Đề kiểm tra đọc hiểu các đoạn trích tiêu biểu trong tác phẩm Chinh phụ ngâm bao gồm hệ thống các câu hỏi phân bố theo 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao giúp các bạn học sinh củng cố lại phần kiến thức đã học và kỹ năng làm bài đọc hiểu. Mời các bạn cùng tham khảo: Đọc hiểu: Chinh phụ ngâm Nguyên tác: Đặng Trần Côn Bản dịch: Đoàn Thị Điểm Đoạn 1: Đọc đoạn trích sau: Một năm một nhạt mùi son phấn, Trượng phu còn thơ thẩn miền khơi. Xưa sao hình ảnh chẳng rời? Giờ sao nỡ để cách vời Sâm, Thương? * Chàng ruổi ngựa, dặm trường mây phủ, Thiếp dạo hài, lối cũ rêu in. Gió Xuân ngày một vắng tin, Khá thương lỡ hết mấy phen lương thì. (Trích Chinh phụ ngâm khúc, Đặng Trần Côn, "Chinh phụ ngâm khúc" và hai bản dịch Nôm, NXB Văn học, 2011, tr. 68) Chú thích: *Sâm, Thương: Tên hai chòm sao trong Nhị thập bát tú. Chòm Sâm thuộc phương Tây, chòm Thương thuộc phương Đông. Hai chòm này ở vào hai vị trí đối nhau trên vòm trời, thường được nhắc tới trong văn thơ cổ, chỉ sự vĩnh viễn cách xa. Trả lời câu hỏi: Câu 1. Xác định thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. Câu 2. Đoạn thơ trên biểu đạt tâm trạng, cảm xúc của nhân vật nào, trong hoàn cảnh nào? Câu 3. Nêu tác dụng của hình ảnh biểu tượng trong câu thơ thứ 4. Câu 4. Nêu hiệu quả của biện pháp nghệ thuật đối trong hai câu thơ sau: Xưa sao hình ảnh chẳng rời? Giờ sao nỡ để cách vời Sâm, Thương? Câu 5. Nhận xét về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn trích. Gợi ý đọc hiểu Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm Câu 2. Đoạn thơ trên biểu đạt tâm trạng của người chinh phụ, trong hoàn cảnh chờ chồng đi chinh chiến chưa về. Câu 3. Những hình ảnh biểu tượng: Sao Thương, sao Sâm vừa tạo ấn tượng về sự xa cách vời vợi giữa chinh phu- chinh phụ - sự xa cách trải rộng trong không gian vũ trụ; vừa tạo tính hình tượng và sự hàm súc cho lời thơ. Câu 4. Xưa sao hình ảnh chẳng rời? Giờ sao nỡ để cách vời Sâm, Thương? Biện pháp nghệ thuật đối: Xưa - giờ; chẳng rời - cách vời. Tác dụng: - Nhấn mạnh sự đối lập giữa quá khứ hạnh phúc với hiện tại cô đơn, cách trở; biểu đạt sự cô đơn, nhớ nhung của người chinh phụ; thể hiện niềm đồng cảm của nhà thơ trước tình cảnh cô đơn, khát khao hạnh phúc lứa đôi trọn vẹn của con người; lên tiếng tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa. - Tạo giọng điệu da diết, khắc khoải cho lời thơ, làm cho lời thơ sinh động hấp dẫn, tăng hiệu quả diễn đạt. Câu 5. - Tâm trạng của chủ thể trữ tình trong đoạn trích: Cô đơn, sầu muộn, nhớ thương chồng, mong ước tái hợp. - Trạng thái tâm trạng đó không phải ngày một, ngày hai, mà da diết, triền miên. Tâm trạng ấy xuất phát từ khát khao hạnh phúc lứa đôi mãnh liệt của người chinh phụ. Từ tâm trạng ấy, người đọc còn cảm nhận được tư tưởng nhân đạo của tác phẩm: Tấm lòng đồng cảm của nhà thơ với cảnh ngộ, khát khao của nhân vật.. Xem tiếp bên dưới..
Đoạn 2: Đọc đoạn thơ sau: Ngòi đầu cầu nước trong như lọc, Đường bên cầu cỏ mọc còn non. Đưa chàng lòng dặc dặc buồn, Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền. Nước có chảy mà phiền chẳng rửa, Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây. Nhủ rồi tay lại cầm tay, Bước đi một bước giây giây lại dừng. (Trích Chinh phụ ngâm khúc, Đặng Trần Côn, Bản dịch: Đoàn Thị Điểm) Trả lời câu hỏi: Câu 1. Xác định thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. Câu 2. Xác định nhân vật trữ tình trong đoạn trích. Câu 3. Đoạn trích miêu tả sự việc gì? Câu 4. Chỉ ra những từ ngữ miêu tả thiên nhiên trong đoạn trích, qua đó em cảm nhận được bức tranh thiên nhiên đó như thế nào? Câu 5. Chỉ ra những từ ngữ miêu tả tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn trích? Theo anh/chị, từ "dặc dặc buồn" có giá trị biểu đạt như thế nào? Câu 6. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ sử dụng trong hai câu thơ sau: Ngòi đầu cầu nước trong như lọc, Đường bên cầu cỏ mọc còn non. Câu 7. Anh/Chị hiểu như thế nào về nội dung hai câu thơ sau? Nước có chảy mà phiền chẳng rửa, Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây. Câu 8. Nhận xét về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn trích. Câu 9. Nhận xét về giọng điệu của đoạn thơ trên? Theo em, thể thơ có tác dụng như thế nào trong việc biểu đạt giọng điệu của bài thơ? Câu 10. Miêu tả cảnh chia tay giữa Thúy Kiều và Từ Hải, Nguyễn Du viết: "Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong" và "Quyết lời dứt áo ra đi", còn trong đoạn thơ trên, tác giả viết: "Nhủ rồi tay lại cầm tay - Bước đi một bước giây giây lại dừng." Theo anh/chị, điểm khác biệt trong trạng thái cảm xúc của các nhân vật trong hai cảnh chia tay trên là gì? Thử lí giải vì sao lại có sự khác biệt ấy? Gợi ý đọc hiểu Câu 1. Thể thơ: song thất lục bát Phong cách ngôn ngữ: nghệ thuật Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm Câu 2. Nhân vật trữ tình trong đoạn trích: Người chinh phụ Câu 3. Đoạn trích miêu tả cuộc chia tay giữa chinh phu – chinh phụ. Câu 4. Những từ ngữ miêu tả thiên nhiên trong đoạn trích: nước trong như lọc, cỏ mọc còn non, nước (có) chảy, cỏ (có) thơm. Qua đó, hiện lên bức tranh thiên nhiên đẹp, tươi sáng, đầy sức sống. Câu 5. Những từ ngữ miêu tả tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn trích: buồn, phiền, dạ chẳng khuây. Cụm từ "dặc dặc buồn" biểu đạt nỗi buồn dai dẳng, không nguôi, cứ kéo dài, kéo dài mãi... Câu 6. Ngòi đầu cầu nước trong như lọc, Đường bên cầu cỏ mọc còn non. - Biện pháp tu từ: so sánh - Tác dụng: + Tạo ấn tượng về vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên: xanh tươi, đầy sức sống; + Làm cho câu thơ thêm sinh động, hấp dẫn, giàu tính nghệ thuật. Câu 7. Nước có chảy mà phiền chẳng rửa, Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây. Hai câu thơ trên có thể hiểu: Trong thời khắc chia ly, mặc dù những cảnh vật thiên nhiên xung quanh tươi đẹp, đầy sức sống nhưng không thể nào xua đi được nỗi phiền muộn trong lòng người. => Tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa; thể hiện lòng cảm thông của tác giả. Câu 8. Nhận xét về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn trích: Trong buổi chia tay người chồng đi chinh chiến, trong lòng người chinh phụ ngổn ngang bao trạng thái cảm xúc: - Nỗi buồn sầu, phiền muộn vì phải chia xa người chồng đầu gối, tay ấp (dặc dặc buồn, phiền chẳng rửa, dạ chẳng khuây) - Bịn rịn, lưu luyến không nỡ chia lìa (Nhủ rồi tay lại cầm tay - Bước đi một bước giây giây lại dừng) Câu 9. - Nhận xét về giọng điệu của đoạn thơ trên: giọng điệu buồn, da diết. - Thể thơ song thất lục bát có âm điệu triền miên là một trong những yếu tố góp phần tạo nên giọng điệu buồn da diết của đoạn thơ nói riêng, bài thơ nói chung. Câu 10. Miêu tả cảnh chia tay giữa Thúy Kiều và Từ Hải, Nguyễn Du viết: "Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong" và "Quyết lời dứt áo ra đi", còn trong đoạn thơ trên, tác giả viết: "Nhủ rồi tay lại cầm tay - Bước đi một bước giây giây lại dừng." Điểm khác biệt trong trạng thái cảm xúc của các nhân vật trong hai cảnh chia tay trên là: cảnh chia tay giữa chinh phu – chinh phụ thì dùng dằng, lưu luyến, buồn sầu, còn cảnh chia tay Thúy Kiều – Từ Hải thì dứt khoát, nhanh chóng, không hề có nỗi buồn sầu ly biệt. Có sự khác biệt đó phải chăng vì: - Người chinh phu trong Chinh phụ ngâm ra đi không biết ngày nào trở lại, tương lai mịt mờ, nhiều bất trắc. Còn Từ Hải lên đường mang trong mình quyết tâm và sự tự tin chỉ một năm sau sẽ làm nên nghiệp lớn nên tạo cho Kiều cảm giác yên tâm, thanh thản. - Ở một phương diện khác, Nguyễn Du xây dựng nhân vật Từ Hải là người anh hùng cái thế, chí lớn ở bốn phương trời, "là con người của trời đất, của bốn phương" nên không thể bịn rịn vì tình cảm "nữ nhi thường tình" được – đó là dụng ý của tác giả. Xem tiếp bên dưới...
Đoạn 3: Đọc đoạn thơ và trả lời câu hỏi: Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu Ngàn dâu xanh ngắt một màu Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? (Trích Chinh phụ ngâm - Bản dịch Đoàn Thị Điểm) Câu 1. Đoạn thơ miêu tả tâm trạng của nhân vật trữ tình sau cảnh chia tay (giữa chinh phu - chinh phụ). Theo em, nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là ai? Câu 2. Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của phép điệp, phép đối trong khổ thơ trên. Câu 3. Đoạn thơ bộc lộ tâm trạng, cảm xúc gì của nhân vật trữ tình? Câu 4. Theo em, ý nghĩa biểu đạt của màu "xanh ngắt" trong câu thơ Ngàn dâu xanh ngắt một màu có giống với màu xanh trong câu thơ sau trích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du không: Cỏ non xanh tận chân trời. Câu 5. Theo em, câu "Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai" có phải nhằm mục đích để cân đo đong đếm, so sánh giữa hai nỗi sầu của chinh phu và chinh phụ? Câu 6. Liên hệ với cuộc chia ly giữa Thúy Kiều và Từ Hải, em hãy viết đoạn văn khoảng 150 chữ bình luận về nét tương đồng hoặc khác biệt trong hai cuộc chia tay này. Gợi ý đọc hiểu Câu 1. Dựa vào cách xưng hô "chàng" (ngôi hai), "thiếp" (ngôi một), ta thấy, nhân vật trữ tình trong đoạn trích trên là người chinh phụ trong buổi tiễn chồng lên đường chinh chiến. Câu 2. Các phép tu từ trong đoạn thơ trên: - Phép điệp: Thấy - thấy; xanh xanh- xanh; ngàn dâu- ngàn đâu. - Phép đối: Trông lại / chẳng thấy; chẳng thấy/ thấy; lòng chàng/ ý thiếp. Tác dụng: - Góp phần miêu tả không gian mênh mông và màu xanh choán ngợp của ngàn dâu. - Tạo nên giọng điệu da diết, khắc khoải, góp phần biểu đạt thành công trạng thái dõi theo trong vô vọng, mịt mờ cùng tâm trạng hụt hẫng, tiếc nuối của người chinh phụ. Câu 3. Tâm trạng của người chinh phụ trong cuộc chia tay trên là trạng thái hụt hẫng, tiếc nuối khi dõi theo người chinh phụ đến lúc bóng hình của chồng đã xa khuất, mất hút giữa ngàn dâu xanh ngắt. Còn lại một mình, người chinh phụ lúc này mới thấm thía tận cùng nỗi buồn đau, sầu muộn. Vì từ đây là cảnh li tan không biết khi nào hợp tụ. Câu 4. Tuy cùng là màu xanh của cỏ, của cây, nhưng nếu màu xanh "tận chân trời" trong thơ Nguyễn Du là màu xanh của sức sống mùa xuân trải ra mênh mông, bất tận - thể hiện tâm trạng đắm say, rạo rực của lòng người trong tiết xuân sang thì màu "xanh ngắt" trong câu thơ dịch của Đoàn Thị Điểm lại gợi lên một cách ám ảnh sắc xanh đơn điệu "một màu" - gợi nỗi buồn, sự hụt hẫng bởi ngoài màu xanh ấy không còn hình bóng của người chồng mà chinh phụ đang dõi theo. Lúc trước, mọi ánh nhìn của chinh phụ đều hướng về chồng, chỉ nhìn thấy chồng, bây giờ người chồng đã khuất dạng, chỉ còn thấy màu xanh của ngàn dâu. Màu "xanh ngắt" vì thế không phải màu xanh của niềm tin, hi vọng mà dường như là nỗi u sầu của người chinh phụ đọng lại thành khối. Màu xanh dày đặc ấy như quấn lấy, cuốn đi sự khao khát được nhìn thấy nhau của hai người. Câu 5. "Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai" là câu hỏi tu từ đầy ý xót xa. Không phải một câu oán trách, không phải một lời hờn giận hay dùng để cân đo đong đếm, so sánh giữa hai nỗi sầu. Câu thơ chỉ làm rõ hơn nữa nỗi sầu của người chinh phụ mà thôi. Câu 6. Cuộc chia tay giữa chinh phụ- chinh phụ trong đoạn thơ trên và cuộc chia tay giữa Từ Hải - Thúy Kiều trong đoạn trích Chí khí anh hùng đều là những cuộc chia tay chồng- vợ. Tuy nhiên, cảm xúc, suy nghĩ.. của nhân vật trong các cuộc tiễn đưa này không phải đều giống nhau. Nếu trong đoạn thơ của Chinh phụ ngâm, tình cảm lưu luyến, tiếc nuối, buồn sầu của người chinh phụ là cảm xúc chủ đạo bao trùm cảnh ly biệt thì trong đoạn trích Chí khí anh hùng, cảm xúc của Thúy Kiều chỉ được miêu tả thoáng qua, trở thành phông nền để khắc họa chân dung Từ Hải. Không phải Kiều, Từ Hải mới là nhân vật trung tâm của cảnh tiễn đưa. Không buồn thương, sầu não, bịn rịn, cảnh ly biệt giữa Thúy Kiều- Từ Hải mang đậm màu sắc lí tưởng hóa. Hình ảnh người anh hùng Từ Hải với ý chí lớn lao, khát vọng cao cả.. trở thành nhân vật chính của đoạn trích. Ngược lại, người chinh phu trong chinh phụ ngâm - ra đi chiến đấu để bảo vệ ngai vàng cho nhà vua, tương lai mờ mịt.. nên phương diện lí tưởng, hoài bão không được nhắc đến. Trong đoạn trích này, hình ảnh người chinh phu hiện lên khá mờ nhạt, có chút bi thương. Xem tiếp bên dưới..
Đoạn 4: Đọc đoạn thơ và trả lời câu hỏi: Chàng thì đi cõi xa mưa gió Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn Đoái trông theo đã cách ngăn Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh Chốn Hàm kinh chàng còn ngoảnh lại Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu Ngàn dâu xanh ngắt một màu Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? (Sau phút chia ly, Trích Chinh phụ ngâm) Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản? Câu 2: Trong văn bản, nhân vật trữ tình là ai? Câu 3: Chỉ ra những chi tiết diễn tả hoàn cảnh biệt ly cách trở trong văn bản? Câu 4: Nêu hiệu quả của phép đối được sử dụng trong câu thơ: Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy? Câu 5: Anh/ chị hiểu thế nào về nội dung câu thơ sau: Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? Câu 6: Nhận xét về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong văn bản? Gợi ý đọc hiểu: Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản: biểu cảm Câu 2: Trong văn bản, nhân vật trữ tình là: người chinh phụ. Câu 3: Những chi tiết diễn tả hoàn cảnh biệt ly cách trở: Chàng thì đi cõi xa mưa gió Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn. Câu 4: Hiệu quả của phép đối: - Biện pháp nghệ thuật: phép đối: cùng trông lại >< cùng chẳng thấy; - Tác dụng: + Thể hiện sự trông ngóng, sự nhớ thương của người chinh phụ; + Tạo sự sinh động, hấp dẫn, tăng hiệu quả diễn đạt, tạo sự cân đối hài hòa. => Qua đó thể hiện thái độ đồng cảm , xót thương của nhà thơ. Câu 5: Nội dung của câu thơ: Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? là câu hỏi tu từ nhưng thực chất là lời tự vấn. Câu hỏi nêu ra không phải để so sánh chàng sầu hơn hay thiếp sầu hơn mà nó chỉ nhằm khắc họa thêm nỗi sầu, nỗi đau đớn khi phải chia lìa của người chinh phụ. => Bộc lộ niềm xót thương, đồng cảm của tác giả. Đó là biểu hiện của giá trị nhân đạo sâu sắc. Câu 6: Nhận xét về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong văn bản: - Tâm trạng cô đơn, sầu muộn, nhớ thương chồng... -Khao khát hạnh phúc lứa đôi . => bộc lộ niềm thương cảm xót xa, qua đó thấy rõ giá trị hiện thực nhân đạo và nhân văn.
Đoạn 5: Đọc đoạn thơ và trả lời câu hỏi: Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai? Thiếp trong cánh cửa chàng ngoài chân mây. Trong cửa này đã đành phận thiếp, Ngoài mây kia há kiếp chàng vay? [1] Những mong cá nước vui vầy, Nào ngờ đôi ngả nước mây cách vời. Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ, Chàng há từng học lũ vương tôn. [2] Cớ sao cách trở nước non, Khiến người thôi sớm thôi hôm những sầu? (Trích Chinh phụ ngâm ) (Chú thích: [1] Vay: Tiếng đệm của câu than thở; [2] Vương tôn: Con nhà giàu, thích đi chơi không đoái hoài đến gia đình) Câu 1: Xác định thể thơ, phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Câu 2: Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là ai? Câu 3: Những từ ngữ nào trong đoạn thơ thể hiện sự cách biệt chinh phu - chinh phụ? Câu 4: Chỉ ra 02 biện pháp nghệ thuật sử dụng trong hai câu thơ sau và nêu tác dụng: Những mong cá nước vui vầy, Nào ngờ đôi ngả nước mây cách vời. Câu 5: Nhận xét về cảm xúc của nhân vật trữ tình thể hiện trong đoạn trích. Câu 6: Theo anh/chị, tư tưởng nhân đạo của đoạn trích thể hiện ở những phương diện nào? Gợi ý đọc hiểu: Câu 1: Thể thơ: Song thất lục bát; Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm. Câu 2: Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ: Người chinh phụ. Câu 3: Những từ ngữ nào trong đoạn thơ thể hiện sự cách biệt chinh phu - chinh phụ: Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây; đôi ngả nước mây cách vời; cách trở nước non.. Câu 4: 02 biện pháp nghệ thuật sử dụng trong hai câu thơ: Những mong cá nước vui vầy, Nào ngờ đôi ngả nước mây cách vời. - Phép đối: Những mong >< nào ngờ; vui vầy >< cách vời; - Ẩn dụ: cá nước, nước mây - chỉ người chinh phu, chinh phụ; Tác dụng: - Nhấn mạnh tình cảnh chia lìa, xa cách giữa chinh phu, chinh phụ và nỗi khắc khoải chờ mong trong buồn đau cô đơn của người vợ; - Tăng nhịp điệu, nhạc điệu, sự sinh động, hấp dẫn cho lời thơ. Câu 5: Cảm xúc của nhân vật trữ tình thể hiện trong đoạn trích: - Nỗi buồn đau, cô đơn, nhớ nhung trong chờ đợi; - Than trách số phận nghiệt ngã chia lìa đôi lứa; - Ước mong tái hợp vui vầy... Câu 6: Tư tưởng nhân đạo của đoạn trích thể hiện ở những phương diện: - Niềm cảm thông, thương xót của tác giả đối với tình cảnh đáng thương của người chinh phụ khi có chồng đi chinh chiến; - Lên tiếng tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa đã gây nên cảnh đôi lứa chia lìa, đẩy những người chinh phụ vào tình cảnh buồn đau, cô đơn, ngóng chờ trong vô vọng. - Trân trọng khát vọng chính đáng của con người: khát vọng về tình yêu đôi lứa, về hạnh phúc gia đình...
Đoạn 6: Đọc đoạn thơ và trả lời câu hỏi: Sương như búa bổ mòn gốc liễu, Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô. Giọt sương phủ bụi chim gù, Sâu tường kêu vẳng chuông chùa nện khơi. Vài tiếng dế nguyệt soi trước ốc, Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên. Lá màn lay ngọn gió xuyên, Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm. Hoa giãi nguyệt nguyệt in một tấm, Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông. Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng, Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau! (Trích Chinh phụ ngâm ) Câu 1: Xác định thể thơ, phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Câu 2: Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là ai? Câu 3: Chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cảnh thiên nhiên trong đoạn trích. Nhận xét về bức tranh thiên nhiên đó. Câu 4: Xác định 02 biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong các câu thơ sau và nêu tác dụng của chúng: Sương như búa bổ mòn gốc liễu, Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô. Câu 5: Xác định và phân tích hiệu quả của phép điệp trong những câu sau: Hoa giãi nguyệt nguyệt in một tấm, Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông. Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng, Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau! Câu 6: Nhận xét về cảm xúc của nhân vật trữ tình thể hiện trong đoạn trích. Câu 7: Viết đoạn văn cảm nhận về tâm trạng của người chinh phụ trong bốn câu cuối. Gợi ý: Câu 1: Thể thơ: Song thất lục bát; Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm. Câu 2: Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ: Người chinh phụ. Câu 3: Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cảnh thiên nhiên trong đoạn trích: Sương, tuyết, gốc liễu (mòn), cành ngô (héo), nmguyeetj hoa, gió thốc, gió xuyên, bóng hoa, bóng nguyệt, hoa giãi nguyệt, nguyệt lồng hoa, hoa nguyệt trùng trùng.. Nhận xét: Cảnh thiên nhiên vừa mang nét lạnh lẽo, hoang sơ, cô quạnh, tĩnh mịch (8 câu đầu), vừa quấn quýt, giao hòa (hoa, nguyệt - 4 câu cuối). Câu 4: 02 biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong các câu thơ: Sương như búa bổ mòn gốc liễu, Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô. Là: - So sánh: sương như búa, tuyết dường cưa; - Đối: Sương như búa >< Tuyết dường cưa; bổ mòn gốc liễu >< xẻ héo cành ngô. Tác dụng: Gợi lên hình ảnh thiên nhiên lạnh lẽo, khắc nghiệt; góp phần biểu đạt nỗi cô đơn, lạnh lẽo trong lòng người chinh phụ; Làm cho lời thơ cân xứng, nhịp nhàng; gợi hình, gợi cảm. Câu 5: Hoa giãi nguyệt nguyệt in một tấm, Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông. Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng, Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau! Phép điệp ngữ: hoa, nguyệt, lồng Tác dụng: Miêu tả cảnh thiên nhiên với hoa, nguyệt điệp trùng, quấn quýt bên nhau; Nhấn mạnh nỗi cô đơn của người chinh phụ khi nhìn thấy cảnh trùng phùng hoa nguyệt (cảnh quấn quýt, còn người lẻ loi). Làm cho lời thơ sinh động, hấp dẫn, tăng tính nhạc.. Câu 6: Nhận xét về cảm xúc của nhân vật trữ tình thể hiện trong đoạn trích: - Nỗi buồn đau, cô đơn, nhớ nhung trong chờ đợi; - Chạnh lòng trước sự quấn quýt của cảnh thiên nhiên hoa nguyệt; ước ao sum vầy đôi lứa. Câu 7: Bức tranh thiên nhiên trong bốn câu thơ cuối không hề lạnh lẽo, thê lương sầu thảm (như 8 câu đầu) mà lộng lẫy nguyệt hoa, nồng nàn, rạo rực. Đẹp hơn khi hoa, nguyệt lại giao hòa, quấn quýt bên nhau, trùng trùng lớp lớp chồng lên nhau. Phép điệp ngữ được sử dụng đắc địa càng làm cảnh thiên nhiên thêm nồng nàn, rạo rực. Cảnh ấy đã đánh thức khao khát xuân tình trong lòng người chinh phụ. Nỗi khao khát ái án ấy tuy âm thầm mà mãnh liệt. Nàng vẫn còn trẻ, còn khao khát yêu đương, nên nhìn cảnh nàng không khỏi chạnh lòng. Vậy nên, trước cảnh - khi thì "hoa giãi nguyệt", khi lại "nguyệt lồng hoa", lòng nàng dâng lên biết bao sầu muộn. Sầu muộn bởi cảnh vô tri mà lại có đôi, có cặp, tương giao, bện cài; còn người hữu tình thì lại cô đơn, lẻ loi trong vô vọng. Lòng càng xôn xao rạo rực, khao khát yêu thương, hạnh phúc thì càng đau khổ bởi cảnh ngộ trớ trêu. Thật đáng thương thay. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đã đạt đến mức tuyệt diệu cổ điển. Mỗi chữ là một nét vẽ biểu cảm thần tình tạo nên âm điệu thiết tha, quấn quýt, xôn xao.. Có thể nói ngoại cánh thiên nhiên với nguyệt hoa lộng lẫy vừa đánh thức tuổi xuân và tình xuân trong lòng nàng chinh phụ, vừa gợi nỗi đau đớn, xót xa đến nghẹn lòng.
Đoạn 7: Đọc đoạn trích sau: Kia loài sâu đôi đầu cùng sánh, Nọ loài chim chắp cánh cùng bay. Liễu sen là thức cỏ cây, Đôi hoa cũng sánh đôi dây cũng liền. Ấy loài vật tình duyên còn thế, Sao kiếp người nỡ để đấy đây? Thiếp xin về kiếp sau này, Như chim liền cánh như cây liền cành. Đành muôn kiếp chữ tình đã vậy, Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau. Thiếp xin chàng chớ bạc đầu, Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung. Xin làm theo bóng cùng chàng vậy, Chàng đi đâu cũng thấy thiếp bên... Trả lời câu hỏi: Câu 1. Liệt kê những từ ngữ, hình ảnh miêu tả ngoại cảnh, nêu nhận xét. Câu 2. Nhận xét về suy nghĩ, tình cảm của nhân vật trữ tình trong hai câu: Ấy loài vật tình duyên còn thế, Sao kiếp người nỡ để đấy đây? Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của phép đối trong đoạn trích. Câu 4. Đoạn thơ thể hiện những ước nguyện gì của người chinh phụ? Câu 5. Tư tưởng nhân đạo của đoạn trích thể hiện qua những phương diện nào? Gợi ý đọc hiểu: Câu 1. Liệt kê những từ ngữ, hình ảnh miêu tả ngoại cảnh: loài sâu đôi đầu cùng sánh; loài chim chắp cánh cùng bay; liễu sen: Đôi hoa cũng sánh đôi dây cũng liền; Nhận xét: Cảnh vật đều có đôi, có cặp, giao hòa, quấn quýt bên nhau. Câu 2. Nhận xét về suy nghĩ, tình cảm của nhân vật trữ tình trong hai câu: Ấy loài vật tình duyên còn thế, Sao kiếp người nỡ để đấy đây? Khi nhìn thấy các loài vật giao hòa, quấn quýt bên nhau và tất cả đều có đôi, có cặp, người chinh phụ xót xa, chạnh lòng khi nghĩ tới tình cảnh cô đơn, chia lìa của chính mình. Lòng nàng có chút oán trách nghịch cảnh trớ trêu đã đẩy vợ chồng nàng vào cảnh đó. Câu 3. Phép đối trong đoạn trích: Loài vật "tình duyên" trọn vẹn >< kiếp người "để đấy" (cô đơn, không ai đoái hoài) ; Tác dụng: Phép đối được sử dụng khiến người đọc hình dung thấm thía hơn tình cảnh cô đơn, xa cách của người chinh phụ; thấy được những oán trách trong lòng nàng và cả những khát vọng thầm kín của nàng; Khiến lời thơ giàu tính gợi hình, biểu cảm. Câu 4. Đoạn thơ thể hiện những ước nguyện gì của người chinh phụ: Ước nguyện được hạnh ngộ, quấn quýt bên chồng, được sống mãi với tuổi trẻ rạo rực xuân tình, sống mãi trong hạnh phúc lứa đôi trọn vẹn. Câu 5. Tư tưởng nhân đạo của đoạn trích thể hiện qua những phương diện: - Niềm cảm thông của tác giả đối với tình cảnh cô đơn, trông ngóng mòn mỏi của người chinh phụ về người chồng chinh chiến nơi xa; - Tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa; - Đề cao khát vọng tình yêu, hạnh phúc lứa đôi tuổi trẻ.
Đoạn 8 Đọc đoạn thơ sau: Trải mấy xuân, tin đi tin lại, Tới xuân này tin hãy vắng không. Thấy nhàn, luống tưởng thư phong, Nghe hơi sương, sắm áo bông sẵn sàng. Gió tây nổi không đường hồng tiện, Xót cõi ngoài tuyết quyến mưa sa. Màn mưa trướng tuyết xông pha, Nghĩ thêm lạnh lẽo kẻ ra cõi ngoài. Đề chữ gấm, phong thôi lại mở, Gieo bói tiền tin dở còn ngờ. Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ, Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai. (Trích Chinh phụ ngâm khúc – Bản dịch Đoàn Thị Điểm). Trả lời câu hỏi: Câu 1. Xác định thể thơ sử dụng trong đoạn trích? Câu 2. Xác định nghĩa của từ "xuân" trong hai câu thơ đầu? Câu 3. Hai câu thơ đầu thể hiện tâm trạng gì của người chinh phụ? Câu 4. Người chinh phụ hình dung về những vất vả của người chồng như thế nào? Qua đó thể hiện tình cảm gì của người chinh phụ đối với chồng? Câu 5. Anh/chị hình dung như thế nào về tâm trạng của người chinh phụ được thể hiện trong hai câu cuối: Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ - Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai. Gợi ý đọc hiểu: Câu 1. Thể thơ sử dụng trong đoạn trích: song thất lục bát (mỗi khổ gồm hai câu 7 chữ và một cặp lục bát). Câu 2. Nghĩa của từ "xuân" trong hai câu thơ đầu; - Nghĩa gốc, "xuân" chỉ mùa xuân – một mùa trong bốn mùa; trong câu thơ "mấy xuân" là mấy năm; - Nghĩa ẩn dụ, "xuân" chỉ tuổi xuân – tuổi trẻ của con người. Câu 3. Hai câu thơ đầu: Trải mấy xuân, tin đi tin lại - Tới xuân này tin hãy vắng không thể hiện tâm trạng mong nhớ, chờ đợi của người chinh phụ đối với người chồng nơi biên ải xa xôi. Đã mấy năm bặt tin tức của chồng, người chinh phụ sống trong tâm trạng cô đơn, buồn tủi, chờ mong đến mòn mỏi, có lúc tuyệt vọng. Câu 4. Người chinh phụ hình dung về những vất vả của người chồng: chịu sương gió khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết: hết "gió tây", "tuyết quyến mưa sa" đến "mưa trướng tuyết xông pha", "lạnh lẽo"... Qua đó, ta thấy niềm xót xa, thương cảm cùng những bất an của người chinh phụ đối với tình cảnh của chồng. Câu 5. Anh/chị hình dung như thế nào về tình cảnh, tâm trạng của người chinh phụ được thể hiện trong hai câu cuối: Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ - Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai. Hai câu thơ thể hiện tình cảnh cô đơn, chán nản đến "bơ phờ tóc mai" của người chinh phụ trong cảnh chờ chồng. Qua đó, bộc lộ tâm trạng mòn mỏi trong chờ đợi của nàng. Ngồi tựa cửa mong nhớ về người chồng đến ngẩn ngơ mà người chinh phu vẫn bặt vô âm tín. Đêm khuya võ vò chờ chồng đến bơ phờ mòn mỏi mà vẫn không thấy tin chồng. Ngồi tựa cửa hay nằm nương gối, nàng đều hiện lên với dáng vẻ vò võ, lủi thủi đến tội nghiệp.