ĐỀ BÀI ÔN TẬP NGỮ VĂN 12 MỚI (Biên soạn: Thùy Minh) ĐỀ 1 I. ĐỌC HIỂU: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi: Những ngày này trên đất nước tôi Trong gian khó mới hiểu tình sâu nặng Mới hiểu hết câu cùng trong bọc trứng Thân thương sao ơi nghĩa đồng bào. Cơn lốc dịch covid tràn qua như giấc chiêm bao Cả nhân loại bàng hoàng sửng sốt Như một cuộc chiến tàn khốc Cái chết ập đến bất thần. * * * Trong khó khăn mới hiểu hết yêu tin Mới thấy lòng dân kết đoàn, đùm bọc Những thầy thuốc quên mình "chống giặc" Những chiến sỹ vì dân ngủ rừng thẳm núi đồi.. Những ngày này trên đất nước tôi Những đứa trẻ cũng vụt thành người lớn Biết sẻ chia những đồng tiền giành dụm Vẫn đau đáu nỗi niềm trường lớp yêu thương Những cụ già không quản gió sương Cân gạo góp chung, mớ rau san sẻ Bát cơm nóng từ bàn tay của mẹ Mà rưng rưng cả một khoảng trời. * * * Giang rộng vòng tay cứu chữa bạn bè Không phân biệt giàu nghèo, quốc tịch Chỉ mong họ vượt qua nạn dịch Và yêu thương như đồng loại, giống nòi Những ngày này trên đất nước tôi Trên dưới đồng tâm sẻ chia gian khổ Như những cuộc chiến ngày xưa máu đổ Cùng nắm tay đoàn kết thành công. Nối trọn vòng tay, cả nước một lòng Không kẻ thù nào cản ta đi tới Trong thử thách biết nông sâu sáng tối Vững niềm tin chiến thắng sẽ về. (Nguyễn Đăng Tấn, Những ngày này trên đất nước tôi ) Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản. Câu 2. Tác giả đã nhắc đến những hành động đẹp nào của con người Việt Nam những ngày chống dịch? Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của 02 biện pháp tu từ trong khổ 3 của bài thơ. Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm sau của nhà thơ không? Vì sao? Trong thử thách biết nông sâu sáng tối Vững niềm tin chiến thắng sẽ về. II. LÀM VĂN Câu 1. Trong bài thơ, tác giả đã chỉ ra một nguyên nhân khiến nước ta thành công trong kiểm soát dịch bệnh Covid là do "lòng dân kết đoàn, đùm bọc". Anh chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong cuộc sống. Câu 2. Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đoạn văn sau: "Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong [..] không biết sáng từ bao giờ" Trích "Vợ chồng A Phủ" – Tô Hoài Từ đó, hãy bình luận về tấm lòng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.
ĐỀ BÀI ÔN TẬP NGỮ VĂN 12 MỚI NHẤT (Biên soạn: Thùy Minh) ĐỀ 2 I. ĐỌC HIỂU Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi: (1) Những ngày này, Việt Nam đang trải qua những ngày khó khăn. Trong khoảng thời gian hai tuần qua, số ca nhiễm đã tăng vọt lên gấp 4 lần. Nỗ lực và niềm tự hào khi dừng ở con số 16 bệnh nhân trước đó đã không còn, dịch Covid-19 đã có mặt ở hầu hết các thành phố lớn. Mọi người đều lo sợ và chuẩn bị tinh thần cho một bức tranh xấu có thể xảy ra. (2) Nhưng càng ở trong hoàn cảnh khó khăn và thời điểm tưởng chừng như xám xịt ấy, người ta lại thấy những điều cảm động và ấm áp có thể xảy ra. Chưa bao giờ, ta thấy mình phải có trách nhiệm với đất nước và nhân dân đến như thế. Để trái với sự nghi kỵ, vô cảm và bàng quan của một số người – chất xúc tác tốt nhất cho dịch bệnh lan nhanh – chúng ta vẫn còn những con người hy sinh thầm lặng, làm sáng ngời lương tri đẹp đẽ của loài người. (3) Đó là hình ảnh những vị bác sĩ in hằn vết đồ bảo hộ, mồ hôi ướt sũng, kính nhòe đi, cả ngày không dám đi vệ sinh nhưng vẫn kiên cường chống đỡ. Đó là hình ảnh doanh nghiệp hay cô ca sĩ nọ quyên góp một số tiền lớn cho đất nước chống đại dịch. Đó là hình ảnh những thùng mì tôm, những chai nước suối được trao đi vào khu cách ly. Đó là hình ảnh những em nhỏ đóng góp tất cả tiền mừng tuổi của mình để quyên tặng khẩu trang cho người chưa có. Đó là chuyến bay đi thẳng vào tâm dịch ở Vũ Hán để đón những người chung dòng máu với chúng ta trở về. (4) Đâu đó trên thế giới và ở Việt Nam này vẫn còn sự lương thiện. Để trái ngược với những con người vô tâm, không ý thức, thì chúng ta vẫn còn niềm tin vào lòng tốt giữa người với người. Có thể vẫn còn những con sâu làm rầu cả nồi canh, nhưng chúng ta hãy vững tin, vì chỉ cần trên thế giới còn tồn tại những trái tim nhân ái, thì loài người vẫn còn mãi. (Tạ Hoàn Thiện Quân, Tinh thần trách nhiệm và tình người: Chìa khóa chiến thắng đại dịch Covid-19 ) Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. Đoạn văn 3 sử dụng thao tác lập luận gì? Câu 2. Trong văn bản, tác giả đã dẫn ví dụ về "những con người hy sinh thầm lặng" là những ai? , và đặt họ trong sự đối lập với những người như thế nào? Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của 02 phép tu từ được sử dụng trong đoạn 3. Câu 4. Bản thân anh/chị thấy mình cần có trách nhiệm với đất nước và nhân dân như thế nào giữa đại dịch Covid 19? II. LÀM VĂN. Câu 1. Phần Đọc hiểu trên có nêu lên một trong những chìa khóa để chiến thắng đại dịch Covid-19 chính là tình người. Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của lòng nhân ái trong cuộc sống. Câu 2. Phân tích hai khổ thơ sau trong bài thơ "Sóng" - Xuân Quỳnh, từ đó anh/chị hãy nhận xét về vẻ đẹp của người con gái trong tình yêu: "Cuộc đời tuy dài thế Năm tháng vẫn đi qua Như biển kia dẫu rộng Mây vẫn bay về xa. Làm sao được tan ra Thành trăm con sóng nhỏ Giữa biển lớn tình yêu Để ngàn năm còn vỗ".
ĐỀ BÀI ÔN TẬP NGỮ VĂN 12 MỚI NHẤT (Biên soạn: Thùy Minh) ĐỀ 3 I. ĐỌC HIỂU: Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi: Nhắm mắt vào lại ước những ngày xưa Trẻ tung tăng chạy đùa vang ngõ nhỏ Đẫm mồ hôi mặt vẫn tươi hớn hở Trốn đi chơi ầm ĩ cả xóm làng. Ước sáng ngày thức dậy chẳng hoang mang Ca nhiễm mới bắt đầu quay đếm ngược Bệnh nhân cũ khỏi thêm nhiều hơn trước Cô rô na nhất định chịu thua mình. Uớc đi làm sẽ lại thật tươi xinh Không khẩu trang giống ninja bên Nhật Được tám chuyện bạn bè là vui nhất Tối hẹn hò đánh võng quán cà phê. Trả yên bình cho khắp nẻo thôn quê Trả thành phố ngọt ngào đêm hòa nhạc Trả trận bóng tiếng hò reo như thác Trả em thơ vui cắp sách đến trường. Và nụ cười sẽ vượt mọi trùng dương Đem hy vọng sưởi ấm toàn nhân loại Để hạnh phúc như cây đời xanh mãi Khắp thế gian sức sống lại chan hòa. (Ước, Hoa Diên Vỹ) Câu 1. Xác định thể thơ, phương thức biểu đạt chính Câu 2. Trong bài thơ, tác giả đã "ước" những điều gì? Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của phép tu từ trong các câu thơ: Trả yên bình cho khắp nẻo thôn quê Trả thành phố ngọt ngào đêm hòa nhạc Trả trận bóng tiếng hò reo như thác Trả em thơ vui cắp sách đến trường. Câu 4. Để những điều ước thành hiện thực, anh/chị nhận thấy mình cần có trách nhiệm gì trong công cuộc chống dịch của đất nước? II. LÀM VĂN Câu 1. Anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề: Giá trị của tinh thần dân tộc trong đại dịch Covid - 19. Câu 2. Phân tích tâm trạng và hành động nhân vật Mị trong đoạn văn sau: "Những đêm mùa đông trên núi cao [..] lao chạy xuống dốc núi". Trích "Vợ chồng A Phủ" – Tô Hoài Từ đó, anh/chị hãy nhận xét về ngòi bút miêu tả tâm lí của nhà văn Tô Hoài.
ĐỀ BÀI ÔN TẬP NGỮ VĂN 12 MỚI NHẤT (Biên soạn: Thùy Minh) ĐỀ 4 I. ĐỌC HIỂU: Anh/chị hãy đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi: ngày xưa chào mẹ, ta đi Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười Mười năm rồi lại thêm mười Ta về thì khóc, mẹ cười lạ không Ông ai thế? Tôi chào ông Mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi Ông có gặp thằng con tôi Hao hao.. Tôi nhớ.. Nó.. người.. như ông. Mẹ ta trả nhớ về không Trả trăm năm lại bụi hồng.. Rồi.. Đi.. (Mẹ ta trả nhớ về không – Đỗ Trung Quân) Câu 1. Hãy xác định các phương thức biểu đạt sử dụng trong bài thơ trên. Câu 2. Theo anh/ chị, điều gì đã xảy ra với người mẹ khi nhân vật trữ tình trở về sau "mười năm rồi lại thêm mười"? Câu 3. Trong 4 dòng thơ đầu, tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Anh chị hãy lí giải trạng thái cảm xúc đối lập của "mẹ" và "ta" thời "ngày xưa" và khi qua nhiều lần "mười năm" ? Câu 4. Bài thơ bộc lộ cảm xúc gì của nhân vật trữ tình? II. LÀM VĂN. Câu 1. Từ bài thơ ở phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ về chủ đề: Niềm hạnh phúc khi còn có mẹ. Câu 2. Phân tích vẻ đẹp sông Đà qua đoạn văn: "Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ đúng lúc ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện. Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ n gười lái đò sông Đà nào tóm được qua đấy. Quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra. Lại như quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La. Trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu. Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc. Trên mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn. Không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy, thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt quãng sông, y như là ô tô sang số nhấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Chèo nhanh và tay lái cho vững mà phóng qua cái giếng sâu, những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào. Nhiều bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý là những cái giếng hút ấy nó lôi tuột xuống. Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới. Tôi sợ hãi mà nghĩ đến một anh bạn quay phim táo tợn nao muốn truyền cảm giác lạ cho khán giả, đã dũng cảm dám ngồi vào một cái thuyền thúng tròn vành rồi cho cả thuyền cả mình cả máy quay xuống đáy cái hút sông.. - từ đáy cái hút nhìn ngược lên vách thành hút mặt sông chênh nhau tới một côt nước cao đến vài sải. Thế rồi thu ảnh. Cái thuyền xoay tít, những thước phim màu cũng quay tít, cái máy lia ngược contre-plongée lên một cái mặt giếng mà thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh như sắp vỡ tan ụp vào cả máy cả người quay phim cả người đang xem. Cái phim ảnh thu được trong lòng giếng xoáy tít đáy, truyền lại cho người xem phim kí sự thấy mình đang lấy gân ngồi giữ chặt ghế như ghì lấy mép một chiếc lá rừng bị vứt vào một cái cốc pha lê nước khổng lồ vừa rút lên cái gậy đánh phèn." (Trích "Người lái đò sông Đà" - Nguyễn Tuân, SGK Ngữ văn 12, NXB Giáo dục) Từ đó, anh (chị) hãy đánh giá nét độc đáo trong quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân.
ĐỀ BÀI ÔN TẬP NGỮ VĂN 12 MỚI NHẤT (Biên soạn: Thùy Minh) ĐỀ 5 I. ĐỌC HIỂU: Anh/chị hãy đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi: Tổ quốc mình đẹp lắm em ơi! Tác giả: Vũ Tuấn Tổ quốc mình đẹp lắm em ơi Khi corona phá tan tành Vũ Hán Giữa tâm dịch, biết bao người ngao ngán Sợ dịch lây mình, sợ cái chết gọi tên. Bao đất nước hùng cường, chậm trễ đón những đứa con Giữa tâm dịch tiếng kêu gào thảm thiết Trong tuyệt vọng, khi gần kề cái chết Mới thấy tình người.. Tổ quốc thật thiêng liêng.. Tổ quốc mình! Em có thấy không em? Giữa tâm dịch, chiếc phi cơ ngạo nghễ Hình ảnh Việt Nam - sao mà yêu đến thế Đón đồng bào trở về, cả dân tộc đoàn viên. Dẫu biết rằng về phải cách ly riêng Nhưng cuộc chiến, không bỏ ai ở lại Những chiến sỹ dầm mưa, ngủ rừng, lán trại Nhường đồng bào mình, chăn ấm nệm êm. Tổ quốc mình đẹp quá phải không em? Dù còn đó không ít người cơ hội Tăng giá khẩu trang, giữa âu lo mệt mỏi Lợi dụng dịp này, lung lạc niềm tin.. Tổ quốc mình dẫu còn những khó khăn Vẫn sẻ chia khi láng giềng gặp nạn Giữa con người, phân biệt chi thù bạn Con cháu Lạc Hồng, luôn sống biết bao dung. Tổ quốc gian lao, vẫn thấy đẹp vô cùng Như những cuộc trường chinh của cha ông ngày trước Tâm dịch Bình Xuyên, vượt khó khăn vững bước Cả dân tộc hướng về, chung một mối âu lo. Tổ quốc mình đẹp như một giấc mơ Như tình yêu ta, như muôn vì sao sáng Anh nắm tay em vượt khó khăn năm tháng Tổ quốc diệu kì, hạnh phúc bay cao. Câu 1. Xác định thể thơ, phương thức biểu đạt chính của bài thơ Câu 2. Tác giả đã liệt kê những hình ảnh, hành động đẹp nào của "Tổ quốc mình"? Câu 3. Hai câu thơ sau ca ngợi vẻ đẹp gì của những người chiến sĩ? Những chiến sỹ dầm mưa, ngủ rừng, lán trại Nhường đồng bào mình, chăn ấm nệm êm. Câu 4. Cảm nhận về tình cảm, thái độ của tác giả được thể hiện trong bài thơ (viết 4-5 dòng). II. LÀM VĂN. Câu 1. Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ về chủ đề: Tình người trong mùa dịch. Câu 2. Phân tích vẻ đẹp của sông Đà qua đoạn văn: "Thuyền tôi trôi trên sông Đà [..] nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên". (Trích tùy bút "Người lái đò sông Đà" - Nguyễn Tuân) Từ đó nhận xét ngắn gọn về nét độc đáo trong nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Tuân.
GỢI Ý LÀM BÀI Đề 1 Bấm để xem I. Đọc hiểu Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm Câu 2. Tác giả đã nhắc đến những hành động: - Những thầy thuốc quên mình "chống giặc" - Những chiến sỹ vì dân ngủ rừng thẳm núi đồi... - Những đứa trẻ : sẻ chia những đồng tiền giành dụm - Những cụ già : góp cân gạo, mớ rau... - Cứu chữa bạn bè - Trên dưới đồng tâm sẻ chia gian khổ Câu 3. Khổ 3: Trong khó khăn mới hiểu hết yêu tin Mới thấy lòng dân kết đoàn, đùm bọc Những thầy thuốc quên mình "chống giặc" Những chiến sỹ vì dân ngủ rừng thẳm núi đồi... - Hai phép tu từ: + Liệt kê: Những con người đẹp: thầy thuốc , chiến sĩ; những hành động đẹp: "chống giặc", vì dân + Điệp cấu trúc: cấu trúc: "Những" + DT + ĐT lặp lại 2 lần - Tác dụng: + Nhấn mạnh những hành động đẹp của những con người đẹp, thể hiện cảm xúc ngợi ca, tự hào của tác giả. + Tăng nhạc điệu, tăng tình gợi hình, biểu cảm cho lời thơ. Câu 4. Đồng tình với quan điểm của nhà thơ: Trong thử thách biết nông sâu sáng tối Vững niềm tin chiến thắng sẽ về. Vì: - Thử thách là cơ hội để người với người hiểu tấm lòng của nhau hơn. - Niềm tin là sức mạnh để con người chiến thắng mọi thứ thách. II. Làm văn Câu 1: Đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ về sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong cuộc sống. Yêu cầu nội dung: - Xác định đúng vấn đề nghị luận: sức mạnh của tinh thần đoàn kết. - Lập luận, dẫn chứng thuyết phục, hợp lí. Yêu cầu hình thức: - Đảm bảo đúng hình thức 01 đoạn văn. - Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. Triển khai vấn đề nghị luận: HS có thể tham khảo các ý sau: - Tinh thần đoàn kết giúp cho con người cảm thấy bản thân mình không bị lạc lõng, luôn có động lực để phấn đấu tới những điều tốt đẹp hơn. Đoàn kết là y ếu tố hàng đầu dẫn đến thành công. - Tinh thần đoàn kết giống như một tấm lá chắn lớn giúp con người vững bước vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống. - Đoàn kết tạo nên sức mạnh to lớn vượt qua khó khăn, thử thách - Đoàn kết giúp xã hội văn minh, đất nước phát triển. Câu 2. Tham khảo bài viết: Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)
GỢI Ý LÀM BÀI Đề 2 Bấm để xem I. Đọc hiểu Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận Đoạn 3 sử dụng thao tác lập luận chứng minh Câu 2. Trong văn bản, tác giả đã dẫn ví dụ về "những con người hy sinh thầm lặng" là những bác sĩ, những doanh nghiệp, những cô ca sĩ, những em nhỏ... Người viết đặt họ trong sự đối lập với "những con người vô tâm, không ý thức", "những con sâu làm rầu nồi canh" Câu 3. Hai biện pháp nghệ thuật: Phép liệt kê (những bác sĩ, những doanh nghiệp, những cô ca sĩ, những em nhỏ...) Phép điệp: Cấu trúc "Đó là hình ảnh ..." được lặp lại 3 lần Tác dụng của các biện pháp nghệ thuật trên: - Làm tăng tính nhạc, sự sinh động, hấp dẫn cho lời văn. - Nhấn mạnh hình ảnh những con người đẹp, những hành động đẹp trong mùa dịch, qua đó thể hiện thái độ ngưỡng mộ, ngợi ca của tác giả. Câu 4. Trách nhiệm của bản thân: Chung tay cùng cộng đồng trong sự nghiệp chống dịch - Thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch. - Nhắc nhở, tuyên truyền mọi người cùng có ý thức phòng dịch - Tương trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn trong dịch bệnh... II. Làm văn Câu 1. NLXH: Suy nghĩ về vai trò của lòng nhân ái trong cuộc sống: Tham khảo các ý sau: - Lòng nhân ái có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống và là một tiêu chí hàng đầu để khẳng định giá trị con người. - Nó mang đến hạnh phúc cho cả người trao và người nhận. Người nhận được trợ giúp sức mạnh tinh thần và vật chất để vượt qua những khó khăn, thử thách... Người trao có cơ hội được giúp đỡ người khác, được sống có ý nghĩa và phong phú hơn, được nhận sự tin yêu, quý mến của mọi người. - Lòng nhân ái là cơ sở không thể thiếu để xây dựng một xã hội văn minh, nhân đạo; là sợi dây bền chắc, thiêng liêng kết nối con người... Câu 2. Phân tích khổ 8, 9 bài thơ "Sóng" - Xuân Quỳnh Yêu cầu nội dung: - Xác định đúng vấn đề nghị luận: Phân tích nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ, nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. - Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Yêu cầu hình thức: - Đảm bảo đúng cấu trúc bài văn nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. - Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu Triển khai vấn đề nghị luận: - Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ.. - Khái quát: Hoàn cảnh sáng tác, hình tượng sóng, các khổ đầu.. - Phân tích đoạn thơ: + Khổ 8: Xuân Quỳnh đã bộc lộ niềm lo âu nung đốt trong lòng mình về sự hữu hạn của đời sống cá nhân, sự ngắn ngủi của kiếp người khi đối diện với biển khơi mênh mông vô tận: "Cuộc đời tuy dài thế Năm tháng vẫn đi qua Như biển kia dẫu rộng Mây vẫn bay về xa" - Cuộc đời trăm năm ngỡ dài lắm, nhưng năm tháng vô tình vẫn lặng lẽ trôi qua, xô con người đến tuổi già và cái chết. Biển dẫu rộng bao la, đám mây vẫn sẽ chậm chạp từng chút vượt qua không gian ấy để đến với vũ trụ khôn cùng. - Tác giả lo âu, nghĩ suy nhưng không vì thế mà ngừng yêu, ngừng nhớ. Trái tim vẫn đập mãnh liệt khi yêu và được yêu, vẫn muốn sống hết mình cho tình yêu của hôm nay, của hiện tại. + Khổ 9: Nhận ra sự hữu hạn của kiếp người, trái tim người phụ nữ trong Xuân Quỳnh khát khao hòa nhập vào sóng: "Làm sao được tan ra Thành trăm con sóng nhỏ Giữa biển lớn tình yêu Để ngàn năm còn vỗ" Vì tình yêu, người con gái ước muốn tan ra thành trăm ngàn con sóng nhỏ để tình yêu, cuộc sống mãi trường tồn. Khao khát ấy nói lên tình yêu mãnh liệt, nồng nàn nơi trái tim nữ sĩ. Khát khao yêu và được yêu, hướng đến hạnh phúc vững bền trong tình yêu ... những điều đó đã làm nên thế giới nghệ thuật đậm nét riêng Xuân Quỳnh. + Vẻ đẹp của người phụ nữ trong tình yêu: Đó là vẻ đẹp vừa truyền thống lại vừa hiện đại: Truyền thống ở tình yêu chân thành, thủy chung, son sắt. Hiện đại ở tình yêu sôi nổi, đắm say, nồng nàn, mãnh liệt, ở nỗi nhớ cồn cào da diết, ở khát vọng tình yêu vĩ đại bao dung, vĩnh hằng, bất tử. Giá trị nhân văn của bài thơ chính là sự khắc họa vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. - Đánh giá giá trị nội dung, nghệ thuật 2 đoạn thơ: + Nghệ thuật: Với thể thơ năm chữ (ngũ ngôn) giàu tính tự sự, giàu sức biểu cảm, giàu tính triết lý, giàu chất suy tưởng, kết hợp những biện pháp tu từ đặc sắc (nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ...). + Nội dung: Đoạn thơ thể hiện ước vọng một tình yêu thật đẹp, thật mới mẻ trong tâm hồn lại thêm quan niệm người phụ nữ khi đã yêu => vẻ đẹp người phụ nữ trong tình yêu.
GỢI Ý LÀM BÀI Đề 3 Bấm để xem I. Đọc hiểu Câu 1. Thể thơ: Tự do Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm Câu 2. Trong bài thơ, tác giả đã "ước" những điều: - Ước trở lại những ngày xưa (trẻ tung tăng chạy đùa...) - Ước sáng ngày thức dậy chẳng hoang mang (ca nhiễm mới đếm ngược, bệnh nhân cũ khỏi nhiều...) - Ước đi làm sẽ lại thật tươi xinh (không khẩu trang, được tám chuyện...) - Ước yên bình cho khắp nẻo thôn quê ... Câu 3. Trả yên bình cho khắp nẻo thôn quê Trả thành phố ngọt ngào đêm hoà nhạc Trả trận bóng tiếng hò reo như thác Trả em thơ vui cắp sách đến trường. Các biện pháp nghệ thuật trong khổ thơ: - Điệp cấu trúc: Trả .../ Trả.../ Trả.../ Trả... - Liệt kê: liệt kê nhịp sống yên bình thường nhật (Yên bình cho thôn quê, đêm hòa nhạc cho thành phố, trận bóng, em thơ đến trường). Tác dụng của các biện pháp nghệ thuật: - Nhấn mạnh mơ ước cháy bỏng của tác giả nói riêng, bao người dân nói chung về một ngày dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, nhịp sống trở về bình yên như trước. - Tạo nhịp điệu cho lời thơ, khiến lời thơ hay hơn, sinh động hơn. Câu 4. Trách nhiệm của bản thân: - Thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch. - Nhắc nhở, tuyên truyền mọi người cùng có ý thức phòng dịch - Tương trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn trong dịch bệnh... II. Làm văn Câu 1. NLXH: Anh/chị hãy viết đoạn văn(khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề: giá trị của tinh thần dân tộc trong đại dịch Covid - 19. Các ý chính tham khảo: - Trong lịch sử, tinh thần dân tộc thể hiện rõ qua sự đoàn kết để bám trụ trước thiên nhiên, đoàn kết để chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai. - Tinh thần dân tộc thể hiện trong hành động chung tay để xây dựng Tổ quốc và liên kết cộng đồng để trở thành giá trị cao đẹp của dân tộc ta, làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. - Tinh thần dân tộc trong đại dịch Covid 19 có ý nghĩa lớn lao: + Tinh thần dân tộc giúp con người yêu thương đùm bọc lấy nhau trong hoạn nạn để cùng vượt qua đại dịch. + Tinh thần dân tộc giúp con người biết sống vì nhau, vì lợi ích cộng đồng, từ đó có những hành động ứng xử phù hợp, không gây hại cho cộng đồng (trốn cách li, không khai báo y tế, tụ tập đông người ... làm lây lan dịch bệnh cho mọi người). + Nếu không có tinh thần dân tộc, không có sự gắn kết cộng đồng, con người chỉ biết đến mình thì hậu quả thật khó lường, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh đang lây lan với tốc độ chóng mặt. Câu 2. Tham khảo link: Phân tích diễn biến tâm trạng mị trong đêm đông cởi trói cứu a phủ - vợ chồng a phủ - tô hoài
GỢI Ý LÀM BÀI Đề 4 Bấm để xem I. Đọc hiểu Câu 1. Các phương thức biểu đạt sử dụng trong bài thơ trên: biểu cảm, tự sự Câu 2. Khi nhân vật trữ tình trở về sau "mười năm rồi lại thêm mười": mẹ đã không còn minh mẫn, không còn nhớ được con mình. Câu 3. Trong 4 dòng thơ đầu, tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật: đối lập Ta đi >< ta về Mẹ khóc >< ta cười, Ta cươi >< mẹ khóc Lí giải: - Khi mẹ còn trẻ, ta đi, mẹ khóc vì sợ con phải chịu khổ, phải vất vả khi rời xa vòng tay mẹ; còn ta cười vì được tự do theo đuổi ước mơ, lí tưởng của cuộc đời, cũng có thể ta cười để trấn an mẹ, cười vì mẹ lo lằng cho con thái quá. Sau nhiều năm con trở về, lúc này mẹ đã già, không còn nhận ra con nữa, nên cười để chào "khách", cười để xã giao. Còn con thì khóc vì thương mẹ già, lú lẫn... Câu 4. Bài thơ bộc lộ cảm xúc của nhân vật trữ tình: yêu thương, kính trọng, đau xót, ngậm ngùi... II. Làm văn Câu 1: Niềm hạnh phúc khi còn có mẹ: - Còn có mẹ, ta hạnh phúc vì được sống trong tình yêu thương, sự chăm sóc tận tình của mẹ. - Còn có mẹ, ta hạnh phúc vì mẹ là người sẵn sàng chia sẻ buồn vui, sẵn sàng bên ta khi ta gặp sóng gió trong cuộc đời. - Còn có mẹ, ta hạnh phúc vì luôn có mẹ chờ đón khi ta trở về. - Nếu không còn mẹ, ta sẽ đau khổ và thương nhớ biết bao... Câu 2: Tham khảo link: Phân tích vẻ đẹp sông đà qua đoạn: Hùng vĩ của sông đà không chỉ có thác đá
GỢI Ý LÀM BÀI ĐỀ 5 Bấm để xem I. ĐỌC HIỂU: Câu 1. Thể thơ: Tự do Phương thức biểu đạt chính của bài thơ: biểu cảm Câu 2. Tác giả đã liệt kê những hình ảnh, hành động đẹp nào của "Tổ quốc mình": - Những chiếc phi cơ bay vào tâm dịch để "đón đồng bào về". - Những chiến sỹ dầm mưa, ngủ rừng, lán trại/ Nhường đồng bào mình, chăn ấm nệm êm. - Sẻ chia khi láng giềng gặp nạn, không phân biệt thù bạn, luôn sống biết bao dung... Câu 3. Hai câu thơ: Những chiến sỹ dầm mưa, ngủ rừng, lán trại Nhường đồng bào mình, chăn ấm nệm êm. ca ngợi vẻ đẹp của tinh thần hi sinh, hết lòng vì đồng bào của những người lính cụ Hồ. Họ không ngại nhận về mình những thiếu thốn, thiệt thòi để nhường điều kiện sống tốt nhất cho nhân dân. Câu 4. Tình cảm, thái độ của tác giả được thể hiện trong bài thơ là niềm tự hào, cảm phục về Tổ quốc, nhân dân: tự hào, cảm phục về những chính sách chống dịch đầy tính nhân văn của Đảng, nhà nước. Tự hào, cảm phục về tinh thần đoàn kết đồng lòng của nhân dân trong chống dịch. Đó còn là niềm cảm phục trước tấm gương những con người đã sẵn sàng hi sinh bản thân để giúp đỡ đồng bào trong hoạn nạn... II. LÀM VĂN Câu 1. Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ về chủ đề: tình người trong mùa dịch. Tham khảo: Tinh thần trách nhiệm của cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, mỗi đơn vị trong ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, thẳm sâu ở đó chính là tình người. Ngay khi có những thông tin đầu tiên về dịch bệnh do Covid-19 và đặc biệt là khi trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 được phát hiện ở Việt Nam (ngày 23-1), ưu tiên ngăn chặn, quyết tâm phòng, chống dịch bệnh đã được quan tâm cao độ, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe người dân. Ở "tuyến đầu" đó là những bác sĩ, nhân viên y tế quên mình chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải điều trị trong tình trạng cách ly nghiêm ngặt. Gần 1 tháng qua, những người làm công tác y tế dự phòng, nhiều y, bác sĩ các bệnh viện trong cả nước không có ngày nghỉ. Áp lực còn tăng hơn khi các bệnh viện phải theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho hàng chục người đi từ vùng dịch nước ngoài về. Những bộ đồ bảo hộ kín mít, khẩu trang chuyên dụng in vết hằn trên khuôn mặt, song không ai nề hà, chấp nhận cả sự kỳ thị của một số người xung quanh. 7 bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện là thành công của ngành Y tế, mà công đầu thuộc về những "chiến sĩ áo trắng ở tuyến đầu". Rất khó có thể nói hết những khó khăn, nguy hiểm các bác sĩ, nhân viên y tế đã đối mặt, song có lẽ ai cũng hiểu họ đã làm với tất cả trách nhiệm và tinh thần "lương y như từ mẫu". Rồi cũng trong những ngày dịch bệnh do Covid-19 hoành hành ở nước bạn, nhiều chuyến bay đã kịp bay sang đón các công dân Việt Nam về nước. Hình ảnh tổ bay, các bác sĩ, cùng những người Việt Nam bước xuống với bộ đồ bảo hộ kín mít đã làm xúc động bao người về tình cảm và trách nhiệm với đồng bào. Đúng là trong lúc khó khăn lại càng thấy được nhiều hình ảnh ấm áp. Đó là khi những ngày đầu khẩu trang được khuyến cáo sử dụng để phòng bệnh trở nên khan hiếm, trong lúc không ít nhà thuốc, cửa hàng nâng giá, thì nhiều cá nhân, tổ chức đã phát miễn phí cho người dân. Cảm động hơn, trong số đó có cả những em nhỏ dành số tiền mừng tuổi ít ỏi để góp vào. Có doanh nghiệp sẵn sàng nhập nguyên liệu, gác lại đơn hàng để tập trung sản xuất khẩu trang cung cấp miễn phí. Những hành động đó không gì khác là trách nhiệm, là tình cảm, là sự sẻ chia với cộng đồng. Tình cảm và sự gắn kết cộng đồng càng rõ hơn khi những ngày gần đây, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc thành "trọng điểm" về dịch bệnh do Covid-19. Cùng với các biện pháp phòng ngừa, cách ly, trên mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều những hình ảnh thể hiện sự chia sẻ, động viên người dân Sơn Lôi vững vàng vượt qua khó khăn. Người dân Sơn Lôi đang được cả nước hướng tới bằng cả sự chăm lo vật chất lẫn tinh thần. "Bầu ơi thương lấy bí cùng...", giữa bối cảnh đồng bào trong nước đối phó dịch bệnh do Covid-19 còn không ít khó khăn, muôn tấm lòng xa Tổ quốc lại hướng về. Mới đây thôi, diễn ra buổi trao số lượng lớn khẩu trang y tế của Hội người Việt Nam tại Ba Lan hỗ trợ nhân dân vùng có dịch tỉnh Vĩnh Phúc. Còn trong nước, các cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhanh chóng vào cuộc. Nhiều chương trình chung tay phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 được phát động. Từ đó, một khối lượng lớn vật tư, trang thiết bị y tế được chuyển miễn phí đến các cơ quan, đơn vị và người dân... Nhiều biện pháp có tính ngăn ngừa dịch bệnh như vệ sinh khử trùng, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng... được các cấp hội phụ nữ, đoàn thanh niên... tích cực thực hiện. Dịch bệnh đang được kiểm soát tốt và trong khi cùng căng mình ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh, điều khiến mỗi người ấm áp chính là tình người. Cả nước hướng về, dành sự quan tâm tới người dân, khu vực chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh do Covid-19. Cả nước chia sẻ, trân trọng những đóng góp, hy sinh của đội ngũ cán bộ, nhân viên, nhất là những người hoạt động y tế đang trực tiếp "chiến đấu" với dịch bệnh do Covid-19. Cả cộng đồng trân trọng, đánh giá cao những đóng góp đong đầy tình cảm của từng cá nhân, mỗi tổ chức, các cơ quan, đơn vị trong nỗ lực chung kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh do Covid-19... Những tiếng nói trái chiều lạc lõng đâu đó chỉ là thiểu số và ngay lập tức bị quay lưng, lên án. Những hành vi trục lợi chỉ mang tính cá biệt và ngay lập tức bị tẩy chay, xử lý. Tương thân, tương ái - Đó là vẻ đẹp đậm rõ thể hiện qua sự chung tay, góp sức ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh do Covid-19. Tình người là sợi dây kết nối, là động lực và cần tiếp tục nhân lên để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, không chỉ thời gian này khi dịch bệnh do Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp. (Dẫn theo: hanoimoi.com.vn) Câu 2. Tham khảo link: Vẻ đẹp trữ tình của sông đà qua đoạn văn: Thuyền tôi trôi trên sông đà