Ngày 18/1/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận 29 bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023). Theo quyết định này, toàn quốc có thêm 29 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, nâng tổng số hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia lên đến 294 bảo vật. Cụ thể, 29 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia gồm: 1. Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai, niên đại: 4.000 - 3.000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk. 2. Thạp đồng Kính Hoa II, niên đại: Khoảng Thế kỷ III - II trước Công nguyên; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính, thành phố Hà Nội. 3. Sưu tập đàn đá Khánh Sơn, niên đại: Khoảng 2.500 - 3.000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hoà. 4. Bình đồng Đông Sơn (An Biên), niên đại: Văn hóa Đông Sơn, Thế kỷ II - I trước sau Công nguyên; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng. 5. Trống đồng Sao Vàng, niên đại: Văn hóa Đông Sơn (khoảng 2.000 năm cách ngày nay) ; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. 6. Sưu tập vàng lá Châu Thành, Trà Vinh, niên đại: Văn hóa Óc Eo giai đoạn muộn: Thế kỷ VII - IX; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh. 7. Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1, niên đại: Thế kỷ VII - VIII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. 8. Tượng Shiva Mỹ Sơn C1, niên đại: Thế kỷ VIII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. 9. Linga vàng Po Dam, niên đại: Thế kỷ VIII - IX; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận. 10. Bia Phước Thiện, niên đại: Cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận. 11. Phù điêu Nữ thần Uma, niên đại: Khoảng thế kỷ IX - X; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu. 12. Phù điêu Apsara Trà Kiệu, niên đại: Thế kỷ X; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. 13. Sưu tập cột kinh Phật thời Đinh, niên đại: Thế kỷ X; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình. 14. Lá đề trang trí chim phượng đất nung thời Lý, Hoàng thành Thăng Long, niên đại: Thế kỷ XI; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. 15. Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, niên đại: Cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định. 16. Bình gốm hoa nâu, niên đại: Thế kỷ XI - XII; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng. 17. Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần, niên đại: Thế kỷ XIII - XIV; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương. 18. Đao cẩn tam khí, Hoàng thành Thăng Long, niên đại: Thời Trần, thế kỷ XIV; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. 19. Bia "Đại bi Diên Minh tự bi", niên đại: Thời Trần, năm Đinh Mão, niên hiệu Khai Thái thứ 4 (1327) ; hiện lưu giữ tại Ủy ban nhân dân xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. 20. Mô hình đất nung kiến trúc thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long, niên đại: Thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. 21. Thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long, niên đại: Tháng 4, năm Quang Thuận thứ 7, đời vua Lê Thánh Tông (1466) ; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội. 22. Lư hương gốm men lam xám, niên đại: Khoảng niên hiệu Hưng Trị (1588 - 1591), đời vua Mạc Mậu Hợp; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng. 23. Tượng thờ Vua Pô Klong Garai, niên đại: Thế kỷ XVI - XVII; hiện thờ tại Tháp Pô Klong Garai, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. 24. Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn, niên đại: Thời Lê trung hưng; hiện thờ tại chùa Côn Sơn, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. 25. Mộc bản chùa Trăm Gian, Niên đại: Thế kỷ XVII - XX; hiện lưu giữ tại chùa Trăm Gian, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. 26. Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa), Thời Lê trung hưng, niên đại: Năm Nhâm Tý, niên hiệu Long Đức nguyên niên (1732) ; hiện lưu giữ tại Khu di tích Cổ Loa, thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. 27. Mộc bản chùa Dâu, niên đại: Từ năm 1752 - 1859; hiện lưu giữ tại chùa Dâu, phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. 28. Bảo kiếm an dân, niên đại: Niên hiệu Khải Định (1916-1925) ; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. 29. Khuôn in tín phiếu mệnh giá một đồng và khuôn in tín phiếu mệnh giá năm mươi đồng, niên đại: Từ năm 1947; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, 29 bảo vật nêu trên được giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện quản lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Luật Di sản văn hóa quy định bảo vật quốc gia phải là hiện vật gốc độc bản, hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu. Bảo vật quốc gia cũng có thể là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, phong cách, thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử Trái đất, lịch sử tự nhiên. Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ.
1. Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai, niên đại: 4.000 - 3.000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk. "Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai" gồm 250 hiện vật, trong đó có 200 mũi khoan hoàn chỉnh và 50 phác vật mũi khoan, được Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật trong 2 năm (2021 - 2022) tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai (thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp). Di chỉ khảo cổ học Thác Hai được phát hiện đầu năm 2020, khai quật lần thứ nhất vào tháng 3 đến tháng 4/2021; lần thứ hai từ tháng 11/2021 - 5/2022. Tại các đợt khai quật đã xác định được tầng văn hóa dày khoảng 2 mét, bên trong chứa các di tích như mộ táng, hố đất đen cùng nhiều di vật như: Bàn mài, rìu, bôn, bàn đập vỏ cây bằng đá. Một số hình ảnh về bộ "Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai" 2. Thạp đồng Kính Hoa II, niên đại: Khoảng Thế kỷ III - II trước Công nguyên; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính, thành phố Hà Nội. Các thông số kỹ thuật cơ bản Giáo sư khảo cổ học Trịnh Sinh nhận định: Thạp đồng Kính Hoa 2 còn nguyên vẹn, gồm có hai phần: Thân thạp và nắp thạp. Thân có hình gần trụ tròn, có gờ để đậy nắp. Phần nắp thạp cong tròn, thoải dần từ trong ra ngoài. Kích thước phần thân thạp: Chiều cao 47, 6cm; đường kính miệng: 41, 1cm; đường kính chân đế: 38, 4cm; độ dày: 0, 3cm; quai hình chữ U cao: 10, 5cm và rộng: 7, 3cm; quai hình mui thuyền cao: 2.1cm. Kích thước phần nắp thạp: Đường kính: 41, 4cm; chiều cao: 1, 9cm; tượng chim dài: 4, 5cm; tượng chim rộng (đo phần cánh) : 2, 6cm. Thạp còn tương đối nguyên vẹn, phần đáy thạp bị dập khoảng 20cm ở phần giáp thân, có dấu vết gắn lại. Màu sắc thạp gỉ xanh. Thạp có 2 quai nằm đối xứng nhau ở 2 bên thân. Quai ngoài hình chữ U có hoa văn xoáy ốc. Quai trong nhỏ và có hình mui thuyền. Trên thân thạp có 2 đường chỉ đúc nằm đối xứng nhau qua trục thân thạp. Quanh thân thạp có 6 hàng con kê hình vuông, cách đều nhau. Dấu vết của các con kê này còn rõ nét. Đáng chú ý trên thân và nắp thạp được trang trí nhiều hoa văn đẹp, tính từ trên xuống dưới: Trên thân thạp được trang trí từ trên xuống dưới như sau: - Vành 1, 7, 8, 10, 11, 16: Chấm dải - Vành 2, 6, 12, 15: Tam giác nhọn, liền đáy - Vành 3, 5, 13, 14: Vòng tròn chấm giữa tiếp tuyến - Vành 4: Hoa văn hình đàn chim bồ nông đang đứng, mỏ dài, một số con được trang trí hình mắt là vòng tròn chấm giữa, có con có hình 2 mắt ở một bên thân là nghệ thuật siêu thực, cách điệu trong đồ họa. - Vành 9 là vành hoa văn chủ đạo, rộng nhất miêu tả 4 chiếc thuyền: Đây là những hoa văn đẹp nhất, còn sắc nét. Thuyền cong, trang trí hoa văn gạch ngắn song song và ngôi sao có từ 5 đến 7 tia sáng nhọn. Trên thuyền có 4 - 5 người hóa trang đang chèo, có người đứng cầm cả cung và tên, người cầm giáo, người ngồi đánh trống da. Ngoài thuyền có hình trang trí con sam đuôi dài, hình chim đứng, chim bay rất đẹp. Đặc biệt có loài chim đứng giống với loài công hơn là loài chim bồ nông. Các hình thuyền lại được trang trí trong các ô gần hình chữ nhật được ngăn cách bởi các cột hoa văn hình học. Trên nắp thạp được trang trí từ trong ra ngoài như sau: - Ở giữa là ngôi sao 16 cánh hơi lồi, giữa các cánh sao còn có hoa văn hình lông công xen giữa các băng hoa văn gạch ngắn và chấm dải - Vành 1, 2, 6 là hoa văn chấm dải - Vành 3, 5 là tam giác liền đáy - Vành 4 là hoa văn dích dắc Đặc biệt, trên nắp thạp còn trang trí 6 tượng chim (một con bị gãy chỉ còn dấu vết. Chim có mỏ dài có thể là bồ nông, có mặt nổi có chấm giữa, lông chim được thể hiện là những đường gạch ngắn. Nắp thạp có đôi chỗ bị nứt đã gắn lại. Các hoa văn trang trí đều là hoa văn hình học của văn hóa Đông Sơn. Đặc biệt, vành hoa văn 9 miêu tả hình 4 chiếc thuyền là hoa văn hiện thực, có hình người chèo thuyền, mái chèo, chim, người cầm cung, giáo trên thuyền. Kết quả phân tích thành phần hóa học cho kết quả Cu: 46, 78%; Sn: 24, 20%; Pb: 17, 38% và một số tạp chất. Đây là hợp kim đồng của văn hóa Đông Sơn cũng là minh chứng cho việc người Đông Sơn đúc. Đây là chiếc thạp đồng thuộc văn hóa Đông Sơn tương đối nguyên vẹn, có niên đại vào khoảng 2.400 - 2.300 năm cách đây. Công dụng: Thạp đồng Kính Hoa là một hiện vật độc đáo, hiện vật bản sắc của văn hóa Đông Sơn. Chức năng chính của thạp là đồ đựng. Trong một số trường hợp, thạp được sử dụng như quan tài để đựng tro cốt người chết. Với tư liệu hiện biết, thì ở Việt Nam, tính đến năm 2021, tất cả chỉ có 31 chiếc thạp Đông Sơn có nắp đã được phát hiện, nghiên cứu và công bố. Căn cứ trên những tiêu chí phân loại thạp đồng, thạp đồng Kính Hoa được xếp vào loại hình thạp Đông Sơn có nắp, và là chiếc thứ 33 thuộc loại hình này. Đặc biệt hoa văn trang trí trên thạp Kinh Hoa hoàn toàn không giống với bất cứ chiếc thạp nào đã biết từ xưa tới nay, cho dù có những nét hao hao với Đào Thịnh, Hợp Minh và thạp Bảo tàng Quảng Ninh. Dẫu biết mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng bằng mắt thường cũng đã có thể thấy rằng, Thạp đồng Kính Hoa 2 có kích cỡ lớn và giá trị còn hơn cả Thạp đồng Kính Hoa 1 đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia trước đó. Giản lược giá trị lịch sử Hoa văn trang trí: Thạp đồng là di vật quý, độc đáo của văn hóa Đông Sơn, một trong những những đồ sinh hoạt phục vụ đời sống hàng ngày của người xưa, ẩn chứa nhiều giá trị vật chất và tinh thần trên nhiều phương diện. Thạp đồng có thể so sánh với những chiếc trống đồng về kích thước, hoa văn trang trí cùng những giá trị về tinh thần, tín ngưỡng của người Đông Sơn xưa giữ lại mãi về sau. Hình tượng bốn con thuyền chở chiến binh với vũ khí, mái chèo đang lướt sóng trên thạp đã chứng minh trình độ phát triển cao trong kỹ thuật đóng tàu thuyền của cư dân Đông Sơn. Căn cứ vào hình tượng đó, thuyền của người Đông Sơn không chỉ đỉ trên sông, mà đã có thể chinh phục được biển lớn. Các chiến thuyền có cấu trúc hai tầng, có khoang hầm và lâu thuyền (trừ thuyền tải lương ở vị trí số 03). Đây là những hĩnh ảnh sống động nhất để chúng ta có thể hình dung về đất nước Việt cổ thời Đông Sơn. Thạp đồng Đông Sơn và cùng với chúng là trống đồng Đông Sơn xứng danh là biểu tượng văn hóa của người Việt, của dân tộc Việt Nam. Đó là cặp đôi đối trọng với Đỉnh - Lịch của Trung Nguyên. Phân bố: Nếu như trống đồng Đông Sơn được phát hiện nhiều ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á, thì những thạp đồng hiện biết, phần lớn phát hiện ở Việt Nam. Thạp thường tập trung ở các lưu vực các sông lớn như sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Cho đến nay, ở Việt Nam, đã thống kê được trên 280 thạp đồng. Đây chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng, khi nhiều thạp đồng còn nằm trong các sưu tập tư nhân, dưới lòng đất và những thạp nhỏ "minh khí" chôn theo người chết chưa nằm trong con số thống kê này. Trong khi ấy, mới chỉ có 26 thạp đồng được tìm thấy ở nam Trung Quốc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, những chiếc thạp ấy là sản phẩm của Văn hóa Đông Sơn được trao đổi đến vùng đất ấy lúc đương thời. Một số hình ảnh về Thạp đồng Kính Hoa II.
3. Sưu tập đàn đá Khánh Sơn, niên đại: Khoảng 2.500 - 3.000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hoà. Bộ sưu tập đàn đá Khánh Sơn gồm 2 bộ có ký hiệu A và B với 12 thanh kích thước khác nhau, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hoà. Hai bộ đàn đá Khánh Sơn nêu trên được gia đình ông Bo Bo Ren (dân tộc Raglai ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) tìm thấy ở núi Dốc Gạo và cất giữ nhiều năm. Đến năm 1978, gia đình ông Bo Bo Ren đã bàn giao lại 2 bộ đàn đá này cho chính quyền địa phương và phối hợp tìm kiếm đủ 12 thanh trong 2 bộ đàn đó. Sau đó một năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã giao hai bộ đàn đá này cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Âm nhạc, Chủ tịch Hội đồng khoa học đàn đá Khánh Sơn. Sau khi tiếp nhận, ngày 12/9/1979, Bộ Văn hóa và Thông tin đã tổ chức lễ công bố về kết quả sưu tầm, nghiên cứu đàn đá Khánh Sơn. Được biết 2 bộ đàn đá trên có niên đại hàng ngàn năm, là hiện vật đặc trưng gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Khánh Hòa. Đây là một giá trị văn hóa tốt đẹp, giá trị tâm linh của người dân, đặc biệt là việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Raglai tại vùng đất Nam Trung Bộ-Tây Nguyên. Xưa kia, đàn đá dùng để xua đuổi muông thú và còn là nhạc cụ, nhạc khí được dùng trong các lễ hội văn hóa của người đồng bào Raglai, gắn bó với đời sống của người dân. 4. Bình đồng Đông Sơn (An Biên), niên đại: Văn hóa Đông Sơn, Thế kỷ II - I trước sau Công nguyên; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng. Bình đồng Đông Sơn có niên đại thế kỷ thứ 2-1 trước, sau Công nguyên, được đúc với khối hình lớn, cao 53 cm, đường kính miệng 15, 7 cm, thân 37 cm, chân đế 34 cm, trọng lượng 7, 5 kg. Bình là tác phẩm nghệ thuật mang giá trị tiêu biểu của kỹ nghệ đúc đồng và trang trí điển hình của người Việt cổ trên đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn. Với lối đúc rỗng chân đế cùng đường nét hoa văn liền mạch, khúc chiết đã tạo nên điểm độc đáo và mỹ cảm chiều sâu cho bảo vật. Ông Trần Đình Thăng (Tổng thư ký Hội cổ vật Hải Phòng, chủ nhân bộ Sưu tập An Biên) cho biết đây là chiếc bình độc nhất vô nhị tới nay được tìm thấy trong nước và quốc tế. 5. Trống đồng Sao Vàng, niên đại: Văn hóa Đông Sơn (khoảng 2.000 năm cách ngày nay) ; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trống Sao Vàng được phát hiện trong lòng đất khu vực sân bay Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) sưu tầm năm 2006. Trống Sao Vàng có niên đại thế kỷ I - II trước Công nguyên, chiều cao 86 cm, đường kính mặt 116 cm, tình trạng còn khá nguyên vẹn. Mặt trống được đúc liền, trên có gắn 4 tượng cóc. Chính giữa mặt trống trang trí đúc nổi mặt trời 12 tia, xung quanh khắc chìm 11 vành hoa văn gồm các loại: Hình học, hình tròn kép có chấm giữa, nhà sàn mái cong, nhà sàn mái tròn, chim mỏ ngắn, chim mỏ dài.. Tang trống trang trí hoa văn hình học, hình thuyền, trên thuyền là hình người hóa trang lông chim cách điệu, giữa các thuyền có hình chim, cá, hươu.. Lưng trống hình trụ đứng, trang trí hoa văn hình học, hình người hóa trang cách điệu.. Chân trống hơi choãi, để trơn không trang trí. Điểm đặc biệt của hoa văn trang trí trên trống đồng Sao Vàng là ngoài những hoa văn thường gặp, còn có những họa tiết như: Hình người hóa trang lông chim, hình nhà sàn, vành chim mỏ ngắn ít hoặc chưa gặp trên những trống Đông Sơn ở Việt Nam nhưng lại thường gặp trên những trống khác trong khu vực ở Indonesia, Lào.. Qua đó thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa các vùng, khu vực với nhau.
6. Sưu tập vàng lá Châu Thành, Trà Vinh, niên đại: Văn hóa Óc Eo giai đoạn muộn: Thế kỷ VII - IX; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh. Bộ sưu tập được phát hiện tại di tích Chùa Lò Gạch (ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành) trong cuộc khai quật khảo cổ học diễn ra vào năm 2014, gồm 9 hiện vật là những lá vàng dát mỏng được chế tác bằng kỹ thuật khắc - miết, kỹ thuật gò - tán trên bề mặt những lá vàng. Ở góc độ khoa học, nghệ thuật, bộ "Sưu tập vàng lá Châu Thành, Trà Vinh" là một cứ liệu lịch sử quan trọng trong nghiên cứu, nhận thức về văn hóa Óc Eo cũng như lịch sử hình thành - phát triển của vùng đất Nam Bộ cũng như lịch sử - văn hóa - tôn giáo, mối quan hệ - giao lưu văn hóa giữa các di tích trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Nam Bộ. 7. Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1, niên đại: Thế kỷ VII - VIII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Đây là bức chạm khắc trang trí trên vòm cửa của tháp Mỹ Sơn E1, được đưa về bảo tàng năm 1935. Nội dung bức chạm là một chủ đề quen thuộc trong thần thoại Ấn Độ, truyền thuyết về sự hình thành vũ trụ của người Ấn Độ cổ xưa. Bức chạm minh họa thần Visnu nằm trên biển vũ trụ mênh mông đen tối, được nâng đỡ bởi rắn thần Shesha 7 đầu, tay phải thần đỡ dưới đầu, tay trái giữ chặt cuống sen mọc ra từ rốn, trên đài sen thần Brahma ra đời trong tư thế thiền định và sau đó thần Brahma sáng tạo ra thế giới. Phía chân thần Visnu là hình ảnh một vị đạo sĩ đang chúc phúc cho cho cuộc đản sinh. Trong nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ, ở vị trí này thường là hình ảnh của nữ thần Laksmi – vợ của Visnu. Hai đầu bức phù điêu là hai chim thần Garuda mình người chân chim, hình tượng Garuda này rất phổ biến trong nghệ thuật Môn – Dvaravati ở Thái Lan. Hiện phòng Quảng Ngãi cũng đang trưng bày một tác phẩm cùng chủ đề (kí hiệu [BTC 164] ). 8. Tượng Shiva Mỹ Sơn C1, niên đại: Thế kỷ VIII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Đây là tượng làm bằng chất liệu sa thạch, được tìm thấy trong tháp Mỹ Sơn C1 năm 1903 trong tình trạng không nguyên vẹn. Phần đầu và đôi cẳng chân từ đầu gối trở xuống bị gãy nay được gắn lại bằng xi măng. Theo Henri Parmentier đây là hình ảnh khất thực của thần Siva do ông căn cứ vào hình dáng, trang phục và đặc biệt là hai cánh tay đưa ra phía trước của bức tượng (nay đã bị gãy mất). Tuy nhiên, người Chăm có tục thờ Thần – Vua, có khả năng đây là chân dung Thần – Vua xuất hiện cuối thế kỷ 8 đầu thế kỷ 9, là loại tác phẩm rất hiếm trong nghệ thuật điêu khắc Chăm. Khi nào tế lễ người ta mới đeo đồ trang sức vào cho tượng thần, đồ trang sức thường là khuyên tai, vòng cổ và vòng tay (tác phẩm là hiện vật duy nhất hiện nay tìm thấy mà tai tượng được đục lỗ). Vào đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ Pháp đã tìm thấy bộ đồ trang sức của tượng thần ở trong tháp Mỹ Sơn C7, gần bên tháp C1 – nơi đặt bức tượng. Bộ trang sức bằng kim loại màu vàng này cân nặng 1, 5 kg. Có khả năng đây chính là bộ trang sức được sử dụng để trang điểm cho tượng thần khi tế lễ. Hiện nay ở khu di tích Mỹ Sơn cũng trưng bày một tác phẩm điêu khắc cùng thể loại.