Đề đọc hiểu: Đường đi học - Nguyễn Ngọc Hưng, Ngữ văn 10 Kết nối

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 28 Tháng mười 2022.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    Đọc hiểu: Đường đi học

    - Nguyễn Ngọc Hưng -

    [​IMG]

    Đọc bài thơ sau:

    Khúc khuỷu ruột dê ổ gà ổ chó
    Đường dẫn con đi suốt tuổi thơ mình
    Nhiều gai góc nhưng cũng đầy hoa cỏ
    Vui rập rờn theo những cánh bướm xinh..

    Mười cây số bốn mùa chân xuôi ngược
    Manh áo nghèo mưa nắng bạc tóc hoe
    Không ngăn nổi hồn nhiên chim sáo hót
    Chiều vô tư ngõ đom đóm lập lòe

    Ôi! Thương quá cái thời cơm cõng củ
    Lén nhìn con cạo rá mẹ thở dài
    Bữa cháo bữa rau qua ngày giáp hạt
    Túc tắc rồi con cũng lớn như ai.

    Thêm một tuổi là con thêm một lớp
    Bước dài hơn, đi đứng chững chạc hơn
    Con đường cũ mở ra nhiều lối mới
    Cánh bướm xưa vẫn bay lượn chập chờn.

    Mê lộ đời lắm ngả ngang ngả dọc
    Chợt xênh xang chợt heo hút dặm mòn
    Đường đi học vẫn là đường đẹp nhất
    Sớm muộn về vẫn có mẹ chờ con!

    (Đường đi học, Nguyễn Ngọc Hưng)

    Trả lời các câu hỏi:

    Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ:

    A. Lục bát

    B. Thất ngôn

    C. Thất ngôn bát cú

    D. Tám chữ

    Câu 2. Các câu thơ trong khổ thơ:

    Thêm một tuổi là con thêm một lớp

    Bước dài hơn, đi đứng chững chạc hơn

    Con đường cũ mở ra nhiều lối mới

    Cánh bướm xưa vẫn bay lượn chập chờn.

    Được ngắt nhịp như thế nào?

    A. 5/3

    B. 4/4

    C. 3/5

    D. 6/2

    Câu 3. Hình ảnh con đường đi học được tác giả miêu tả như thế nào?

    A. Êm đềm, thơ mộng

    B. Heo hút, hoang vắng

    C. Khó đi nhưng thơ mộng

    D. Gập ghềnh, khó đi

    Câu 4. Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu: Nhiều gai góc nhưng cũng đầy hoa cỏ là gì? Tác dụng:

    A. Phép đối lập, nhấn mạnh vẻ đẹp thơ mộng của hình ảnh con đường

    B. Phép so sánh, nhấn mạnh vẻ đẹp thơ mộng của hình ảnh con đường

    C. Phép ẩn dụ, nhấn mạnh vẻ "gai góc" của con đường đi học

    D. Nói giảm nói tránh, nhằm làm giảm đi vẻ "gai góc" của con đường đi học.

    Câu 5. Tuổi thơ vất vả, thiếu thốn của nhân vật trữ tình được miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh nào?

    A. Chim sáo hót, đom đóm lập lòe

    B. Manh áo nghèo, cơm cõng củ, bữa cháo bữa rau

    C. Nhiều gai góc, vui rập rờn, heo hút dặm mòn

    D. Nhiều gai góc, ngày giáp hạt, ngả ngang ngả dọc,

    Câu 6. Những câu thơ: Nhiều gai góc nhưng cũng đầy hoa cỏ - Vui rập rờn theo những cánh bướm xinh; Không ngăn nổi hồn nhiên chim sáo hót - Chiều vô tư ngõ đom đóm lập lòe giúp em hiểu điều gì về nhân vật trữ tình trong bài thơ?

    A. Dù nghèo khó nhưng vẫn lạc quan, vô tư;

    B. Dù nghèo khó nhưng vẫn cố gắng vươn lên;

    C. Dù vô tư, hồn nhiên nhưng lòng vẫn xót xa cho quê hương nghèo khó

    D. Ngây thơ, hồn nhiên, chưa nhận thức những khó khăn của cuộc sống.

    Câu 7. Kí ức về mẹ của nhân vật trữ tình là:

    A. Người mẹ vất vả, lam lũ, quanh năm làm lụng mà không đủ ăn.

    B. Người mẹ đáng thương phải chịu nhiều thiệt thòi do cuộc sống cơ cực, đói kém.

    C. Người mẹ tảo tần, chịu thương, chịu khó, giàu đức hi sinh thầm lặng.

    D. Người mẹ hết lòng yêu thương con: Xót xa vì con phải chịu cảnh đói, chờ con về sau những chuyến đi xa.

    Câu 8. Hãy khái quát ngắn gọn nội dung bài thơ.

    Câu 9. Hãy nhận xét về tình cảm, thái độ của nhân vật trữ tình thể hiện trong bài thơ.

    Câu 10. Cảm nhận về một (hoặc hai) câu thơ mà em ấn tượng nhất trong bài (5 - 7 câu).

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. D - Thể thơ tám chữ (hoặc thể tự do)

    Câu 2. C - Nhịp thơ 3/5:

    Thêm một tuổi/ là con thêm một lớp

    Bước dài hơn/ đi đứng chững chạc hơn

    Con đường cũ/ mở ra nhiều lối mới

    Cánh bướm xưa/ vẫn bay lượn chập chờn.

    Câu 3. C - con đường khó đi (khúc khuỷu, ổ gà ổ chó, gai góc) nhưng thơ mộng (đầy hoa cỏ, cánh bướm xinh, chim sáo hót)

    Câu 4. A - Phép đối lập (Nhiều gai góc >< đầy hoa cỏ), nhấn mạnh vẻ đẹp thơ mộng của hình ảnh con đường.

    Câu 5. B - Manh áo nghèo, cơm cõng củ, bữa cháo bữa rau;

    Câu 6. A - Dù nghèo khó nhưng vẫn lạc quan, vô tư

    Câu 7. D - Người mẹ hết lòng yêu thương con: Xót xa vì con phải chịu cảnh đói, chờ con về sau những chuyến đi xa.

    Câu 8. Nội dung bài thơ Đường đi học: Bài thơ là những kí ức của nhân vật trữ tình về tuổi thơ gian khó gắn với con đường đi học và người mẹ tảo tần, thương con. Qua đó, thể hiện tình yêu, sự gắn bó của nhân vật trữ tình với quê hương và với mẹ.

    Câu 9.

    Tình cảm của nhân vật trữ tình: Yêu thương, gắn bó với con đường quê, với quê hương, với mẹ;

    Thái độ: Trân trọng, tự hào về quê hương gian khổ mà đẹp đẽ, về người mẹ nghèo khó mà thương con..

    Câu 10.

    Câu thơ: Ôi! Thương quá cái thời cơm cõng củ khiến tôi rưng rưng vì tuổi thơ thiếu thốn của nhân vật trữ tình. Lời thơ gợi lên những năm tháng nghèo khổ trong quá khứ của nhân dân ta - thuở cơm không đủ ăn, phải độn thêm khoai sắn. Lời thơ mang cả cảm xúc ngậm ngùi của nhân vật trữ tình khi nhớ về những năm tháng tuổi thơ. Hình ảnh nhân hóa "cơm cõng củ" là cách diễn đạt mới, lạ mang tính gợi hình, biểu cảm cao.

    Đề bài đăng duy nhất trên dembuon.vn, xuất hiện trên Web khác là do sao chép trái phép (VD: Toploigiai)

    Xem bên dưới: Đề 2
     
    Last edited by a moderator: 16 Tháng một 2023
  2. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    ĐỀ 2

    Đọc bài thơ sau:

    Khúc khuỷu ruột dê ổ gà ổ chó
    Đường dẫn con đi suốt tuổi thơ mình
    Nhiều gai góc nhưng cũng đầy hoa cỏ
    Vui rập rờn theo những cánh bướm xinh..

    Mười cây số bốn mùa chân xuôi ngược
    Manh áo nghèo mưa nắng bạc tóc hoe
    Không ngăn nổi hồn nhiên chim sáo hót
    Chiều vô tư ngõ đom đóm lập lòe

    Ôi! Thương quá cái thời cơm cõng củ
    Lén nhìn con cạo rá mẹ thở dài
    Bữa cháo bữa rau qua ngày giáp hạt
    Túc tắc rồi con cũng lớn như ai.

    Thêm một tuổi là con thêm một lớp
    Bước dài hơn, đi đứng chững chạc hơn
    Con đường cũ mở ra nhiều lối mới
    Cánh bướm xưa vẫn bay lượn chập chờn.

    Mê lộ đời lắm ngả ngang ngả dọc
    Chợt xênh xang chợt heo hút dặm mòn
    Đường đi học vẫn là đường đẹp nhất
    Sớm muộn về vẫn có mẹ chờ con!


    (Đường đi học, Nguyễn Ngọc Hưng)

    Chọn đáp án đúng:

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là:

    A. Biểu cảm

    B. Tự sự

    C. Nghị luận

    D. Miêu tả

    Câu 2. Đề tài của bài thơ là:

    A. Viết về người nông dân

    B. Viết về cuộc sống thôn quê

    C. Viết về thiên nhiên quê hương

    D. Viết về con đường quê hương gắn với kỉ niệm ấu thơ.

    Câu 3. Câu thơ "Ôi thương quá cái thời cơm cõng củ" sử dụng biện pháp tu từ gì?

    A. Ẩn dụ

    B. So sánh

    C. Nhân hóa

    D. Dùng từ láy.

    Câu 4. Con đường được miêu tả trong hai câu thơ sau là con đường như thế nào trong cảm nhận của nhân vật trữ tình:

    Nhiều gai góc nhưng cũng đầy hoa cỏ

    Vui rập rờn theo những cánh bướm xinh..




    A. Con đường gập ghềnh, chông gai

    B. Con đường gập ghềnh, khó đi nhưng xinh đẹp, thơ mộng

    C. Con đường quanh co, uốn lượn

    D. Con đường gai góc um tùm, không có lối đi.

    Câu 5. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của nhân vật trữ tình được thể hiện rõ nhất trong khổ thơ thứ mấy?

    A. Khổ 1

    B. Khổ 3

    C. Khổ 4

    D. Khổ 5

    Câu 6. Hai câu thơ sau gợi lên điều gì?

    Con đường cũ mở ra nhiều lối mới

    Cánh bướm xưa vẫn bay lượn chập chờn.


    A. Con đường dù có thay đổi nhưng vẫn luôn đẹp thơ mộng

    B. Con đường nay đã đổi khác, không còn heo hút như xưa

    C. Con đường gì nhiều lối, khó tìm hơn

    D. Con đường thay đổi khiến nhân vật "con" tiếc nuối, nhớ nhung.

    Câu 7. Câu thơ Đường đi học vẫn là đường đẹp nhất thể hiện cách nhìn của nhân vật trữ tình về con đường tuổi thơ là cách nhìn như thế nào?

    A. Cách nhìn phiến diện, vì còn nhiều con đường đẹp hơn

    B. Cách nhìn thiên vị, vì ai chẳng có lòng tự hào quê hương

    C. Cách nhìn đơn giản, chưa sâu sắc

    D. Cách nhìn ư ái, đầy tự hào về con đường quê hương.

    Trả lời các câu hỏi:

    Câu 8.
    Bài thơ có nhan đề "Đường đi học" nhưng không chỉ miêu tả con đường đi học đơn thuần, qua bài thơ, em còn nhận thấy những gì?

    Câu 9. Nhận xét về tình cảm của nhân vật trữ tình "con" đối với con đường đi học và đối với mẹ.

    Câu 10. Theo em, vì sao cần nâng niu, trân trọng những kỉ niệm tuổi thơ?



    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. A. Biểu cảm

    Câu 2. D. Viết về con đường quê hương gắn với kỉ niệm ấu thơ

    Câu 3. C. Nhân hóa

    Câu 4. B. Con đường gập ghềnh, khó đi nhưng xinh đẹp, thơ mộng

    Câu 5. B. Khổ 3

    Câu 6. A. Con đường dù có thay đổi nhưng vẫn luôn đẹp thơ mộng

    Câu 7. D. Cách nhìn ư ái, đầy tự hào về con đường quê hương

    Câu 8. Bài thơ có nhan đề "Đường đi học" nhưng không chỉ miêu tả con đường đi học đơn thuần, qua bài thơ, ta còn nhận thấy:

    - Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của nhân vật trữ tình

    - Hình ảnh người mẹ tần tảo, giàu tình yêu thương con

    - Tình cảm gắn bó, yêu thương của "con" với con đường đi học, với quê hương và với mẹ..

    Câu 9. Nhận xét về tình cảm của nhân vật trữ tình "con" đối với con đường đi học và đối với mẹ:

    - Nhân vật trữ tình "con" luôn dành tình cảm ưu ái, đầy yêu thương, tự hào đối với con đường đi học. Dù đã lớn khôn nhưng "con" vẫn luôn nhớ về con đường tuổi thơ và những kỉ niệm gắn với con đường đi học.

    - Đối với mẹ, "con" yêu thương và trân, trọng, quý mến, biết ơn. Con cảm nhận được tình yêu thương của mẹ dành cho mình và biết ơn về điều đó.

    Câu 10. Cần nâng niu, trân trọng những kỉ niệm tuổi thơ vì:

    - Kỉ niệm tuổi thơ giúp nuôi dưỡng cảm xúc con người; giúp tâm hồn chúng ta trở nên bình yên, thanh thản mỗi khi nhớ về;

    - Kỉ niệm tuổi thơ là động lực để mỗi người sống tốt hơn trong hiện tại;

    - Kỉ niệm tuổi thơ còn giúp mỗi người luôn nhớ về quê hương, nguồn cội để hướng về xây đắp;

    - Trân trọng, nâng niu kỉ niệm tuổi thơ giúp con người trở nên hoàn thiện hơn, sống sâu sắc, biết tri ân..
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...