Đoạn trích "Sau phút chia li" trong tác phẩm "Chinh phụ ngâm khúc" (bản dịch Đoàn Thị Điểm) miêu tả rất thành công tâm trạng của nhân vật trữ tình sau buổi ly biệt với người chồng đầu gối tay ấp. Người chồng đi xa đến nơi trận ải, còn người chinh phụ chỉ có một mình vò võ với nỗi đợi mong. Hãy ôn tập lại những kiến thức liên quan đến đoạn trích trên bằng việc trả lời các câu hỏi đọc hiểu sau: Đọc hiểu: Sau phút chia li - Trích Chinh phụ ngâm, bản dịch của Đoàn Thị Điểm Đề 1 Đọc đoạn thơ và trả lời câu hỏi: Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu Ngàn dâu xanh ngắt một màu Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? (Trích Chinh phụ ngâm - Bản dịch Đoàn Thị Điểm) Câu 1. Đoạn thơ miêu tả tâm trạng của nhân vật trữ tình sau cảnh chia tay (giữa chinh phu - chinh phụ). Theo em, nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là ai? Câu 2. Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của phép điệp, phép đối trong khổ thơ trên. Câu 3. Đoạn thơ bộc lộ tâm trạng, cảm xúc gì của nhân vật trữ tình? Câu 4. Theo em, ý nghĩa biểu đạt của màu "xanh ngắt" trong câu thơ Ngàn dâu xanh ngắt một màu có giống với màu xanh trong câu thơ sau trích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du không: Cỏ non xanh tận chân trời. Câu 5. Theo em, câu "Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai" có phải nhằm mục đích để cân đo đong đếm, so sánh giữa hai nỗi sầu của chinh phu và chinh phụ? Câu 6. Liên hệ với cuộc chia ly giữa Thúy Kiều và Từ Hải, em hãy viết đoạn văn khoảng 150 chữ bình luận về nét tương đồng hoặc khác biệt trong hai cuộc chia tay này. Gợi ý trả lời Câu 1. Dựa vào cách xưng hô "chàng" (ngôi hai), "thiếp" (ngôi một), ta thấy, nhân vật trữ tình trong đoạn trích trên chính là người chinh phụ trong buổi tiễn chồng lên đường chinh chiến. Câu 2. Các phép tu từ trong đoạn thơ trên: - Phép điệp: Thấy - thấy; xanh xanh- xanh; ngàn dâu- ngàn đâu. - Phép đối: Trông lại / chẳng thấy; chẳng thấy/ thấy; lòng chàng/ ý thiếp. Tác dụng: - Góp phần miêu tả không gian mênh mông và màu xanh choán ngợp của ngàn dâu. - Tạo nên giọng điệu da diết, khắc khoải, góp phần biểu đạt thành công trạng thái dõi theo trong vô vọng, mịt mờ cùng tâm trạng hụt hẫng, tiếc nuối của người chinh phụ. Câu 3. Tâm trạng của người chinh phụ trong cuộc chia tay trên là trạng thái hụt hẫng, tiếc nuối khi dõi theo người chinh phụ đến lúc bóng hình của chồng đã xa khuất, mất hút giữa ngàn dâu xanh ngắt. Còn lại một mình, người chinh phụ lúc này mới thấm thía tận cùng nỗi buồn đau, sầu muộn. Vì từ đây là cảnh li tan không biết khi nào hợp tụ. Câu 4. Tuy cùng là màu xanh của cỏ, của cây, nhưng nếu màu xanh "tận chân trời" trong thơ Nguyễn Du là màu xanh của sức sống mùa xuân trải ra mênh mông, bất tận - thể hiện tâm trạng đắm say, rạo rực của lòng người trong tiết xuân sang thì màu "xanh ngắt" trong câu thơ dịch của Đoàn Thị Điểm lại gợi lên một cách ám ảnh sắc xanh đơn điệu "một màu" - gợi nỗi buồn, sự hụt hẫng bởi ngoài màu xanh ấy không còn hình bóng của người chồng mà chinh phụ đang dõi theo. Lúc trước, mọi ánh nhìn của chinh phụ đều hướng về chồng, chỉ nhìn thấy chồng, bây giờ người chồng đã khuất dạng, chỉ còn thấy màu xanh của ngàn dâu. Màu "xanh ngắt" vì thế không phải màu xanh của niềm tin, hi vọng mà dường như là nỗi u sầu của người chinh phụ đọng lại thành khối. Màu xanh dày đặc ấy như quấn lấy, cuốn đi sự khao khát được nhìn thấy nhau của hai người. Câu 5. "Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai" là câu hỏi tu từ đầy ý xót xa. Không phải một câu oán trách, không phải một lời hờn giận hay dùng để cân đo đong đếm, so sánh giữa hai nỗi sầu. Câu thơ chỉ làm rõ hơn nữa nỗi sầu của người chinh phụ mà thôi. Câu 6. Cuộc chia tay giữa chinh phụ- chinh phụ trong đoạn thơ trên và cuộc chia tay giữa Từ Hải - Thúy Kiều trong đoạn trích Chí khí anh hùng đều là những cuộc chia tay chồng- vợ. Tuy nhiên, cảm xúc, suy nghĩ.. của nhân vật trong các cuộc tiễn đưa này không phải đều giống nhau. Nếu trong đoạn thơ của Chinh phụ ngâm, tình cảm lưu luyến, tiếc nuối, buồn sầu của người chinh phụ là cảm xúc chủ đạo bao trùm cảnh ly biệt thì trong đoạn trích Chí khí anh hùng, cảm xúc của Thúy Kiều chỉ được miêu tả thoáng qua, trở thành phông nền để khắc họa chân dung Từ Hải. Không phải Kiều, Từ Hải mới là nhân vật trung tâm của cảnh tiễn đưa. Không buồn thương, sầu não, bịn rịn, cảnh ly biệt giữa Thúy Kiều- Từ Hải mang đậm màu sắc lí tưởng hóa. Hình ảnh người anh hùng Từ Hải với ý chí lớn lao, khát vọng cao cả.. trở thành nhân vật chính của đoạn trích. Ngược lại, người chinh phu trong chinh phụ ngâm - ra đi chiến đấu để bảo vệ ngai vàng cho nhà vua, tương lai mờ mịt.. nên phương diện lí tưởng, hoài bão không được nhắc đến. Trong đoạn trích này, hình ảnh người chinh phu hiện lên khá mờ nhạt, có chút bi thương. Xem tiếp bên dưới: Đề 2
Đọc hiểu: Sau phút chia li - Trích Chinh phụ ngâm, bản dịch của Đoàn Thị Điểm (tt) Đề 2 Đọc đoạn thơ và trả lời câu hỏi: Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu Ngàn dâu xanh ngắt một màu Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? (Trích Chinh phụ ngâm - Bản dịch Đoàn Thị Điểm) Câu 1. Xác định thể thơ, 2 phương thức biểu đạt của đoạn trích. Câu 2. Tâm trạng của các nhân vật trong đoạn trích trên được miêu tả trong hoàn cảnh nào? Câu 3. Màu sắc chủ đạo trong khổ thơ trên là màu sắc gì? Tác dụng của việc miêu tả màu sắc đó? Câu 4. Tâm trạng của nhân vật người chinh phụ trong đoạn thơ trên được miêu tả trực tiếp qua từ ngữ nào? Theo em, vì sao nhân vật lại mang tâm trạng đó? Câu 5. Nhận xét về tình cảm, thái độ của tác giả đối với nhân vật người chinh phụ trong đoạn trích trên. Gợi ý trả lời Câu 1. - Thể thơ: Song thất lục bát; - 2 phương thức biểu đạt của đoạn trích: Biểu cảm, miêu tả (hoặc tự sự). Câu 2. Tâm trạng của các nhân vật trong đoạn trích trên được miêu tả trong hoàn cảnh chia li: Người chinh phu lên đường đi chinh chiến, người chinh phụ tiễn đưa chồng, dõi theo chồng đến khi chàng đi khuất sau ngàn dâu xanh. Câu 3. - Màu sắc chủ đạo trong khổ thơ trên là màu xanh (màu xanh của ngàn dâu). - Tác dụng của việc miêu tả màu xanh: Ngàn dâu được miêu tả qua 2 từ ngữ "xanh xanh, xanh ngắt" - đây là hai tính từ. Tuy vẫn là màu xanh nhưng sắc thái miêu tả lại khá mơ hồ, không gian không định tính cụ thể và khá dàn trải và mênh mông đến tận cùng. Màu xanh ấy vì thế biểu đạt tâm trạng trống vắng, buồn sầu của người chinh phụ khi phải tiễn đưa chồng đi chinh chiến. Câu 4. - Tâm trạng của nhân vật người chinh phụ trong đoạn thơ trên được miêu tả trực tiếp qua từ "sầu" trong câu thơ thứ 4. - Người chinh phụ mang tâm trạng đó vì: + Phải chia tay người chồng yêu quý; + Dự cảm về tương lai mờ mịt, không biết bao giờ mới hội ngộ. Câu 5. Nhận xét về tình cảm, thái độ của tác giả đối với nhân vật người chinh phụ trong đoạn trích trên: - Tình cảm, thái độ của tác giả: Cảm thông, thấu hiểu, xót thương cho hoàn cảnh chia li, xa cách của nhân vật người chinh phụ; - Đó là tình cảm chân thành, xúc động, thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc mà nhà thơ dành cho nhân vật. Tình cảm đó được thể hiện qua lời thơ da diết, giàu cảm xúc.