Sau những tháng ngày sống nhục nhã, bẽ bàng chốn lầu xanh, Kiều may mắn được Thúc Sinh yêu mến và chuộc ra khỏi chốn buôn thịt bán người đó. Thúc Sinh không "tài mạo tót vời" như Kim Trọng và cũng chẳng phải là anh hùng "Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo" như Từ Hải nhưng là một con người đã yêu thương say mê nàng Kiều hết mực. Hai người đã có khoảng thời gian sống hạnh phúc bên nhau. Khi phát hiện ra Thúc Sinh đã có vợ, là người hiểu chuyện, Kiều đã khuyên Thúc Sinh về quê nói thật với vợ cả chuyện của hai người. Cảnh chia ly giữa Thúy Kiều và Thúc Sinh được ngòi bút điêu luyện của Nguyễn Du miêu tả bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình quen thuộc của thơ trung đại. Bài tập sau đây giúp các em học sinh củng cố lại các kiến thức liên quan đến đoạn trích này: Đề đọc hiểu: Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều - Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du - Câu hỏi đọc hiểu: ĐỀ 1: Đọc đoạn thơ sau: Người lên ngựa, kẻ chia bào, Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san. Dặm hồng bụi cuốn chinh an, Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh. Người về chiếc bóng năm canh, Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi. Vầng trăng ai xẻ làm đôi, Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường. (Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều, Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du, NXB Văn hóa thông tin, 2002, tr. 142-143) (Chú thích: chia bào: Rời vạt áo; màu quan san: Màu đỏ, ngụ ý chỉ sự xa xôi cách trở; chinh an: Việc đi đường xa; gối chiếc: Gối đơn – ngụ ý chỉ sự cô đơn; dặm trường: Đường xa). Trả lời các câu hỏi: Câu 1. Xác định thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Câu 2. Chỉ ra hai hình ảnh thiên nhiên được miêu tả trong đoạn thơ trên. Theo em, hình ảnh nào là hình ảnh có tính chất ước lệ? Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của phép đối được sử dụng trong đoạn trích. Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về tâm trạng của nhân vật Thúy Kiều trong hai câu thơ sau: Vầng trăng ai xẻ làm đôi Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường. Câu 5. Anh/chị hãy liên hệ hai cuộc chia tay giữa Thúy Kiều với Thúc Sinh và Thúy Kiều với Từ Hải để chỉ ra điểm khác biệt trong trạng thái cảm xúc của các nhân vật. Thử lí giải vì sao lại có sự khác biệt ấy? Gợi ý trả lời: Câu 1: Thể thơ: Lục bát; Phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật; Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm. Câu 2: - Những hình ảnh của thiên nhiên được miêu tả trong đoạn thơ: Rừng phong, dặm hồng bụi cuốn, ngàn dâu, vầng trăng. - Những hình ảnh thiên nhiên trên hầu hết đều có tính chất ước lệ: Rừng phong: Thường để chỉ mùa thu; (Người khuất) ngàn dâu: Tượng trưng cho việc người đã đi xa khuất tầm nhìn; Màu dâu xanh: Màu của chia ly, buồn tủi; vầng trăng khuất (khuyết) một nửa: Tượng trưng cho sự chia ly của tình yêu. Câu 3: - Phép đối: Người lên ngựa>< kẻ chia bào; Người về>< Kẻ đi Chiếc bóng năm canh >< muôn dặm một mình Nửa in gối chiếc ><nửa soi dặm trường. - Tác dụng của phép đối: + Phép đối có tác dụng biểu đạt thấm thía hơn, cảm động hơn tâm trạng lưu luyến của Thúc Sinh – Thúy Kiều khi chia ly và tình cảnh cô đơn vò võ của Thúy Kiều sau khi chia tay Thúc Sinh. + Giúp cho lời thơ cân đối, nhịp nhàng, tăng tình nhạc, giàu giá trị biểu cảm. Câu 4: Những câu thơ Vầng trăng ai xẻ làm đôi - Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường biểu đạt tâm trạng của nhân vật Thúy Kiều: - Nỗi buồn li biệt và sự nhớ thương khôn nguôi dành cho Thúc Sinh. - Sự cô đơn, trống trải khi vò võ nơi phòng vắng. Câu hỏi tu từ: Vầng trăng ai xẻ làm đôi với đại từ phiếm "ai" như lời than trách hướng đến sự nghiệt ngã của số phận đã chia lìa đôi lứa. Mượn hình ảnh vầng trăng không trọn vẹn, Nguyễn Du đã biểu đạt thành công tình cảnh chia lìa, xa cách giữa Thúc Sinh, Thúy Kiều. Phép đối trong câu thơ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường cộng hưởng với ý nghĩa của câu thơ trên càng tô đậm thêm sự trống trải, cô đơn của Thúy Kiều khi không còn Thúc Sinh bên cạnh. Câu 5: Điểm khác biệt trong trạng thái cảm xúc của các nhân vật trong hai cảnh chia tay trên là: Cảnh chia tay giữa Thúc Sinh – Thúy Kiều thì dùng dằng, lưu luyến, buồn sầu, còn cảnh chia tay Thúy Kiều – Từ Hải thì dứt khoát, nhanh chóng, không hề có nỗi buồn sầu ly biệt. Có sự khác biệt đó phải chăng vì: Nếu bạn chưa có tài khoản, hãy đăng kí miễn phí tại đây để đọc tiếp nha: LINK Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem XEM TIẾP BÊN DƯỚI..
ĐỀ 2 Đọc đoạn thơ sau: Người lên ngựa kẻ chia bào, Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san. Dặm hồng bụi cuốn chinh an, Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh. Người về chiếc bóng năm canh, Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi. Vầng trăng ai xẻ làm đôi, Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường. (Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều, Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du, NXB Văn hóa thông tin, 2002, tr. 142-143) (Chú thích: chia bào: Rời vạt áo; màu quan san: Màu đỏ, ngụ ý chỉ sự xa xôi cách trở; chinh an: Việc đi đường xa; gối chiếc: Gối đơn – ngụ ý chỉ sự cô đơn; dặm trường: Đường xa. Trả lời các câu hỏi: Câu 1. Xác định nhịp thơ, phép tu từ được sử dụng trong câu: Người lên ngựa, kẻ chia bào. Nêu tác dụng. Câu 2. Ghi lại những từ ngữ, hình ảnh biểu đạt tâm trạng Thúy Kiều? Đó là tâm trạng gì? Câu 3. Hình ảnh thiên nhiên có tác dụng như thế nào trong việc biểu đạt tâm trạng Thúy Kiều? Câu 4. Cảm nhận về hai câu thơ: "Vầng trăng ai xẻ làm đôi Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường". Gợi ý: Câu 1: Câu thơ "Người lên ngựa kẻ chia bào" được ngắt nhịp 3/3; phép tu từ đối (tiểu đối). Tác dụng: Góp phân thể hiện tâm trạng bịn rịn và lưu luyến như bị tách rời ra hai phía của không gian. Sau bao nhiêu dùng dằng trì hoãn Thúc Sinh đành phải lên ngựa. Và Thúy Kiều đành buông vạt áo của chàng ra. Làm cho câu thơ cân xứng, nhịp nhàng. Câu 2. Những từ ngữ, hình ảnh biểu đạt tâm trạng Thúy Kiều: Gối chiếc, chiếc bóng năm canh. Đó là tâm trạng cô đơn, buồn nhớ của Kiều sau khi chia tay Thúc Sinh. Câu 3. Hình ảnh thiên nhiên có tác dụng biểu đạt thành công trạng Thúy Kiều: Hình ảnh rừng phong lá đỏ, bụi hồng: Gợi một vùng biên ải ảm đạm hoang biệt khiến ta hình dung tâm trạng buồn thấm thía của NVTT trong cảnh tiễn đưa. Vầng trăng xẻ nửa gợi sự chia lìa, không trọn ven, góp phần thể hiện tâm trạng cô đơn của Thúy Kiều. Câu 4. Đây là hai câu thơ tuyệt bút. Nguyễn Du đã lấy ngoại cảnh (vầng trăng) để đặc tả tâm cảnh Thuý Kiều. Có phải Kiều và Thúc Sinh hai người như một vầng trăng tròn bị cắt bị "xẻ" làm hai nửa? Hay từ nay trở đi mỗi người một phương trời chỉ soi lẻ một vầng trăng mà chỉ thấy một nửa? Trăng thượng huyền hay trăng hạ huyền mà chỉ có một nửa: Nửa thì soi gối chiếc của nàng Kiều cô đơn nửa thì soi dặm trường một mình lẻ loi của Thúc Sinh? Câu thơ vừa xót xa vừa ai oán. Chữ "ai" trong câu thơ "Vầng trăng ai xẻ làm đôi" như một tiếng thở dài ngao ngán về sự bất lực trươc số phận. Ai đã đang tâm chia rẽ hạnh phúc tròn đầy êm thấm của Kiều? Số phận lẽ mọn buộc nàng phải cam chịu và chấp nhận? Vì ai mà Thúc Sinh phải đi về Vô Tích "muôn dặm một mình xa xôi?". Cuộc chia tay không thể tránh khỏi. Kiều như dự cảm một cuộc chia tay vĩnh biệt đã bắt đầu. Không phải là từ biệt mà là sự chấm dứt của tình duyên. Có thể họ còn gặp nhau nhưng chẳng bao giờ tái hợp nữa. Tràn ngập cả không gian và thời gian là nỗi buồn nhớ xa xôi đến muôn dặm. Thúc Sinh với chuyến đi này sẽ phải "đối diện" với người vợ cả "Ở ăn thì nết cũng hay – Nói điều ràng buộc thì tay cũng già". Kiều phấp phổng lo âu càng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết! Hai câu thơ cuối đoạn đã thể hiện sâu sắc lòng thương cảm của Nguyễn Du đối với nàng Kiều.