Đặc điểm của sinh viên hiện nay

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Wall-E, 12 Tháng sáu 2019.

  1. Wall-E

    Bài viết:
    589
    Sinh viên (SV) trước hết mang đầy đủ những đặc điểm chung của con người, mà theo Mác là "tổng hòa của các quan hệ xã hội". Nhưng họ còn mang những đặc điểm riêng: Tuổi đời còn trẻ, thường từ 18 đến 25 dễ thay đổi, chưa định hình rõ rệt về nhân cách, ưa các hoạt động giao tiếp, có tri thức đang được đào tạo chuyên môn.

    Sinh viên vì thế dễ tiếp thu cái mới, thích cái mới, thích sự tìm tòi và sáng tạo. Đây cũng là tầng lớp xưa nay vẫn khá nhạy cảm với các vấn đề chính trị- xã hội, đôi khi cực đoan nếu không được định hướng tốt.

    [​IMG]

    Một đặc điểm rất đáng chú ý đang xuất hiện trong những người trẻ hôm nay, liên quan đến sự phát triển của công nghệ thông tin với tư cách là một cuộc cách mạng, đó là sự hình thành một môi trường ảo, hình thành một lối sống ảo. Đặc điểm này chỉ biểu hiện trong giới trẻ, đặc biệt những người có tri thức như SV. Hình thành một phương pháp tư duy của thời đại công nghệ thông tin: Ngôn ngữ ngắn gọn, viết bằng bàn phím thay vì cây bút, có tính lắp ghép chính xác, hệ thống, hạn chế sự bay bổng về mặt hình tượng trực quan. Con người vì thế sống trong một môi trường ảo, và cái hiện thực ở đây là cái hiện thực ảo, giao tiếp ảo. Về môi trường sống, SV thường theo học tập trung tại các trường ĐH và CĐ (thường ở các đô thị), sinh hoạt trong một cộng đồng (trường, lớp) gồm chủ yếu là những thành viên tương đối đồng nhất về tri thức, lứa tuổi, với những quan hệ có tính chất bạn bè khá gần gũi.

    Đối với SV nước ta, một thực tế là trong số họ hiện nay đang diễn ra quá trình phân hóa, với hai nguyên nhân cơ bản: Tác động của cơ chế thị trường dẫn đến khác biệt giàu nghèo; sự mở rộng quy mô đào tạo khiến trình độ SV chênh lệch lớn ngay từ đầu vào. Dù vậy, vẫn có thể nhìn thấy trong đó những đặc điểm tương đồng dưới đây.

    Tính thực tế:

    Thể hiện ở việc chọn ngành chọn nghề, ở việc hướng đến lựa chọn những kiến thức để học sao cho đáp ứng nhu cầu thực tế, chuẩn bị kinh nghiệm làm việc cho tương lai, định hướng công việc sau khi ra trường, thích những công việc đem lại thu nhập cao, v. V.. Nói chung là tính mục đích trong hành động và suy nghĩ rất rõ.

    Tính năng động:

    Nhiều SV vừa đi học vừa đi làm (làm thêm bán thời gian, hoặc có khi là thành viên chính thức của một cơ quan, công ty), hình thành tư duy kinh tế trong thế hệ mới (thích kinh doanh, muốn tự mình lập công ty ngay khi đang còn là SV), thể hiện sự tích cực chủ động (tham gia phong trào tình nguyện). Nhiều SV cùng một lúc học hai trường.

    Tính cụ thể của lý tưởng: Đang có một sự thay đổi trong lý tưởng sống gắn liền với sự định hướng cụ thể. Một câu hỏi vẫn thường được đặt ra là: SV hôm nay sống có lý tưởng không, lý tưởng ấy là gì, có sự phù hợp giữa lý tưởng của cá nhân và lý tưởng của dân tộc, của nhân loại không. Có thể khẳng định lŕ có, nhưng đang xuất hiện những đặc điểm lý tưởng có tính thế hệ, lý tưởng gắn liền với bối cảnh đất nước và quốc tế rất cụ thể. Lý tưởng hôm nay không phải là sự lựa chọn những mục đích xa xôi, mà hướng đến những mục tiêu cụ thể, gắn liền với lợi ích cá nhân.

    Tính liên kết - tính nhóm:

    Những người trẻ luôn có xu hướng mở rộng các mối quan hệ, đặc biệt là những quan hệ đồng đẳng, cùng nhóm. Các nghiên cứu của hai nhà xã hội học người Pháp về bản sắc xã hội dưới góc độ nhóm là Taspen và Turnez, đã đưa đến kết luận: Tính nhóm phụ thuộc vào môi trường xã hội xung quanh chúng ta đang sống. Sự thay đổi của đời sống tinh thần trong SV trước xu hướng toàn cầu hóa (cả mặt thuận lợi và hạn chế của xu hướng này) đang hướng mạnh đến tính cộng đồng.

    Tính cá nhân: Trào lưu dân chủ hóa, làn sóng công nghệ thông tin và việc nâng cao dân trí đã làm ý thức cá nhân ngày càng rõ, đặc biệt rõ trong những người trẻ có học vấn là SV. Họ tự ý thức cao về bản thân mình và muốn thể hiện vai trò cá nhân. Dường như có sự đề cao lợi ích hơn nghĩa vụ cá nhân. Sự hy sinh và quan tâm đến người khác thấp đi, và nếu có thì đánh giá dưới góc độ kinh tế thực dụng hơn là tình cảm và sự chia sẻ. Xuất hiện thái độ bàng quan với xung quanh ở một bộ phận SV.

    Sự phân tách các đặc điểm trên chỉ có tính tương đối để phục vụ công tác nghiên cứu, còn trên thực tế các đặc điểm ấy đan xen và có tác động qua lại lẫn nhau. Tính cá nhân không tách rời tính liên kết, tính năng động gắn liền với tính thực tế. Mỗi đặc điểm, qua những biểu hiện cụ thể của nó, luôn bộc lộ tính hai mặt: Vừa có những tác động tích cực, vừa có những tác động tiêu cực.

    Vai trò của sinh viên trong đời sống xã hội

    Vai trò của SV trong bức tranh xã hội ngày càng được ghi nhận đậm nét. Trong Hiến chương nhân bản 2000 được 86 học giả và nhà hoạt động xã hội tên tuổi trên thế giới cùng ký tên, đã nhận xét: "Hiến chương nhân bản II được công bố năm 1973 để ứng xử các vấn đề phát sinh trên hiện trường thế giới kể từ đó: Sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít, chiến tranh lạnh.. và sự xuất hiện của sức mạnh SV trong các trường đại học".

    Sinh viên Việt Nam là những trí thức tương lai của đất nước, không ai hết mà chính họ sẽ là những người đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc CNH, HĐH đất nước. Thế kỷ XXI là thế kỷ của văn minh trí tuệ, của sự phát triển KHKT, nên rất cần có những con người trẻ tuổi, có trình độ và năng lực sáng tạo cao, có khả năng tiếp nhận cái mới rất nhanh và biết thay đổi linh hoạt, thích nghi kịp thời với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại, đại diện cho một thế hệ tiên tiến mới.

    Hồ Chí Minh trong "Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán 1946" đã viết: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Và Người căn dặn: "Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên". Trong hai cuộc viếng thăm chính thức Việt Nam của hai nguyên thủ quốc gia từ hai cường quốc: Tổng thống Mỹ Bill Clinton (chiều 17-11-2000) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Giang Trạch Dân (sáng 28-2-2002), cả hai đều chọn Đại học Quốc gia Hà Nội để đến thăm và đọc bài phát biểu trước SV. Lý do, như ông Clinton cho biết, SV là tương lai, và chúng ta cần nhìn về tương lai. Còn Chủ tịch Giang Trạch Dân trong bài phát biểu tại cuộc gặp cũng có ý kiến tương tự: "Tương lai tươi đẹp cần thanh niên tạo ra. Tương lai thuộc về thanh niên".

    [​IMG]

    Thủ tướng Hàn Quốc Lee Han Dong trong chuyến thăm chính thức Việt Nam cũng đến thăm SV Đại học Quốc gia Hà Nội (chiều 10- 4-2002). Ông nói: "Nhìn hình ảnh các bạn SV tươi trẻ tràn đầy sức sống, tôi lại nhớ thời SV của tôi cách đây 40 năm, ngay khi chiến tranh vừa kết thúc. Lúc đó chúng tôi học với mục đích rõ ràng: Tái thiết đất nước. Nếu cho rằng thế hệ trước của các bạn đã trả bằng máu, mồ hôi và nước mắt vì triết lý" Không có gì quý hơn độc lập tự do "thì nay các bạn phải nỗ lực nhằm mục tiêu" Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ".

    Chủ tịch Phidel Castro Ruz (Cuba), trong chuyến thăm Việt Nam đã có cuộc gặp và nói chuyện với SV trường Đại học Bách khoa Hà Nội (3-2003). Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder trong chuyến thăm nước ta một ngày (15- 5- 2003) cũng dành thời gian gặp gỡ với SV trường này.

    GS. TS. Người Mỹ Joseph Stiglitz, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001 vì những cống hiến xuất sắc trong nghiên cứu khoa học về quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở các nước đang phát triển, trong chuyến thăm và làm việc tại nước ta cuối tháng 6- 2001 cũng đã nhận xét về thế hệ trẻ ở các nước đang phát triển:" Môi trường mới đòi hỏi tư duy phải đổi mới nhanh nhạy để phù hợp, và giới trẻ thích nghi dễ dàng hơn so với người già. "Chính họ đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một tư duy kinh tế mới".

    Tuổi trẻ là nền tảng cho một đời người. Với SV, những người ngồi trên ghế giảng đường đại học là quãng thời gian vô cùng quan trọng trong quá trình lâu dài tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp tư duy và bản lĩnh chính trị. Từ điểm xuất phát này, con người trưởng thành và bước vào đời. Nếu điểm xuất phát tốt, họ sẽ đạt được những bước đi dài, ổn định và vững chắc trong tương lai; ngược lại, con đường đi lên sẽ gặp trắc trở khó khăn. Một đất nước Việt Nam có phồn vinh và vững mạnh trong tương lai hay không là phụ thuộc phần lớn vào thế hệ trẻ sau này, trong đó có sinh viên.
     
    AdminLiberty thích bài này.
    Last edited by a moderator: 14 Tháng sáu 2019
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...