Review Đại Nội - Kinh Thành Huế - Dấu Ấn Lịch Sử Cố Đô Xưa

Thảo luận trong 'Địa Điểm' bắt đầu bởi Tôn Nữ, 20 Tháng hai 2021.

  1. Tôn Nữ

    Bài viết:
    74
    Xin chào các bạn, Tết đang đến bên chúng ta thật gần. Chắc các bạn đang lên lịch đi chơi Tết nhỉ? Bạn còn đang băn khoăn không biết nên đi đâu, đi đâu cho mới mẻ mà lại sống ảo xinh đẹp cá tính?

    Vậy thì bạn không nên bỏ qua bài viết này nhé!

    Bạn đã đến Huế chưa, nếu như bạn dự định sẽ đến đây, mình sẽ nói cho các bạn biết một điều này.

    Bạn sẽ không thể bỏ qua địa điểm du lịch này đâu nhỉ? Đó không phải là một cửa hàng có áo quần xinh đẹp, không phải là một hàng quán ăn ngon. Mà đó chính là Đại Nội – Kinh Thành Huế - mang đậm dáng dấp cổ xưa và dịu dàng.

    Kể từ ngày 1/1/2020, Đại Nội sẽ miễn phí tham quan tết Nguyên Đán, tức là miễn phí 3 ngày (từ ngày 1 - 3 âm lịch) và các ngày lễ như ngày giải phóng tỉnh Thừa Thiên - Huế (26/3) và ngày Quốc khánh (02/9).

    Mình đã đến Đại Nội ba lần. Vào năm 2015, 2016 và gần đây nhất 2020, đột nhiên mình nghĩ, cảnh vật Đại Nội vẫn như xưa chỉ có bản thân mình là thay đổi, hoài niệm thật!

    [​IMG]

    Địa chỉ: Đường 23/8, P. Thuận Hòa, Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế.

    Đại Nội Huế nằm ở bờ bắc sông Hương và thuộc địa phận Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

    Đại Nội Huế nằm ở trung tâm nên bạn có thể đến đây với bất cứ phương tiện nào: Taxi, xe máy, ô tô hay đi bộ, xích lô vừa chầm chậm quan sát khung cảnh Huế vừa cảm nhận Kinh Thành.

    Đại Nội có tổng cộng 13 cửa, trong đó có cửa Ngăn, cửa Chánh Nam và cửa Quảng Đức không đi ngược chiều, bạn nhớ để ý nhé!

    Tức là vào được mà không ra được ấy!

    Kinh thành Huế hay còn gọi là Thuận Hóa kinh thành là một tòa thành ở cố đô Huế, nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm từ 1802 đến khi thoái vị vào năm 1945. Hiện nay, Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1993.

    Đại Nội Huế tọa lạc ngay tại trung tâm của thành phố Huế, xoay mặt về hướng Nam, với diện tích mặt bằng 520 ha. Vòng thành có chu vi gần 10 km, cao 6, 6m, dày 21m.

    Đây được xây dựng theo kiến trúc Vauban, có 3 vòng thành lần lượt là Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm Thành.

    Kinh Thành là nơi ở của dân và quan lại. Trong Kinh Thành có các địa điểm như là Kỳ Đài, Điện Long An, Cửu Vị Thần Công, Hồ Tịnh Tâm..

    Hoàng Thành là vòng thành thứ hai bên trong kinh thành Huế, nơi ở của vua và Hoàng gia, cũng là nơi làm việc của triều đình. Ngoài ra Hoàng thành Huế còn là nơi thờ tự tổ tiên và các vị vua nhà Nguyễn. Hoàng Thành được xây dựng năm 1804, nhưng phải đến thời vua Minh Mạng vào năm 1833, mọi việc mới được hoàn tất. Trong Hoàng Thành có những địa điểm như sau: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Cửu Đỉnh, Cung Diên Thọ..

    Tử Cấm Thành là vòng thành trong cùng, nằm trong Hoàng thành, là nơi ăn ở và sinh hoạt của vua và hoàng gia. Tử Cấm thành nguyên gọi là Cung Thành, được khởi công xây dựng từ năm Gia Long thứ 2 (1803), năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đổi tên thành Tử Cấm Thành.

    Thành có hình chữ nhật, cạnh nam và bắc dài 341m, cạnh đông và tây dài 308m, chu vi 1298m. Trong Tử Cấm Thành có các địa điểm như: Thái Bình Lâu, Duyệt Thị Đường, Vườn Ngự Uyển Thiện Phương..

    Trên là đôi nét về Đại Nội Huế, tiếp mình sẽ giới thiệu một số địa điểm mà khó có thể bỏ qua, nhất là khi bạn thích lịch sử, kiến trúc và là một cô nàng thích sống ảo.

    Kỳ Đài – Vị trí trung tâm Kinh Thành

    Kỳ đài còn gọi là Cột cờ là một di tích kiến trúc thời nhà Nguyễn, nằm chính giữa mặt nam của Kinh thành Huế thuộc phạm vi pháo đài Nam Chánh cũng là nơi treo cờ của triều đình.

    Ở đây vào buổi chiều cực kỳ mát luôn, chụp ảnh chỉ có tuyệt vời!

    [​IMG]

    Ngọ Môn – Biểu tượng đặc trưng Cố Đô Huế

    Cổng chính phía nam của Hoàng thành Huế. Hiện nay là một trong những di tích kiến trúc thời Nguyễn trong quần thể di tích cố đô Huế. Ngọ Môn - có nghĩa là "cổng tý ngọ" - hướng về phía nam, là cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế. Chỉ dành riêng cho vua đi lại hoặc dùng khi tiếp đón các sứ thần.

    Bên trên Ngọ Môn chính là Lầu Ngũ Phụng.

    Lầu có hai tầng, kết cấu bộ khung hoàn toàn bằng gỗ lim với chẵn 100 cây cột. Mái tầng dưới nối liền nhau, chạy vòng quanh để che cho phần hồi lang. Mái tầng trên chia thành 9 bộ, với rất nhiều hình chim phụng trang, khiến tòa lầu trông rất nhẹ nhàng, thanh thoát. Bộ mái chính giữa của lầu Ngũ Phụng lợp ngói lưu ly màu vàng, tám bộ còn lại lợp ngói lưu ly màu xanh

    [​IMG]

    Điện Thái Hòa – Biểu tượng quyền lực Hoàng Thất

    Là cung điện nằm trong khu vực Đại Nội của kinh thành Huế, là nơi đăng quang của 13 vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại.

    Cung điện được xây theo lối trùng thiềm điệp ốc và được chống đỡ bằng 80 cột gỗ lim được sơn thếp và trang trí hình rồng vờn mây - một biểu tượng về sự gặp gỡ giữa hoàng đế và quần thần.

    Mái điện lợp ngói hoàng lưu ly, gọi là mái "chồng diêm".

    Đây là hình ảnh ngai vàng trong điện thái hòa. Lưu ý nhỏ cho bạn là đừng chỉ trỏ hay cảm than ra miệng nhé! Cứ nghĩ trong lòng thôi, khi về nhà rồi hãy thảo luận.

    [​IMG]

    Thái Bình Lâu

    Thái Bình Lâu là công trình được xây dựng từ năm 1919 – 1921 dưới thời vua Khải Định. Nơi đây là địa điểm để vua có thể đọc sách, nghỉ ngơi lúc rảnh rỗi.

    Điện Long An

    Điện Long An được xây dựng vào năm 1845. Cung điện này là nơi nghỉ ngơi của vua sau khi tiến hành lễ Tịch điền ở mỗi dịp đầu xuân mỗi năm. Đây cũng là nơi mà vua Thiệu Trị thường hay lui tới để nghỉ ngơi, đọc sách hay ngâm thơ.

    Ngày nay Điện Long An vẫn còn lưu giữ các hiện vật quý của cung đình. Chiêm ngưỡng và tìm hiểu các hiện vật này sẽ giúp cho mọi người có cái nhìn rõ hơn về cuộc sống của các vị vua chúa ngày xưa.

    Cung điện được xây theo lối trùng thiềm điệp ốc. Phần mái điện lợp ngói hoàng lưu ly với kiểu mái chồng diêm. Dải cổ diêm lại được phân khoảng ra thành từng ô hộc để trang trí hình vẽ và thơ văn trên những tấm pháp lam.

    Duyệt Thị Đường

    Thái Bình Lâu và Duyệt Thị Đường đều ở trong Tử Cấm Thành.

    Đây là một nhà hát dành cho vua, hoàng thân quốc thích, các quan đại thần và là nơi biểu diễn các vở tuồng dành cho quan khách, sứ thần thưởng thức. Tuồng biểu diễn trong Duyệt Thị đường là các vở tuồng cung đình. Đây được xem là nhà hát cổ nhất của ngành sân khấu Việt Nam.

    Ngoài ra còn có những địa điểm như Thế miếu, Thái miếu, Cung Diên Thọ, Cửu Đỉnh..

    Và mình thấy ở trong Đại Nội địa điểm nào cũng chụp ảnh đẹp hết. Đặc biệt là hợp phong thủy với cô Tôn Nữ như mình, haha.

    Bạn chỉ cần chọn đại một cửa cung rồi đứng đó chụp ảnh cũng đủ đứ đừ rồi, tin mình đi.

    Đến với một nơi trang nghiêm cổ kính thế này thì có những hoạt động nào? Có thật nhiều hoạt động là đằng khắc.

    Ngày thường Đại Nội là một cô gái trầm lắng dịu dàng, có vẻ buồn buồn, cũng tương đối ít người nhưng khi đến lễ Tết hay lễ hội, cô gái ấy sẽ khoác lên mình một màu sắc dáng vẻ khác, bạn sẽ phải kinh ngạc và phải lòng cô gái ấy!

    Lễ Đổi gác tại Ngọ Môn

    Trình tấu Tiểu nhạc tại sân Điện Thái Hòa

    Các trò chơi cung đình, trình diễn thư pháp tại sân sau Điện Thái Hòa

    Trình tấu Đại nhạc tại sân Thế Miếu

    Trích đoạn tuồng cổ tại Nhật Thành Lâu

    Múa Lân sư rồng tại sân Điện Thái Hòa

    Trình tấu Tiểu nhạc tại sân Điện Thái Hòa

    Trình tấu Đại nhạc tại sân Thế Miếu

    * * *

    Chụp ảnh với trang phục cung đình

    Đây là một hoạt động cực kỳ hợp ý dành cho bạn nào muốn hóa thân thành hoàng tử công chúa nè! Nếu như đúng thì bạn sẽ thuê trang phục và miễn phí một tấm ảnh. Bạn ngồi trên ghế rồng (không phải là ngai vua đâu nhé) và có nhiếp ảnh gia chụp cho bạn. Hoặc tự sống ảo.

    Ngự trà, ngự tửu

    Cái này mình chưa thử, nhưng cũng đáng cho bạn thử nghiệm lắm!

    Ngự thuyền trên sông

    Cái này thì có thể đi thuyền vừa nghe ca huế vừa ngắm cảnh Huế, cầu Tràng Tiền, cây phượng vĩ, rất thơ mộng.

    Nhã nhạc cung đình hay trình diễn nhã nhạc

    Bạn sẽ được xem trình diễn ở Duyệt Thị Đường, cái này mình chỉ lướt qua thôi, mình chưa xem.

    Ngự thiện hay Dạ tiệc Cung Đình

    Nếu không lầm thì bạn sẽ vừa xem nhã nhạc vừa ăn uống, ở đây bạn sẽ thưởng thức các món ăn cung đình, cái gì gọi là nem công chả phượng, yến sào, chè hạt sen long nhãn, cơm sen Cung Đình Huế..

    Có lẽ, bạn đã ăn món này ở đâu đó, song mỗi món có một vị, hương vị đặc trưng mà chỉ Huế mới có.

    Ngoài ra bạn có thể tham quan bằng xe điện, tham gia không gian văn hóa Lục Bộ.

    Nếu muốn tham quan và thưởng thức tất cả những hoạt động trên, dịch vụ trên kia bạn phải dành ra hẳn một ngày (nếu muốn) hoặc nửa ngày.

    Bạn nên ghi chú rõ ràng lịch trình nhé, để không bỏ lỡ bất cứ gì.

    Đại Nội Huế phù hợp với tất cả mọi đối tượng, già trẻ lớn bé, ai ai cũng được.

    Bây giờ là một sốlưu ý và lời khuyên từ mình nhé:

    Nếu bạn đi với gia đình có người lớn tuổi, hãy thả chậm tốc độ vì họ dễ mỏi chân lắm. Đối với trẻ nhỏ cũng thế, mấy bé thường hiếu động và chạy lung tung, sờ chạm lung tung, bạn nhớ để ý.

    Đại Nội là một nơi trang nghiêm, nên bạn nữ hãy phối trang phục theo phong cách của bạn nhưng đừng quá hở hang lố lăng. Mình gợi ý, đừng mặc váy quá ngắn, áo quá trễ.

    Bạn nam cũng đừng quá luộm thuộm, đàng hoàng vào.

    Bởi vì tham quan một thời gian dài nên bạn hãy mang balo nhỏ có kem chống nắng, một chiếc áo khoác, một chai nước lọc, đặc biệt một chiếc máy ảnh, điện thoại full pin nè!

    Đừng xả rác, chửi tục, hãy văn minh lên nhé!

    Hãy lịch sự đối với bảo vệ, nhân viên phục vụ bạn nhé! Họ cũng đối xử lại với bạn như vậy!

    Giá vé thì thay đổi ít nhiều, bạn tự tham khảo nha.

    Nói tóm lại Đại Nội Huế là một địa điểm không thể bỏ qua trong hành trình du lịch bốn phương của bạn, nào, hãy đến đây đặt dấu ấn của bạn tại vùng đất Cố Đô xưa.

    Cuối cùng là lời chúc của mình, mong là bài review này của mình sẽ giúp ích cho các bạn. Nhớ gìn giữ sức khỏe nhé, đi đâu cũng phải mang khẩu trang<3

    [​IMG]
     
    Oppo00, Meme000, Annie Dinh19 người khác thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...