Đề bài: Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác. Gợi ý: * Trước hết, đó là niềm xúc động nghẹn ngào của tác giả: Mai về miền Nam thương trào nước mắt Trước lúc chia xa, tác giả Viễn Phương – người con miền Nam đã vô cùng xúc động, nuối tiếc khôn nguôi khi phải rời lăng Bác. Mai về.., mai là chỉ thời gian ở thì tương lai, chưa xảy ra. Chưa về mà đã nghĩ đến chia xa để thương để nhớ đến trào nước mắt . Tác giả đã sử dụng từ trào thể hiện một cách chính xác nhất cảm xúc mãnh liệt của nhà thơ lúc này. Tác giả thương Bác, thương cuộc đời đã hi sinh tất cả vì non sông, đất nước của Bác, xót xa đau đớn vì Người ra đi. Phải yêu thương đến độ sâu sắc mới có cảm xúc như thế. Và cái tâm ấy đã góp cho cái tài để nhà thơ bày tỏ thành công tình cảm của mình, * Chính trong những khoảnh khắc xúc động ấy, nhà thơ đã bày tỏ những ước nguyện chân thành của mình: Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này. - Nhà thơ muốn hóa thân thành con chim để đem lại tiếng ca vui tươi bên lăng Bác, để đem lại niềm vui cho Bác; muốn làm đóa hoa tỏa hương thơm ngào ngạt, điểm tô cho cuộc sống mến thương, muốn làm cây tre trung hiếu để được đền ơn đáp nghĩa, để được sống mãi bên Người, canh gác giấc ngủ cho Người. - Điệp ngữ muốn làm lặp lại ba lần đã nhấn mạnh sự mong muốn, khát khao được thể hiện những ước nguyện ấy của người con miền Nam. - Hình tượng cây tre mở đầu và cũng là hình tượng kết thúc bài thơ. Kết cấu đầu cuối tương ứng này không chỉ khẳng định tinh thần anh dũng, bất khuất hiên ngang của nhân dân miền Nam mà còn khẳng định tấm lòng chung thuỷ, sắt son, nghĩa tình, một lòng một dạ hướng về vị Chủ tịch kính yêu của dân tộc. * Đánh giá: Với giọng thơ trìu mến, thiết tha, ân cần, hình ảnh mang tính biểu tượng cao, ngôn ngữ thơ giản dị, mộc mạc, Viễn Phương làm lay động bao trái tim của người đọc bởi những ước nguyện giản dị, mộc mạc nhưng vô cùng khiêm nhường và tấm lòng chung thuỷ sắt son của người con miền Nam hướng về Bác – vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc.