THU VỊNH "Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao, Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu. Nước biếc trông như tầng khói phủ, Song thưa để mặc bóng trăng vào. Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái, Một tiếng trên không ngỗng nước nào? Nhân hứng cũng vừa toan cất bút, Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào." Câu 1. Xác định đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ đạo, nội dung của bài thơ Bấm để xem - Đề tài bài thơ: Mùa thu - Chủ đề bài thơ: Phong cảnh đồng quê, sinh hoạt nông thôn mùa thu Việt Nam - Cảm hứng chủ đạo: Tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước. - Nội dung: + Bức tranh mùa thu nơi làng quê thanh sơ, bình dị, mộc mạc, u buồn, đặc trưng cho thu vùng Đồng bằng Bắc Bộ những năm cuối thế kỷ 19. + Tâm sự thời thế của nhà thơ Nguyễn Khuyến được gửi gắm kín đáo. Câu 2. Nêu bố cục bài thơ. Bấm để xem Bài thơ được viết theo bố cục Đề - Thực - Luận - Kết. - Hai câu đề (câu 1, 2) : Bức tranh mùa thu qua hình ảnh trời thu và cần trúc (thời điểm ban trưa). - Hai câu thực (câu 3, 4) : Bức tranh mùa thu qua hình ảnh nước biếc và bóng trăng (thời điểm hoàng hôn và dần chuyển vào đêm). - Hai câu luận (câu 5, 6) : Hình ảnh hoa và âm thanh tiếng ngỗng xa xôi, gián tiếp bộc lộ tâm sự lo lắng thầm kín của tác giả trước cảnh mất nước. - Hai câu kết (câu 7-8) : Cảm hứng làm thơ và nỗi tủi thẹn với "ông Đào" của nhà thơ. Câu 3. Nhận xét về cách gieo vần của bài thơ Bấm để xem - Bài thơ được gieo vần "ao" cuối các câu 1, 4, 6, 8 ( "cao", "vào", "nào", "Đào") - Nhận xét: Khi đọc vần "ao", miệng có xu hướng co tròn lại. Đặt vào bài thơ, các tiếng "ao" kết thúc cuối câu tạo cảm giác thu nhỏ lại của sự vật. Cảnh vật cứ đìu hiu, ngột ngạt, lòng con người lại day dứt, nghẹn ngào, như bị vây hãm, không thoát ra được, không phút nào tĩnh lặng, an nhàn. Câu 4. Chỉ ra một số nét chung của Thu vịnh với Thu ẩm và Thu điếu và nét riêng của mỗi bài. Bấm để xem - Nét chung của Thu vịnh với Thu ẩm và Thu điếu: Đều viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, gieo vần độc đáo, sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật đặc sắc. Đều là bức tranh mùa thu nơi làng quê thanh sơ, bình dị, mộc mạc, u buồn, đặc trưng cho thu vùng Đồng bằng Bắc Bộ những năm cuối thế kỷ 19. Đều có hình ảnh trời thu xanh ngắt, gió nhẹ hắt hiu, nước trong sóng biếc Chứa đựng tâm sự thời thế của nhà thơ Nguyễn Khuyến. - Nét riêng: Tình cảm được gửi gắm vào những đối tượng trữ tình khác nhau. Ở Thu vịnh là quá khứ (hoa, tiếng chim, cố nhân), ở Thu điếu là ngồi lặng im câu cá ngẫm sự đời, ở Thu ẩm là chén rượu. Thu vịnh phác họa khái quát những đặc điểm nổi bật về mùa thu, Thu điếu dừng lại ở một không gian, thời gian cụ thể: Trên một ao thu, vào một buổi chiều thu, 1 ông già lão ngồi câu cá trên chiếc thuyền bé, còn Thu ẩm quan sát cảnh thu trong nhiều thời điểm khác nhau để thâu tóm những nét thu đặc sắc nhất. Câu 5. Phân tích tác dụng của hai biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thực và hai câu luận. Bấm để xem * Hai câu thực: Nước biếc trông như tầng khói phủ, Song thưa để mặc bóng trăng vào. - Biện pháp nghệ thuật: Đối Đối thanh: TTBBBTT - BBTTTBB Đối từ: "Nước biếc"... " Song thưa", "trông như"... " Để mặc", "tầng khói phủ"... " Bóng trăng vào". Đối ý: Câu thơ trên là trạng thái có chiều cao, có độ sâu, sương dày phủ thành lớp, thành tầng. Còn câu thơ dưới là trạng thái mở ra thành một bề rộng, mặc dù bị giới hạn bởi khung cửa sổ "song thưa" nhưng ánh trăng vẫn tràn trề, lan tỏa. Không gian, thời gian hai câu cũng đối tương phản với nhau, câu trên là nước ở tầng thấp, hoàng hôn, câu trên là trăng ở tầng cao, màn đêm. - Hiệu quả nghệ thuật: Làm nổi bật thiên nhiên, cảnh sắc mùa thu Đảm bảo đúng luật thơ Đường, tạo sự cân xứng, hài hòa, nhịp nhàng, đăng đối cho lời thơ về thanh âm, giai điệu, ý nghĩa -> tạo giá trị thẩm mỹ cho bài thơ Cho thấy sự say mê, yêu thích thiên nhiên và tài làm thơ của tác giả. Và - Biện pháp nghệ thuật: So sánh lớp sương thu mỏng phủ trên mặt hồ với "tầng khói". - Hiệu quả nghệ thuật: Miêu tả sinh động, gợi hình, gợi cảm sương thu phủ trên mặt hồ. Không phải "làn" mà lại là "tầng". Sương đã trở nên dày hơn, nhiều lớp hơn, có chiều cao, độ sâu, như chất chứa cái gì đó ở bên trong. Không gian mông lung, huyền ảo. Cho thấy sự nhạy cảm, tinh tế, yêu thiên nhiên, thích thưởng thức mùa thu quê hương của tác giả. * Hai câu luận: Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái, Một tiếng trên không ngỗng nước nào? - Biện pháp nghệ thuật: Đối Đối thanh: TBTTBBT - TTBBTTB Đối từ: "Mấy chùm"... " Một tiếng", "trước giậu"... " Trên không", "hoa năm ngoái"... " Ngỗng nước nào" (Mấy chùm hoa trước giậu năm ngoái - Một tiếng ngỗng nước nào trên không) Đối ý: Tương đồng, tăng tiến. Những gì tươi đẹp đã lùi vào quá khứ. Hoa không còn là hoa của năm nay nữa mà là hoa của quá khứ, hoa của một thời xa xăm nào đó vọng lại những sắc hương tàn úa, những hoài niệm xót xa. Hiện tại lại càng nhuốm màu bi thương, đến ngỗng lạc đàn cũng cất tiếng kêu vong quốc vong thân. Hai ý thơ cùng đặt dấu chấm hết cho hồn thu. Hồn thu đã bỏ đi đâu như hoa kia ngỗng nọ, chỉ còn thân xác thu trong veo, cô quạnh, vắng ngắt, bàng bạc như con ve mùa hè nằm chết trong mùa thu sau khi đã hát rỗng cả ruột gan. - Hiệu quả nghệ thuật: + Tăng sắc màu hoài cổ cho tiếng thu. + Lột tả tâm trạng tủi hổ, day dứt, khắc khoái, thương tiếc quá khứ, đau buồn cho hiện tại của nhà thơ. + Đảm bảo đúng luật thơ Đường, tạo sự cân xứng, hài hòa, nhịp nhàng, đăng đối cho lời thơ về thanh âm, nhịp điệu, ý nghĩa → tạo giá trị thẩm mỹ cho bài thơ + Cho thấy tình yêu nước, nỗi đau đời, đau nhân tình thế thái và tâm hồn thanh cao của nhà thơ. Và - Biện pháp nghệ thuật: Câu hỏi tu từ "Một tiếng trên không ngỗng nước nào?" - Hiệu quả nghệ thuật: Quả đúng với câu "Cảnh nào cảnh chẳng đeo tình/Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", câu thơ tả cảnh nhưng gửi gắm tâm trạng tủi hổ, u hoài, xót xa trước cảnh nước mất nhà tan. Kết hợp với đảo ngữ nhấn mạnh sự giật mình của nhà thơ trước âm thanh tiếng ngỗng vang lên trong không gian vắng lặng. Con người lúc đó đang trong trạng thái mơ màng, đắm chìm sâu vào tâm sự nỗi niềm riêng. Tiếng ngỗng đã kéo tác giả trở về với thực tại. Câu hỏi tu từ còn có ý nhấn mạnh tình cảnh đau buồn lúc bấy giờ của cả người và vật: Nước đã không còn là của mình nữa thì bay về làm gì ngỗng ơi. Không chỉ bộc lộ cảm xúc, câu hỏi tu từ còn giúp tạo giọng điệu day dứt, khắc khoải, tủi hổ, đau đớn cho lời thơ, khiến câu thơ mang nét buồn da diết về sự đổi thay của thời thế. Cho thấy câu chữ đang thay tác giả cất lên tiếng lòng, gieo nỗi lòng đó vào trong người đọc, để lại dư ba sâu sắc, khiến ta trộm nghĩ, hoa ấy ngỗng kia, có khi là do nhà thơ buồn lặng mà hóa thành. Để thấy hồn thơ Nguyễn Khuyến bao giờ cũng toát lên một tinh thần yêu nước sâu xa, yêu nước trong đau đớn, tủi buồn, yêu một cách trầm lắng mà sôi sục, quặn thắt mà quan hoài, trào lộng mà trữ tình, kín đáo mà động vang, cô đơn mà hòa nhập, lạnh lùng mà bỏng cháy, dữ dội mà dịu êm. Câu 6. Từ ngữ nào thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình trong hai câu thơ cuối? Tại sao tác giả lại có tâm trạng như vậy? Qua đó anh/chị hiểu gì về nhà thơ Nguyễn Khuyến? Bấm để xem - Từ ngữ thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình: "Hứng", "thẹn". - Sở dĩ thấy "hứng" vì tác giả đang thích thú, say mê, thấy yêu, rung động trước cảnh thiên nhiên đẹp, nhưng sau đó, nhà thơ lại thấy thẹn thùng, ân hận vì đã không lúng túng khi làm quan, lừng khừng không dứt khoát từ quan như Đào Tiềm. Câu 7. Chủ thể trữ tình đã quan sát cảnh vật từ những góc độ nào? Phân tích các hình ảnh và từ ngữ trong bài thơ để thấy được nét đặc trưng của mùa thu ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ Bấm để xem - Chủ thể trữ tình đã quan sát cảnh vật từ gần thấp (cần câu trước mặt làm từ trúc, xung quanh làn gió hắt hiu, sương phủ mờ mặt nước) đến cao xa (trời thu, bóng trăng), từ sáng, trưa đến hoàng hôn, tối muộn. - Hình ảnh và từ ngữ miêu tả mùa thu: Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao (bầu trời xanh, cao lồng lộng, rộng mênh mông, dễ khiến con người trở nên nhỏ bé, lạc lõng, cô đơn, cô liêu giữa vũ trụ bao la, cao rộng), cần trúc lơ phơ (trong thơ văn trung đại, trúc vốn đại diện cho hình ảnh người quân tử ngay thẳng, mạnh mẽ, khí phách, hiên ngang, nhưng trúc ở chốn quê vắng này lại lơ phơ, mỏng manh, xơ xác, ít ỏi, thưa thớt, ẩn dụ cho những bậc trí sĩ, những người anh hùng đang vắng mặt, đang lụi tàn, hoặc là mất hết nhuệ khí, lý tưởng), gió hắt hiu (cơn gió cũng gầy gò, đìu hiu), nước biếc (làn nước trong veo), tầng khói phủ (sương thu phủ trên mặt nước thành tầng dày, làm không gian mờ ảo mơ hồ), bóng trăng mặc song cửa tràn vào (trăng mùa thu luôn nảy nở, đẫy đà, mang ý vị mênh mang) - > Bức tranh thiên nhiên đặc trưng cho mùa thu vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ những năm cuối thế kỷ 19: Đơn sơ, chân chất, mộc mạc, xanh, trong, tĩnh, vắng, là không gian để lắng đục về trong. Nhưng dù đẹp, thiên nhiên vẫn nhuốm màu cô quạnh, vắng vẻ, tiêu điều, xác xơ, trĩu nặng tâm sự, ưu sầu. Câu 8. Viết đoạn văn 5-7 câu nêu thông điệp rút ra từ bài thơ Thu vịnh Bấm để xem Nêu thông điệp -> Giải thích -> Ý nghĩa của thông điệp với cá nhân con người và với xã hội chung trong thời đại ngày nay kèm 1 dẫn chứng -> Bài học -> Nhận thức. Thông điệp: Con người cần có sự khiêm nhường Từ cái "thẹn" cuối bài thơ Thu vịnh, Nguyễn Khuyến đã gửi gắm đến bạn đọc một thông điệp rất sâu sắc: "Con người cần có sự khiêm nhường". Quả thật, khiêm nhường là một trong những phẩm chất đáng quý của con người, bởi nó tượng trưng cho sự cầu thị, kính nhường, thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, từ đó có cách ứng xử khéo léo và ý thức rèn luyện tu dưỡng để vững bước trên con đường chinh phục các mục tiêu. Thông điệp có ý nghĩa với mọi con người, không phân biệt vùng miền, tuổi tác, bởi nếu rèn luyện cho mình đức tính khiêm nhường, trong bất kể môi trường sống hay làm việc nào, ta đều sẽ chiếm được nhiều cảm tình, sự tin tưởng, tín nhiệm, ủng hộ từ những đối tác, đồng nghiệp và những người xung quanh. Khiêm tốn giúp ta ý thức được "nhân vô thập toàn", không ảo tưởng để bị cuốn theo những tham vọng cá nhân, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến góp ý của người khác để hoàn thiện mình. Giá trị của khiêm tốn cũng luôn tỏa sáng trên những con người vĩ đại, như nhà bác học Albert Einstein đã khiến bao người ngưỡng mộ, cảm phục vì câu nói khiêm nhường: "Tôi chỉ là người bình thường như bao người khác thôi, cũng sống và làm công việc mình yêu thích, sao lại gọi tôi là người nổi tiếng?". Trong thời đại ngày nay, thái độ khiêm tốn càng đóng vai trò quan trọng đối với thành công của mỗi người, vì biển học mênh mông, trong khi đó sự hiểu biết của con người chỉ là một giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la, chỉ có khiêm tốn, không ngừng học hỏi và tích lũy tri thức, ta mới tự mở ra cho mình nhiều cơ hội, khẳng định được tài năng và nâng cao giá trị của chính mình. Để rèn luyện đức tính khiêm tốn, hãy luôn nói năng hòa nhã, cẩn trọng, lễ độ, luôn kiên trì đối diện với các thử thách để nắm chắc ưu nhược điểm của mình và có cái nhìn toàn diện, khách quan với mọi vấn đề. Là học sinh mới bước vào môi trường cấp ba, tôi thấy mình cần học nhiều hơn nữa, không ngừng phấn đấu vươn lên, không ngừng hoàn thiện nhân cách, không tự cho là bản thân đã biết đủ mà chủ quan, lười biếng. Khi được người khác phê phán, góp ý, tôi sẽ luôn bình tĩnh, nhẫn nại lắng nghe và tiếp thu những điều hợp lý, đồng thời làm một con sông nhanh nhẹn, tràn đầy nhiệt huyết, không ngừng chảy qua bao đồi núi để có thể trĩu nặng phù sa, hòa với biển khơi bao la mà trưởng thành. Các thông điệp khác: Ví dụ: - Con người không thể có được sự bình an thực sự khi vận mệnh tổ quốc lâm nguy - Giữ gìn nhân cách là điều quan trọng đối với bản thân mỗi chúng ta - Mỗi con người cần có ý thức dân tộc sâu sắc. - Thiên nhiên hiền lành và quê hương luôn là nơi để ta trở về, vẻ đẹp của thiên nhiên chốn quê nhà có thể xoa dịu những tổn thương trong tâm hồn, thanh lọc tinh thần ta. - Sự thanh nhàn chỉ thực sự có khi ta tìm được sự bình yên trong tâm hồn - Con người sống cần có lòng tự trọng - Tầm vóc của một con người không chỉ nằm ở năng lực, tài hoa, mà còn ở tâm hồn, tình cảm phong phú, sâu sắc. - Tình yêu đất nước là tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất của mỗi con người.