Trong tác phẩm "Chiếc lược ngà", khi kể về cuộc chia tay của ông Sáu và bé Thu, Nguyễn Quang sáng viết: " Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng trỗi dậy trong người nó, trong lúc khong ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên: - Ba.. a.. a.. ba! Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa." Đọc đoạn trích trên và trả lời các câu hỏi sau: Câu 1: Nhan đề tác phẩm có cấu tạo thế nào? Nêu ý nghĩa của nhan đề tác phẩm. Câu 2: Chỉ rõ và gọi tên một thành phần biệt lập có trong đoạn trích trên. Câu 3: Câu văn "Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người nghe thật xót xa", sử dụng những biện pháp tu từ gì? Nêu giá trị của các phép tu từ đó đối với nội dung đoạn truyện? Câu 4: Bằng hiểu biết về hoàn cảnh và tình cảm của nhân vật bé Thu, em hãy giải thích ngắn gọn vì sao sau đó tác giả viết: "Đó là tiếng" ba "mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng" ba "như vỡ tung ra từ đáy lòng nó"? Gợi ý học bài: Câu 1: - Nhan đề có cấu tạo: Là một cụm danh từ nêu tên sự vật - Ý nghĩa nhan đề "Chiếc lược ngà" : "Chiếc lược ngà" là một nhan đề hay, thể hiện sâu sắc nội dung của tác phẩm. Đó là hình tượng nghệ thuật chứa đựng tình cảm cha con sâu nặng, thiêng liêng. Chọn hình ảnh "Chiếc lược ngà" làm nhan đề cho tác phẩm, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã bộc lộ tài năng của mình trong việc thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm qua một hình ảnh nghệ thuật cô đúc, giàu ý nghĩa. Với bé Thu, chiếc lược ngà là kỷ vật, là tình cảm yêu mến nhớ thương của người cha chiến sĩ. Với ông Sáu, chiếc lược ngà là một vật quý giá, thiêng liêng bởi nó chứa đựng tình yêu, nỗi nhớ thương của ông đối với đứa con gái và làm dịu đi nỗi day dứt, ân hận vì đã đánh con khi nóng giân.. Với nhan đề này, nhà văn không chỉ nói tình cảm cha con thắm thiết, sâu nặng mà còn gợi cho người đọc thấm thía những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra cho bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình Câu 2: Thành phần biệt lập trong đoạn trích trên: "Kể cả anh" – đây là thành phần phụ chú Câu 3: - Câu văn sử dụng những biện pháp tu từ: + Phép so sánh: "Tiếng kêu của nó như tiếng xé" + Phép điệp từ: "Xé" + Phép nói quá: "Xé cả ruột gan mọi người" - Giá trị của các biện pháp tu từ: Thể hiện tình cảm mãnh liệt của bé Thu – tình yêu và nỗi mong nhớ người cha xa cách bấy lâu nay bùng ra thật mạnh mẽ. Đồng thời còn bộc lộ được niềm xúc động của người kể chuyện và mọi người khi được chứng kiến cảnh chia tay đó. Câu 4: Tác giả viết: "Đó là tiếng" ba "mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng" ba "như vỡ tung ra từ đáy lòng nó" mang một ý nghĩa sâu sắc. Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến, khi trở về thăm nhà, thăm con, bé Thu không nhận ông Sáu là cha vì trên mặt ông có vết thẹo, không giống người cha trong bức ảnh. Bé Thu đối xử với ông như người xa lạ, lảng tránh, lạnh nhạt, cự tuyệt trước tình cảm của ông Sáu dành cho mình. Nhưng sau đó, em nhận ra cha thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường, em cất tiếng gọi ba.. Tiếng gọi thể hiện sự ân hận, hối tiếc, tình yêu cha mãnh liệt.