Đề cương Địa lí lớp 10 học kì II

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ánh Phượng Thiên, 11 Tháng ba 2021.

  1. Ánh Phượng Thiên

    Bài viết:
    99
    Câu 1: Phân biệt các loại nguồn lực và ý nghĩa của từng loại đối với sự phát triển kinh tế.

    Căn cứ vào nguồn gốc, có các loại nguồn lực: Vị trí địa lí, tự nhiên và kinh tế - xã hội.

    - Vị trí địa lí (địa lí tự nhiên, địa lí kinh tế - xã hội, địa lí giao thông) : Là một nguồn lực để định hướng phát triển có lợi nhất trong phân công lao động toàn thế giới và xây dựng các mối quan hệ song phương hay đa phương của một quốc gia. Vị trí địa lí tạo ra những thuận lợi hoặc khó khăn để trao đổi, tiếp cận, giao thoa hay cùng phát triển giữa các quốc gia với nhau

    - Tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, đất, nước, biển, sinh vật) và các điều kiện tự nhiên (thời tiết, khí hậu) là điều kiện cần cho quá trình sản xuất, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

    - Dân cư, nguồn lao động: Là nguồn lực có tính quyết định đến việc sử dụng các nguồn lực khác cho phát triển kinh tế. Dân cư và nguồn lao động vừa là yếu tố đầu vào của hoạt dộng kinh tế, góp phần tạo ra sản phẩm, tạo ra sự tăng trưởng, vừa tham gia tạo cầu của nền kinh tế.

    - Vốn: Có vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Sự gia tăng các nguồn vốn, phân bố và sử dụng chúng một cách có hiệu quả có tác động rất lớn đến tăng trưởng, tạo việc làm, tăng tích lũy cho nền kinh tế.

    - Thị trường: Quy mô và cơ cấu tiêu dùng của thị trường góp phần quan trọng phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

    - Khoa học kĩ thuật và công nghệ: Góp phần mở rộng khả năng khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác, thúc đẩy quá trình hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, tăng quy mô sản xuất các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao..

    - Chính sách và xu thế phát triển (thể chế chính trị, cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật) : Là nguổn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.


    Câu 2: Hãy nêu vai trò của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế và đời sống xã hội.

    Nông nghiệp theo nghĩa rộng bao gồm: Nông - lâm - ngư nghiệp có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và đời sống xã hội, thể hiện 1 việc:

    - Cung cấp lương thực, thực phẩm cho con người.

    - Đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm.

    - Sản xuất ra những mặt hàng có giá trị xuất khẩu, tăng thêm nguồn thu ngoại tệ.


    Câu 3: Ngành sản xuất nông nghiệp có những đặc điểm gì? Theo em, đặc điểm nào là quan trọng nhất?

    Ngành sản xuất nông nghiệp có những đặc điểm gì? Theo em, đặc điểm nào là quan trọng nhất?

    - Các đặc điểm:

    + Đất trồng là tư liệu sản xuất chủ yếu và không thể thay thế.

    + Đối tượng của sản xuất nông nghiệp là các cây trồng, vật nuôi.

    + Sản xuất nông nghiệp có tính mùa vụ.

    + Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên.

    + Trong nền kinh tế hiện đại, nông nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hóa.

    - Đặc điềm quan trọng nhất: Đất trồng là tư liệu sản xuất chủ yếu và không thể thay thế được. Vì, không thể có sản xuất nông nghiệp nếu không có đất đai. Quy mô và phương hướng sản xuất, mức độ thâm canh và cả việc tổ chức lãnh thổ phụ thuộc nhiều vào đất đai.


    Câu 4: Tại sao phải chú trọng đến việc trồng rừng?

    - Rừng đang bị tàn phá nghiêm trọng, diện tích rừng bị thu hẹp. Trồng rừng để tái tạo tài nguyên rừng.

    - Góp phần bảo vệ môi trường bền vững.


    Câu 5: Em hãy nêu rõ vai trò và đặc điểm của ngành chăn nuôi.

    A) Vai trò

    - Cung cấp cho con người thực phẩm có dinh dưỡng cao, nguồn đạm động vật như thịt, sữa, các sản phẩm từ sữa, trứng.

    - Cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng (tơ tằm, lông cừu, da), cho công nghiệp thực phẩm (đồ hộp), dược phẩm và cho xuất khẩu.

    - Cung cấp sức kéo và phân bón cho ngành trồng trọt, tận dụng phụ phẩm của ngành trồng trọt.

    B) Đặc điểm

    - Sự phát triển và phân bố ngành chăn nuôi phụ thuộc chặt chẽ vào cơ sở nguồn thức ăn.

    Cơ sở thức ăn cho chăn nuôi đã có tiến bộ vượt bậc (các đồng cỏ tự nhiên được cải tạo, các đồng cỏ với các giống mới cho năng suất và chất lượng cao; thức ăn gia súc, gia cầm được chế biến bằng phương pháp công nghiệp).

    - Trong nền nông nghiệp hiện đại, ngành chăn nuôi có nhiều thay đổi về hình thức (từ chăn thả sang chăn nuôi nửa chuồng trại, rồi từ chuồng trại đến chăn nuôi công nghiệp) và theo hướng chuyên môn hóa (thịt, sữa, len, trứng).


    Câu 6: Tại sao ngành nuôi trồng thủy sản thế giới ngày càng phát triển?

    - Nhu cầu về thủy sản rất lớn, nhưng việc khai thác ngày càng gặp nhiều khó khăn (do bảo vệ nguồn lợi, do cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, do đầu tư lớn trong khai thác).

    - Việc nuôi trồng thủy sản không quá phức tạp, khó khăn và tốn kém; đồng thời tận dụng được mặt nước và giải quyết lao động; tạo ra được khối lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm.

    Câu 7: Hãy chứng minh vai trò chủ đạo của công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân .

    - Tạo ra khối lượng sản phẩm rất lớn cho xã hội. Tất cả các thiết bị máy móc trong các ngành kinh tế (nông nghiệp, giao thông, thông tin liên lạc, dịch vụ, xây dựng, cho bản thân công nghiệp.. các công cụ và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình.. đều do ngành công nghiệp cung cấp.

    - Công nghiệp góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nền kinh tế. Tốc độ tăng trường công nghiệp ở trên thế giới, và nhất là ở Việt Nam thường cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung. Thời kì 2002 - 2003, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới (GDP) là 3, 3%/năm, riêng công nghiệp đạt 3, 6%/năm, còn ở Việt Nam tương ứng là 7, 0%/năm và 12, 4%/năm.


    Câu 8: Hãy so sánh đặc điểm của sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.

    *Sản xuất công nghiệp.

    - Sản xuất công nghiệp bao gồm hai giai đoạn: Giai đoạn tác động vào đối tượng lao động và gai đoạn chế biến các nguyên liệu đó thành tư liệu sản xuất và vật phẩm tiêu dùng.

    - Sản xuất công nghiệp có tính tập trung cao độ

    - Sản xuất công nghiệp bao gồm nhiều ngành phức tạp, được phân công tỉ mỉ và có sự phối hợp chặt chẽ để tạo ra sản phẩm cuối cùng


    *Sản xuất nông nghiệp.

    - Đất trồng là tư liệu sản xuất chủ yếu và không thể thay thế.

    - Đối tượng của sản xuất nông nghiệp là các cây trồng vật nuôi

    - Sản xuất nông nghiệp có tính mùa vụ

    - Trong nền kinh tế hiện đại, nông nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hóa.


    Câu 9: Theo em, trong điều kiện hiện nay, nhân tố nào đóng vai trò quan trọng đối với sự phân bố công nghiệp.

    Trong điều kiện hiện nay, vị trí địa lí có tác động rất lớn đến việc lựa chọn các nhà máy, các khu công nghiệp, khu chế xuất ở trên thế giới và ở Việt Nam.

    Câu 10: Nêu rõ vai trò của ngành công nghiệp luyện kim đen và luyện kim màu

    A) Vai trò của ngành công nghiệp luyện kim đen:

    - Hầu hết tất cả các ngành kinh tố đều sử dụng các sản phẩm của ngành luyện kim đen.

    - Là cơ sở để phát triển công nghiệp chế tạo máy, sản xuất công cụ lao động.

    - Nguyên liệu để tạo ra những sản phẩm tiêu dùng.

    - Cung cấp vật liệu cho công nghiệp xây dựng.

    B) Vai trò của ngành công nghiệp luyện kim màu:

    - Cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế tạo máy, chế tạo ô tô, máy hay, kĩ thuật điện.

    - Phục vụ cho công nghiệp hóa chất và các ngành kinh tế quốc dân khác (như thương mại, bưu chính viễn thông).

    - Kim loại màu quý, hiếm phục vụ cho công nghiệp điện tử, năng lượng nguyên tử.

    Câu 11: Em hãy nêu vai trò của ngành công nghiệp điện tử - tin học.

    Vai trò của ngành công nghiệp điện tử - tin học.

    - Đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống công nghiệp trên thế giới ở thế kỉ XXI nhằm đưa nền kinh tế - xã hội lên một trình độ cao mới.

    - Là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều nước, đồng thời là thước đo trình độ phát triển kinh tế - kĩ thuật của mọi quốc gia trên thế giới.

    Câu 12: Vì sao ngành công nghiệp hóa chất lại được coi là một ngành sản xuất mũi nhọn trong ngành công nghiệp thế giới?

    - Trong điều kiện của tiến hộ khoa học - kĩ thuật và công nghệ hiện đại, công nghiệp hóa học được ứng dụng vào mọi mặt của sản xuất, đời sống và các phế phẩm của nó được sử dụng rất rộng rãi.

    - Đối với các nước nông nghiệp, công nghiệp hóa chất là đòn bẩy để thực hiện quá trình hóa học hóa, góp phần tăng trưởng sản xuất với năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Công nghiệp hóa chất cung cấp những vật tư chiến lược cho nông nghiệp như phân hóa học, thuốc trừ sâu, các loại thuốc chống dịch bệnh, kích thích sự tăng trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi..

    Câu 13: Em hãy nêu những đặc điểm chính của các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp .

    - Điểm công nghiệp.

    + Đồng nhất với một điểm dân cư.

    + Gồm 1 - 2 xí nghiệp nằm gần nguồn nguyên - nhiên liệu công nghiệp hoặc vùng nguyên liệu nông sản.

    + Không có mối liên hệ giữa các xí nghiệp.

    - Khu công nghiệp tập trung.

    + Khu vực có ranh giới rõ ràng (vài trăm ha), có vị trí thuận lợi (gần cảng biển, quốc lộ lớn, gần sân bay).

    + Tập trung tương đối nhiều các xí nghiệp với khả năng hợp tác sản xuất cao.

    + Sản xuất các sản phẩm vừa để tiêu dùng trong nước, vừa xuất khẩu.

    + Các xí nghiệp dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp.

    - Trung tâm công nghiệp.

    + Gắn với đô thị vừa và lớn, có vị trí địa lí thuận lợi.

    + Bao gồm khu công nghiệp, điểm công nghiệp và nhiều xí nghiệp công nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ về sản xuất, kĩ thuật, công nghệ.

    + Có các xí nghiệp nòng cốt (hay hạt nhân).

    + Có các xí nghiệp bổ trợ và phục vụ.

    - Vùng công nghiệp.

    + Có các ngành phục vụ và bổ trợ.


    Câu 14: Tại sao ở các nước đang phát triển ở châu Á, trong đó có Việt Nam, phổ biến hình thức khu công nghiệp tập trung?

    - Các nước này đang trong giai đoạn công nghiệp hóa với chiến lược công nghiệp hướng về xuất khẩu, trên cơ sở thu hút vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lí của các nước công nghiệp phát triển, nên hình thành các khu công nghiệp tập trung.

    - Trên thực tế, các khu công nghiệp tập trung thu hút vốn đầu tư ở trong và ngoài nước, sản xuất ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tạo thêm việc làm và nâng cao chất lượng lao động, mở rộng việc chuyên giao công nghệ tiên tiến, góp phẩn hình thành các đô thị mới và giảm bớt chênh lệch vùng.


    Câu 15: Thế nào là ngành dịch vụ? Nêu sự phân loại và ý nghĩa của các ngành dịch và đối với sản xuất và đời sống xã hội.

    - Dịch vụ là ngành phục vụ cho các yêu cầu trong sản xuất và sinh hoạt.

    - Ở nhiều nước, người ta chia các ngành dịch vụ ra thành ba nhóm:

    + Dịch vụ kinh doanh: Vận tải và thông tin liên lạc, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, các dịch vụ nghề nghiệp..

    + Dịch vụ tiêu dùng: Hoạt động bán buôn, bán lẻ, du lịch, các dịch vụ cá nhân (y tế, giáo dục, thể dục thể thao)..

    + Dịch vụ công: Dịch vụ hành chính công, các hoạt động đoàn thể..

    - Ý nghĩa cúa ngành dịch vụ đối với sản xuất và đời sống.

    + Thúc đẩy các ngành sản xuất vật chất, sử dụng tốt hơn nguồn lao động trong nước, tạo thêm việc làm cho người dân.

    - Cho phép khai thác tốt hơn các tài nguyên thiên nhiên và sự ưu đãi của tự nhiên, các di sản văn hóa, lịch sử, cũng như các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật hiện đại để phục vụ con người.


    Câu 16: Trình bày tình hình phát triển của các ngành dịch vụ trên thế giới.

    - Trên thế giới, số người hoạt động trong các ngành dịch vụ đã tăng lên nhanh chóng trong mấy chục năm trở lại đây.

    - Ở các nước phát triển, số người làm việc trong các ngành dịch vụ có thể trên 80% (Hoa Kì) hoặc từ 50 đến 79% (các nước khác ở Bắc Mĩ và Tây Âu).

    - Ở các nước đang phát triển, tỉ lệ lao động làm việc trong khu vực dịch vụ thường chỉ trên dưới 30%.


    Câu 17: Tại sao người ta nói: Để phát triển kinh tế, văn hóa miền núi, giao thông vận tải phải đi trước một bước?

    - Giao thông vận tải ở miền núi được phát triển sẽ thúc đẩy sự giao lưu giữa các địa phương ở miền núi vốn có nhiều trở ngại do địa hình, giữa miền núi với đồng bằng, nhờ thế sẽ giúp phá được thế "cô lập", "tự cấp tự cung" của nền kinh tế.

    - Sẽ có điều kiện khai thác các tài nguyên thế mạnh to lớn của miền núi, hình thành được các nông, lâm trường, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp, đô thị, thúc đẩy sự thu hút dân cư từ đồng bằng lớn miền núi.

    - Như vậy, sẽ thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ, hình thành cơ cấu kinh tê ở miền núi. Các hoạt động dịch vụ (kể cả văn hóa, giáo dục, y tế) cũng có điểu kiện phát triển.


    Câu 18: Chứng minh rằng các điều kiện tự nhiên ảnh hường chủ yếu đến công việc xây dựng, khai thác mạng lưới giao thông và các phương tiện vận tải.

    Một số dẫn chứng:

    - Ở các đảo quốc (Nhật Bản, Anh. In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin) ngành hàng hải có vai trò to lớn.

    - Ở vùng hoang mạc: Lạc đà (thô sơ) và các phương tiện hiện đại (ô tô, trực thăng).

    - Ở vùng băng giá gần cực Bắc: Xe quệt (thô sơ) và các phương tiện hiện đại (tàu phá bãng nguyên tử, trực thăng).

    - Mạng lưới sông ngòi dày đặc thuận lợi cho ngành vận tải đường sông nhưng không thuận lợi cho vận tải đường ố tô và đường sắt, đòi hỏi phải làm nhiều cầu, phà.. và dễ gây tắc nghẽn giao thông trong mùa lũ.

    - Ở hoang mạc không có điều kiện phát triển ngành vận tải đường sông và đường sắt. Vận tải bằng ô tô ở hoang mạc cũng trở ngại dọ cát bay, bão cát sa mạc. Phương tiện vận tải phải có thiết kế đặc biệt để chống lại cái nóng dữ dội và để tránh ăn mòn do cát bay, Vận tải bằng trực thăng ở hoang mạc có ưu việt. Vận tải bằng gia súc (lạc đà) là phổ biến.


    Câu 19: Chứng minh rằng các điều kiện kinh tế - xã hội có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển và phân bố các ngành giao thông vận tải.

    - Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế quốc dân có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển và phân bố, cũng như sự hoạt động của ngành giao thông vận tải.

    + Trước hết, các ngành kinh tế khác là khách hàng của ngành giao thông vận tải. Tình hình phân bố các cơ sở công nghiệp, trình độ phát triển kinh tế của các vùng, quan hệ kinh tế giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ quy định mật độ mạng lưới giao thông vận tải, các loại hình vận tải, hướng và cường độ của các luồng vận chuyển.

    + Sự phát triển của ngành công nghiệp cơ khí vận tải, công nghiệp xây dụng cho phép duy trì và tăng cường cơ sở vật chất kĩ thuật của ngành giao thông vận tải.

    - Phân bố dân cư, đặc biệt là sự phân bố các thành phố lớn và các chùm đô thị có ảnh hưởng sâu sắc tới vận tải hành khách, nhất là vận tải bằng ô tô:


    Câu 20: Môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo khác nhau như thế nào?

    - Môi trường tự nhiên xuất hiện trên bề mặt Trái đất không phụ thuộc vào con người. Con người tác động vào tự nhiên, làm cho nó bị thay đổi, nhưng các thành phần của tự nhiên vẫn phát triểm theo quy luật của riêng nó.

    - Môi trường nhân tạo là kết quả lao động của con người, tồn tại hoàn toàn phụ thuộc vào con người, thì các thành phần nhân tạo của môi trường sẽ bị hủy hoại.


    Câu 21: Thế nào là sự phát triển bền vững?

    - Phát triển bền vững là sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu trong hiện tại mà không xâm phạm đến khả năng làm thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai.

    Câu 22: Tại sao việc giải quyết vẫn đề môi trường đòi hỏi nỗ lực chung của các quốc gia và toàn thể loài người?

    - Vì các vấn đề môi trường nhìn chung đều có phạm vi rộng, ảnh hưởng trên nhiều lãnh thổ rộng lớn. Nhiều vấn đề ảnh hưởng nghiên trọng đến toàn cầu (hiệu ứng nhà kính, lỗ thủng tầng ôdôn)

    Câu 23: Các nước đang phát triển gặp những khó khăn gì về mặt kinh tế - xã hội khi giải quyết vấn đề môi trường?

    - Kinh tế chậm phát triển, số người sống dựa vào trực tiếp khai khác tài nguyên đông. Dân số tăng nhanh là cho quy mô và tốc độ khai thác tài nguyên càng lớn, nhiều vấn đề môi trường khó giải quyết được. Mặt khác, các thành quả của cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã làm cho loài người tiết kiệm được rất nhiều trong sử dụng nguyên liệu và nhiên liệu, nhưng cũng vì thế mà giá phần lớn nguyên liệu giảm, các nước đang phát triển tăng cường khai thác khoáng sản xuất khẩu để lấy số lượng bù vào giá cả thấp.

    - Để giải quyết việc làm, cải thiện một phần cơ sở vật chất kĩ thuật.. các nước đang phát triển nhận đầu tư từ các nước tư bản phát triển. Trong vài ba chục năm gần đây, các nước phát triển đẩy mạnh đầu tư vào các nước đang phát triển ở các ngành cần nhiều nguyên liệu, nhiên liệu, lao động, không cần chuyên môn cao, dễ gây ô nhiễm môi trường. Trong sự hợp tác bất bình đẳng đó, các nước đang phát triển chịu phần thiệt thòi và trả giá đắt về sự ôn nhiễm và suy thoái môi trường.


    Câu 24: Em hãy chứng minh rằng sự tiến bộ của khoa học công nghệ có thể giúp cho con người giải quyết tình trạng bị đe dọa khan hiếm tài nguyên khoáng sản.

    - Con người sản xuất được các vật liệu mới thay thế vật liệu trong tự nhiên hoặc thay thế các vật liệu được sản xuất với yêu cầu khối lượng tài nguyên lớn

    Ví dụ: Con người đã chế tạo được cao su nhân tạo thay thế cho cao su tự nhiên, sản xuất các chất dẻo tổng hợp để thay thế các chi tiết bằng kim loại. Hiện nay, vật liệu composit do cong ngời sản xuất đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành kinh tế,

    - Nhờ có tiến bộ của khoa học công nghệ, con người sử dụng triệt để các tài nguyên khoáng sản, ví dụ: Ngoài việc lấy xăng, dầu, từ dầu mỏ có thể sản xuất ra rất nhiều loại sản phẩm khác nhau.

    - Với tiến bộ của khoa học công nghệ, con người ngày càng tìm ra được nhiều loại tài nguyên mới (ví dụ: Việc sử dụng tài nguyên sức gió, sức nước, năng lượng mặt trời)
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...