Đề đọc hiểu bài thơ Tuổi thơ - Nguyễn Duy

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lê Tấn Lộc, 15 Tháng sáu 2024.

  1. Lê Tấn Lộc

    Bài viết:
    20
    * Đọc bài thơ sau:

    TUỔI THƠ​

    Nguyễn Duy

    Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng

    Cỏ và lúa, và hoa hoang quả dại

    Vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải

    Bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua

    Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò

    Con sáo mỏ vàng, con chào mào đỏ đít

    Con chim trả bắn mũi tên xanh biếc

    Con chích choè đánh thức buổi ban mai

    Tuổi thơ tôi cứ ngỡ mất đi rồi

    Năm tháng trôi qua không bao giờ chảy lại

    Cái năm tháng mong manh mà vững chãi

    Con dấu đất đai tươi rói mãi đây này

    Người ở rừng mang vết suối vết cây

    Người mạn bể có chút sóng chút gió

    Người thành thị mang nét đường nét phố

    Như tôi mang dấu ruộng dấu vườn

    Con dấu chìm chạm trổ ở trong xương

    Thời thơ ấu không thể nào đánh đổi

    Trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội

    Có một miền quê trong đi đứng nói cười.

    Tuổi thơ nào cũng sẽ hiện ra thôi

    Dầu chúng ta cứ việc già nua tất

    Xin thương mến đến tận cùng chân thật

    Những miền quê gương mặt bạn bè

    (Tuổi thơ – Nguyễn Duy, Ánh trăng, Nxb Tác phẩm mới, 1984)

    * Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1: Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ trên?

    Câu 2: Xác định cách gieo vần trong đoạn thơ sau:


    "Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng

    Cỏ và lúa, và hoa hoang quả dại

    Vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải

    Bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua"

    Câu 3: Xác định biện pháp tu từ chính được sử dụng trong đoạn thơ in đậm?

    Câu 4: Tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn thơ in đậm?

    Câu 5: Xác định cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

    Câu 6: Đọc đoạn thơ và trả lời câu hỏi:

    "Con dấu chìm chạm trổ ở trong xương

    Thời thơ ấu không thể nào đánh đổi"

    Anh/ chị có đồng tình với quan điểm trên của nhà thơ hay không? Vì sao?


    Câu 7: Sau khi đọc văn bản anh/chị thấy kí ức tuổi thơ có vai trò như thế nào đối với mỗi người?

    Câu 8: Đánh giá cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh mà tác giả sử dụng trong văn bản?


    * Đáp án tham khảo:

    Câu 1: Nhân vật trữ tình: "Tôi".

    Câu 2: Cách gieo vần: Vần chân

    Câu 3: Biện pháp tu từ Liệt kê: Cánh cò, con sáo, con chào mào, con chim trả, con chích choè.

    Câu 4: Tác dụng của biện pháp tu từ:

    + Tạo nhịp điệu, tăng tính sinh động

    + Gợi ra sự phong phú của thế giới tuổi thơ và qua đó thể hiện nỗi nhớ, sự hoài niệm của tác giả.

    Câu 5: Cảm hứng chủ đạo: Nỗi nhớ, tình yêu, sự trân trọng đối với tuổi thơ, với quê hương.

    Câu 6: Có thể tham khảo các gợi ý sau:

    + Đồng tình vì: Hình ảnh "con dấu" ở đây chính là dấu ấn, là hình ảnh, là cái hồn của quê hương luôn tồn tại bên trong mỗi con người, dù trải qua thời gian như thế nào cũng không thể biến mất.

    + Không, vì: Ai rồi cũng sẽ phải thay đổi cho phù hợp, có những thứ cổ hủ, lạc hậu không thể giữ mãi được.

    Câu 7:

    - Tạo nên thế giới tinh thần phong phú, đẹp đẽ trong tâm hồn mỗi người.

    - Giúp chúng ta biết trân trọng quá khứ.

    - Những ký ức đẹp đẽ về tuổi thơ có tác dụng động viên, khích lệ, tiếp sức cho con người để chúng ta vững bước trong hiện tại và tương lai..

    Câu 8: Tác giả đã sử dụng các từ ngữ, hình ảnh:

    - Gần gũi, quen thuộc với tuổi thơ của mỗi người.

    - Giàu cảm xúc, giàu tính hình tượng.

    - Có chọn lọc, cô đọng, hàm súc.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...