẳng định rằng nét đẹp văn hóa truyền thống là những giá trị tinh thần hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài của Tổ Quốc. Những nét đẹp ấy được truyền từ thế hệ này sang thế khác vì vậy chúng ta phải luôn giữ gìn bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...