Dagestan của tôi Tác giả: Rasul Gamzatop Review: Tô Thủy Tôi đọc cuốn sách vào những ngày nắng oi ả đổ xối xả trên mảnh đất quê hương, nó tưới những giọt nước mát lên tâm hồn tôi và làm tôi nhận ra, cái nắng, cái mưa của quê hương là máu thịt của mình. Tôi đọc cuốn sách trong tâm thế đi tìm một thê loại, một câu chuyện, nhưng rồi tôi bắt gặp cả tiếng hát của thơ và tiếng kể chuyện điềm đạm, tôi được đắm mình vào không chỉ một câu chuyện mà là nhiều mảnh chuyện ghép lại, làm nên bức tranh đời sống đa diện, gần gũi, sinh động, phong phú ngỡ rất xa mà lại rất gần, rất thân thuộc. Tôi đọc cuốn sách với tâm thế của một người cần được tâm sự, san sẻ sau những âu lo, phiền muộn nhưng rồi không chỉ bắt gặp tình cảm mà còn cả những thông điệp trên trang viết, nâng tôi đứng dậy.. Ralsul Gamzatop là nhà thơ người Avar- một trong số những dân tộc ở nước Cộng hòa Dagestan (xưa thuộc Liên bang Nga). Tại sao nói đến nhà thơ phải nói đến gốc gác dân tộc nhà thơ đó? Nhà thơ phải gắn bó, trân trọng, thấu hiểu quê hương mình, dân tộc mình trước khi cất bút làm bất cứ bài thơ nào. Không yêu và thấu từng chữ của tiếng mẹ đẻ, làm sao có thể đồng hành cùng ngôn ngữ ấy trên hành trình thơ của mình? Dagestan của tôi là cuốn sách viết ở dạng văn xuôi đầu tiên, sau những tập thơ nổi tiếng của ông. Cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, được đông đáo độc giả đón nhận và nhiều nhà phê bình văn học đánh giá cao. Dagestan của tôi thực ra có hai tập nhưng ở đây tôi chỉ giới thiệu tập thứ nhất. Tập sách thứ nhất gồm mười bốn chương: Lời nói đầu, Thế vào lời bạt, Về lời bạt nói chung, Cuốn sách này đã ra đời thế nào và nó đã được viết ở đâu, Về ý nghĩa của cuốn sách này và tên gọi của nó, Về hình thức cuốn sách này, Viết nó như thế nào, Ngôn ngữ, Đề tài, Thể loại, Bút pháp, Ngôi nhà cuốn sách này - cốt truyện, Tài năng, Làm việc, Sự thật và lòng dũng cảm, Phân vân. Qua mỗi chương, ta được dẫn dắt và chiêm nghiệm về quê hương bản quán, về văn học nghệ thuật và cách sống giữa muôn người, giữa cuộc đời. * Từ Dagestan đến quê hương của bạn, của tôi và "làng Trái Đất" Còn có điều gì thiêng liêng hơn quê hương của mỗi con người? Quê hương- nơi cha ta, mẹ ta dãi dầu lớn lên. Quê hương, nơi ta đã quen mùi sữa mẹ, quen mùi những bài ca, quen những con đường, quen những khung cảnh, những kí ức, kỉ niệm.. Rasul Gamzatop trở thành nhà thơ nhân dân vì tình cảm của ông với quê hương chứ không phải vì ông là nhà thơ mà ông ca ngợi quê hương. Tình cảm với quê hương như tình mẫu tử, bắt nguồn từ trái tim, tự nhiên nhất trên đời. Chính nhà văn đã khẳng định rằng, cuốn sách mọc lên từ Dagestan quê ông. Ông đã viết cuốn sách bằng ngôn ngữ mẹ đẻ- tiếng Avar, ông đã kể những câu chuyện từ chính quê hương mình. Những nét văn hóa, phong tục- trang phục, những món ăn, tang lễ và tiệc cưới, những bài ca, tiếng đàn pandur, cảnh thiên nhiên núi đồi.. đã được nhà văn tái hiện qua qua những câu chuyện trên trang viết. Cũng giống như cha mình, nhà thơ Gamzat Tssada, Rasul đi đến nơi đâu cũng thấy không đâu bằng chốn quê nhà. Đi bộ trên những thành phố xa lạ, chỉ đôi ba lần là ông chán, nhưng đi mãi trên quê hương, mỗi lần bước đi là nhà thơ thấy lại mình của thuở ấu thời, những loài hoa quen, những chiếc lá thân thương. Ông khảng khái rằng, không thể cất bút viết qua loa về quê hương mình, quê hương máu thịt không phải là nơi ta bòn rút chất liệu để hoàn thành xong đơn đặt hàng của nhà xuất bản.. Vậy là ông đã nghiền ngẫm và thể hiện sâu sắc con người, tính cách của dân tộc mình trên trang viết. Nhưng văn học không chỉ dừng lại ở một vùng đất, tôn vinh tính dân tộc mà còn hòa vào dòng chảy chung, đề cao tính nhân loại. Trong bối cảnh hội nhập, cả Trái Đất là một thế giới phẳng, con người kết nối với nhau trong "xóm toàn cầu" thì mỗi người không chỉ có một quê hương. Quê hương ta là vùng đất này, cũng là châu lục này, là cả thế giới này, bao gồm cả những người xa lạ, những loài hoa, những cánh chim sống khác vùng trời.. Rasul Gamzatop viết: "Ở đâu tôi cũng coi mình là phóng viên thường trú của Dagestan quê tôi. Nhưng tôi lại trở về Dagestan với tư cách là phóng viên của nền văn hóa chung nhân loại." Đó không chỉ là nghĩa vụ của nhà văn mà còn là tâm thế mà mỗi người nên có trong một thời đại không còn khép cửa đóng lòng. Từ gốc gác quê mình, ta tôn trọng cả quê hương, văn hóa của những con người khác, ở các quốc gia, dân tộc khác. Đi khắp muôn phương ta lại nhớ những giá trị quê mình. Trở về quê mình ta lại trân quý vùng đất ta đã đặt chân với giá trị riêng của nó. Trong quê bạn hay quê tôi đều có tình yêu thương vén vun mái ấm, có lời mẹ ru, có những ngả đường nâng bước, có những bài ca nuôi sống tâm hồn.. * Từ Dagestan đến những nhánh cây văn học Khi đọc "Dagestan của tôi", tôi có cảm giác rằng, liệu tác giả đang lập ý tưởng cho cuốn sách mình muốn viết hay đang viết chính cuốn sách đó. Bởi qua mỗi chương, nhà văn suy tư về tiêu đề, về ý nghĩa, hình thức cuốn sách, đặt ra các vấn đề lí luận cơ bản làm nên tác phẩm văn học chứ không đi vào câu chuyện cụ thể. Thực ra thì, cuốn sách không khép mình vào bất cứ thể loại nào, nội dung ý nghĩa nào mà là sự trộn hòa những mảnh kí ức, những câu chuyện đời thường, những nếp sống dân gian, hình ảnh quê hương và những vấn đề văn học. Lí luận văn học trở nên mềm mại, sinh động hơn qua những câu chuyện kể. Quê hương và văn học đã gắn bó hài hòa với nhau và làm nên linh hồn cuốn sách. Ngòi bút của Rasul Gamzatop tỏ ra rất tài hoa khi tạo nên những ẩn dụ, ví von và kể những câu chuyện làm ta phải bật cười hay lắng lại suy nghĩ. Chẳng hạn, nhà văn đã ví von: "Đề tài là cái hòm đựng của cải. Lời nói là chìa khóa mở cái hòm đó. Nhưng đồ đạc trong hòm cần phải là của anh chứ không phải của ai khác", nghĩa là, đề tài là mảnh đất để nhà văn khai thác nhưng phải dùng ngôn ngữ để khám phá, thể hiện và mọi điều nhà văn thể hiện trong đề tài phải là sáng tạo của riêng anh ta. Nhà văn kể rằng, dạo nọ gia đình nhà thơ Abutalip đã bị trộm đột nhập và mất rất nhiều của cải quý giá nhưng Abutalip lại vào phòng đàn hát, vợ con bực bội hỏi ra thì ông cười, rằng, thơ tôi còn đó thì sao tôi phải buồn. Thế mới nói, thơ là mạng sống của nhà thơ. Nhà văn lại kể câu chuyện rằng nhà thơ nọ trong đêm tân hôn bỏ tân nương một mình và ngồi làm thơ ca ngợi tình yêu, Rasul Gamzatop phán rằng anh ta là kẻ giả dối, không có trái tim chân thành. Thế mới biết, trái tim yêu thương chân thành với con người và cuộc đời là hơn hết. Văn và đời gắn bó với nhau như thế đó. Đó chỉ là những mẩu nhỏ nhặt ra từ rất nhiều những câu chuyện mà Rasul Gamzatop kể. * Từ Dagestan đến những suy ngẫm về cuộc đời Trong những suy ngẫm về quê hương, về văn chương, ta thấy hiện lên những suy ngẫm về cuộc đời. Nhà văn trước hết phải là một con người, gắn bó với cuộc đời và sống giữa muôn người. Những triết lí nhà văn gợi nên qua những câu thơ mở đầu mỗi chương, qua những câu chuyện, rất giản dị nhưng không bao giờ cũ. Ở chương sách đầu tiên, nhà văn đã kể về phong tục ở làng mình, rằng người sắp đi xa phải dắt ngựa đi bộ một quãng dài để suy ngẫm về những gì mình đã bỏ lại, những gì mình sẽ trải qua trước khi nhảy lên yên ngựa. Bất cứ ai trong chúng ta cũng cần một quãng đi bộ cùng con ngựa của mình như vậy. Ở nột chương khác, tác giả đã viết ra điều làm tôi thoáng giật mình: "Nếu ở tuổi hai mươi mà không có sức lực thì chẳng khi nào có thể có sức lực được nữa. Nếu ở tuổi ba mươi mà chưa đủ khôn ngoan thì không tuổi nào có thể có được nữa. Nếu người ở tuổi bốn mươi rồi mà không phải chim ưng thì anh ta không thể bay được nữa!". Những suy ngẫm trong ta được đánh thức nhẹ nhàng mà thấm thía như thế đó. Đọc cuốn sách, ta có cảm giác như được trò chuyện với nhà văn, một người uyên thâm, sâu sắc nhưng cũng gần gũi, hài hước, nói bằng giọng điệu rặt Avar, trong tim chảy đập hòa hai dòng máu quê hương và nhân loại.. "Dagestan của tôi" đã mở ra một cách gần gũi và khép lại trong sự nồng ấm, cảm tưởng như ta đã đến ngôi nhà của Rasul Gamzatop ở quê hương ông, say sưa nghe ông kể chuyện và trở về trong lời hân hạnh cảm tạ của con người miền núi hiếu khách đó. Những trang sách đóng lại nhưng những bài thơ, câu chuyện chắc hẳn sẽ còn vỗ sóng rạt rào ở đâu đó trong trí nhớ. "Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương" (Chế Lan Viên).