Đặc sắc truyện ngắn người thầy đầu tiên của Ch.Aitmatov

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 23 Tháng tư 2023.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    1. MỞ ĐẦU

    Chingiz Torekulovich Aitmatov sinh ra trong một gia đình gia giáo, cha mất, ông ở với bà của mình ở trên núi. Ở đây ông được tiếp xúc với các bài hát dân gian, truyện cổ tích và các lễ hội du mục, những điều này ảnh hưởng sâu sắc đến những sáng tác của Aitmatov. Trong các tác phẩm của ông, bên cạnh sự kết hợp của những vấn đề đạo đức, triết học với thi pháp của phương Đông truyền thống còn có sự kết hợp của văn học dân gian và mô tuýp thần thoại. Trong các tác phẩm của mình, Aitmatov đóng vai trò như một bậc thầy về chân dung tâm lý, những anh hùng của ông là những người có tinh thần mạnh mẽ, nhân văn và tích cực. Văn xuôi của nhà văn được phân biệt bởi sự chân thành của ngữ điệu và chất thơ, kết hợp với tính chân thực tâm lý của hình ảnh những con người bình thường. Tác phẩm "Người thầy đầu tiên" của ông được sáng tác năm 1962 đã khắc họa thành công hình tượng người thầy Đuysen với nhiệt huyết của tuổi trẻ đã mang tri thức và ánh sáng cách mạng tới vùng quê nghèo Kurkureu. Trong truyện "Người thầy đầu tiên", Aitmatov đặt cho mình một nhiệm vụ lớn: Tạo ra một hình ảnh hiện thực mạnh mẽ về người cộng sản Lê – nin, thể hiện thành quả của chiến công của ông, mối liên hệ tư tưởng và đạo đức giữa ông và thế hệ mới.

    2. NỘI DUNG

    2.1 Tác phẩm "Người thầy đầu tiên"

    Tác phẩm "Người thầy đầu tiên" được Ch. Aitmatov sáng tác năm 1962. Một người họa sĩ có dịp gặp gỡ với viện sĩ Atunai, bà đã kể cho họa sĩ nghe về tuổi thơ đầy trăm trầm của mình. Vào năm 1924, một thanh niên Cộng sản tên là Đuysen về làng Kurkureu để dạy học, thầy đã chứng kiến cô học trò nhỏ Antunai của mình phải bỏ học lấy chồng nên đã quyết định mang cô bé lên tỉnh để học hành, sau này Antunai trở thành một người làm trong ngành giáo dục và được mọi người kính trọng, thầy Đuysen về già làm công việc đưa thư.

    Bản thân tác giả đã gọi tác phẩm của mình là một bức tranh, và nhiều bài văn bia và so sánh chỉ xác nhận sự thật này. Các nhà phê bình cũng gọi câu chuyện "Người thầy đầu tiên" là một bản nhạc, nổi bật bởi những đặc điểm như: Phần mở đầu trầm lắng, u sầu, một loạt hợp âm phát triển làm tăng độ căng và âm vực lớn.

    Câu chuyện này là một lời ca ngợi chủ nghĩa nhân văn, như chính Aitmatov đã nói "Người thầy đầu tiên" là tác phẩm mang tính bước ngoặt tôn vinh sức mạnh của ý chí và niềm tin vào điều tốt đẹp nhất của con người, có thể phá vỡ cả hệ thống cố thủ cứng rắn nhất.

    2.2 Không gian – thời gian

    Ở trong tác phẩm nghệ thuật, không gian là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm thể hiện con người và phản ánh những quan niệm nhất định về cuộc sống. Tác phẩm "Người thầy đầu tiên" mở cho chúng ta hai không gian đó là không gian thảo nguyên rộng lớn cùng làng Kurkureu và không gian trong túp lều của lão mặt đỏ. Làng Kurkureu nằm ở ven chân núi, trên một cao nguyên có những khe nước ào ào từ nhiều ngách đổ xuống. Bên dưới là thảo nguyên Karakh mênh mông được miêu tả nằm giữa các nhánh của rặng núi Đen và con đường sắt làm thành một cái thảm màu băng qua đồng bằng chạy tít đến chân trời phía tây. Aitmatov vẽ trước mắt người đọc một khung cảnh hết sức rộng lớn, thoáng đãng, một nơi mà con người có thể thỏa thích hít thở bầu không khí trong lành và vùng vẫy. Trái ngược với không gian rộng lớn mênh mông của núi rừng là không gian túp lều nhỏ bé, rách nát, nơi đã giam cầm Antunai suốt ba ngày này. Trong ba ngày, túp lều vải rách nát giống như một địa ngục trần gian. Chiếc lều tối tăm giống như cuộc đời của Antunai lúc này. Xung quanh đấy ai cũng sống trong những túp lều nhỏ bé và là một thôn du mục. Cái lều giống như những hủ tục, một thứ ở trên đầu họ, xung quanh những con người ấy và họ ăn ở trong đó, không chịu đi ra cái lều rách nát để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

    Về thời gian, trong tác phẩm thời gian là thời gian hồi tưởng và thời gian hiện tại. Thời gian hồi tưởng được sử dụng để gọi về một mảng ký ức. Trong tác phẩm, thời gian hồi tưởng của Antuiani chiếm một dung lượng lớn, bà hồi tưởng lại một quá khứ đầy đau thương nhưng cũng rất đáng nhớ. Thời gian hiện tại là việc ông họa sĩ kể về ngôi trường

    Đuysen, ngọn đồi có hai cây phong và cuộc gặp gỡ của họa sĩ cùng bà việc sĩ. Việc bà Antunai hồi tưởng lại quá khứ để kể, để giải thích hay sống lại những kỉ niệm về thầy Đuysen, về lý do tại sao có hai cây phong hay lý do tại sao bà Antunai lại gấp rút rời khỏi làng sau khi khánh thành trường mới.

    2.3 Nhân vật

    2.3. 1 Nhân vật thầy Đuysen

    Thầy Đuysen là một thầy giáo trẻ, anh được giới thiệu là con ông lão Tatanbek đã bỏ làng đi làm đường sắt từ dạo đối bao nhiêu năm trước đây và từ đó biệt tăm biệt tích. Thầy được đoàn Komxômôn điều về dạy trẻ ở ngôi làng Kurkurêu, nơi mà những danh từ như "trường học" hay "học tập" là những danh từ hết sức xa lạ với bà con. Theo nhân vật "tôi", Đuysen khi về già là một một người đã luống tuổi, vóc cao lớn, dáng xương xương, có đôi mày quăn rậm. Ông là người rất nguyên tắc và không làm xong việc sẽ không đi đâu hết. Khi còn trẻ anh được nhận xét là một người thanh niên Komxômôn phải là một chàng gighit nói hăng làm hăng hơn hết thảy mọi người trong thôn, thường phát biểu trong hội nghị, viết báo về bọn chây lười và bọn ăn cắp của công.

    Đầu tiên, khi nhắc tới người thầy đầu tiên của làng Kurkurêu này không thể không nói đến một người thầy mẫu mực, tâm huyết với nghề nghiệp. Thử thách đầu tiên của người thầy trẻ khi tới làng đó chính là dựng trường xây lớp và vận động con em của bà con trong dân làng đi học. Điều đó được coi là không tưởng ở đây vì ngay chính bố mẹ các em, khi nghe tin thầy Đuysen sẽ dạy học ở làng, ngay lập tức nói điều này không khả thi bởi vì từ xa xưa đến nay dân làng sống bằng nghề nông và nghề nông đã nuôi sống họ, không nên học làm gì. Một người thầy trẻ, chưa có kinh nghiệm gì như Đuysen nghe sự phản đối của mọi người thì trở nên ngơ ngác và khuôn mặt trở nên nhợt nhặt. Người thầy lần đầu tiên đi dạy học ấy đã bị hiện thực phũ phàng làm cho thất vọng. Tuy nhiên, thầy Đuysen vẫn mang theo người một tờ giấy về việc học của bọn trẻ có dấu của chính quyền Xô Viết. Anh thét lên hai tiếng "nói đi" bằng một giọng giận dữ rung lên sang sảng, nghe hùng dũng như một viên đạn xé tan cảnh ấm cúng của bầu không khí tĩnh mịch trời thu và như một tiếng nổ, giọng anh vang dội thành một tiếng vọng ngắn trong vách núi. Xong xuôi công việc thông báo việc mở lớp dạy học đến cho người dân, thầy Đuysen bắt tay vào việc cải tạo lại cái chồng ngựa bỏ hoang của phú ông trên đồi để làm thành một cái lớp học cho những người học trò nhỏ của mình: "Sáng nào cũng thấy Đuysen mặc chiếc áo đen lủi thủi theo con đường mòn leo lên đồi tới chỗ chuồng ngựa bỏ hoang. Và đến tối mịt mới trở xuống về làng" [1-tr14] Thầy thương những đứa nhỏ không có lớp học hành tử tế, thầy chăm chỉ, nhiệt huyết đi sớm về muộn để có một lớp học cho những đứa nhỏ. Khi gặp Antunai và những em khác, anh đã kể cho chúng nghe về dự định của mình khi thiết kế lớp học. Người thầy ấy vẫn luôn hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn: "Các em ghé vào đây xem là hay lắm, các em chả sẽ học tập ở đây là gì? Còn trường của các em thì có thể nói là đã xong đến nơi rồi. Ta vừa đắp một thứ lò sưởi ở góc nhà và bắc cả ống khói trên mái, các em thử nhìn xem!" [1-tr15] . Thầy động viên học trò bằng giọng nói ấm áp thân thương và niềm vui sướng khi sắp được đứng lớp, dạy cho học sinh của mình những con chữ mà mình đã được học. Thầy không nói ra nhưng ai cũng có thể nhận ra là thầy đang rất vui, những mệt mỏi, khó khăn lúc đó đều đã tan biến đi hết. Thầy giống như một thiên thần, mang trên đôi cánh của mình là những tri thức đến gõ cửa từng nhà, vận động những người có con, cháu đến tuổi hay quá tuổi tới trường với hy vọng họ có thể đồng ý cho chúng tới trường học, để có thể thay đổi cuộc đời. Anh tới nhà của chú thím Antunai ở tít cuối làng, dù cho bà thím của Antunai phớt lờ nhưng anh cũng không để trong lòng, ngay cả khi bà thím đuổi anh đi bằng những từ ngữ cực kỳ khó nghe: "Nó không học được đâu. Cái quân không cha không mẹ ấy thì học gì, đến những đứa có mẹ có cha hẳn hoi cũng còn không học nữa là. Anh cứ kéo cả lũ oắt kia đi mà dạy, không bận gì đến anh ở đây cả." [1-tr17] thì thầy Đuysen nhất định không chịu thua, anh cãi lại những lời lẽ vô lý đến đáng trách của bà thím, hơn nữa anh còn dọa nạt bà thím của Antunai: "Bà hãy nghĩ lại xem bà nói gì thế? Nó mồ côi thì có tội tình gì? Hay có luật lệ nào không cho các trẻ em mồ côi đi học?" Luật lệ là luật lệ chung.. Còn bà chống lại thì chúng tôi sẽ cho bà biết! "[1-tr17] . Anh sẽ không vì bất cứ ai mà để cho bọn trẻ không được đến lớp. Thầy Đuysen chính là một người thầy mềm dẻo đúng lúc và cứng rắn đúng người.

    Bên cạnh đó, thầy Đuysen còn là một người có niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng cách mạng. Trước khi trở thành người thầy đầu tiên của ngôi làng, trước đó thầy chính là một Đoàn viên Thanh niên Cộng sản. Thầy sớm đã giác ngộ lý tưởng của Đảng và tin tưởng vào chính quyền Xô – viết, tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Khi mọi người trong làng phản đối việc cho con đi học, Đuysen đã nói rằng:" Nghĩa là các người chống lại tờ giấy này, tờ giấy nói về việc học hành của trẻ em, có đóng dấu của chính quyền Xô-viết. Thế ai cho các người đất cày, nước tưới? Ai mang lại tự do cho các người? Nào, ai chống lại luật lệ của chính quyền Xô-viết, ai? Nói đi! "[1-tr11] . Trong những buổi học chữ, thầy Đuysen dạy bọn trẻ viết chữ" Lê – nin "," Xô – viết "và một số từ chính trị khác. Thầy còn hứa với bọn trẻ một năm sau sẽ dạy chúng từ" cách mạng ". Tình yêu nước, yêu Đảng và tình yêu thương học trò luôn chảy trong tim của người thanh niên trẻ tuổi, cứ như vậy, anh không chỉ dạy chữ cho chúng mà còn dạy cả tinh thần cách mạng nữa. Thầy kể chuyện cho học trò về cuộc tiễn đông diệt bắc tiễn trừ quân bạch vệ. Thầy kể về Lê – nin, truyền tình yêu thương và ngưỡng mộ cho thế hệ trẻ mà thầy đang dạy dỗ. Khi Lê – nin mất, thầy buồn bã, thầy cùng học trò của mình mặc niệm Người. Con người ấy dù cho có mạng mẽ đến đâu thì cũng là một người bình thường, nghe tin vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng vô sản thế giới đã mất, thầy đau buồn vô hạn. Thầy lau nước mắt và nói với bọn trẻ, thầy đi lên huyện để gia nhập Đảng, công cuộc cách mạng của thầy đã tiến thêm một nước mới.

    Không chỉ như vậy, thầy Đuysen còn là một người thầy yêu thương học trò, có trách nhiệm và tin vào tương lai tươi sáng của chúng. Sau khi được bố mẹ và người thân đồng ý cho đi học, sáng nào thầy Đuysen cũng đến nhà học sinh. Thầy hứa dạy cho tất cả các học sinh những gì mà thầy biết: " Thầy sẽ dạy các em biết đọc, biết đếm, hướng dẫn các em viết chữ cái, chữ số. "[1-tr19] và chia sẻ bằng tất cả nhiệt huyết và tấm lòng. Thầy không nóng giận khi học sinh của mình đọc sai chữ hay nhớ chậm mà thầy Đuysen cực kỳ kiên nhẫn bằng cách cúi sát từng học sinh một, thầy chỉ bảo từng cách cầm bút chì rồi sau đó say sưa giảng cho chúng nghe về những chữ khó. Vào mùa đông, khi nước băng lạnh buốt cóng cả chân, thầy Đuysen tay thì bế, lưng thì cõng đưa từng đứa nhỏ qua sông. Trời thì lạnh nhưng thầy lại đi chân không, làm việc không ngơi tay. Thầy chăm lo cho học trò, thầy sợ chúng lạnh, chúng không tới trường được ảnh hưởng tới việc học. Khi bị bọn nhà giàu thường trú qua mùa đông ở trên núi và chỉ xuống làng khi cần xay thóc chế giễu, thầy không để ý những lời lăng mạ đó, coi như không nghe thấy gì hết. Thường là thầy nghĩ ra một câu chuyện vui nào đó khiến lũ lũ học trò phá lên cười, quên mất mọi sự. Đỉnh điểm là một đêm sau khi lên huyện, cho dù khi trở về bị chó sói đuổi suýt mất mạng nhưng anh vẫn giữ lời hứa với bọn trẻ, anh nói với với ông cụ Kartanbai và bà cụ Xaikan, khuôn mặt thầy xám xịt, thầy thở hổn hển, người lảo đảo, bước không vững: " Cháu đã trót hứa với các em là sẽ về hôm nay. Mai phải bắt đầu học rồi.. Đây là bổn phận của cháu, nhiệm vụ của cháu bác ạ "[30] . Anh nhất định dù có chuyện gì xảy ra cũng phải giữ chữ tín, đã hứa thì nhất định không được thất hứa. Mãi sau này, không ít học trò cũ của Đuysen đã hi sinh trong chiến tranh, họ đã là những chiến sĩ Xô-viết chân chính, trong mắt Antunai, hỉnh ảnh của thầy Đuysen đã dường như biến thành một thành tích vô giá, được giữ gìn trân trọng trong cõi tĩnh mịch của một viện bảo tàng.

    Đối với Antunai thầy Đuysen giống như một người dẫn lối, một vị cứu tinh cuộc đời vốn đã khó khăn và đầy khổ cực của cô. Có lần, trong khi học, thầy Đuysen đã bày tỏ sự thán phục trước sự thông minh của cô bé:" em thông minh lắm.. Ôi, ước gì thầy được gửi em ra thành phố lớn. Em còn sẽ khá hơn biết chừng nào. " Thầy muốn cô học trò của mình có thể phát triển hơn nữa, bay cao bay xa trong một môi trường tốt, nơi mà cô bé có thể phát huy hết năng lực của bản thân. Khi nghe tin Antunai phải bỏ việc học để về lấy chồng, thầy Đuysen đã nói với với Antunai bằng giọng chắc nịch: " Thầy sẽ chịu trách nhiệm về em. Em ở tạm nhà bác Kartanbai với thầy. Và lúc nào cũng phải đi theo thầy. "[1-tr35] Thầy không muốn vì bà thím Antunai ép mà cô bé lại phải lấy chồng vào thời điểm này. Thầy Đuysen quyết tâm bảo vệ cô bé khỏi bà thím độc ác và có ý định cho Antunai lên tỉnh học. Thầy sợ Antunai suy nghĩ nhiều nên đã mang hai cây phong về và cùng cô bé trồng hai cây phong. Thầy hy vọng Antunai cùng hai cây phong sẽ cùng nhau lớn lên, không vì mưa bão hay gió mạnh mà bị quật ngã. Sau đó, bà thím đến trường học để bắt Antunai đi nhưng thầy Đuysen đã ngăn cản, thầy bị bọn chúng đánh người bê bết máu, vẻ mặt anh căm giận trông rất khủng khiếp. Thầy dùng chút sức lực yếu ớt chạy theo đám người bắt Antunai, thầy không còn quan tâm bản thân ra sao, mục tiêu duy nhất ở thời điểm hiện tại của thầy đó chính là không để cho Antuinai bị bắt đi. Thầy mang theo một viên đá lớn, miệng hét lên: " Đứng lại! Đồ thú dữ! Đứng lại! Buông nó ra, buông ra! Antưnai! "[1-tr39] Những đứa trẻ trong lớp khóc, những đọc giả đọc đến đây đều xúc động, chắc hẳn chưa bao giờ được trông thấy hình ảnh nào ám ảnh và day dứt như vậy. Người thầy Đuysen không màng đến tính mạng của mình vì cô học trò nhỏ, nếu như thầy dừng lại thì Antunai sẽ thế nào, tương lai cô bé ra sao chắc hẳn ai cũng đoán được. Ở phần này, Aimatov miêu tả khung cảnh hỗn loạn và cảm xúc của thầy Đuysen rất đặc biệt. Người đọc có thể cảm nhận được sự tức giận và bất lực trong lời nói và hành động. Tương lai tương sáng của học trò còn ở phía trước. Ba ngày sau, cho dù Antunai đã trở thành vợ lẽ của lão mặt đỏ, thầy Đuysen vẫn không chịu bỏ cuộc. Thầy dẫn theo hai người công an tới bắt lão đi và cứu Antunai. Họ thấy khuôn mặt đầy tức giận của thầy trong tiếng chửi mắng lão: " Mày tưởng đã giày xéo lên Antưnai như xéo lên đám cỏ dại hẳn, mày tưởng đã hại được Antưnai? Mày lầm! Thời của mày đã hết, bây giờ đến thời của Antưnai, cái thời mà mày đã mạt kiếp rồi!.. "[1-tr42] Thầy cho Antunai ngồi lên ngựa còn mình thì đi bộ. Thyaaf xin Antunai tha thứ cho bản thân vì đã không cứu được cô bé nhưng chính thầy cũng không tha thứ được cho bản thân. Thầy chỉ mong muốn Antunai được học hành tử tế, trở thành một giáo viên, không hề sợ hãi trước khó khăn và luôn là một học trò xuất sắc của mình.

    2.3. 2 Nhân vật cô bé Antunai

    Ngay ở đầu tác phẩm, bà viện sĩ Antưnai Xulaimanôvna đã được nhân vật" tôi "miêu tả là một người phụ nữ luôn bận công việc, quan tâm đến cuộc sống ở quê hương:" Bà đã nhiều tuổi, đẫy đà, mái tóc chải mượt bạc đi nhiều. Người đàn bà đồng hương nổi tiếng của chúng tôi làm chủ nhiệm bộ môn ở trường đại học tổng hợp, lên lớp giảng triết học, làm việc ở viện hàm lâm, hay đi ra nước ngoài luôn. "[1-tr5] Bây giờ, bà đã trở thành mà khi tới bất cứ đâu cũng được người dân nồng nhiệt chào đón bằng tất cả lòng kính trọng.

    Tuổi thơ của Antunai mang nhiều nỗi bất hạnh. Bố mẹ Antunai mất sớm, cô phải ở nhà của ông chú họ. Ở đây, Antunai không hề được chú và thím yêu thương chăm sóc mà họ coi cô bé như người làm, đến chính bản thân cô bé đã nói thím mình là một người độc ác thô bạo. Một cô bé mười bốn tuổi khi không làm hài lòng được người thím độc ác, bà ta không những chửi mắng mà còn động chân tay:" Con quỷ đen kia! – Đứa nào xúi mày ghé vào trường? Sao mày không chết rấp trên cái trường ấy đi cho rảnh.. Quân không cha không mẹ.. Muốn xem trường thì rồi tao sẽ cho xem, mày cứ còn bén mảng đến gần đấy là tao đánh què cẳng đi. "[1-tr16] Bà thím còn đánh liên hồi vào đầu của cô bé, Antunai bé nhỏ chẳng thể nào chống cự, cô nín lặng, lặng lẽ khóc vụng. Những trận đòn roi này không phải lần đầu tiên, những lời tâm sự của cô bé khiến cho ai ai cũng phải sót xa: " Tôi không khóc vì những đòn thím tôi đánh, không, vì tôi đã quen chịu đòn quá nhiều rồi, tôi khóc vì hiểu rằng thím tôi không đời nào chịu cho tôi đi học.. "[1-tr16] Những trận đòn roi đã trở nên quen thuộc đến mức cô bé cảm thấy rất bình thường.

    Cô bé Antunai còn nhỏ nhưng mang trong mình ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Bà thím độc ác không muốn Antunai đi học, cái bà ta muốn đó là Antunai phải lấy một người đàn ông to béo, lớn hơn cả tuổi của bà thím. Bà thím không quát mắng Antunai như mọi ngày, thái độ bà thay đổi một trăm phần trăm khiến cho Antunai cảm thấy khó chịu, chột dạ và đề phòng. Sau khi được biết mọi chuyện từ thầy Đuysen, Antunai cảm thấy sợ hãi. Bà thím đưa người đến tận lớp học để bắt cô về, Antunai chỉ còn một chỗ để bám víu duy nhất đó là thầy Đuysen. Bà thím nện liên tục vào đầu Antunai và đưa cô bé đi bằng cách thô bạo. Dù sao cũng chỉ là một cô gái nhỏ, Antunai không thể tránh khỏi cảm giác tuyệt vọng cùng cực khi ở cạnh người vợ cả của lão mặt đỏ:" Tôi nhìn vào đôi mắt không hồn của người đàn bà mặt đen xạm và có cảm giác như chính tôi bây giờ cũng không còn sống nữa, tôi đang nằm dưới mộ. "[1-tr40] Trái tim của Antunai đã chết lặng trong ba ngày địa ngục trần gian đó nhưng lý trí không cho phép cô bé chịu đầu hàng số phận, dù có chết đi chăng nữa, Antunai cũng nhất định phải thoát ra khỏi đây: " Dù có lạc đường hay bị bọn hung đồ đuổi kịp, tôi cũng sẽ chống cự cho đến hơi thở cuối cùng như Đuysen thầy tôi. "[1-tr40] Ý chí của Antunai lên tới đỉnh, nghị lực của cô bé nhất định phải chiến thắng lão mặt đỏ và bà thím độc ác: " Có chết thì cũng chết tự do, chết trong khi chống chọi với chúng, chứ không thể chịu khuất phục. "[1-tr41] Tinh thần thép của cô bé Antunai thật khiến chúng ta phải nể phục, nói là làm, Antunai tìm mọi cách để trốn khỏi nơi đó. Antunai đào đất dưới vách lều, cào bằng móng tay đến nỗi toạc rách rớm máu. Cho dù Antuani thấy bản thân mình ô uế nhưng khi được thầy Đuysen chỉ cho một cách, cô bé liền làm theo, mỉm cười thật tươi:" Nước ơi, hãy cuốn đi tất cả những bùn nhơ, những nỗi ô nhục của mấy ngày hôm nay! Hãy làm cho tôi trong sạch như nước suối này! "[1-tr44] Antunai vẫn là cô bé hồn nhiên, tươi vui dù cho có chuyện gì đi chăng nữa, cô nhất định sẽ vượt qua.

    Antunai là một cô bé thông minh, tài giỏi. Khi học thầy Đuysen, thầy đã khen cô là một người thông minh. Sau khi tốt nghiệp trường dự bị đại học công nhân, Antunai được gửi đi Matxcova, vào viện Mác Lê – nin. Antunai đã trải qua bao nhiêu khó khăn trong những năm học dài đằng đẵng, đã bao nhiêu lần cô tuyệt vọng tưởng chừng không sao vươn đến đỉnh chóp cao siêu của khoa học và cứ mỗi lần như vậy, trong những phút gay go nhất cô lại thầm giữ trách nhiệm đối với người thầy đầu tiên của mình và không dám lùi bước. Antunai còn bảo vệ thành công luận án đầu tiên của mình ở Maxcova. Cả cuộc đời bà luôn cống hiến cho giáo dục, đúng như thầy Đuysen đã nói. Bà làm chủ nhiệm bộ môn ở trường đại học tổng hợp, lên lớp giảng triết học và làm việc ở viện hàm lâm, cũng hay đi nước ngoài. Bà đã là người nổi tiếng, ai ai cũng kính trọng, nồng nhiệt và dân làng luôn hãnh diện vì bà.

    2.4 Kết cấu truyện lồng truyện

    Trong tác phẩm" Người thầy đầu tiên ", Aitmatov có sử dụng kết cấu truyện lồng truyện. Đây không phải tác phẩm đầu tiên viết theo thủ pháp nghệ thuật này mà trước đó ở thế kỷ VIII Tr. CN trong tác phẩm sử thi nổi tiếng Odyssé thủ pháp này đã xuất hiện, khi người anh hùng Ulyssés tựu kể lại những câu chuyện mà mình gặp phải ở trong bữa tiệc cho mọi người nghe. Thủ pháp truyện lồng truyện có thể hiểu đơn giản đó là việc lồng ghép một câu chuyện có thể liên quan hoặc không liên quan vào tác phẩm chính.

    Trong tác phẩm nhân vật" tôi "kể về chuyện mình về làng và được gặp bà viện sĩ Antunai, câu chuyện mà bà viện sĩ kể được lồng vào câu chuyện đó. Việc sử dụng kết cấu truyện lồng truyện của Aimatov khiến cho truyện trở nên sinh động và hấp dẫn, cả hai truyện đều được kể bởi những người trong cuộc, đặc biệt là câu chuyện mà bà Antunai kể. Bà kể bằng hồi tưởng của bản thân, đó là một hành trình dài, đi ngược thời gian để tìm lại quá khứ không thể nào quên, làm hoài niệm hiện lên sống động trước mắt độc giả. Độc giả có thể thấy được nhìn nhận và suy nghĩ của bà viện sĩ ở thời điểm đó, nhất là khi bà miểu tả người vợ cả của lão mặt đỏ và việc nhận lầm thầy Đuysen khi ở trên tàu hỏa. Kết cấu truyện lồng truyện trong tác phẩm này giúp cho độc giả không chỉ cảm nhận được tấm lòng của người thầy đầu tiên Đuysen, hành trình vượt lên số phận của bà viện sĩ Antưnai Xulaimanôvna mà độc giả còn cảm nhận được tình cảm của người họa sĩ ở thế hệ sau này, một thứ tình cảm kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ đi trước.

    2.5 Các biểu tượng

    Trong" Người thầy đầu tiên "sử dụng rất nhiều biểu tượng, trong đó tiêu biểu đó là hình ảnh hai cây phong trên quả đồi. Cây phong này do thầy Đuysen mang về cùng Antunai trồng. Đối với Antunai, hai cây phong này là món quà mà thầy Đuysen đã tặng cho cô bé với hy vọng Antunai có thể lớn lên khỏe mạnh, học giỏi, cây phong sẽ lớn lên cùng cô bé giống như một người bạn. Sau này, khi đã trở thành một người được mọi người kính trọng, ngay khi kết thúc buổi gặp mặt, Antunai lập tức đến quả đồi, nơi có hai cây phong: " Bà đứng nhìn hai cây phong với nỗi buồn u uất mà chỉ phụ nữ mới có được. "[1-tr8] và chính và đã nói lên tình cảm của mình: " Xin cúi chào hai cây phong, hai người bạn, hai giọt máu thân thuộc, hai chị em ruột thịt của tôi!.. [1-tr48] . Đối với người họa sĩ, hai cây phong ấy không chỉ gắn bó với tuổi thơ dữ dội của ông mà nó còn mang trong mình một tâm hồn của con người: "Chúng có tiếng nói riêng và hẳn phải có một tâm hồn riêng, một tâm hồn chan chứa những lời ca êm dịu. Dù ta có tới đây vào lúc nào, ban ngày hay ban đêm, chúng vẫn nghiêng ngả thân cây, lay động lá cành, không ngớt tiếng rì rào theo nhiều cung bậc khác nhau." [1-tr2] .

    2.6 Các thủ pháp nghệ thuật

    Đầu tiên không thể không nhắc đến ngôn ngữ. Trong tác phẩm, bên cạnh ngôn ngữ trần thuật còn có ngôn ngữ hình tượng và ngôn ngữ tâm lý. Ngôn ngữ trần thuật được thể hiệc xuyên suốt tác phẩm, mở đầu là giọng kể điềm đạm, trầm ấm của một người học sĩ đến từ vùng núi hẻo lánh xa xôi vùng bên giới. Giọng kể đều đều, chậm rãi đưa độc giả về với làng Kurkureu: "Làng Kurkurêu chúng tôi nằm ven chân núi, trên một cao nguyên rộng có những khe nước ào ào từ nhiều ngách đá đổ xuống. Phía dưới làng tôi là thung lũng Hoàng Thổ, là cánh thảo nguyên Karakh mênh mông nằm giữa các nhánh của rặng núi Đen và con đường sắt làm thành một cái thảm màu băng qua đồng bằng chạy tít đến chân trời phía tây." [1-tr1] Qua những lời kể tự nhiên, độc giả đã có thể biết đến một bản làng mà ở đó vẫn còn biết bao những hủ tục, những định kiến và những số phận bất hạnh. Bên cạnh đó còn có người thầy hết mực yêu thương học trò và những đứa trẻ tài giỏi, ngoan ngoãn. Lời kể mộc mạc, ngôn ngữ trần thuật không quá cầu kỳ chính là điểm đặc sắc của tác phẩm. Tiếp theo đó là ngôn ngữ tâm lý, vì câu chuyện được kể theo lời của người trong cuộc nên ngôn ngữ tâm lý đã góp phần tạo nên sự cuốn hút cho truyện. Cô bé Antunai luôn bị xáo trộn bởi những tình cảm trong sáng của lứa tuổi học trò với hiện thực tăm tối của xã hội lúc đó. Bên cạnh đó là ngôn ngữ hình tượng, trong tác phẩm có rất nhiều hình tượng được gợi ra, từ hình tượng người thầy Đuysen đến hình tượng hai cây phong hay rặng núi Đen. Vì có nhiều hình tượng nên ngôn ngữ hình tượng được sử dụng rất nhiều, góp phần xây dựng thành công các hình tượng trong tác phẩm.

    Thứ hai đó chính là nghệ thuật miêu tả kết hợp với biểu cảm. Người họa sĩ đứng trên điểm nhìn của người làm hội họa nên khi miêu tả làng Kurkureu hay hình ảnh hai cây phong đều đậm chất hội họa. Người học sĩ ấy đem tất cả tình cảm của mình dành cho làng, cho hai cây phong mà lúc nào họa sĩ cũng tự hỏi với một nỗi buồn da diết: "Ta sắp được thấy chúng chưa, hai cây phong sinh đôi ấy? Mong sao chóng về tới làng, chóng lên đồi mà đến với hai cây phong. Rồi sau đó cứ đứng dưới gốc cây để nghe mãi tiếng lá reo cho đến khi say sưa ngây ngất." [1-tr2]

    3. KẾT LUẬN

    Câu chuyện về thầy giáo đầu tiên của làng Kurkureu hẻo lánh đã đem đế cho mọi người biết bao cảm xúc lắng đọng. Không chỉ thầy Đuysen mà tất cả những người giáo viên trên thế giới này, dù ở trong hoàn cảnh nào cũng sẽ giữ cho mình một trái tim đầy yêu thương học trò. Người thầy là người sống đúng với công việc của mình, vì những mục tiêu lớn lao - mang đến cho trẻ em cơ hội học tập, mang đến cho chúng một tương lai ở một đất nước mới, một thời đại mới. Ông có thể chịu đựng những khó khăn, tủi nhục, đau đớn, mất mát - tất cả chỉ vì một tương lai tươi sáng cho những đứa trẻ thân yêu của ông. "Người thầy đầu tiên" của Aitmatov mang nhiều đặc sắc nghệ thuật như về nghệ thuật miêu tả kết hợp biểu cảm, kết cấu truyện lồng truyện hay cách khai thác không gian, thời gian.

    4. TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. TruongDinhvn – PDF Người thầy đầu tiên: Người Thầy Đầu Tiên ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI

    TruongDinhVn Chia sẽ ebook, các khóa học, phần mềm học tập miễn phí
     
    Đậu Đậu111 thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...