Đề bài ôn tập Ngữ văn 12 tham khảo - Đề 2 (Biên soạn: Thùy Minh) Phần I. ĐỌC HIỂU Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4 : (...)Bao cái chết nối dài cơn hồng thuỷ biết nói sao đây, mây cũng trắng màu tang mùa thu ơi, lòng ta trĩu nặng hết Rào Trăng lại đến Hướng Phùng! Những đêm trắng nối dài đêm trắng mặt lũ soi trắng bệch mặt người đất trắng nước, người trắng tay ngồi đợi mặt trời lên, sao chửa thấy mặt trời? Ta nghe quặn tiếng rừng thét gọi ai giàu lên vùn vụt bởi máu cây máu đời đấy, những kiếp người lẩy bẩy sống bao nhiêu cũng không hết khổ nghèo! Lại rùng mình nghĩ những quả bom treo xả chìm ngập, lo âu vào xóm mạc người trách trời bạc ác sao chẳng trách người nhá bẩn non sông? Miền Trung ơi, thương lắm miền Trung đẫm nước mắt trôi qua mùa bão lũ ai khắc khoải đợi mùa lau nhú vẫn ân tình mỗi bát cơm chia... (Nguyễn Hữu Quý, Trích "Viết từ tâm lũ", tháng 10-2020) Câu 1. Xác định thể thơ, phương thức biểu đạt chính sử dụng trong đoạn thơ. Câu 2. Chỉ ra và phân tích tác dụng của 02 biện pháp tu từ được sử dụng trong ba dòng thơ sau: Những đêm trắng nối dài đêm trắng mặt lũ soi trắng bệch mặt người đất trắng nước, người trắng tay ngồi đợi Câu 3. Theo tác giả, những nguyên nhân gây nên thảm cảnh lũ lụt cho con người là gì? Câu 4. Anh/ chị hãy đề xuất một số giải pháp cơ bản để giảm thiểu thảm họa thiên tai ấy. Phần II. LÀM VĂN Câu 1. Câu thơ cuối của đoạn thơ trong phần đọc hiểu trên khiến anh/chị liên tưởng đến truyền thống tốt đẹp gì của nhân dân ta? Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ về ý nghĩa của truyền thống đó. Câu 2. "Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, nếu không có bếp lửa sưởi kia thì Mị cũng đến chết héo. Mỗi đêm, Mị đã dậy thổi lửa hơ tay, hơ lưng, không biết bao nhiêu lần. Thường khi đến gà gáy sáng Mị ngồi dậy ra bếp sưởi một lúc thật lâu thì các chị em trong nhà mới bắt đầu dậy ra dóm lò bung ngô, nấu cháo lợn. Chỉ chợp mắt được từng lúc, Mị lại thức sưởi lửa suốt đêm. Mỗi đêm, khi nghe tiếng phù phù thổi bếp, A Phủ lại mở mắt. Ngọn lửa sưởi bùng lên, cùng lúc ấy thì Mị cũng nhìn sang, thấy mắt A Phủ trừng trừng, mới biết A Phủ còn sống. Mấy đêm nay như thế. Nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết còn ở với ngọn lửa. Có đêm A Sử chợt về, thấy Mị ngồi đấy, A Sử đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp. Nhưng đêm sau Mị vẫn ra sưởi như đêm trước. Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõ m má đã xám đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ c òn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ... Mị phảng phất nghĩ như vậy. Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đ ã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ... Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nh ắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại... Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được một tiếng "Đi ngay...", rồi Mị nghẹn lại". (Trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12 Tr 13 - 14, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam) Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, bình luận ngắn gọn về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ". Gợi ý làm bài: phần bình luận
Gợi ý đáp án: Phần I. Đọc hiểu Câu 1. Thể thơ: Tự do Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm Câu 2. Phép điệp: Điệp từ "trắng" / Phép ẩn dụ: "Đêm trắng" (đêm không ngủ), "trắng tay" (mất hết) - Tác dụng của phép điệp, phép ẩn dụ: + Nhấn mạnh tình cảnh lao đao, khốn đốn của người dân vùng lũ và cảm xúc nghẹn ngào, đau xót.. của tác giả + Làm tăng nhạc điệu và sự sinh động, hấp dẫn.. cho đoạn thơ. Câu 3. Nguyên nhân: - Chặt phá, khai thác rừng bừa bãi (ai giàu lên vùn vụt bởi máu cây) - Xả lũ bừa bãi (Lại rùng mình nghĩ những quả bom treo/xả chìm ngập, lo âu vào xóm mạc) Câu 4. Giải pháp: - Bảo vệ rừng, trồng rừng - Xả lũ hợp lí - Có chế tài pháp luật nghiêm minh, xử lí những kẻ chặt phá rừng.. Phần II. Làm văn Câu 1. Gợi ý: - Truyền thống: Lá lành đùm lá rách (hoặc: Thương người như thể thương thân, tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo, đồng cam cộng khổ) - Viết đoạn: + Đảm bảo hình thức 200 chữ, xác định đúng vấn đề: ý nghĩa của truyền thống.. + Trình bày được 2 -3 ý nghĩa :(VD: Giúp con người vượt qua hoạn nạn, giúp gắn kết con người – con người, giúp cho xã hội trở nên tốt đẹp, tràn ngập tình yêu thương) Câu 2. Gợi ý: các thầy cô, các bạn HS tham khảo link bài viết sau: Phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm đông cởi trói cứu A Phủ (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)
Mấy đứa giỏi văn luôn thấy 200 chữ là không đủ! Đề NLXH giờ chỉ yêu cầu nghị luận 1 khía cạnh nhỏ, như đề trên là bàn Ý nghĩa.. nên em tập trung bàn ý nghĩa thôi nhé, những ý khác như giải thích, biểu hiện, chứng minh, bình luận phản đề.. phải thật ngắn gọn, như gia vị thôi.