Đề kiểm tra cuối học kì II - Ngữ văn, lớp 9, Có đáp án

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cute pikachu, 20 Tháng năm 2021.

  1. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    I. Phần đọc hiểu

    Đọc đoạn văn bên dưới và trả lời các câu hỏi:

    "Tôi lặng lẽ gật đầu và quày quả chạy về nhà để kịp thu dọn đồ đạc. Sau khi chào từ biệt mọi người trong nhà, cả bà Sáu lẫn người mẹ tội nghiệp của chị Ngà, tôi ngậm ngùi quay lưng bước qua ngách cửa, vội vàng như người chạy trốn. Nhưng khi băng qua sân, mắt chạm phải dãy cúc vàng từ nay không người nâng niu chăm sóc, lòng tôi bất giác chùng xuống và đôi chân bỗng dưng nặng nề không bước nổi. Những cánh hoa vàng mỏng manh kia rồi đây biết sẽ đem lại niềm vui cho tâm hồn ai trong những ngày sắp tới khi chị Ngà đã vĩnh viễn ra đi và tôi cũng đang từ bỏ nơi này? Chiều nay tôi ra đi, tuổi thơ tôi ở lại, mối tình đầu của tôi ở lại và màu hoa kỷ niệm kia cũng ngập ngừng ở lại. Ðừng buồn hoa cúc nhé, tao cũng như mày thôi, từ nay trở đi mỗi khi hoàng hôn buông xuống, trái tim lẻ loi trong ngực tao sẽ luôn đớn đau khi nhớ tới một người.."

    (Theo Nguyễn Nhật Ánh, "Đi qua hoa cúc")

    1. Hãy chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn trên

    2. Theo em, đoạn văn sử dụng ngôi kể thứ mấy? Vì sao em biết? Sử dụng ngôi kể đó mang hiệu quả như thế nào?

    3. Nêu nội dung chính của đoạn văn trên bằng một câu văn hoàn chỉnh.

    4. Câu văn "Chiều nay tôi ra đi, tuổi thơ tôi ở lại, mối tình đầu của tôi ở lại và màu hoa kỷ niệm kia cũng ngập ngừng ở lại." thuộc kiểu câu phân loại theo mục đích nói nào? Em hiểu ý nghĩa hàm ẩn của câu là gì? Sử dụng cách nói hàm ý đó mang hiệu quả diễn đạt ra sao?

    5. Hãy chỉ ra và phân tích tác dụng nghệ thuật của hai biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn được trích ở trên.

    II. Phần tạo lập văn bản

    Viết đoạn văn nghị luận khoảng 300 chữ trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của câu danh ngôn: "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông".

    Đáp án

    I. Phần Đọc hiểu

    1. Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.

    2. Ngôi kể thứ nhất, người kể xưng tôi để kể lại câu chuyện.

    - Hiệu quả: Sử dụng ngôi kể thứ nhất giúp người kể kể lại câu chuyện một cách tự nhiên, chân thật những gì xảy ra với chính mình, đồng thời người kể sẽ dễ dàng bộc lộ được trực tiếp, chân thực nội tâm cũng như mọi cung bậc cảm xúc của chính mình.

    3. Nội dung chính bằng 1 câu hoàn chỉnh: Nhân vật 'tôi "thu dọn đồ đạc và luyến tiếc khi sắp phải rời xa nơi mình đã một thời gắn bó thân thương.

    4. – Thuộc kiểu câu trần thuật

    - Hàm ý: Nhân vật trữ tình dẫu phải ra đi nhưng vẫn luôn tiếc nuối về một thời tuổi thơ đẹp trong sáng khi phải rời bỏ những sự vật thân thương, dường như nhân vật tôi muốn níu kéo, muốn ở lại..

    - Tác dụng: Tác động mạnh mẽ, sâu sắc với người nghe; làm cho lời văn giàu cảm xúc, giàu ý nghĩa; khơi dậy trong lòng người đọc nỗi đồng cảm, bâng khuâng, xao xuyến, buồn bã, tiếc nuối.

    5. Nêu được hai trong các biện pháp tu từ dưới đây:

    * Ẩn dụ: Qua hình ảnh" lòng tôi bất giác chùng xuống "," đôi chân bỗng dưng nặng nề "(câu 3) là ẩn dụ cho tâm trạng luyến tiếc của nhân vật.

    * Tương phản: Giữa hai hình ảnh" ra đi "và" ở lại "(ở câu 5).

    * Hoán dụ: Qua từ" trái tim "(ở câu cuối) : Trái tim hoán dụ cho cảm xúc, tâm trạng, cho nỗi đau đớn của nhân vật trữ tình.

    * Nhân hóa qua từ" đớn đau "(câu cuối) trái tim được nhân hóa, cũng có tâm tư, tình cảm như con người, biêt đớn đau; nhân hóa qua cách xưng hô với hoa cúc như với người, xưng tao, gọi hoa cúc là mày (câu cuối)

    * so sánh qua hình ảnh: Vội vàng như người chạy trốn.

    - Điệp ngữ: Ở lại (lặp lại ba lần)

    * Tác dụng:

    - Ẩn dụ: Thể hiện sâu sắc nỗi tiếc tuối khi phải rời xa nơi mình đã một thời gắn bó, tình cảm yêu thương của chàng trai trong câu chuyện.

    - Tương phản: Nhấn mạnh sự ra đi của nhân vật trữ tình, sự ra đi để lại nhiều nỗi niềm, gây cảm giác tiếc nuối, chia lìa, mất mát.

    - Hoán dụ, nhân hóa: Nhằm diễn tả, làm nổi bật chiều sâu của tâm trạng, cảm xúc trong tâm hồn của nhân vật.

    - So sánh: Nhằm nhấn mạnh, làm tăng tính gợi hình, gợi cảm cho lời văn, giúp người đọc dễ dàng hình dung bước chân nhanh, vội như muốn trốn, tránh mặt của nhân vật tôi.

    - Điệp ngữ: Nhằm diễn tả đầy đủ hơn, sâu sắc hơn tâm trạng nuối tiếc, không muốn rời xa những sự vật đã gắn bó thân thương của nhân vật" tôi ".

    - Hiệu quả chung: Sử dụng hiệu quả nhiều biện pháp tu từ trong đoạn trích trên góp phần bộc lộ sâu sắc tâm trạng, nỗi niềm của nhân vật trữ tình. Đó là những cung bậc cảm xúc: Buồn bã, nuối tiếc, xót xa, cay đắng, luyến tiếc.. khi phải rời xa những kỷ niệm tuổi thơ, phải để lại mối tình đầu khắc khoải nhung nhớ gắn với loài hoa kỷ niệm: Hoa cúc.

    II. Phần tạo lập văn

    V
    iết đoạn văn nghị luận xã hội

    Trong cuộc sống, ý chí, quyết tâm luôn quyết định sự thành bại của bản thân. Điều đó được thể hiện rõ qua câu danh ngôn: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi, e sông. Vậy câu danh ngôn trên có nghĩa là gì? Về tầng nghĩa đen, câu câu danh ngôn có nghĩa là: Đường đi khó, có nhiều chướng ngại, làm con người phải vất vả, tốn công sức khi vượt qua. Yếu tố quyết định con người có vượt qua chặng đường khó khăn với núi cao, sông sâu ấy hay không chính là ở quyết tâm của con người. Như thế, ở tầng nghĩa bóng," đường "là từ chỉ cái đích mà con người muốn đạt được." Sông, núi "là hình ảnh chỉ những trở ngại lớn của hoàn cảnh." Lòng người "là từ chỉ ý chí, nghị lực của con người. Như vậy, câu nói trên khẳng định vai trò của ý chí, nghị lực quyết định đến thành công của con người. Nếu có ý chí, nghị lực, quyết tâm thì khó khăn, thử thách lớn đến đâu con người cũng có thể vượt qua được. Nhận định đó được chứng minh qua vô vàn tấm gương tiêu biểu cho ý chí nghị lực vượt khó và đã đạt được những thành công lớn. Tiêu biểu như tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký. Từ bé, thầy đã bị liệt hai tay, nhưng bằng ý chí, nghị lực, quyết tâm cũng như tinh thần hiếu học, thầy đã luyện viết được bằng chân, rồi dần dần, chữ thầy viết rất đẹp. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, thầy đã trở thành thầy giáo. Sau này thầy đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân ưu tú. Một tấm gương khác trong lịch sử tiêu biểu về" vượt khó", đó chính là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Khi bôn ba khắp năm châu, dù chỉ có hai bàn tay trắng, Bác đã tự học ngoại ngữ, tự tìm ra con đường cứu nước đúng đắn nhất cho dân ta. Như vậy, có thể khẳng định ý chí, nghị lực quyết định đến tương lai thành đạt của mỗi người. Bởi vậy, mỗi người cần nhận thức được tầm quan trọng của ý chí nghị lực với sự thành hoặc bại của cản thân. Chúng ta hãy tự tin, không ngừng vượt khó để đạt được thành công. Đồng thời, khi gặp khó khăn, trắc trở, chúng ta cần bình tĩnh, sáng suốt để tìm cách tháo gỡ vướng mắc cũng như cách giải quyết tốt nhất. Mỗi học sinh chúng ta ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường hãy cố gắng hết mình tiến lên, can đảm vượt qua mọi thử thách để vươn tới thành công. Tóm lại, câu danh ngôn là một chân lí, là nhận định đúng đắn và sâu sắc với mỗi người.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...