Đề bài 1: Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi: Và chủ nhân của chiếc nhà sàn này cũng trang phục hết sức giản dị, với bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ như của các chiến sĩ Trường Sơn đã được một tác giả phương Tây ca ngợi như một vật thần kì . Hằng ngày, việc ăn uống của Người cũng rất đạm bạc, với những món ăn dân tộc không chút cầu kì, như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa. (Theo SGK Ngữ Văn 9, tập 1, trang 6) Câu 1: Đoạn trích trên thuộc văn bản nào? Do ai sáng tác? Câu 2: Đoạn văn trên đã nêu lên vẻ đẹp gì trong phong cách của Bác? Hãy ghi lại một vài câu thơ mà em biết viết về vẻ đẹp của Bác mà em vừa xác định? Câu 3: Trong tình hình đất nước ta đang mở cửa, hội nhập với thế giới như hiện nay, việc học tập phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa như thế nào? Gợi ý học bài: Câu 1: – Đoạn văn trích từ văn bản "Phong cách Hồ Chí Minh" – Tác giả: Lê Anh Trà Câu 2: - Đoạn văn trên nêu vẻ đẹp về sự giản dị trong phong cách của Hồ Chí Minh: Giản dị trong cách ăn, mặc - Một vài câu thơ viết về vẻ đẹp của Bác như đoạn trích trên: "Sáng ra bờ suối, tối vào hang, Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng. Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng, Cuộc đời cách mạng thật là sang". ( "Tức cảnh Pác Bó" – Hồ Chí Minh) "Đôi dép đơn sơ Đôi dép Bác Hồ Bác đi từ ở chiến khu Bác về Phố phường, trận địa, nhà máy, đồng quê. Đều in dấu dép Bác về Bác ơi.." ( "Đôi dép Bác Hồ" – Tạ Hữu Yên) "Nhớ ông cụ mắt sáng ngời Áo nâu, túi vải đẹp tươi lạ thường" ( "Việt Bắc" – Tố Hữu) Câu 3: Trong tình hình đất nước ta đang mở cửa, hội nhập với thế giới như hiện nay, một trong những vấn đề đặt ra là phải tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là một nhiệm vụ to lớn nhưng không dễ thực hiện. Vì vậy, việc học tập phong cách của Bác sẽ giúp mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, có được một bài học trong việc kết hợp tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng vẫn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan.
Đề bài 2: Câu 1: Nội dung văn bản "Phong cách Hồ Chí Minh" nói về vấn đề gì? Câu 2: Tác giả của văn bản "Phong cách Hồ Chí Minh" là ai? Câu 3: Việc tác giả liên tưởng Bác với các vị hiền triết xưa như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi có ý nghĩa gì? Câu 4: Văn bản "Phong cách Hồ Chí Minh" thuộc kiểu văn bản nào? Câu 5: Văn bản "Phong cách Hồ Chí Minh" được viết bằng phương thức gì? Câu 6: Lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất Phương Đông của Bác Hồ được biểu hiện như thế nào? Câu 7: Hãy cho biết ý nghĩa của văn bản "Phong cách Hồ Chí Minh"? Gợi ý học bài Câu 1: Nội dung văn bản "Phong cách Hồ Chí Minh" : Phong cách sống và phong cách làm việc của Bác Câu 2: Tác giả của văn bản "Phong cách Hồ Chí Minh" : Lê Anh Trà Câu 3: Việc tác giả liên tưởng Bác với các vị hiền triết xưa như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi có ý nghĩa: Khẳng định nét đẹp của lối sống dân tộc, rất Việt Nam của Bác Câu 4: Văn bản "Phong cách Hồ Chí Minh" thuộc kiểu văn bản: Văn bản nhật dụng Câu 5: Văn bản "Phong cách Hồ Chí Minh" được viết bằng phương thức: Thuyết minh Câu 6: Lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất Phương Đông của Bác Hồ được biểu hiện chủ yếu qua đời sống sinh hoạt vô cùng giản dị: - Nơi ở chỉ là một ngôi nhà sàn nhỏ bé với những đồ đạc đơn sơ mộc mạc. - Trang phục bình dị (bộ quần áo bà ba, chiếc áo trấn thủ, dép lốp) - Ăn uống hết sức đạm bạc với những món ăn dân dã quen thuộc của nhân dân (cá kho, rau luộc, cà muối, dưa ghém) Câu 7: Ý nghĩa của văn bản "Phong cách Hồ Chí Minh" : Bằng lập luận chặt chẽ, chứng cứ xác thực, tác giả Lê Anh Trà đã cho thấy cốt lõi văn hóa Hồ Chí Minh trong nhận thức và trong hành động. Từ đó đặt ra những vấn đề của thời kì hội nhập: Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời phải giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.