Đề đọc hiểu: Hai đứa trẻ - Thạch Lam Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời. Chiều, chiều rồi. Một buổi chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn thơ ngây của chị; Liên không sao hiểu, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn. Trích: Hai đứa trẻ - Thạch Lam, Ngữ văn 11, tập 1, NXB giáo dục Việt Nam 2011 Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1: Cho biết văn bản trên nói về điều gì? Câu 2: Hãy xác định và nêu ý nghĩa tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn một của văn bản. Câu 3: Cho biết các phương thức biểu đạt trong văn bản và phương thức biểu đạt nào là chủ yếu? Câu 4: Giải thích cách sử dụng dấu chấm phẩy ";" trong câu cuối của văn bản. Câu 5: Nhận xét gì về nét đặc sắc nghệ thuật trong văn bản trên? Trả lời câu hỏi đọc hiểu: Câu 1: Văn bản trên miêu tả bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng vào buổi chiều tàn qua cảm nhận của Liên. Câu 2: Biện pháp tu từ trong đoạn trích trên + Sử dụng biện pháp nhân hóa: "Tiếng trống thu không.. gọi buổi chiều." + Sử dụng biện pháp so sánh: "Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn." - Tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn trích trên giúp cho hình ảnh miêu tả trong đoạn văn có tính gợi hình, gợi cảm. Bức tranh thiên nhiên trở nên tươi đẹp thơ mộng trong thời khắc của ngày tàn. Câu 3: Các phương thức biểu đạt trong văn bản trên là: Miêu tả, biểu cảm. Phương thức biểu đạt chính là miêu tả Câu 4: Cách sử dụng dấu chấm phẩy ";" trong câu cuối + Dấu chấm phẩy là một dấu câu thông dụng, có tác dụng ngắt quãng câu hoặc dùng để liệt kê. + Dấu chấm phẩy dùng trong câu cuối của văn bản để chỉ ranh giới giữa các vế trong câu ghép song song, giữa các vế có sự liệt kê, bổ sung về nghĩa. Câu 5: Nét đặc sắc nghệ thuật trong văn bản trên: - Ở đoạn trích trên, nghệ thuật đặc sắc được sử dụng đó là nghệ thuật miêu tả + Qua sự quan sát tinh tế: Không gian tĩnh lặng, màu sắc hài hòa nhưng có sự đối lập giữa sáng và tối, âm thanh đa dạng nhưng gần gũi. + Sử dụng các từ ngữ sinh động, hình ảnh có tính hình tượng thông qua sự kết hợp uyển chuyển của các biện pháp nhân hóa, so sánh, miêu tả cảnh và tâm trạng bâng khuâng, man mác.