Review Sách Cuốn Theo Chiều Gió - Gone With The Wind - Margaret Mitchell

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi NavaNov, 8 Tháng một 2021.

  1. NavaNov

    Bài viết:
    10
    [​IMG]

    (Nguồn ảnh: Internet)

    "Scrarlett, tôi không có cái kiên nhẫn của những kẻ gom góp mảnh vụn, hàn gắn lại và tự nhủ rằng món đồ vá víu của mình cũng có giá như lúc trước. Cái gì tan vỡ là tan vỡ.. Thà luyến tiếc nó còn hơn phải nhìn hình ảnh chắp vá của nó suốt đời.

    Nếu còn trẻ, có lẽ tôi..

    Nhưng tôi đã đứng tuổi rồi, không còn thấy được tình cảm có thể bôi xóa và có thể hiện lại từ đầu một cách dễ dàng như chữ viết trên bảng đen.

    Tôi không thể tiếp tục sống chung với em bằng cách lừa dối em và lừa dối chính mình. Ngay bây giờ cũng vậy, tôi rất muốn để tâm tới hành động và ý kiến của em, nhưng không được."

    - Rhett Butler

    1. Rhett Butler

    Chỉ một đoạn thoại thôi cũng đã đủ để lột tả được ngoại hình và tính cách của nhân vật nam chính "Thuyền trưởng" Rhett Butler. Ngài là một người đàn ông đứng tuổi. Lần đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm thì Rhett đã ngoài 30 và bộ truyện là quãng đường hơn 10 năm tức là kết thúc truyện thì Rhett đã ngoài 40.

    Tính cách con người Rhett đúng như lời thoại.

    Rhett không phải tuýp người kiên nhẫn, càng không phải tuýp người cần mẫn gom góp vá víu. Chàng là một người đàn ông phóng khoáng. Rhett phóng khoáng trong cách ăn mặc - luôn là đồ hàng hiệu, đúng mốt nhất, cắt may vừa vặn nhất, hào nhoáng nhất dù là trong hoàn cảnh cả thành phố sống trong bẩn thỉu ghẻ lở không còn vải để may áo, quần áo của ai cũng cũ và vá chằng vá đụp. Rhett phóng khoáng trong cách kiếm tiền - chàng thông minh và có óc kinh doanh đồng thời cũng là một kẻ dũng cảm nên nhiều khi khiến người ta nghĩ chàng điên khi lao vào nơi nguy hiểm nhất để kiếm tiền - khi ấy người ta gọi chàng là kẻ trục lợi, lũ đầu cơ. Nhưng khi chàng mang về những thứ sa tanh, những trang sức mà không thể kiếm đâu ra trong thời chiến thì người ta gọi chàng là người hùng vượt phong tỏa - miệng lưỡi thế gian thay đổi thật khó lường nhưng dù sao điều đó cũng chưa từng làm Rhett bận tâm (cho đến khi chàng có Bonnie). Rhett phóng khoáng trong cách kiếm tiền thế nào thì cũng phóng khoáng trong cách tiêu tiền như thế, phóng khoáng không phải là vung tiền chỗ nào tùy thích, mà là chàng luôn biết tiền của mình tiêu vào đâu là đúng và khi đó chàng không bao giờ ngần ngại con số, nhỏ như hộp kẹo, chiếc mũ cho Scarlett, chiếc váy mơ ước cho Mammy, to hơn như số tiền mở cửa hàng cho cô gái làng chơi hay tiền mua tiệm gỗ cho Scarlett. Thế nhưng luôn có ngoại lệ. Rhett đã từng chi tiêu một cách không hợp lý khi chiều lòng Scarlett mua cho cô chiếc nhẫn kim cương hơi quá phô trương. Rhett đã từng phản bội guu thẩm mỹ của mình khi nhường nhịn Scarlett thiết kế ngôi nhà theo cách còn phô trương hơn cả chiếc nhẫn. Rhett đã từng nói chưa bao giờ muốn kết hôn nhưng đã hai lần cầu hôn Scarlett. Rhett không phải người kiên nhẫn nhưng đã kiên nhẫn chờ đợi Scarlett trưởng thành dù trong lúc đó nàng đã kịp kết hôn đến hai lần. Luôn luôn có một ngoại lệ cho Scarlett.

    2. Scarlett O'Hara

    Scarlett O'Hara là ai? Điều tốt đẹp gì ở cô đã khiến một người gần như hoàn hảo như Rhett Buttler mê đắm đến thế? (Tôi xin lỗi vì ở đây chưa tiện nói đến mặt khác của Rhett, tôi sẽ giải thích cụ thể hơn ở mục 3 nhé)

    Scarlett O'Hara là con gái của một chủ đồn điền ở Georgia trong một gia đình thượng lưu với người mẹ dòng dõi quý tộc.

    Nếu nói về ưu điểm của nàng, thì khá khó khăn. Trước tiên tôi mới nghĩ đến việc nàng trẻ và nàng xinh đẹp với vòng eo không ai ở Georgia có thể có số đo nhỏ hơn và đôi mắt xanh quyến rũ như mắt mèo đã hạ gục bao trái tim trai trẻ khắp miền.

    Nếu nói về những tính xấu của nàng, thì chắc tốn nhiều giấy mực. Trước tiên bạn hãy hình dung mọi tính xấu có thể có ở những cô gái trẻ 17 tuổi sống trong một gia đình giàu có và được thỏa mãn tất cả mọi thứ - ở Scarlett dường như có tất cả và còn hơn thế nữa. Nàng không có bạn. Một phần cũng là sự ghen ghét thường tình ở phái nữ khi mà một cô gái xinh đẹp hơn hết thảy, có được mọi người đàn ông mình muốn nhưng vẫn thích giành giật chú ý của cả những ý trung nhân của tất cả các cô gái khác. Nàng muốn có được mọi thứ mình muốn, không thỏa hiệp. Và một từ phổ biến gần đây khá phù hợp để nói về hoàn cảnh của nàng là "nghiệp quật" bởi chính thứ nàng thật sự muốn nhất thì mãi mãi không bao giờ nàng giành giật được dù dùng bao thủ đoạn, đến khi tưởng như có được thì hóa ra nàng lại mất điều quan trọng nhất. Scarlett ích kỷ, mọi việc nàng làm đều nghĩ đến bản thân trước tiên và dường như cũng chẳng nghĩ đến ai thứ hai cả. Scarlett là một tiểu thư nhưng tính cách lại có phần hoang dã. Được sự dạy dỗ của người mẹ là một tiểu thư quý tộc thực thụ, sự tôn kính dành cho mẹ đã dạy được cho nàng một chút "tiểu thư" để dàng biết dịu dàng đúng lúc và quyến rũ đàn ông đúng cách, nhưng rồi sự kìm nén giả tạo chẳng được bao lâu khi cứ rời xa vòng tay mẹ là nàng trở nên hoang dại hơn bao giờ hết - dữ tợn, không chút dịu dàng (trừ khi có ý đồ lợi dụng người khác bằng sự nữ tính của mình từ trước), không chút bao dung yêu thương kẻ khác và không quan tâm truyền thống hay đạo đức hay bất cứ thứ gì mà người ta gọi là "giữ thể diện". Nàng không ngại lấy chồng vì tiền hay sẵn sàng khiêu vũ với "gã thuyền trưởng đểu cáng, kẻ đầu cơ đốn mạt Rhett Butler" ngay trong khi vẫn còn đang mặc đồ tang chồng.

    3. Scarlett O'Hara và Rhett Butler

    Sau khi tôi nói xấu (đúng hơn là nói sự thật) về Scarlett quá nhiều như vậy thì chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc tại sao hai con người này lại đến với nhau và tại sao "Cuốn theo chiều gió" lại trở thành một tiểu thuyết kinh điển thành công không chỉ ở mảng tiểu thuyết mà cả bộ phim chuyển thể cũng thành một trong những tượng đài của điện ảnh.

    Tôi lại xin trích dẫn lời của Rhett như sau (có lẽ chỉ cần gom những câu Rhett nói lại là có thể tóm tắt cả tác phẩm)

    "Tôi yêu em vì chúng ta giống nhau. Chúng ta đều xấu xa và ích kỷ như nhau."

    Đến đây tôi xin nói thêm về Rhett. Rhett không phải người hùng sẽ xả thân vì dân tộc rồi dùng lá cờ tổ quốc đắp lên thân thể đầy máu đã lạnh toát của mình khi ra đi trên chiến trận. Chàng là người biết đâu là trận chiến vô nghĩa, biết miền Nam thực sự thua kém thế nào về nguồn lực cũng như kỹ thuật, cái duy nhất họ có là lòng kiêu ngạo mù quáng không thể đổi thành sắt thép để rèn súng đạn. Cái chàng nhìn ra là cơ hội để kiếm tiền. Khi mà miền Nam chìm trong chiến tranh, bị phong tỏa thì không sớm thì muộn nước Anh cũng cạn kiệt nguồn bông vải. Và chàng giàu kếch xù nhờ sự đầu cơ khôn ngoan, đúng lúc của mình. Và sự thông minh, khôn ngoan, hiểu biết hơn người của chàng được người đời gọi là kẻ đốn mạt, kẻ lợi dụng đầu cơ dù số tiền chàng kiếm được là từ túi các thương gia Anh quốc chứ không một đồng nào lấy từ người dân đất nước mình - những người mà đến một củ khoai cho vào súp cũng không có thì giữ bông làm gì. Scarlett cũng như Rhett, như tôi đã nói, nàng yêu tiền, nàng quyết định lấy chồng trong chưa đầy năm phút khi nhận ra mình có thể kiếm tiền bằng việc đó, nàng cũng đã không ngần ngại dựng lên màn yêu đương tưởng như hết sức chân thành để lừa tiền Rhett. Có thể nói đây là cặp đôi "kẻ cắp gặp bà già"

    Rhett cũng không như Ashley - "giấc mơ bất thành" của Scarlett, chàng quý tộc bảnh bao sống trong thơ ca nhạc họa và những mơ màng, người luôn giữ thể diện và sẵn sàng làm những việc mình thấy vô nghĩa hay chán ghét chỉ vì thể diện và lòng kiêu hãnh, Rhett không như thế - chàng làm những gì mình muốn làm, những gì là có ý nghĩa với bản thân, không quan tâm bao lời nguyền rủa, bao ánh mắt coi thường khinh bỉ ném vào mình. Và đây chính là điểm Scarlet giống Rhett hơn cả.

    Xuyên suốt tác phẩm tác giả luôn đưa sự so sánh Rhett và Ashley trong câu thoại của chính hai người này. Rhett so sánh mình với Ashley, Ashley so sánh mình với Rhett. Họ cùng là hai người đàn ông xuất thân quý tộc, họ cùng đầy tri thức hiểu biết như nhau, họ có cùng quan điểm về chiến tranh. Nhưng dù cùng xuất thân quý tộc, Ashley muốn sống mãi cuộc sống quý tộc an nhàn đầy mơ màng của mình, còn Rhett thức thời muốn sống tự do phóng khoáng và cũng không ngần ngại chấp nhận việc chiến tranh là chiến tranh cái gì đã mất là mất và phải sống với thực tế. Họ cùng chán ghét chiến tranh như nhau nhưng vì danh dự Ashley đã đầu quân dù cho có đau khổ, Rhett thì không (thực tế trong một phút bồng bột chàng đã đầu quân 8 tháng và rồi không bao giờ muốn nhắc lại chuyện đó).

    Ashley có được trái tim Scarlett dù chẳng cần cố gắng gì nhưng lại thèm khát cơ thể Scarlett mà chẳng bao giờ có được, Rhett có được cơ thể Scarlett (dù cũng không phải dễ dàng) nhưng đã không thể có được trái tim nàng khi mà "trên giường luôn có ba người" - nhưng đó chỉ là suy nghĩ của Rhett. Trên thực tế xuyên suốt tác phẩm, Rhett đã luôn có được phần quan trọng trong tâm tưởng của Scarlett. Nếu bạn chú ý sẽ thấy khi Scarlett nói chuyện với Ashley, cô luôn độc thoại nội tâm những câu đại khái như "Ashley nói gì ấy nhỉ mình chẳng hiểu gì hết", rồi sau đó đáp lại lời của Ashley bằng một câu chuyện chỉ liên quan đến bản thân mình và chẳng liên quan gì đến điều Ashley cố truyền tải khiến anh thở dài "Anh biết em sẽ chẳng hiểu được đâu." Còn khi Scarlett nói chuyện với Rhett thì độc thoại nội tâm của cô luôn là "hắn thật đáng ghét nhưng dù sao hắn nói đúng". Scarlett hiểu được những lời Rhett nói và đều thừa nhận những lời đó là đúng (đôi khi lời nói của cô thì ngược lại). Cách Ashley nói chuyện quá bay bướm và vòng vo, còn Rhett luôn đi thẳng vào vấn đề và đôi khi thô thiển đến mức khiến người đối diện đỏ mặt, nhưng cách nói chuyện ấy lại rất phù hợp với tâm hồn hoang dã và giản đơn của Scarlett. Trong nhiều hoàn cảnh cô luôn nhớ lại "Rhett bảo là", cô hiểu những kiến thức kinh tế phức tạp mà Rhett nói và khi hoàn cảnh đó xảy đến, cô khắc ghi lời Rhett và thực hiện thật đúng. Tôi đặc biệt yêu thích những hoàn cảnh mà Scarlett nghĩ Rhett đã bảo mình là thế này, Rhett đã dặn mình là thế này. Họ thật sự giống nhau, hiểu được nhau, hỗ trợ nhau.

    4. Tara

    Nếu nói đến "Cuốn theo chiều gió" mà chỉ đề cập đến tình yêu nam nữ, không đề cập gì đến tình yêu gia đình, lòng yêu dành cho đất thì thật sự thiếu xót. Tara là đồn điền nơi có người cha nóng tính nhưng gan dạ, tốt bụng của Scarlett; nơi có người mẹ hiền dịu, tài giỏi, thu phục mọi lòng người của Scarlett; nơi có bông vải, có những con suối róc rách, chim hót và những người da đen vui vẻ làm việc trên đồn điền từ sáng tới chiều. Scarlett đã nhắc đến "cuốn theo chiều gió/ gone with the wind" khi cô lo lắng rằng Tara mảnh đất đỏ thân yêu của mình có thể đã bị san bằng, đã bị cuốn đi dưới bom đạn của quân Yankee. Cho dù thế nào, nơi cho nàng tất cả sức mạnh chính là Tara, "Tôi muốn về nhà. Tôi sẽ về nhà dù có thế nào đi nữa." Vì Tara, vì đói nàng sẵn sàng dùng đôi bàn tay vốn chỉ dùng để đeo găng khiêu vũ của mình để cuốc cày và hái bông vải, nàng cũng đã giết người, đã bắn chết một tên lính Yankee để bảo vệ Tara của mình. Và rồi cuối cùng, khi mất đi Rhett, khi tưởng như không còn lối thoát, nơi đầu tiên nàng nghĩ đến là Tara:

    - Nói thẳng là, em yêu, tôi đếch quan tâm! Rhett dần biến mất trong làn sương

    Scarlett ngồi trên bậc thang và khóc trong tuyệt vọng. Và rồi cô nhớ lại giọng nói của Gerald, Ashley, Rhett, tất cả họ đều gợi nhắc cô rằng sức mạnh của cô đến từ chính Tara. Hi vọng bừng sáng trên gương mặt Scarlett:


    - Vậy thì có sao chứ? Tara! Nhà. Mình sẽ về nhà, và mình sẽ nghĩ cách mang Rhett trở về! Rốt cuộc thì, ngày mai là một ngày khác/ Tomorrow is another day!

    Chú thích: Cảnh trên là từ bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết này. Về cơ bản nội dung trong tiểu thuyết và phim đều giống nhau là Rhett bỏ đi và Scarlett quyết tâm trở vể Tara nhưng vì lời thoại của phim có phần thú vị hơn, đặc biệt là câu tuyên bố rất "chất" của Rhett nên mình trích dẫn phim.
     
    Chỉnh sửa cuối: 9 Tháng một 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...