Dàn ý chi tiết phân tích nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi - Văn 9

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi pquanh, 26 Tháng một 2022.

  1. pquanh

    Bài viết:
    1
    Mở bài: Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm (dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp)

    Nếu dẫn gián tiếp có thể dẫn bằng câu thơ:

    Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

    Mà lòng phơi phới dậy tương lai.


    Dắt vào nội dung chính: Truyện ca ngợi vẻ đẹp của những cô thanh niên xung phong, nổi bật nhất là Phương Định. Họ tiêu biểu cho thế hệ thanh niên Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước.

    Thân bài:


    1. Tóm tắt: Truyện kể về ba cô thanh niên xung phong trinh sát mặt đường tên Nho, Thao và Phương Định. Họ sống trong một cái hang dưới chân cao điểm cách xa đơn vị. Nhiệm vụ hằng ngày của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp, đánh dấu bom chưa nổ và phá bom. Cuộc sống gian khổ, công việc nguy hiểm nhưng họ vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản mơ mộng. Mỗi người một cá tính nhưng họ rất gắn bó yêu thương nhau trong tình đồng đội. Trong một lần phá bom Nho bị thương được Phương Định và chị Thao săn sóc. Truyện khép lại bằng một cơn mưa đá gợi Phương Định nhớ về hình ảnh của quê nhà

    2. Phân tích nhân vật (Phương Định)

    *Lai lịch: Phương Định là cô gái Hà Nội vào chiến trường. Cô từng học trong một ngôi trường rất nổi tiếng ở Hà Nội và không khó để tìm cho mình một vị trí trên giảng đường đại học để có tương lai tươi sáng. Thế nhưng cô đã gác lại mọi ước mơ hoài bão của tuổi trẻ và chọn đi theo tiếng gọi của tổ quốc như lời Bác đã nói: "Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập." Lòng yêu nước ấy đã khiến cô hy sinh tuổi xuân bước vào chiến trường. Hành trang mang theo của cô gái nhỏ là những kỷ niệm hồn nhiên thời thiếu nữ bên mẹ trong căn gác nhỏ. Phải chăng những kỷ niệm ấy đã làm dịu mát tâm hồn Phương Định giữa sự ác liệt của bom đạn chiến trường.

    *Ngoại hình: Phương Định tự nhận xét mình là cô gái khá-nói khiêm tốn. Điều đó cho thấy rằng Phương Định rất đẹp (Hai bím tóc dày tương đối mềm, cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn, đôi mắt màu nâu hay nheo lại như chói nắng. Các anh lái xe thường bảo cô có cái nhìn sao mà xa xăm). Cô biết bản thân được nhiều người để ý và có tình cảm. Nhiều pháo thủ và lái xe hay hỏi thăm thậm chí viết thư đường dài mặc dù có thể gặp nhau hằng ngày.

    *Công việc: PĐ nằm trong ở tổ trinh sát mặt đường cùng với chị Thao và Nho. Nơi họ ở bị bom Mỹ đánh phá dữ dội, đường lở loét không có lá xanh, thân cây bị tước khô cháy, sự sống dường như bị hủy diệt. Công việc phá bom của họ cực kì nguy hiểm, họ bị bom vùi luôn và thường đùa gọi nhau là "những con quỷ mắt đen". Ngày phá bom 5 lần, ngày nào ít thì 3 lần, họ chạy trên cao điểm giữa ban ngày dưới cái nắng trên 30 độ và thần chết luôn luôn rình rập.

    *Phẩm chất:

    PĐ ít nói không hay biểu hiện tình cảm, cô tỏ ra kín đáo giữa đám đông tưởng chừng như là kiêu kì, đôi khi hay làm điệu, khoanh tay đứng nhìn nhưng trong suy nghĩ của cô "người đẹp nhất, thông minh can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ"

    PĐ rất nhạy cảm và hay mơ mộng, thích ngắm mình trong gương và vô cùng thích hát. Thuở nhỏ cô có thể ngồi lên thành cửa sổ của mình "hát say sưa ầm ĩ". Vào chiến trường PĐ cũng luôn hát, tuy không nhớ lời nhưng chị có thể bịa ra lời mà hát. PĐ hát vào những lúc "im lặng" -cái im lặng để chuẩn bị cho những đợt bom. PĐ hát động viên Nho, chị Thao và cả chính mình. Hát khi máy bay rít, bom nổ, hát trong không khí ngột ngạt khói bốc lên và cửa hang bị che lấp. Vào chiến trường, nếm trải bao thử thách hiểm nguy cận kề với cái chết nhưng không làm mất đi sự hồn nhiên trong sáng và mơ ước vào tương lai.

    PĐ là cô gái dũng cảm, sẵn sàng hy sinh không quản gian khổ hiểm nguy: + Cô dũng cảm ngay cả trong suy nghĩ của mình, mặc dù biết công việc cực kì nguy hiểm, ngày nào cũng đối mặt với thần chết. PĐ có nghĩ đến cái chết, một cái chết mờ nhạt, không cụ thể

    Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương

    Cho đoàn xe kịp giờ ra trận

    Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa

    Ðánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom..​

    Khi vào chiến trường, PĐ đã sẵn sàng đón nhận đến cái chết, một cái chết đẹp vì tổ quốc như Tố Hữu đã từng viết về cuộc đời em:

    Dấn thân vô là chịu cảnh tù đày

    Là gươm kề cổ, súng kề tai

    Là thân sống chỉ coi còn một nửa.

    - Cô dũng cảm trong hành động của mình thể hiện rõ nét trong một lần phá bom:

    + Lúc đi đến gần quả bom: "Chiến trường vắng lặng đến phát sợ, cây cối xơ xác, đất nóng, khói đen vật vờ từng cụm trong không trung" :

    Bụi mù trời mùa hanh

    Nước trắng khe mùa lũ

    Đêm rộng đêm dài là đêm không ngủ

    Em vẫn đi đường vẫn liền đường

    + Không khí căng thẳng vắng lặng đến rợp người, thần chết đang lẫn trong ruột những quả bom: "Tôi đến gần quả bom, cảm thấy ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa, tôi sẽ không đi khom, cứ đường hoàng mà bước tới". Lòng dũng cảm như được kích thích bởi lòng tự trọng.

    + Khi ở bên quả bom kề cận cái chết im lìm và bất ngờ, từng cảm giác của con người càng trở nên sắc nhọn hơn. "Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành." Cách miêu tả vừa tỉ mỉ vừa chân thực có thể cảm nhận được âm thanh ra vào nhau của hai vật bằng sắt, cảm nhận được sự rùng mình của PĐ, càng thấy rõ hơn sự bình tĩnh và gan dạ của cô.

    + Lúc chờ bom nổ: Thật đáng sợ cái công việc chọc giận thần chết đó. Cô nghĩ đến lúc đào đất "tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn vào lỗ đã đào, châm mìn lần hai" "cuối cùng bom nổ, một thứ tiếng kì quái đến váng óc.. ngực nhói mắt cay, mùi thuốc bom buồn nôn.. mồ hôi thấm vào môi, cát lạo xạo trong miệng."

    "Tình yêu tổ quốc là đỉnh núi bờ sông, những lúc tột cùng là dòng máu chảy."

    + Thậm chí họ có thể hy sinh "Thịt da em mềm mại trắng trong, đã hóa thành những vần mây trắng."

    => Chỉ có nguyên liệu đặc biệt là tình yêu tổ quốc mới thắp lên được ngọn lửa mà bất chấp hy sinh.

    * PĐ đẹp ở tinh thần đồng đội thắm thiết:

    - Cô quan tâm và yêu thương đồng đội của mình. Cô lo lắng khi Nho và chị Thao chạy trên cao điểm chưa về nên khi đại đội trưởng gọi hỏi tình hình, cô nói như gắt vào máy "trinh sát chưa về"

    - Lúc Nho bị thương PĐ chăm sóc tận tình chu đáo: "Moi đất bế Nho đặt lên đùi mình.. rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than, tiêm cho Nho, pha sữa trong một cái ca sắt."

    - Cô không khóc khi đồng đội bị thương: "Máu túa ra từ cánh tay Nho thấm vào đất, da xanh tái, mắt nhắm nghiền, quần áo đầy bụi. Không ai được khóc trong giờ phút rất cần sự cứng cỏi của mọi người, khóc là sự tự nhục mạ."

    3. Nghệ thuật

    - Sử dụng ngôi kể thứ nhất qua lời kể của PĐ tạo thuận lợi cho người kể bộc lộ cảm xúc và diễn biến tinh tế trong tâm hồn.

    - Miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc, nhất là cảnh PĐ phá bom

    - Ngôn ngữ tự nhiên giàu nữ tính

    - Sử dụng câu ngắn nhịp tạo không khí khẩn trương ở chiến trường ác liệt

    4. Mở rộng

    Con đường Trường Sơn là một chương huyền thoại trong cuốn sử vàng đánh Mỹ của dân tộc ta. Hàng triệu tấn bom đạn đã dội xuống, hàng vạn bộ đội nam nữ thanh niên xung phong đã ngã xuống giữ vững con đường cho đoàn xe ra trận. Ngọn lửa tình yêu mà các cô gái mở đường Trường Sơn thắp lên hơn mấy chục năm về trước đã sáng bừng trên trang sách của học trò hôm nay và mai sau. Mãi mãi thế hệ trẻ hôm nay sẽ nhớ về với lòng khâm phục và biết ơn sâu sắc.

    "Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trên ngực

    Soi cho tôi

    Ngày hôm nay bước tiến quãng đường dài."

    Kết bài:


    Văn bản là thanh âm trong trẻo sáng ngời về tuổi trẻ đầy hồn nhiên, mơ mộng cùng tinh thần lạc quan về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn

    Họ đã sống và chết

    Giản dị và bình tâm

    Không ai nhớ mặt đặt tên

    Nhưng họ đã làm nên đất nước.

    Bài làm mẫu

    Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

    Mà lòng phơi phới dậy tương lai

    Nhắc đến cung đường Trường Sơn huyền thoại, ta sẽ nghĩ ngay đến những người anh hùng đã hy sinh quên mình vì nước nhà. Đó là những người chiến sĩ gánh trên vai trọng trách lớn lao bảo vệ tổ quốc, là những thanh niên xung phong mang trái tim đầy tràn nhiệt huyết, sức sống tuổi trẻ lên đường cứu nước gác lại ước mơ cùng hoài bão phía sau. Chính họ là nguồn cảm hứng trong nhiều tác phẩm văn học cách mạng của các tác giả. Và Lê Minh Khuê chính là một trong những tác giả đã khắc họa rất thành công vẻ đẹp ấy của họ trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi. Truyện ca ngợi vẻ đẹp của những cô thanh niên xung phong, nổi bật nhất là Phương Định. Họ tiêu biểu cho thế hệ thanh niên Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước.

    Truyện kể về ba cô thanh niên xung phong trinh sát mặt đường tên Nho, Thao và Phương Định. Họ sống trong một cái hang dưới chân cao điểm cách xa đơn vị. Nhiệm vụ hằng ngày của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp, đánh dấu bom chưa nổ và phá bom. Cuộc sống gian khổ, công việc nguy hiểm nhưng họ vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản mơ mộng. Mỗi người một cá tính nhưng họ rất gắn bó yêu thương nhau trong tình đồng đội. Trong một lần phá bom Nho bị thương được Phương Định và chị Thao săn sóc. Truyện khép lại bằng một cơn mưa đá gợi Phương Định nhớ về hình ảnh của quê nhà

    Phương Định là cô gái Hà Nội vào chiến trường. Cô từng học trong một ngôi trường rất nổi tiếng ở Hà Nội và không khó để tìm cho mình một vị trí trên giảng đường đại học để có tương lai tươi sáng. Thế nhưng cô đã gác lại mọi ước mơ hoài bão của tuổi trẻ và chọn đi theo tiếng gọi của tổ quốc như lời Bác đã nói: "Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập." Lòng yêu nước ấy đã khiến cô hy sinh tuổi xuân bước vào chiến trường. Hành trang mang theo của cô gái nhỏ là những kỷ niệm hồn nhiên thời thiếu nữ bên mẹ trong căn gác nhỏ. Phải chăng những kỷ niệm ấy đã làm dịu mát tâm hồn Phương Định giữa sự ác liệt của bom đạn chiến trường.

    Với hoàn cảnh sống và làm việc đầy gian khổ và nguy hiểm, thế nhưng PĐ vẫn giữ cho mình một vẻ đẹp hình thức đầy ấn tượng. Phương Định tự nhận xét mình là cô gái khá-nói khiêm tốn. Điều đó cho thấy rằng Phương Định rất đẹp (Hai bím tóc dày tương đối mềm, cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn, đôi mắt màu nâu hay nheo lại như chói nắng. Các anh lái xe thường bảo cô có cái nhìn sao mà xa xăm). Cô biết bản thân được nhiều người để ý và có tình cảm. Nhiều pháo thủ và lái xe hay hỏi thăm thậm chí viết thư đường dài mặc dù có thể gặp nhau hằng ngày. PĐ ít nói không hay biểu hiện tình cảm, cô tỏ ra kín đáo giữa đám đông tưởng chừng như là kiêu kì, đôi khi hay làm điệu, khoanh tay đứng nhìn nhưng trong suy nghĩ của cô "người đẹp nhất, thông minh can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ"

    Cũng giống như bao nữ thanh niên xung phong khác mang ý chí kiên cường, bất khuất, cô dũng cảm sa vào chiến trường, sẵn sàng đón nhận công việc đầy rẫy khó khăn và nguy hiểm. Cô nằm trong ở tổ trinh sát mặt đường cùng với chị Thao và Nho. Nơi họ ở bị bom Mỹ đánh phá dữ dội, đường lở loét không có lá xanh, thân cây bị tước khô cháy, sự sống dường như bị hủy diệt. Công việc phá bom của họ cực kì nguy hiểm, họ bị bom vùi luôn và thường đùa gọi nhau là "những con quỷ mắt đen". Ngày phá bom 5 lần, ngày nào ít thì 3 lần, họ chạy trên cao điểm giữa ban ngày dưới cái nắng trên 30 độ và thần chết luôn luôn rình rập.

    Là một cô gái trong sáng lạc quan, cô luôn giữ cho mình những sở thích nhỏ nhặt để mang lại niềm vui nơi chiến trường bom đạn. Cô nhạy cảm và hay mơ mộng, thích ngắm mình trong gương và như bao chiến sĩ trẻ khác, PĐ rất thích hát. Thuở nhỏ cô có thể ngồi lên thành cửa sổ của mình "hát say sưa ầm ĩ". Vào chiến trường PĐ cũng luôn hát, tuy không nhớ lời nhưng chị có thể bịa ra lời mà hát. PĐ hát vào những lúc "im lặng" -cái im lặng để chuẩn bị cho những đợt bom. PĐ hát động viên Nho, chị Thao và cả chính mình. Hát khi máy bay rít, bom nổ, hát trong không khí ngột ngạt khói bốc lên và cửa hang bị che lấp. Vào chiến trường, nếm trải bao thử thách hiểm nguy cận kề với cái chết nhưng không làm mất đi sự hồn nhiên trong sáng và mơ ước vào tương lai.

    PĐ là cô gái dũng cảm, sẵn sàng hy sinh không quản gian khổ hiểm nguy. Cô dũng cảm ngay cả trong suy nghĩ của mình, mặc dù biết công việc cực kì nguy hiểm, ngày nào cũng đối mặt với thần chết. PĐ có nghĩ đến cái chết, một cái chết mờ nhạt, không cụ thể

    Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương

    Cho đoàn xe kịp giờ ra trận

    Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa

    Ðánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom.​

    Khi vào chiến trường, PĐ đã sẵn sàng đón nhận đến cái chết, một cái chết đẹp vì tổ quốc như Tố Hữu đã từng viết về cuộc đời em:

    Dấn thân vô là chịu cảnh tù đày

    Là gươm kề cổ, súng kề tai

    Là thân sống chỉ coi còn một nửa.​

    Vẻ đẹp của PĐ còn được tác giả miêu tả rất chi tiết trong một lần phá bom. Trải qua hàng trăm hàng nghìn lần phá bom như vậy, thế nhưng tác giả chỉ tả duy nhất một lần PĐ phá bom như để tô đậm thêm cái nguy hiểm của công việc và hơn thế nữa là để thể hiện sự dũng cảm, khí phách can trường của cô gái tuổi đôi mươi. Lúc đi đến gần quả bom: "Chiến trường vắng lặng đến phát sợ, cây cối xơ xác, đất nóng, khói đen vật vờ từng cụm trong không trung" :

    Bụi mù trời mùa hanh

    Nước trắng khe mùa lũ

    Đêm rộng đêm dài là đêm không ngủ

    Em vẫn đi đường vẫn liền đường.

    Không khí căng thẳng vắng lặng đến rợp người, thần chết đang lẫn trong ruột những quả bom: "Tôi đến gần quả bom, cảm thấy ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa, tôi sẽ không đi khom, cứ đường hoàng mà bước tới". Lòng dũng cảm như được kích thích bởi lòng tự trọng. Khi ở bên quả bom kề cận cái chết im lìm và bất ngờ, từng cảm giác của con người càng trở nên sắc nhọn hơn. Cô cảnh giác và thoáng chút sợ hãi. "Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành." Cách miêu tả vừa tỉ mỉ vừa chân thực có thể cảm nhận được âm thanh ra vào nhau của hai vật bằng sắt, cảm nhận được sự rùng mình của PĐ, càng thấy rõ hơn sự bình tĩnh và gan dạ của cô. Lúc chờ bom nổ- giây phút tràn ngập căng thẳng và lo lắng bởi nếu mìn không nổ thì cô sẽ phải làm lại lần thứ hai và không ai có thể chắc rằng nó sẽ lại an toàn. Thật đáng sợ cái công việc chọc giận thần chết đó. Cô nghĩ đến lúc đào đất "tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn vào lỗ đã đào, châm mìn lần hai" "cuối cùng bom nổ, một thứ tiếng kì quái đến váng óc.. ngực nhói mắt cay, mùi thuốc bom buồn nôn.. mồ hôi thấm vào môi, cát lạo xạo trong miệng."

    PĐ thật sự rất can đảm và có tinh thần trách nhiệm cực kì cao. Cô sẵn sàng đặt mục đích nhiệm vụ lên mạng sống cũng như thanh xuân của mình. Tinh thần ấy đã đại diện cho cả một thế hệ, một tầng lớp hiến dâng tất cả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. "Tình yêu tổ quốc là đỉnh núi bờ sông, những lúc tột cùng là dòng máu chảy." Thậm chí họ có thể hy sinh "Thịt da em mềm mại trắng trong, đã hóa thành những vần mây trắng." Chỉ có nguyên liệu đặc biệt là tình yêu tổ quốc mới thắp lên được ngọn lửa mà bất chấp hy sinh.

    Không những thế, PĐ còn đẹp ở tình đồng đội thắm thiết. Cô luôn trân trọng và giữ gìn tình đồng đội ấm áp. Cô quan tâm và yêu thương đồng đội của mình. Cô lo lắng khi Nho và chị Thao chạy trên cao điểm chưa về nên khi đại đội trưởng gọi hỏi tình hình, cô nói như gắt vào máy "trinh sát chưa về." Lúc Nho bị thương PĐ chăm sóc tận tình chu đáo: "Moi đất bế Nho đặt lên đùi mình.. rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than, tiêm cho Nho, pha sữa trong một cái ca sắt.

    Cô không khóc khi đồng đội bị thương:" Máu túa ra từ cánh tay Nho thấm vào đất, da xanh tái, mắt nhắm nghiền, quần áo đầy bụi. Không ai được khóc trong giờ phút rất cần sự cứng cỏi của mọi người, khóc là sự tự nhục mạ. "Nơi chiến trường bom đạn, tình đồng chí đồng đội ánh lên ấm áp. Nó là chỗ dựa vững chắc, là nơi để đặt niềm tin giúp cô chiến đấu dũng cảm, mong về ngày mai chiến thắng.

    Tác phẩm đã khắc họa rất rõ nét về PĐ cũng như vẻ đẹp của các chiến sĩ thanh niên xung phong. Bằng việc sử dụng ngôi kể thứ nhất qua lời kể của PĐ tạo thuận lợi cho người kể bộc lộ tình cảm cảm xúc và những diễn biến tinh tế trong tâm hồn. Tác giả rất khéo léo trong miêu tả tâm lý nhân vật, nhất là cảnh PĐ phá bom, ngôn ngữ tự nhiên trẻ trung, giàu nữ tính. Lời kể sử dụng những câu văn ngắn nhịp nhanh tạo không khí khẩn trương ở chiến trường ác liệt. Ở đoạn hồi tưởng, câu văn dài hơn, nhịp kể chậm lại gợi kỉ niệm nơi quê nhà và không khí thanh bình trước chiến tranh.

    Con đường Trường Sơn là một chương huyền thoại trong cuốn sử vàng đánh Mỹ của dân tộc ta. Hàng triệu tấn bom đạn đã dội xuống, hàng vạn bộ đội nam nữ thanh niên xung phong đã ngã xuống giữ vững con đường cho đoàn xe ra trận. Ngọn lửa tình yêu mà các cô gái mở đường Trường Sơn thắp lên hơn mấy chục năm về trước đã sáng bừng trên trang sách của học trò hôm nay và mai sau. Mãi mãi thế hệ trẻ hôm nay sẽ nhớ về với lòng khâm phục và biết ơn sâu sắc.

    " Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trên ngực

    Soi cho tôi

    Ngày hôm nay bước tiến quãng đường dài."

    Văn bản là thanh âm trong trẻo sáng ngời về tuổi trẻ đầy hồn nhiên, mơ mộng cùng tinh thần lạc quan về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Dù cho chiến tranh có khó khăn nguy hiểm nhường nào thì tinh thần cùng tình yêu nước vẫn luôn bừng cháy nơi trái tim của những thanh niên xung phong hay bất kì tầng lớp thế hệ nào.

    Họ đã sống và chết

    Giản dị và bình tâm

    Không ai nhớ mặt đặt tên

    Nhưng họ đã làm nên đất nước.​
     
    Last edited by a moderator: 21 Tháng ba 2022
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...