Đề đọc hiểu bài thơ: Tiếng hát mùa gặt - Nguyễn Duy

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lê Tấn Lộc, 11 Tháng một 2025.

  1. Lê Tấn Lộc

    Bài viết:
    23
    Đọc bài thơ và trả lời câu hỏi:

    TIẾNG HÁT MÙA GẶT

    Nguyễn Duy

    Lúa chín

    Đồng chiêm phả nắng lên không

    Cánh cò dẫn gió qua thung lúa vàng

    Gió nâng tiếng hát chói chang

    Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời

    Gặt lúa

    Tay nhè nhẹ chút người ơi

    Trông đôi hạt rụng hạt rơi xót lòng

    Dễ rơi là hạt đầu bông

    Công một nén, của một đồng là đây

    Tuốt lúa

    Mảnh sân trăng lúa chất đầy

    Vàng tuôn trong tiếng máy quay xập xình

    Rơm vò từng búi rối tinh

    Thân rơm rách để hạt lành lúa ơi

    Phơi khô

    Nắng non mầm mục mất thôi

    Vì đời lúa đó mà phơi cho giòn

    Nắng già hạt gạo thêm ngon

    Bưng lưng cơm trắng nắng còn thơm tho

    Quạt sạch

    Cám ơn cơn gió vô tư

    Quạt đi vù vù rác rưởi vương rơi

    Hạt nào lép cứ bay thôi

    Gió lên cho lúa sáng ngời mặt gương!

    I. Phần đọc hiểu:

    Câu 1.
    Xác định thể thơ của bài thơ trên.

    Câu 2. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong phần thơ đầu tiên (Lúa chín).

    Câu 3. Trong phần thơ thứ 2 (Gặt lúa), tác giả đã vận dụng câu tục ngữ nào?

    Câu 4. Trong phần thơ thứ nhất, tác giả Nguyễn Duy dã sử dụng biện pháp tu từ nào; tác dụng của biện pháp tu từ đó là gì?

    Câu 5. Em cảm nhận như thế nào về không khí làng quê mùa gặt trong phần thơ thứ 3 (Tuốt lúa) ? Không khí đó được thể hiện rõ nhất qua hình ảnh nào?

    Câu 6. Trong phần thơ thứ 4 (Phơi khô) và phần thơ thứ 5 (Quạt sạch), cảm xúc của chủ thể trữ tình có sự thay đổi ra sao?

    Câu 7. Em nhận xét như thế nào về mạch vận động và phát triển của ý thơ trong bài?

    Câu 8. Qua bài thơ, em hãy rút ra cho mình một bài học có ý nghĩa nhất và giải thích lí do lựa chọn bài học đó. (Viết câu trả lời bằng đoạn văn 5- 7 dòng)

    ĐÁP ÁN

    Câu 1:
    Bài thơ được làm theo thể thơ lục bát.

    Câu 2: Phương thức biểu đạt chính trong phần thơ thứ nhất là miêu tả.

    Câu 3: Câu tục ngữ dân gian trong phần thơ thứ 2 là "của một đồng, công một nén".

    Câu 4:

    - Biện pháp tu từ: Nhân hóa

    - Tác dụng:

    + Làm cho cảnh vật đồng quê trong mùa gặt hiện ra sinh động, lạ mắt

    + Gián tiếp góp phần thể hiện niềm vui ngày mùa của người nông dân

    Câu 5:

    - Không khí làng quê trong mùa gặt: Vui tươi, nhộn nịp

    - Không khí đó được thể hiện rõ nhất qua hình ảnh: Máy quay xập xình

    Câu 6:

    - Ban đầu chủ thể trữ tình cảm thấy lo lắng vì trời ít nắng (nắng non), có thể làm cho lúa bị mục vì ẩm.

    - Thời tiết thay đổi, nắng to (nắng già) khiến hạt thóc thêm giòn, hạt gạo thêm ngon, làm cho chủ thể trữ tình cảm thấy mừng vui khi nghĩ đến hạt cơm trắng thơm tho.

    - Đến phần thơ cuối (Quạt sạch), người đọc như cảm nhận được tâm trạng mừng vui, hớn hở của chủ thể trữ tình đối với thành quả thu được.

    Câu 7:

    - Ý thơ vận động và phát triển theo quy trình thu hoạch lúa của người nông dân.

    - Mạch vận động và phát triển của ý thơ phù hợp với nhận thức khách quan của người đọc vì vậy bài thơ trở nên giản dị và dễ hiểu, thể hiện rõ phong cách thơ giản dị của nhà thơ Nguyễn Duy.

    Câu 8: Học sinh lựa chọn được một bài học có ý nghĩa, phù hợp với nội dung bài thơ và giải thích hợp lí, logic.

    Gợi ý:

    - Bài học về nỗi vất vả của người nông dân khi làm ra hạt gạo

    - Bài học về sự quý trọng hạt gạo

    - Bài học về niềm vui lao động
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...