DÀN Ý PHÂN TÍCH BÀI THƠ "MẠN THUẬT 4" CỦA NGUYỄN TRÃI (CÓ BÀI PHÂN TÍCH CHI TIẾT BÊN DƯỚI) 1. MỞ BÀI Giới thiệu tác phẩm "Mạn thuật 4" của Nguyễn Trãi. Khái quát được vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ trước thiên nhiên và trăn trở với thói đen bạc của lòng người. Trích thơ: "Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay, Trong thế giới phút chim bay. Non cao non thấp mây thuộc, Cây cứng cây mềm gió hay. Nước mấy trăm thu còn vậy, Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn nay. Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết, Bui một lòng người cực hiểm thay." 2. THÂN BÀI a. Niềm vui dạo chơi với thiên nhiên trong tâm thế ung dung, nhàn hạ của người ẩn sĩ: "Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay, Trong thế giới phút chim bay." Bắt đầu thơ bằng 2 câu lục ngôn với nhịp thơ 4/2 và 3/3 Đảo ngữ từ láy 'đủng đỉnh' (đủng đỉnh chỉ sự nhàn rỗi, ung dung, thảnh thơi) => Nhấn mạnh tâm thế ung dung, thảnh thơ khi dạo bước giữa trời đất, 'thế giới phút chim bay'. => 2 câu thơ mang đậm chất trữ tình mà qua đó ta thấy được Nguyễn Trãi không chỉ là một vĩ nhân mà còn là một con người, yêu tình yêu của con người, cụ thể là thiên nhiên. b. Trong cuộc dạo chơi ấy, Nguyễn Trãi tìm thấy những chiêm nghiệm về tự nhiên rất sâu sắc: "Non cao non thấp mây thuộc, Cây cứng cây mềm gió hay." Núi cao, núi thấp là chuyện mà mây luôn quen thuộc, hiểu rõ Cây cứng hay mềm gió đều cảm nhận được => Dùng chuyện của thiên nhiên để ám chỉ ông là một con người thông thái khi tường tận sự vật, hiện tượng trên đời. Tác giả là một người tự tin, dám khẳng định mình. c. Không phải tự nhiên mà ông lại tự tin như thế bởi Nguyễn Trãi đi từ hiểu sự vật, hiện tượng đến hiểu cả số phận đời người trước vạn vật: "Nước mấy trăm thu còn vậy, Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn nay." Nước trải qua mấy trăm năm vẫn là nước: Nước được con người sử dụng trong sinh hoạt Đất nước đi qua bao thăng trầm cũng vẫn là đất nước của dân tộc Và trăng đã chứng kiến tất cả hình ảnh đó bởi trăng luôn trường tồn theo thời gian, qua bao kiếp người => Vạn vật vĩnh hằng, bất biến duy chỉ có đời người vô thường, ngắn ngủi. => Triết lý sâu sắc đậm tính nhân văn được Nguyễn Trãi diễn giải chỉ trong 2 câu thơ, càng làm cho ta thêm ngưỡng mộ, khâm phục tài văn thơ của tác giả. d. Song, sang 2 câu thơ cuối ông lại cho ta thấy một tâm trạng chán chường: "Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết, Bui một lòng người cực hiểm thay." Thay đổi cấu trúc thơ từ lục ngôn sang thất ngôn để thể hiện sự thất vọng với bản thân và cả lòng người khi vốn dĩ mọi sự ông đều hiểu thấu cớ sao lòng người lại không cảm được? Lòng người hiểm độc thể nào mà Nguyễn Trãi lại ngao ngán như thế? Vì ông đã trải nghiệm cuộc sống rất nhiều, đi qua bao cuộc bể dâu Ông cảm thấy đời người ganh đua, mưu tính lẫn nhau chỉ mang lại tổn hại cho mình => Với Nguyễn Trãi, sống như thế rất vô nghĩa vì vốn dĩ chỉ có vạn vật trên đời là bất biến còn đời người thì chỉ có duy nhất, vì lý gì mà ta lại không trân trọng mà chỉ biết tổn hại nhau Chất trữ tình tiếp tục được thể hiện ở sự đau, sự ngán trước lòng người, đồng thời cho thấy tác giả cũng là một con người trần thế, không hoàn hảo mà từ đó thất vọng, buồn chán và khát khao sự hoàn hảo đó. e. Đánh giá nghệ thuật: Đan xen giữa chất triết lý và trữ tình nhưng vẫn có sự chặt chẽ, phù hợp tạo sự hài hòa cho thơ và thể hiện vẻ đẹp thanh cao, giản dị của nhà thơ. Sử dụng thể thơ Nôm Đường luật thất ngôn xen lục ngôn, mở đường cho thể thơ mới của dân tộc Ngôn ngữ trong sáng, bình dị, một đặc trưng ở thơ Nguyễn Trãi 3. KẾT BÀI Khẳng định nội dung của "Mạn thuật 4" từ đó ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi, liên hệ bài học cho bản thân. Các bạn có thể đọc bài phân tích bên dưới
Các bạn có thể xem dàn ý tại đây . Nguyễn Năng Tĩnh đã mở đầu lời tựa "Ức Trai thi tập" bằng nhận định: "Phàm người đã có tài, có đức, thì động làm là nên sự nghiệp, động nói là thành văn chương." Văn chương trác tuyệt của Nguyễn Trãi đã khẳng định lời bình trên là hoàn toàn đúng đắn. Thơ ông bình dị, đời thường nhưng chất chứa tình yêu thiên nhiên, đất nước cùng với đó là sự suy tư thế thái nhân tình, yêu cái đẹp của đời và cũng đau vì sự đời bẽ bàng. "Mạn thuật 4" trong tập thơ "Quốc âm thi tập" của Nguyễn Trãi là một bài thơ như thế. Ở "Mạn thuật 4", ta không chỉ bắt gặp hình ảnh một Nguyễn Trãi hòa mình vào đất trời với tình yêu tha thiết mà còn thấy được nỗi trăn trở với lòng người: "Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay, Trong thế giới phút chim bay. Non cao non thấp mây thuộc, Cây cứng cây mềm gió hay. Nước mấy trăm thu còn vậy, Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn nay. Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết, Bui một lòng người cực hiểm thay." Nguyễn Trãi (1380-1442), tự Ức Trai, vốn là một vị anh hùng dân tộc kiêt xuất nhưng do mâu thuẫn chốn trường, ông đã từ quan về quê ở ẩn (Côn Sơn). Ngoài ra, ông còn là nhà văn, nhà thơ tài năng với các tác phẩm giá trị như: "Lam Sơn thực lực", "Dư địa chí", "Ức Trai thi tập".. Đặc biệt nhất là tập thơ "Quốc âm thi tập" đánh dấu sự phát triển của thơ ca tiếng Việt. "Mạn thuật 4" trích trong tập thơ trên và được nhà thơ viết vào khoảng thời gian ông sống ẩn tại quê nhà. Ngay từ 2 câu đầu tiên của "Mạn thuật 4", tác giả cho chúng ta thấy niềm vui thú với thiên nhiên của mình: "Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay, Trong thế giới phút chim bay." Hai câu thơ lục ngôn đậm chất trữ tình cùng đảo ngữ từ "đủng đỉnh" đã nhấn mạnh tâm thế nhàn hạ, thảnh thơi dạo chơi trong buổi chiều hôm giữa đất trời. Từ "đủng đỉnh" còn ám chỉ sự nhàn, là thời gian sống ngoài cõi trần, không màng danh lợi, tâm tự do, tự tại. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là một người sống nhàn như thế: "Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ Người khôn người đến chốn lao xao." (Nhàn) Trần Đình Sử viết rằng: "Nhà thơ trung đại thích nhàn tản, vì trong nhàn tản họ bắt gặp tự nhiên, mà tự nhiên tức là đạo." Điều này quả đúng với Nguyễn Trãi. Nhờ ung dung dạo bước giữa đất trời trong thời nhàn của ông, tác giả đã có những chiêm nghiệm về tự nhiên đầy triết lý với một tâm thế đầy tự tin: Non cao non thấp mây thuộc, Cây cứng cây mềm gió hay. "Non cao non thấp" đối "Cây cứng cây mềm" và "mây thuộc" đối "gió hay" tạo nên sự cân đối, hài hòa cho đoạn thơ. Ở 2 câu thực, bằng phép đối và nhịp thơ 4/2, tác giả nhằm muốn nhấn mạnh sự vật, sự việc ngoài kia ông đều thấu hiểu được. Mây ở trên trời, tất cả núi đều ở dưới tầm mắt của mây, thế nên ngọn núi đó cao hay thấp, chẳng phải mây đã quan sát tường tận rồi sao? Trở về với đất, ta lại nghe tác giả kể chuyện cây cứng hay mềm, nhưng chuyện ấy làm sao giấu được gió? Chỉ một cơn gió thổi qua thì gió đã có thể biết ngay. Như vậy, sự thật là tác giả mượn thiên nhiên, cốt chỉ để nói rằng vạn vật trên đời chẳng có gì qua được mắt ông. Bởi lẽ, một con người yêu thiên nhiên dào dạt và có trải nghiệm cuộc sống phong phú như tác giả thì vạn vật trên đời đã quá thân thuộc với ông, sự quen thuộc đó từ từ chuyển sang thấu hiểu vạn vật. Nước mấy trăm thu còn vậy, Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn nay. Sang 2 câu luận lục ngôn, vẫn phép đối nhưng dụng ý của tác giả là nhấn mạnh vạn vật bất biến, vĩnh hằng, luôn luôn trường tồn với thời gian. Nước được tác giả nói đến là nước uống đồng thời là đất nước. Nước của từ đời xưa uống được, trải qua mấy trăm mùa thu nước vẫn là nước, ta vẫn uống, con người vẫn nương nhờ nước mà sống. Thứ nước này cùng với trăng đã chứng kiến một "nước" khác từ ngày khai sinh đến khi lớn lên và phát triển, suy thoái rồi tiếp tục lặp lại vòng tuần hoàn ấy. Mà đời người sống trên đất nước còn ngắn ngủi hơn, như một cơn gió thoáng qua còn đời của trăng, của nguồn nước lại dài vô tận, không có điểm dừng. Như vậy, kiếp người ngắn ngủi giữa vạn vật bất biến. Chỉ trong 2 câu thơ luận, tác giả đã diễn giải một triết lý đầy sâu sắc, giàu sức thuyết phục. Tài văn chương của Nguyễn Trãi thật xuất sắc biết bao. Đến với 2 câu kết, ta vấn hình ảnh một Nguyễn Trãi triết lý nhưng gần gũi hơn bao giờ hết: "Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết, Bui một lòng người cực hiểm thay." Tác giả đã kết thúc bài thơ bằng 2 câu thơ thất ngôn, cách biến đổi cấu trúc câu này như một tiếng thở dài thất vọng cho một người dù tự biết mình thông tuệ, am hiểu mọi chốn, mọi vật trên đời mà chỉ riêng mỗi một điều làm ông phải canh cánh, bất lực: "Bui một lòng người cực hiểm thay". Rốt cuộc, lòng người khó lường, sâu, rộng, biến đổi đến dường nào mà Nguyễn Trãi phải đau đáu như thế? Đó là lòng của người khiến tác giả phải e ngại lui về sống ẩn dật, là lòng người sâu bí hiểm này đã đẩy Nguyễn Trãi vào cảnh "triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải". Và khi đi bao cuộc bể dâu, ông nhận ra đời người rất ngắn ngủi trước vạn vật trường tồn vĩnh hằng, ông lại thêm nỗi ngao ngán với lòng người đổi thay, tổn thương nhau dù cuộc đời này chỉ vỏn vẹn bảy tám mươi năm: "Làm chi pháo phúc lòng nhau bấy, Lắm nhân sinh bảy tám mươi." (Bảo kính cảnh giới 11, Nguyễn Trãi) Với tác giả, cuộc sống bon chen, ganh đua, bỏ công sức vào những việc vặt vãnh chỉ khiến cho cuộc sống trở nên vô nghĩa. Bởi cuộc đời chỉ có một thì hà cớ chi ta lại mưu toan, tính toán mà không "Hãy năng tích đức để cho con" (Bảo kính cảnh giới 22, nguyễn trãi). Đọc "Mạn thuật 4", ta lại càng kính trọng nhân cách cao đẹp của Nguyễn Trãi mà vua Lê Thánh Tông từng ca ngợi: "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo". Bài thơ vừa thể hiện sâu sắc cốt cách thanh cao, gần gũi với thiên nhiên vừa là những bài học sâu cay đầy triết lý. Đó là bài học đối nhân xử thế với lòng người mà đến tận nay, điều đó vẫn đúng trong thế hệ chúng ta. Bởi lẽ thế, qua "Mạn thuật 4", chúng ta càng nên trân trọng cuộc sống này, chớ vì ích kỷ, ganh ghét mà hủy hoại lẫn nhau.