Dàn ý và bài nghị luận giải thích Mùa xuân là tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 8 Tháng tám 2021.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Giải thích "Mùa xuân là tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân"

    1, Dàn ý

    A) MB: Dẫn dắt câu tục ngữ và nêu lợi ích chung lớn n nhất của cây xanh

    B) TB:

    - Giải thích ý nghĩa của từ "xuân" 1.

    - Giải thích ý nghĩa của từ "tết trồng cây"

    - Giải thích ý nghĩa của từ "xuân" 2

    - Những lợi ích và vai trò của cây xanh.

    - Thực trạng môi trường hiện nay của nước ta và vai trò thiết yếu của cây xanh.

    - Tích cực trồng cây để làm gì?

    - Những việc thết thực cần làm để đem lại mùa xuân cho đất nước.

    C) KB: Khẳng định vai trò, ý nghĩa của cây xanh và việc trồng cây, sức sống của lời khuyên răn giản dị, mộc mạc, thiết thực của Bác. Liên hệ bản thân.

    2, Bài văn

    [​IMG]

    Con người vẫn luôn nằm trong chiếc nôi xanh của cây cối. Cây xanh chính là nguồn cội của sự sống, là máy điều hòa khí hậu vĩ đại. Trồng cây cũng cần thiết như trồng người, bảo vệ môi trường là nền tảng để phát triển kinh tế. Cây xanh góp vai trò to lớn trong sự sống, là dòng chảy tươi mát bất tận cho lá phổi và tâm hồn. Có lẽ vì những ích lợi của cây xanh nên Bác Hồ đã dành đôi lời khuyên nhủ đến thế hệ con cháu đời sau:

    "Mùa xuân là tết trồng cây

    Làm cho đất nước càng ngày càng xuân".

    [​IMG]

    Qua hai câu thơ trên, Bác đã chỉ dạy cho chúng ta về lợi ích, và tầm quan trọng của việc trồng cây. Điều đó được thể hiện qua không khí thơ, nhịp thơ và nguyện vọng của tác giả. Rõ nhất là qua "tết trồng cây" và hai từ xuân. Từ "xuân" thứ nhất như khắc họa một khung cảnh đất trời căng tràn sức sống, ấm áp nhộn nhịp. Ấy là báo hiệu một mùa xuân tươi mới, báo hiệu mưa thuận gió hòa, vạn vật khôi phục sinh khí, trăm hoa đua nở thắm tươi, cây cối đâm chồi nảy lộc. Ấy là Xuân sinh, xuân mãn càn khôn.

    [​IMG]

    Đây cũng chính là thời điểm lí tưởng để "trồng cây". Xuân đến, Tết về. Con người tạm biệt mùa đông lạnh lẽo của năm cũ, đón chào không khí hửng vàng ấm áp của năm mới, nghênh đón một khởi đầu tốt đẹp, vạn sự như ý, cả năm an yên. Ba tháng đông đã ấp ủ mầm giống, để giờ đây đất nứt ra men say nồng, để cô Xuân phủ lên một tầng xanh mướt tốt tươi. Cây con nhú mầm, gieo vào lòng người một hy vọng. Tết trở nên ý nghĩa và trẻ trung hơn bởi những mầm non đang không ngừng giao động, lớn lên. Tục ngữ có câu "Nhất niên chi kế, thi ư xuân" (Suốt năm kế hoạch, định từ mùa xuân). Nhà nhà đoàn tụ sum vầy, không chỉ hưởng thụ hạnh phúc khoái lạc của mùa xuân, mà còn bàn định đến mơ ước, dự định những kế hoạch cho tương lai. Và trồng cây cũng nằm trong số đó. Nó không chỉ trở thành phạm vi hoạt động kinh tế của mỗi gia đình mà còn là khởi đầu của sự sống, của niềm vui, sự háo hức. Tâm thế "Vui như Tết" được lan tỏa, khí thế trồng cây cũng sôi động, phấn khởi, từ cụ già đến thanh thiếu niên đều chuẩn bị cho mình một việc làm đẹp đẽ để khai xuân, khai tinh thần, từ đó hăng hái thi đua lao động sản xuất khi lịch mới thay chương. Văn hóa ấy, truyền thống tinh thần ấy đã có tự lâu đời. Đó là vẻ đẹp của tâm hồn người Việt ấm áp, thanh thuần nhưng tinh tế, là vẻ đẹp trong sáng của "Tết trồng cây".

    Và cũng từ đó, mùa xuân của đất trời dần kết tụ, trở thành mùa xuân của đất nước. Ấy là nhờ những mầm non nhú lên thành cây con, sinh trưởng thành cây xanh, thành sự sống. Từ "xuân" thứ hai là nghĩa chuyển, hình ảnh ẩn dụ, mở ra một đất nước xanh tươi, đẹp giàu, phát triển. Màu xanh của lá cây - biểu tượng của mùa xuân, dần thành màu xanh của nước và núi, bao phủ toàn bộ đất trời. Vậy là những cây xanh đã mang đến cho đất nước một vẻ đẹp trẻ trung, năng động, trong lành và hưng thịnh. Núi cao có bóng cây sừng sững, nước chảy có bóng lá lững lờ trôi, đều là phong cảnh yên tĩnh, là sự tinh tế của màu xanh. Đó là vẻ đẹp, vậy còn giá trị mà những cây xanh mang lại cho cuộc sống con người, cho đất nước ta là gì?

    [​IMG]

    Thứ nhất, cây xanh cung cấp dưỡng khí cho con người, là bình oxi tươi, là nhân viên vệ sinh môi trường không khí nhiệt huyết, tận tình. Chúng luôn cố gắng ngày đêm đem lại cho con người một bầu không khí trong lành, duy trì sự sống. Cây xanh thổi hồn tươi mát cho không gian, giữ ẩm rất tốt và tích cực chiến đấu loại bỏ những chất gây dị ứng, hấp thụ chất ô nhiễm hoành hành tự do, loại trừ tác hại của sóng điện từ. Vậy mới nói bảo vệ cây xanh là bảo vệ một máy lọc cao cấp, thân thiện, một tấm khiên chắc chắn âm thầm, và quan trọng hơn là bảo vệ hơi thở của chính chúng ta.

    [​IMG]

    Thứ hai, cây cối nói chung là nguồn gỗ, hoa quả, dược liệu quý giá, phục vụ phát triển các ngành công nghiệp. Chúng là nguồn sinh kế của hàng triệu người dân gắn liền với rừng. Những người dân lam lũ ấy luôn cầu thời tiết thuận lợi, trông ngóng, gửi gắm hết hy vọng vào những loài cây. Cây xanh như một người bạn đặc biệt quan trọng của họ. Dường như có một sợi dây vô hình nào đó mang tên sự sống gắn kết cây và người với nhau.

    Thứ ba, cây xanh còn mang lại cảm giác bình yên, thanh thản nơi tâm hồn. Nhựa sống trong cây thắp lên nhựa sống trong thân thể, làm con người như trẻ ra, khỏe ra, đem lại sảng khoái bất tận. Mùa hè ngồi dưới bòng cây xanh vừa mát mẻ lại tĩnh lặng, thanh bình, xua đi mọi lo lắng, nóng bức, buồn phiền. Con người khi tìm về với thiên nhiên sẽ luôn nhận được những cái ôm ấm áp, nhẹ nhàng, như được thư giản, thả lỏng, tự do, được chữa lành và an ủi. Mẹ thiên nhiên bình đẳng với tất cả, anh chị cây xanh cũng hiền hòa với những đứa em nhân loại của mình. Những mầm non cũng vậy, dùng sự mơm mởn, hiếu nghĩa hiếu tình mà lớn lên. Thế giới của thiên nhiên và con người từ đầu đã luôn gắn chặt vào nhau, cùng nhau tồn tại. Con người mất đi thiên nhiên như mất đi hơi thở, sự sống, mất đi một phần máu thịt, sống mà như trôi dạt giữa một sa mạc đìu hiu lạnh giá, xác xơ lụi tàn.

    [​IMG]

    Lời khuyên của Bác ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết khi ta nhận ra tình hình hiện nay. Các cây xanh tại vùng đô thị đang ngày càng bị thu hẹp, hạ đốn, xua đuổi, nhường chỗ cho những lầu cao biệt thự, siêu thị cửa hàng. Cây xanh dần dần biến mất do nhu cầu của con người về cư trú, xây dựng nhà máy xí nghiệp, phát triển công nghiệp kĩ thuật, làm nương rẫy. Con người với lòng tham không đáy và sự vô trách nhiệm của mình, đã từng chút từng chút một kéo dài khoảng cách với mẹ thiên nhiên, với anh chị cây xanh, với những bé mầm non mới nhú. Thế giới của con người phần lớn là vì những lợi ích trước mắt. Con người vẫn nhận những bão lũ, những thiên tai xói lở lụt lội, vẫn than vãn mà không biết khắc phục triệt để. Con người để cây xanh gào thét trong đám cháy, để thú rừng sống không chỗ ở chết không chỗ chôn, để mẹ thiên nhiên bị thương tổn nặng nề. Thưa thớt dần những cây xanh, cây con, vắng bóng dần những cây cổ thụ. Thay vào đó là môt vùng hoang hóa, xói mòn nghiêm trọng. Tấm khiên ngăn lũ rậm tạp vững chắc ngày này đã dần yếu ớt, mỏng manh, gầy guộc.

    Có thể thấy, những năm gần đây, nước Việt Nam ta đã đổi mới, sự tăng trưởng kinh tế có khá lên, nhưng môi trường sinh thái có lúc, có nơi vẫn chưa được bảo đảm như mong muốn. "Vẫn biết tinh thần chung của Đảng và Nhà nước ta là không đánh đổi môi trường sinh thái, không đánh đổi văn hóa để lấy kinh tế, nhưng xem ra vấn đề này vẫn còn đang ở phía trước". Nhiều địa bàn trong nước vẫn chưa giải quyết, xử lí thỏa đáng về vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng với ý thức, cách hành xử và các biện pháp khắc phục. Nhiều nơi đã phát động phong trào trồng cây, nâng cao ý thức, bảo vệ và chăm sóc cây xanh nhưng vẫn mang tính hình thức, rời rạc.

    [​IMG]

    Còn nhớ, tháng 11-1959, Bác Hồ phát động "Tết trồng cây" để chào mừng Ngày thành lập Ðảng ta. "Tất cả nhân dân mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt. Đó là một phong trào rất tốt." Bác phát động Tết trồng cây trong toàn dân khi nước nhà chưa được thống nhất, cho nên Bác kêu gọi nhân dân miền bắc "Ta trồng cây cho ta và cho cả miền nam nữa". Vậy là Tết trồng cây 1959 ấy dành cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Còn bây giờ, những người con của Việt Nam lại tiếp nối truyền thống tốt đẹp ấy, giữ gìn môi trường thiên nhiên, để những "Tết trồng cây" sau này dành cho sự nghiệp phát triển đất nước. "Nếu làm đúng được điều Bác dạy, mỗi người Việt Nam (trừ các cháu bé) trồng một cây và chăm sóc tốt (ngoài kế hoạch trồng cây gây rừng của Nhà nước), thì mỗi năm đất nước Việt Nam sẽ có vài chục triệu cây". Vậy thì tại sao chúng ta không tích cực trồng cây, phủ xanh đất trống, góp phần đắc lực làm rạng rỡ mùa xuân của đất nước như lời Bác dạy?

    [​IMG]

    "Một năm bắt đầu từ mùa Xuân, đời người bắt đầu từ tuổi trẻ". Bác Hồ đã bảo mọi người hãy thực hiện việc trồng cây vào đầu năm, để gợi nhớ cho mỗi chúng ta về sự chăm chút lo toan tới đạo lý sống trồng cây để trồng người. Trong lần kỷ niệm sinh nhật thứ 56 của mình, Bác đã tặng các đại biểu thiếu nhi thủ đô một cây bách trồng trong chậu và nói: "Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau, cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán. Các cháu về chăm nom cho cây nhớn, cây tốt, thế là các cháu yêu Bác lắm đấy". Có thể thấy, Bác luôn quan tâm tới việc trồng cây để gieo mầm cho sự sống đời sau. Bác là tấm gương sáng trong việc chăm lo cho môi trường sống. Bác yêu thiên nhiên mãnh liệt. Bác hay trồng cây ở những nơi đến thăm, trồng thật chứ không trồng biểu diễn để quay phim, chụp hình. Bác hỏi kỹ những chuyên gia lâm nghiệp về việc đến thăm ở đâu thì nên trồng cây gì. Cây Bác hay trồng nơi công cộng thường là cây đa vì nó sống lâu, tán lá rộng tỏa nhiều bóng mát, không có sâu, rễ sum suê. Bác trồng cây nhỏ thôi chứ không phải cây đã già và đặc biệt chú ý thực hiện phương châm trồng cây gì tốt cây đó. Đó là những việc làm tốt đẹp và tâm huyết mà con cháu đời sau nên noi theo.

    [​IMG]

    "Vui Tết trồng cây, nơi nơi phấn khởi, người người thi đua". Những việc làm gieo mầm non tuy đơn giản, ý nghĩa nhưng mang lại nguồn lợi rất lớn về kinh tế và môi trường. Ngày tết xuân có bao nhiêu việc hay, như xông đất, mua muối, đi lễ chùa, chúc tết, nhận lì xì.. nhưng trồng cây là thiết thực, thực tế và đem lại nhiều lợi ích cả về vật chất lẫn tinh thần. Lời dặn của Bác tuy mộc mạc, ngắn gọn, giản dị, bình dân nhưng trong sáng, sâu sắc, dễ hiểu, dễ làm. Và đặc biệt, đặt vào tình hình nước ta thời ấy, thời nay và cả tương lai, đặt vào sự phát triển của loài người, ta thêm thấm nhuần tư tưởng, nguyện vọng của Bác. Bác đã nắm được gốc rễ, nền tảng của sự sống vật chất, của kinh tế môi trường. "Mùa xuân là Tết trồng cây". Tuy xuân mỗi năm mới đến một lần nhưng sắc xanh và dư vị của mùa xuân vẫn mãi ấp ủ trong tâm hồn người. Xuân đất trời qua nhưng tết trồng cây hãy còn mãi. Hãy luôn gieo mầm bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và chăm sóc tốt cho những cây xanh của bạn, để cho cuộc sống trẻ trung bất diệt, "để cho đất nước càng ngày càng xuân."

    [​IMG]
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...