GỬI MẸ (Lưu Quang Vũ) Trên đời chẳng ai lo cho ta bằng mẹ Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta Mẹ ơi nếu con được sống lại tuổi thơ Con sẽ chẳng bao giờ mải chơi trốn học Đứa con trai nhiều lỗi lầm ương ngạnh Sẽ không lần nào làm mẹ xót xa. Ước mẹ trẻ hoài như buổi mới gặp cha Ước con được sống suốt đời bên mẹ Mẹ muốn ăn cá thu con chẳng nề xuống bể Chẳng ngại lên ngàn kiếm đọt măng mai Nhưng xứ sở ta quân Mỹ tới rồi Cùng bè bạn con lên đường đuổi giặc. Mẹ vui vẻ gánh lấy phần khó nhọc Việc cơ quan, việc Đảng, việc nhà Đánh Pháp năm xưa, đánh Mỹ bây giờ Quen vất vả, mẹ quản gì sương nắng. Đêm nay con nằm rừng xa gió lạnh Mẹ nghỉ chưa hay đã thức rồi? Suốt một đời chưa có lúc nghỉ ngơi Nghĩ thương mẹ, giận quân thù quá đỗi. Lo trước mọi điều mẹ thường ít nói Mắt tin yêu nhìn thấu tận đường xa Mọi giả dối quanh co mọi tàn bạo hận thù Đều nát vụn trước mắt hiền của mẹ. Dẫu cuộc đời là con đường dài thế Con sẽ đi qua mọi đèo dốc trông gai Bằng đôi chân của mẹ, mẹ ơi. I. Phần đọc hiểu: Câu 1. Bài thơ trên viết theo thể thơ nào? Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ. Câu 2. Theo tác giả, ai là người lo cho ta nhiều nhất? Câu 3. Nếu "được sống lại tuổi thơ", "đứa con ương ngạnh" sẽ sửa chữa lỗi lầm như thế nào? Câu 4. Qua bài thơ, chủ thể trữ tình có mong ước gì? Mong ước đó cho thấy chủ thể trữ tình là người như thế nào? Câu 5. Căn cứ vào ý thơ trong bài và cho biết: Vì sao người con lại "giận quân thù" khi "nghĩ về mẹ"? Câu 6. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong 2 câu thơ sau: "Mọi giả dối quanh co mọi tàn bạo hận thù Đều nát vụn trước mắt hiền của mẹ". Câu 7. Qua bài thơ, em rút ra cho mình bài học gì? (Trả lời bằng đoạn văn khoảng 5 – 7 dòng) Gợi ý trả lời: Câu 1: – Thể thơ tự do – Phương thức biểu đạt: Biểu cảm Câu 2: Theo tác giả, mẹ là người lo cho ta nhiều nhất Câu 3: Những lỗi lầm mà "đứa con ương ngạnh" sẽ sửa chữa khi được quay về tuổi thơ: – Không mải chơi trốn học – Không làm mẹ đau buồn, xót xa Câu 4: – Mong ước của chủ thể trữ tình: + Ước mẹ sẽ mãi trẻ, khỏe như thời còn thanh xuân, khi mẹ mới gặp cha + Ước mẹ sống lâu để con suốt đời được bên mẹ – Đó là những mong ước của một người con chí hiếu; những mong ước đó thể hện niềm kính yêu vô hạn của con dành cho mẹ Câu 5: Người con "giận quân thù" khi "nghĩ về mẹ", bởi quân thù giày xéo quê hương nên con phải lên đường đánh giặc, để mẹ ở nhà một mình với biết bao gánh nặng công việc và những nỗi vất vả lo toan trong cuộc sống đời thường, khiến cho mẹ chẳng thể có được giây phút nghỉ ngơi. Câu 6: – Biện pháp tu từ: + Liệt kê: Giả dối quanh co, tàn bạo hận thù + Ẩn dụ: Đều nát vụn trước mắt hiền của mẹ ý muốn nói đến việc mẹ nhìn thấu hết tất cả những điều xấu xa; không có gì có thể che được mắt mẹ. Mắt hiền còn biểu thị cho sự hiền từ của mẹ. – Tác dụng: + Giúp cho câu thơ tăng sức gợi hình, gợi cảm + Nhấn mạnh được những phẩm chất cao quý của mẹ + Thể hiện được niềm kính yêu và sự cảm phục của người con dành cho mẹ Câu 7: – Bài học về lòng biết ơn đối với những người đã sinh thành ra mình – Bài học về lòng hiếu thảo đối với mẹ cha – Bài học về niềm hạnh phúc khi có mẹ – Bài học về sự quan trong của mẹ trong cuộc sống của con * * * Tham khảo: Bài thơ "Gửi Mẹ" của Lưu Quang Vũ đề cao tình mẹ, nhấn mạnh vào tình cảm sâu sắc và lòng hy sinh vô điều kiện của người mẹ. Từ việc lo lắng, chăm sóc cho con đến việc hy sinh cho đất nước, mẹ luôn là điều đáng trân trọng và tôn vinh. Bài thơ gợi cho chúng ta bài học về lòng biết ơn và trân trọng tình mẹ, cũng như ý thức về trách nhiệm và lòng hy sinh đối với gia đình và đất nước.