Review Sách Dặm Xanh - Stephen King

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Kẻ Tầm Xương, 3 Tháng bảy 2022.

  1. Kẻ Tầm Xương

    Bài viết:
    3
    [​IMG]

    Tên tác giả: Stephen King

    Thể loại: Kì ảo, thần bí, kinh dị, chính kịch, hình sự

    Số chương: 6


    Lời nói đầu

    Vâng và lần đầu tiên tôi xin gửi tới các bạn đang đọc bài viết này lời chào trân trọng nhất. Trước khi nói qua về cuốn sách thì để có tương quan hình dung những gì tôi sắp nói sau đây dễ hơn, tôi có một câu hỏi. Mọi người trong này có ai biết bộ phim: "Điều kì diệu ở phòng giam số bảy" không ạ? Bộ phim đó lấy ý tưởng từ cuốn sách này mà ra. Cuốn sách tôi muốn thuyết trình với cô và các bạn ngày hôm nay có tên là Dặm Xanh. Một tác phẩm dài kì được chắp bút bởi tiểu thuyết gia kinh dị nổi tiếng Stephen King. Nói qua về Stephen King, chắc hẳn ai trong chúng ta không ít thì nhiều cũng từng phải nghe qua cái tên này rồi vì độ nổi tiếng cũng như tài năng của ông. Được rồi, thì Stephen King (sinh ngày 21 tháng 9 năm 1947 ) là nhà văn người thiên về thể loại kinh dị hoặc giả tưởng, đặc biệt với mô-típ biến đổi những tình huống căng thẳng bình thường thành hiện tượng khiếp đảm. Nhờ những cốt truyện kinh dị và lối viết đa dạng này của King, đã giúp giới phê bình chấp nhận thể loại kinh dị giả tưởng là một thành phần của nền văn học trong thế kỷ 20 . Cuối năm 2006, tổng số sách ông đã bán có khoảng 350 triệu cuốn. Bàn về tác giả thế là đủ rồi, trở về với tác phẩm, không quá bất ngờ để cuốn tiểu thuyết có thể bán được hơn 20 triệu bản và lọt vào danh sách bán chạy nhất của tờ tạp chí Publishers Weekly ngay từ khi mới phát hành. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng đã nhận được giải thưởng Bram Stoker năm 1997 cho thể loại tiểu thuyết xuất sắc nhất cũng như được chuyển thể thành một bộ phim cùng tên với bốn giải đề cử Oscar.

    [​IMG]

    Tóm tắt cốt truyện

    Đi vào nội dung chính của cuốn sách, khái quát sơ qua thì bối cảnh của câu chuyện là nhà tù tiểu bang tại Cold Mountain, và mọi thứ diễn ra dưới góc nhìn của viên quản giáo trưởng trại tử tù Paul Edgecombe. "Dặm xanh" chính là con đường lót vải sơn màu xanh, rẽ phải, kết thúc là "Sparky già", biệt danh của chiếc ghế điện trong căn phòng thi hành án tử của trại giam. Đồng hành cùng với Paul là những nhân viên dưới quyền của mình Dean, Harry, Brutus và thậm chí là Percy-tên quản giáo chẳng có tác dụng gì, không những tàn bạo mà còn ngu ngốc nhưng do hắn có họ ngoại với thống đốc bang nên vẫn được ở lại-, công việc của bọn họ là đưa những phạm nhân bị kết án tử hình đi đến chặng đường cuối cùng của họ. Câu chuyện bắt đầu từ cảnh quay trong một viện dưỡng lão, Elaine đang hỏi ông bạn của mình Paul vì sao ông lại xúc động như vậy. Thì ra bộ phim mà họ đang xtôi khiến Paul nhớ lại khoảng thời gian trong quá khứ của mình. Vào năm 1932 khi đó Paul là một cai ngục ở một nhà tử tù. Những năm tháng ấy thật không dễ thở khi căn bệnh viêm đường tiết niệu mỗi ngày đều hành hạ anh. Hôm đó, một tù nhân mới được đưa đến, anh tên Coffey. Một người đàn ông da đen sở hữu một thân hình to lớn nhưng khuôn mặt anh ta lại ánh lên sự ngây thơ, sợ hãi của một đứa trẻ lên ba. Coffey đưa tay về phía Paul, anh cảm nhận được sự chân thành của Coffey, đó không giống một kẻ xấu. Lật trong hồ sơ anh biết được câu chuyện của Coffey, khi người dân chạy đến thì thấy hai bé gái đã chết bên cạnh anh. Coffey òa khóc nói rằng anh muốn cứu chúng nhưng anh đã không làm được điều đó. Vậy là tội danh giết người đè lên đôi vai của anh. Vì là nơi thi hành án tử hình nên không khó để hiểu sự chán ngắt ở đây nhưng hôm nay một chú chuột tinh nghịch chạy đến. Mọi người thích thú ném đồ ăn cho chú ta. Percy thì không, anh ta cầm ghế chạy theo muốn giết con chuột. Percy được vào đây làm việc nhờ vào mối quan hệ họ hàng với thống đốc. Anh ta rất xấu tính lại thường hay bắt nạt cấp dưới. Nghe tiếng kêu Paul chạy vội vào vì lo sợ chuyện gì đang xảy ra. Chỉ vì một con chuột mà Percy làm náo loạn cả căn phòng. Paul nói với anh ta nên chú ý hành động, đừng vì những điều nhỏ bé mà làm các tử tù ở đây lo lắng, họ đã rất sợ hãi khi đến đây rồi. Bởi điều đáng hơn cái chết chính là khoảng thời gian chờ đợi cái chết. Hình thức tử hình thời đó chính là dùng ghế điện, tù nhân sẽ bị cạo trọc tóc trên đỉnh đầu và đặt lên đó một miếng bông ngấm nước để dẫn điện và cũng giúp làm giảm sự đau đớn rồi đặt chiếc mũ điện lên. Mọi người đều chán ghét thái độ của Percy sau khi hành hình. Hắn thường vỗ vào mặt tử tù và không quên châm biếm họ. Điều đó khiến một đồng nghiệp không chịu được, anh nắm lấy tay Percy hét rằng họ đã trả hết nợ đời rồi nên hãy bỏ cái tay của cậu ra. Paul cũng khuyên Percy hãy chuyển đến bệnh viện tâm thần theo như sự phân công. Hôm nay chú chuột ấy lại quay lại, tù nhân Dell-một tử tù bị giam giữ vì sát hại nhiều người bởi một cuộc hỏa hoạn mà anh ta gây ra khi cố tiêu hủy xác một cô bé anh ta đã cưỡng hiếp và giết trước đó-anh quyết định sẽ làm bạn với chú trong những ngày còn lại của cuộc đời và gọi chú bằng cái tên quen thuộc Mr. Ginger. Không lâu sau đấy lại một tù nhân được giải đến. Anh ta chẳng ngoan ngoãn. Chút nào, mới đến đã tấn công một cai ngục rồi còn đá Paul một cú cộng với căn bệnh niệu đạo khiến Paul ngã xuống trong đau đớn. Percy chạy đến nhưng lại bị tên tử tù làm cho khiếp sợ. May mắn một đồng nghiệp đi đến kịp lúc thuận lợi giải cứu cho đồng đội. Khi mọi người đã rời đi, Paul không chịu được nữa, khuỵu xuống mặt đất. Coffey gọi Paul đến chỗ anh ấy, kéo Paul lại đặt tay lên bàng quang, đèn trong phòng sáng lên. Sau đó Coffey nhổ ra một thứ màu đen rồi quay vào giường nằm ngủ. Căn bệnh của Paul đã được chữa khỏi. Paul cũng bắt đầu bán nghi về vụ án của Coffey nhưng không thể tìm ra bằng chứng. Anh chỉ có thể dành cho Coffey những điều quan tâm cuối cùng. Ngày hành hình của Dell đã đến, điều duy nhất đay đáy trong lòng anh chính là Mr. Ginger. Để an ủi Dell, người cai ngục đã vẽ ra câu chuyện về một ngôi làng nơi những chú chuột sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt và sẽ đưa Mr. Ginger đến đó. Trong khi Mr. Ginger đang chơi đùa với ống gỗ, Percy đã nhẫn tâm đạp chết chú trong sự gào thét đau đớn của Dell. Coffey nói hay đưa nó cho anh. Phép màu một lần nữa được tạo ra từ đôi tay Coffey. Vẫn là ánh sáng phát ra rồi nhổ ra thứ màu đen ấy, Mr. Ginger nhanh chóng sống lại. Paul túm lấy Percy cảnh cáo hãy thực hiện lần hành hình cuối cùng và rời khỏi đây. Điều cuối cùng mà hắn ta làm ở đây cũng thật tàn ác. Hắn cố ý không thấm nước cho miếng bông, khiến Dell không chết ngay mà bị thiêu sống đau đớn mà chết. Cảnh tượng ấy khiến tất cả mọi người đều hoảng sợ, kể cả Percy. Mr. Ginger cũng vì thế mà chạy đi. Chuyện còn chưa nguôi ngoai thì vợ cai ngục trưởng bị ung thư não. Paul muốn liều một lần đưa Coffey vượt ngục cứu người. Anh đánh thuốc mê tên tử tù xăm mình, nhốt Percy lại. Tên xăm mình bỗng chốc tỉnh lại nắm lấy tay Coffey. Dường như Coffey đã cảm nhận được sự độc ác trong nội tâm hắn. Paul cùng đồng đội thành công đưa Coffey đến chỗ bệnh nhân. Vẫn phép màu ấy, hút bệnh tật và đau khổ của người khác truyền vào cơ thể mình rồi nhả chúng ra. Thế nhưng lần này Coffey không thể nhả những chất bẩn ấy ra được. Vợ cục trưởng tỉnh dậy, cô tặng Coffey một sợi dây chuyền mặt khác thánh Christopher. Ông ấy đã từng cõng Chúa qua sông. Sau khi trở về, Coffey giận dữ nắm lấy Percy, nhổ những thứ màu đen vào miệng hắn khiến Percy trở nên ngờ nghệch, đi đến chỗ tên xăm mình cầm súng bắn chết hắn. Paul hỏi Coffey tại sao phải lấy đi mạng sống của hắn. Coffey nói, khi hắn nắm lấy tay anh, anh đã cảm nhận được bản chất của hắn, chính hắn đã sát hại hai cô bé. Coffey muốn dùng năng lực kỳ diệu cứu chúng nên đã bị gán tội. Coffey đã nắm lấy tay truyền năng lực ấy cho Paul. Anh đã khóc khi biết được chân tướng. Anh hiểu rằng, mỗi ngày Coffey đều cảm nhận được sự đau khổ trên thế gian này. Còn Percy cuối cùng cũng đi đến nơi anh ta thuộc về, nhưng không phải với tư cách người quản lý mà là bệnh nhân tâm thần. Trong suy nghĩ của Paul lúc này muốn giúp Coffey, anh không thể làm điều kỳ diệu này biến mất. Coffey nắm lấy tay Paul, đến lúc anh nghỉ ngơi rồi. Những đau khổ nhân sinh ấy nhiều quá, Coffey không thể cứ tiếp tục cảm nhận chúng. Mọi người muốn giúp anh thực hiện tâm nguyện cuối cùng là được xtôi phim. Bộ phim được chiếu cùng sự mãn nguyện của Coffey. Ngày đau khổ cuối cùng cũng đến, Coffey không muốn đội mũ trùm đầu vì anh sợ bóng tối. Những người thân của hai cô bé không biết được sự thật, nhìn Coffey với ánh mắt đay nghiến đầy thù hận. Những cai ngục thực sự đã khóc, họ dành cho Coffey sự yêu quý và tôn trọng, tiễn anh về một cuộc sống mới, ở đó anh sẽ không còn phải chịu đựng những nỗi đau đớn như ở đây. Sau chuyện này, Paul cùng những đồng nghiệp của anh từ bỏ công việc cai ngục, chuyển sang một công việc mới. Sự hồi tưởng kết thúc, Paul dẫn Elaine đến một căn nhà gỗ nhỏ, Mr. Ginger đang ở đó. Chú vui đùa chạy nhảy, sống một cuộc sống ở tuổi 64. Đúng vậy, chú đã sống được 64 năm còn Paul cũng đã đón tuổi 108. Bạn bè người thân đều đã đi xa, chỉ còn mình Paul đơn độc trên hành trình màu xanh của cuộc đời. Paul luôn nghĩ mình đã làm biến đổi phép màu và đây chính là hậu quả mang anh phải gánh, phải sống cô đơn không có điểm dừng.


    [​IMG]

    Thông điệp truyền tải

    Câu chuyện lấy bối cảnh xã hội miền nam nước Mỹ đầy loạn lạc, bi quan và tiêu điều trong cuộc Đại Khủng Hoảng những năm 1930 thời ấy khi đây là giai đoạn kinh hoàng đối với nhiều người dân Mỹ, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế kéo theo đó là những tác động trực tiếp tới đời sống xã hội và sự suy đồi nghiêm trọng về đạo đức. Ở thời đại ấy 1/3 dân số Mỹ rơi vào tình trạng thất nghiệp, tội ác trong xã hội cứ thế leo thang. Đây cũng là giai đoạn nạn phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người dẫn đến những hệ quả khôn lường "Dặm Xanh" mượn khung cảnh khu nhà lao lạnh lẽo cùng những tử tù và quản giáo trong đó như một xã hội thu nhỏ nhằm phản ánh, tố cáo xã hội bấy giờ khi Paul đại diện cho mẫu người điển hình: Hiền hậu, điềm tĩnh và nhân ái; tử tù John Coffey lại mang dáng vấp của những người da màu trong xã hội lúc đó: Cô độc, bị đàn áp, bị đối xử bất công và hoàn toàn không có tiếng nói, nếu không bị ngược đãi, miệt thị bởi những người da trắng thì John lại phải nhận những ánh mắt thương hại, nhòm ngó, trong khi đó Percy Wetmore lại đại diện cho tầng lớp người da trắng thượng đẳng, là hình ảnh của những quan chức lộng quyền, một con ông cháu cha ngu dốt, vô lại; còn tử tù Del là ví dụ cho những người nhập cư bị đẩy vào đường cùng và dồn đến đáy xã hội; kể cả những nhân vật chỉ xuất hiện trong một phân đoạn ngắn ngủi cũng đủ sức đại diện cho một lớp người, điển hình là luật sư Burt Hammersmith, đại diện cho sự thờ ơ, vô cảm và cách làm việc đầy bất công của bộ máy chính quyền. Anh ta là luật sư bào chữa của John nhưng chưa một lần cố tìm hiểu về vụ án này, thậm chí vị luật sư này còn ví người da đen như những con chó, nó có thể hóa điên và làm hại con người bất kì lúc nào, khi ấy nó sẽ bị bắn chết không thương tiếc. "Dặm Xanh" đã phản ánh rõ nét tầng lớp xã hội con người loạn lạc, lầm than; bộ máy quan liêu thối nát và nạn phân biệt chủng tộc đầy rẫy sự ghê rợn, thứ mà vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Bằng chứng là ta có thể thấy tình bạn của John và Paul không trong sáng như vẻ bề ngoài vì giữa họ còn tồn tại sự bất bình đẳng. Tấm lòng tốt bụng của John đã chữa bệnh cứu sống Paul và cũng gián tiếp giết chết hai kẻ là cái gai trong mắt Paul ở trại tù. Ngược lại, Paul không thể cứu John khỏi án tử hình để rồi sống trong đau đớn. Hơn nữa, Paul đã vô tình lợi dụng người bạn của mình bóc lột đầy tớ da đen trong vô thức. Để rồi sau này Paul cũng phải nhận một hình phạt là sống trong dằn vặt và đau đớn khi phần phép màu mà John để lại trong anh khiến anh sống lâu hơn người bình thường và phải chứng kiến những người xung quanh lần lượt ra đi.

    [​IMG]

    Chi tiết đáng nhớ nhất


    Và cuối cùng, trong liên tục 6 chương truyện, có lẽ chi tiết để lại cho tôi nhiều ám ảnh, súc cảm và suy nghĩ nhất đó là phân đoạn John Coffey ngồi trên chiếc ghế điện, anh nói với Paul trong đôi mắt mắt mở to hãi hùng cùng với đó là những giọt mồ hôi rịn ra ướt đẫm phần đỉnh đầu nhẵn thín khi Brutal lấy chiếc mặt nạ mới từ chỗ móc treo bằng đồng ở lưng ghế rằng Xin đừng, sếp ơi, đừng chụp thứ đó lên mắt tôi ", gã khẽ rên rỉ." Xin đừng bỏ tôi trong bóng tối, đừng bắt tôi bước vào bóng tối, tôi sợ bóng tối lắm ". Thời điểm xã hội loạn lạc cũng là lúc niềm tin vào chúa trời mãnh liệt hơn bao giờ hết, ta có thể thấy rõ điều này ngay trong rất nhiều câu thoại hay cả chi tiết chiếc vòng thánh giá trên cổ vợ Paul. Trường hợp của John cũng rất giống câu chuyện của chúa, họ đều bị phán xét bởi những định kiến xã hội và bị xử tử kể cả khi vô tội. Xuyên suốt bộ phim, kể từ khoảng khắc John Coffey bước vào nhà ngục, chúng ta đã đoán được kết cục nào sẽ dành cho anh nhưng vẫn luôn thầm mong một điều kì diệu sẽ đến với người tạo ra những phép màu nhưng không, không có gì có thể cứu được John mà chỉ có những tiếc nuối khôn nguôi cho một linh hồn thiện lành, nhân ái. Để rồi tới chặng cuối của câu chuyện, chính John đã phải nói lời xin lỗi:" Tôi xin lỗi vì đã là chính mình". Giữa thực tại khổ đau như vậy với John Coffey, anh coi cái chết là một sự giải thoát để tới một nơi tốt đẹp hơn. Thế giới mà anh đang sống chỉ tồn tại đầy rẫy những đau đớn khi con người đối xử với nhau quá tệ bạc, sức mạnh đặc biệt khiến những điều anh trông thấy và cảm nhận được cũng như bóng tối luôn bủa vây John khiến anh sợ hãi và đau đớn. Chính vì vậy khi ngồi trên ghế điện, anh đã tha thiết cầu xin Paul đừng bịt mắt anh, anh không muốn cảm nhận thêm bóng tối bất kì một lần nào nữa, anh muốn được nhìn thấy ánh sáng, một lần cuối, dù cho đó có thể là thứ ánh sáng mỏng manh, yết ớt qua khe cửa sổ cũ kĩ của trại giam, nhưng ít nhất linh hồn anh đã được thanh thản khi ra đi kéo theo cùng với đó là sự công nhận, tôn trọng của Paul và tất cả các quản giáo. Bàn tay gã lại mềm nhũn, phần lưỡi liềm màu trắng đục trên móng tay đã chuyển thành màu cà tím, một dải khói bốc lên từ gò má vẫn còn ướt do nước muối từ miếng bọt biển.. và nước mắt của gã. Những gọt nước mắt cuối cùng của John Coffey.

    [​IMG]

    Lời kết

    Suy cho cùng, rất khó để diễn tả hết được cảm xúc sau khi đọc tác phẩm này chỉ bằng vài lời, đó là thứ bạn phải tự mình trải nghiệm. Bầu không khí trong truyện lúc nào cũng ngộp ngạt, căng như dây đàn, những đoạn mô tả đời sống hàng ngày trong trại giam, quy trình áp giải tội phạm, cầu nguyện, đưa lên Sparky già, đọc lời buộc tội, tiến hành nâng cầu dao điện, tất cả cứ lặp đi lặp lại rất nhiều lần như một ám ảnh. Nhiều đoạn thực sự rất cảm động, và cũng rất ám ảnh nữa. Khi những người đàn ông mạnh mẽ nhất phải rơi lệ, đó là lúc độc giả cũng cảm thấy nghẹn ngào. Đừng kỳ vọng nó là một tác phẩm hồi hộp, giật gân hay kinh dị đặc trưng thường có của các tác phẩm đến từ Stephen King bởi vì nó không có một chút nào như thế hết. Nếu bạn cần một thứ gì đó tưới tắm cho tâm hồn quá đỗi khô cằn của mình, khi bạn nghĩ mình không còn có thể cảm thấy xúc động được nữa, thì đây mới chính là cuốn sách dành cho bạn.

    [​IMG]
     
    Bughams, nntc6761, iam.wonwoo3 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 3 Tháng bảy 2022
  2. chiqudoll

    Bài viết:
    1,422
    Cuốn này là tác phẩm đầu tiên mình đọc của Stephen King, quả thật là ám ảnh lắm luôn. Không đọc một lèo được, phải ngắt chương ra mà đọc, tại vì bầu không khí trong truyện khiến mình cảm thấy áp lực.

    Đọc đến đoạn nhân vật chính bị đưa lên ghế điện, phải ra đi trong thống khổ, cảm thấy khó chịu tức ngực gì đâu á.

    "Cuốn sách tôi muốn thuyết trình với cô và các bạn ngày hôm nay có tên là Dặm Xanh." Bài này đăng trong box review sách - truyện, mình nghĩ bạn cần phải chăm chút hơn xíu. Sửa bản thảo đôi chút nghen, cái này chắc bạn chuẩn bị để thuyết trình nhưng mà lấy nguyên xi nội dung đăng ở box review thế này, cảm giác hơi kỳ kỳ.

    Bạn nhấn nút Sửa, tách đoạn ngắn chút cho dễ coi. Nói thật nhìn đoạn văn dài kiểu này, người đọc sẽ khá nản đấy.
     
    Bughams, nntc6761, Cute pikachu2 người khác thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...