Dàn ý - Phân tích bài thơ Đường Luật đầy đủ ý nhất: Thu Điếu - Nguyễn Khuyến

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cute pikachu, 27 Tháng mười 2023.

  1. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    Dàn Ý - Phân Tích Bài Thơ Đường Luật Đầy Đủ Ý Nhất

    Dàn ý

    I. Mở bài

    - Tác giả: Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam.

    - Giới thiệu bài thơ: Trong đó, "Thu điếu" là bài thơ tiêu biểu nhất tái hiện thiên nhiên, làng cảnh mùa thu ở làng quê vùng Bắc bộ đồng thời bày tỏ niềm ưu tư của một trí thức nghèo trước thời thế.

    II. Thân bài

    1. Khái quát chung:

    - Bài thơ nằm trong chùm ba bài thơ thu đặc trưng cho quê hương làng cảnh Việt Nam, được đánh giá là "nức danh" của thơ Nôm Nguyễn Khuyến. Bài thơ được viết vào thời gian sau khi nhà thơ đã từ quan về ở ẩn tại quê nhà. Bài thơ viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật đảm bảo luật, vần chặt chẽ mà vẫn thể hiện được hồn thơ độc đáo của tác giả.

    [​IMG]

    2. Nội dung

    A. 2 câu đề:

    - Bài thơ mở đầu bằng một không gian quen thuộc chốn làng quê – trích thơ.

    - Trong tiết trời mùa thu se lạnh, mặt ao phẳng lặng, làn nước trong suốt, như có thể nhìn thấu đáy. Nổi bật trên mặt ao là một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

    - Cách sử dụng từ: Tính từ "bé" kết hợp từ láy "tẻo teo" không chỉ nhấn mạnh sự bé nhỏ của con thuyền mà còn gợi ra cảm giác buồn bã, cô đơn trong lòng người.

    B. 2 câu thực

    - Bức tranh mùa thu tiếp tục được khắc họa qua những nét vẽ đặc trưng – trích thơ.

    - Đó là hình ảnh của làn sóng nhỏ gợn lăn tăn mặt ao và hình ảnh lá vàng rời cành khẽ đưa vèo trong gió.

    - Nhận xét cách dùng từ: Các cụm từ "hơi gợn tí", "khẽ đưa vèo" thể hiện những chuyển động rất khẽ, rất nhẹ. Câu thơ đã bộc lộ sự quan sát vô cùng tinh tế, tỉ mỉ của nhà thơ.

    C. 2 câu luận

    - Trong cảnh thu đẹp, tĩnh lặng là không gian vắng vẻ - trích thơ

    - Trên nền trời xanh ngắt là những tầng mây lơ lửng, không trôi theo gió mà ngưng đọng lại lưng chừng bầu trời.

    - Nhận xét cách dùng từ: Hình ảnh "tầng mây lơ lửng", "trời xanh ngắt" khắc họa sắc xanh đặc trưng của trời thu làng quê Bắc Bộ. Từ "quanh co" không chỉ gợi tả con ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo mà còn gợi cho người đọc liên tưởng đến những suy nghĩ không lối thoát của con người.

    D. 2 câu kết

    - Bóng dáng của người đi câu cá – trích thơ

    - Người đi câu hiện ra với tư thế nhàn tản: Tựa gối ôm cần.

    - Bình: Nhưng dường như người ngồi câu nhưng lại không chú tâm đến việc câu cá nên không buồn phiền về việc không được câu cá "lâu chẳng được". Mà người đi câu dường như đang suy nghĩ mông lung trong một tâm trạng cô đơn và lặng lẽ buồn nên thờ ơ cả việc "cá đâu đớp động dưới chân bèo".

    - Mở rộng, liên hệ: Đó chính là hình ảnh của tác giả một trong những ngày cáo chốn quan trường thị phi, thủ đoạn, lui về quê ở ẩn. Dù đi câu cá nhưng tâm trí ông vẫn ưu tư, suy nghĩ về sự đời, về đất nước.

    3. Nghệ thuật

    - "Thu điếu" là một bài thơ tả cảnh ngụ tình rất đặc sắc của Nguyễn Khuyến. Bài thơ sử dụng thể thơ bát cú Đường luật, nghệ thuật lấy động tả tĩnh, tả cảnh ngụ tình rất thành công. Nghệ thuật gieo vần "eo", các từ láy sử dụng độc đáo. Bài thơ vừa gợi ra không gian quê hương làng quê thân thuộc với mỗi người vừa giúp ta biết căng mở mọi giác quan để cảm nhận, yêu quý vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước.

    III. Kết bài

    - Tóm lại, "Thu điếu" là bài thơ điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam. Qua bài thơ, ta hiểu được tấm lòng yêu thiên nhiên, đất nước và tâm sự thời thế của tác giả.

    [​IMG]

    Bài Làm Tham Khảo

    (Bài viết Tập làm văn, môn Ngữ văn –Chủ đề phân tích thơ Đường)

    Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn của nền văn học trung đại Việt Nam. Các sáng tác của ông thường về đạo đức con người, người quân tử. Sau khi thấy thực tại rối ren, ông ở ẩn sáng tác các tác phẩm thể hiện sự hòa hợp với thiên nhiên thanh tịnh. Trong đó, "Thu điếu" là bài thơ tiêu biểu nhất tái hiện thiên nhiên, làng cảnh mùa thu ở làng quê vùng Bắc bộ đồng thời bày tỏ niềm tâm sự thời thế của một vị quan thanh liêm như ông.

    Bài thơ nằm trong chùm ba bài thơ thu đặc trưng cho quê hương làng cảnh Việt Nam, được đánh giá là "nức danh" của thơ Nôm Nguyễn Khuyến. Bài thơ được viết vào thời gian sau khi nhà thơ đã từ quan về ở ẩn tại quê nhà. "Câu cá mùa thu" chính là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Nguyễn Khuyến viết về đề tài mùa thu. Bài thơ được viết bằng chữ Nôm, theo thể thất ngôn bát cú Đường luật với bố cục bốn phần: Đề, thực, luận, kết đảm bảo luật, vần chặt chẽ mà vẫn thể hiện được hồn thơ độc đáo của tác giả.

    Bài thơ mở đầu bằng một không gian quen thuộc chốn làng quê:

    Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

    Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

    "Ao thu", "thuyền câu" – những hình ảnh quá đỗi thân thuộc với người dân vùng đồng bằng chiêm trũng Bắc Bộ. Từ điểm nhìn trước mặt là "ao thu", tác giả nhìn ra mặt ao, "thuyền câu" và không gian quanh ao. Trong tiết trời mùa thu se lạnh, mặt ao phẳng lặng, làn nước trong suốt, như có thể nhìn thấu đáy. Có lẽ, đã vào cuối thu nên không khí ao thu đã nhuốm hơi thở của tiết trời mùa đông và trở nên "lạnh lẽo". Từ láy "lạnh lẽo" vừa gợi ra tiết trời se lạnh lại vừa diễn tả tĩnh lặng của không gian. Nổi bật trên mặt ao là một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Tính từ "bé" kết hợp từ láy "tẻo teo", gieo vần "eo" không chỉ gợi tả sự bé nhỏ của con thuyền mà còn gợi ra cảm giác buồn bã, không khí lãnh lẽo, cô đơn trong lòng người. Đó cũng là rung cảm của tâm hồn thanh tĩnh, của nhà vị quan học rộng tài cao thanh liêm, buồn trước thời thế, đành phải cáo quan về ẩn.

    Đến hai câu thực, bức tranh mùa thu tiếp tục được khắc họa qua những nét vẽ đặc trưng, cụ thể hơn:

    Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

    Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

    Chỉ trong không gian thật tĩnh lặng thì con người mới nghe được những âm thanh rất nhỏ, rất khẽ ở xung quanh. Quả thật, nghệ thuật lấy động tả tĩnh được nhà thơ vận dụng rất tài tình. Tả chuyển động rất tinh tế, rất khẽ, rất nhẹ "hơi gợn tí" của sóng, "khẽ đưa vèo" của lá để tô đậm, làm nổi bật cái sự tĩnh lặng của mùa thu làng quê Việt Nam xưa. Điểm xuyến trong bức tranh thu tĩnh lặng ấy là làn sóng xanh nhỏ gợn lăn tăn mặt ao ; là lá vàng rời cành khẽ đưa vèo trong gió. Hai câu thơ đã tô đậm thêm vẻ trong trẻo, tĩnh lặng, nên thơ của bức tranh mùa thu để qua đó, người đọc cảm nhận được quan sát vô cùng tinh tế, tỉ mỉ cùng tình yêu thiên nhiên tha thiết của nhà thơ Nguyễn Khuyến.

    Trong cảnh thu đẹp là không gian tĩnh lặng, vắng vẻ, đượm buồn:

    "Tầng mây lơ lửng, trời xanh ngắt

    Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo"

    Có lẽ lúc này nhà thơ hướng tầm mắt lên cao để ngắm nhìn bầu trời cao rộng, xanh trong, thoáng đãng của làng quê thanh bình với những tầng mây không trôi theo gió mà lơ lửng, ngưng đọng lại lưng chừng trời.

    Hướng tầm mắt về gần hơn, dưới mặt đất, nhà thơ ngắm nhìn ngõ trúc quanh co vắng bóng người qua lại. Từ "quanh co" không chỉ gợi tả con ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo mà còn gợi cho người đọc liên tưởng đến những suy nghĩ không lối thoát của con người.

    Tới hai câu kết của bài thơ, người đọc mới thấy bóng dáng của người đi câu cá:

    Tựa gối ôm cần, lâu chẳng được

    Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

    Hai câu thơ cuối kết lại mạch cảm xúc, gợi ra lòng người thanh thản với tư thế thu mình ngồi đến lặng lẽ của một ngư ông "lánh đục về trong". Bởi thế nhan đề là "Câu cá mùa thu" nhưng người đi câu hiện ra với tư thế nhàn tản: Tựa gối ôm cần, để thưởng thức cảnh thu, để gửi gắm tâm sự. Nhưng dường như người ngồi câu nhưng lại không chú tâm đến việc câu cá nên không buồn phiền về việc không được câu cá "lâu chẳng được". Mà người đi câu dường như đang suy nghĩ mông lung trong một tâm trạng cô đơn và lặng lẽ buồn nên thờ ơ cả việc "cá đâu đớp động dưới chân bèo". Bức tranh mùa thu trong trẻo, man mác đượm buồn đó chính là tâm sự từ cõi lòng của thi nhân, là hình ảnh của tác

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
     
    saudz, Hạ Quỳnh LamLieuDuong thích bài này.
    Last edited by a moderator: 27 Tháng mười 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...