Cuộc truy tìm ký ức trong tiểu thuyết patrick modiano

Thảo luận trong 'Kiến Thức' bắt đầu bởi Kim Phi98, 13 Tháng bảy 2021.

  1. Kim Phi98

    Bài viết:
    11
    CUỘC TRUY TÌM KÝ ỨC TRONG TIỂU THUYẾT PATRICK MODIANO

    I. Đặt vấn đề


    Như những mảnh vụn của hư không, ký ức chưa bao giờ tồn tại hữu hình. Ta có thể rượt đuổi một dấu chân lạ, chạy theo một bóng dáng quen thuộc, nhưng có thể, sẽ không bao giờ truy lùng được ký ức. Điều đó cũng tương tự như việc cầm những ngày cũ trên tay. Mơ hồ và vô định. Vậy mà Guy Roland, anh ta lại quyết định thực hiện một cuộc truy lùng quá khứ của chính mình. Kết quả của vô định là vô định, bởi tính chất của cuộc hành trình đã là lời tiên đoán cho kết quả. Nhưng điều đó vẫn không thể vùi lấp được khát khao tìm về chính mình của bất kì ai trong chúng ta giữa cuộc đời quá đỗi rộng lớn. Ta là ai? Ta từ đâu đến? Tương lai sẽ đắp xây từ đâu khi quá khứ vỡ vụn? - Tất cả những câu hỏi đó, có thể chính là lí do cho cuộc hành trình của Guy Roland.

    II. Giải quyết vấn đề

    1. Patrick Modiano - Phố những cửa hiệu u tối


    1.1. Patrick Modiano

    Patrick Modiano xuất hiện vào cuối thập kỉ 60 và nhanh chóng trở thành một hiện tượng của văn học Pháp đương đại. Thuộc thế hệ chỉ biết về chiến tranh qua những vang vọng xa nhòa, song, cách nào đó, dấu vết của những cơn "ninh lửa can qua" trên quy mô hành tinh lại hằn sâu trong tâm thức ông như một nỗi ám ảnh thường trực.

    Patrick Modiano chiếm một vị trí riêng biệt trên văn đàn. Tuần báo Novelles Litteraiteres (Tin văn học) đánh giá ông "là người tuyệt vời nhất, kỳ diệu nhất và chắc chắn là có tài nhất trong các nhà văn trẻ của nước Pháp" (số 2774 năm 1981). Giới phê bình Pháp coi ông trước hết như là người lật nhào các quy tắc của tiểu thuyết tiên phong mới. Điều làm cho Modiano trở thành một gương mặt độc đáo, duy nhất chính là nỗi băn khoăn day dứt về bản thể và hiện hữu của mình. Modiano coi bản thân mình cũng như cả thế hệ ông là những người không có thời gian. Suy nghĩ, định vị cho mình trong Lịch sử, và dưới ánh sáng ấy, hình dung rõ hơn những đường nét về tương lai đó là quan niệm chủ yếu của ông thể hiện qua các tác phẩm. Ông cho rằng một khi qua được cuộc sát hạch trở về mê cung quá khứ, thì sẽ trả lời được câu hỏi mình là gì hiện nay. Dường như ông muốn thử thách bản thân bằng việc tự đặt mình vào những hoàn cảnh gay go của những năm chiến tranh, tự kiểm nghiệm xem mình có thể ứng xử như thế nào và làm gì trong điều kiện ấy. Với ý đồ xác định vị trí của mình trong lịch sử, con người và thời gian trong tiểu thuyết của Modiano vượt lên tầm vĩ mô. Con người có quan hệ như thế nào với sự vận-động-tàn-phá-tất-thảy của thời gian? Câu trả lời cho vấn đề siêu hình ấy – không những anh phải là anh như hiện nay, mà còn có thể như là những gì có trước anh nữa. "Con người bao giờ cũng tò mò muốn biết nội nguồn của mình." - Modiano thổ lộ. Việc đi tìm những "cội nguồn" ấy trở thành nét chủ đạo trong tác phẩm của ông.

    Trích (1, trang 4)

    1.2. Phố những cửa hiệu u tối

    Cùng với Nobel Văn học và các giải thưởng khác, "Phố những cửa hiệu u tối" ra đời cùng sự thành công vang dội của giải Goncourt. Đây là một trong những tác phẩm chủ yếu của Modiano, ám ảnh người đọc bởi nỗi khắc khoải triền miên về nguy cơ đánh mất nhân thân.

    Tóm tắt tác phẩm

    Câu chuyện là cuộc hành trình tìm lại chính mình của Guy- chàng trai bị mất ký ức. Đó là một cuộc hành trình khó khăn và đầy mơ hồ. McEvoy- người mà anh nghi đã từng là chính mình là một người khá bí ẩn, vì ngay cả cái tên Pedro McEvoy có thể chỉ là một cái tên giả, giấy tờ tùy thân cũng là giấy tờ giả, và địa chỉ nơi nhân vật từng sinh sống ở Rome: Số 2, Phố những cửa hiệu u tối- cũng không chắc tồn tại. Anh bắt đầu cuộc hành trình tìm lại bản ngã với hành trang duy nhất là cái tên Guy Roland, do Hutte – người cưu mang anh – cũng là một người bị mất kí ức đặt cho. Guy bắt đầu cuộc "truy lùng" ký ức từ những cuốn Bottin ở văn phòng thám tử Hutte, từ đó anh lần tìm ra tung tích của những người đã từng đi qua cuộc đời mình. Có thể hình dung, quá khứ của Guy như là những mảnh kí ức vỡ tan, mà mỗi người đi qua cuộc đời y đều giữ lấy một mảnh nhỏ. Để rồi chính anh phải cần mẫn thực hiện cuộc hành trình chắp ghép quá khứ của mình. Vài người trong số đó: Bob, Stioppa, Waldo Blunt, bạn của Danise, Wildmer.. có cung cấp cho anh một số thông tin về McEvoy, nhưng điều đó hầu như không gợi lại cho anh chút kí ức nào, thậm chí một khoảnh khắc ấm áp quen thuộc cũng không. Còn những người có liên quan mật thiết đến cuộc đời anh như cha, nàng nhân tình Danise lại hoàn toàn bặt tin; thậm chí có người đã chết: Gay Orlow. Đỉnh điểm của sự mờ mịt trong hành trình tìm lại ký ức của Guy là chàng trai Freddie - người được cho là nắm giữ những bí mật quan trọng nhất về cuộc đời anh lại biến mất không một lời giải thích ngoài biển khơi. Vì những thông tin mờ nhạt đó, mà đã có lần, anh những tưởng mình là Freddie. Nhưng lại nhanh chóng chuyển hướng qua Pedro chỉ với bằng chứng là một tấm ảnh. Cảm giác mơ hồ, nghi hoặc bản thân là một ai đó cộng với sự chuyển hướng từ những lí do mơ hồ chính là đặc trưng cuộc "truy tìm ký ức" của Guy: Mờ nhạt và vô định. Thậm chí, có khi anh từng nghĩ là mình chưa từng tồn tại "hay là đời một ai đó mà tôi lẻn vào." Mặc dù những chặng sau của cuộc hành trình, kí ức hiện lên khá chi tiết.

    2. Cuộc hành trình truy tìm kí ức

    2.1. Lý do bắt đầu hành trình

    BạNo table of contents entries found. n là ai? Tên gì? Đến từ đâu? Đó được gọi là những câu nói "cửa miệng" khi giới thiệu về bản thân mình. Thử hỏi một ngày đẹp trời, khi ta không còn có thể trả những câu hỏi cơ bản nhất về bản thân mình thì điều gì sẽ xảy ra? Đầu tiên, hẳn là cảm giác hoang mang, lạc lõng, và kể cả hoảng sợ; tiếp theo, bằng mọi cách, chắc chắn ta sẽ tìm hiểu cho bằng được mình-là-ai. Định nghĩa được bản thân mình chính là nhu cầu tự than, cơ bản nhất của mỗi người.

    Guy Roland bắt đầu cuộc hành trình lội ngược dòng ký ức tìm về với chính mình, bởi vì anh đã đánh mất đi định nghĩa cơ bản về bản thân. Anh bị mất trí nhớ do một vụ tại nạn được sắp đặt từ trước của kẻ lạ mặt mang tên Robert, cùng với Danise, trong cơn bão tuyết. Từ đó, mọi thông tin về anh im bặt. Vụ tai nạn như một nhát dao rạch ký ức Guy ra thành nhiều đoạn, với đầy những mảng trắng. Trước khi xảy ra tai nạn, anh là ai, tên gì, thậm chí sống vào năm bao nhiêu, tại nạn xảy ra vào thời điểm nào cũng không được nhắc đến. Chỉ có một vài thông tin từ những từng đi qua cuộc đời anh- mà như chúng tôi đã đề cập, ký ức của Guy như là một tấm gương vỡ vụn, mà mỗi chi tiết tích góp chỉ là một mảnh nhỏ của cuộc đời anh. Mà đau đớn thay, những mảnh vỡ ấy như những vết dao cào xé tim anh, khi chúng không thể gợi nhớ chút gì về quá khứ cho Guy, thậm chí một cảm giác quen thuộc cũng không. Điều đó thôi thúc anh thực hiện cuộc hành trình cần mẫn chắp ghép kí ức, mà ngay cả Hutte- người thân cận duy nhất, và cũng là người đã cưu man Guy sau vết rạn nặng nề của cuộc vẫn không cản nổi anh.

    Tuy nhiên, đó chỉ là lý do điển hình trên bề mặt câu chữ. Trong sâu thẳm, Guy Roland bắt đầu hành trình của cuộc đời mình, bởi sự tự ý thức của bản thân về quá khứ – bằng chứng khẳng định sự tồn tại của chính mình. Hành trình tìm lại ký ức chính là hành trình tìm kiếm và khẳng định sự tồn tại của nhân thân giữa cuộc đời.

    2.2. Những mảng ký ức mờ nhòe

    "() có những lúc tôi cảm giác mình đang ở trong một màn sương mù dày đặc.. Tôi bị lỗ hổng trong trí nhớ." Đó là lời tự bộc bạch về ký ức của chính mình của Guy. Cuộc hành trình ngược thời gian của Guy là một chặng đường mờ sương được chắp ghép từ những mảnh ký ức hỗn độn, đầy những khoảng trắng.

    Công cụ là những quyển Bottin, trên nền không gian là văn phòng thám tử tư của Hutte, có thể nhận định rằng: Tác phẩm nhuốm màu của một tiểu thuyết trinh thám.

    Manh mối đầu tiên của cuộc "điều tra" ký ức là Stioppa. Guy biết được thông tin về nhân vật này từ Sonachitze, Jean và Paul. Họ cho rằng y có mối quan hệ mật thiết với gã tên Stioppa, đặt ra vô số những câu hỏi cho y về gã đó, thậm chí còn nhờ Guy gửi lời hỏi thăm đến nhân vật này: "Ông hãy nói với hắn rằng Sonachitze vẫn thường nghĩ đến hắn luôn.". Từ những thông tin trên, Guy bắt đầu cuộc hành trình. Rõ ràng, điểm xuất phát của anh đã mang sắc trắng đục mờ ảo. Ba người lạ mặt hỏi Guy thông tin về một người khác, chứng tỏ: Họ biết về Guy rất rõ, thậm chí là những mối quan hệ trong quá khứ của anh. Nhưng trớ trêu thay, tất cả đều không tin Guy đã bị mất trí nhớ. Nếu lật ngược chi tiết lại, rọi chiếu sự thật ở kết thúc truyện, thì Pedro có thể không liên quan gì đến Stoppa, hoặc có – nhưng không phải mật thiết đến nổi cả ba đều khăn khăn chắc chắn y biết Stoppa, vì Danise – chứ không phải Gay là bạn gái của Guy, mà Stoppa chính là nhân tình của Gay. Vậy, có thể ba người lạ mặt ấy đã nhận nhầm Guy với Freddie, hay một ai đó có liên quan mật thiết đến cuộc đời của Gay. Bắt đầu với manh mối bản thân mình là Freddie, nhưng thực tế, y lại không phải là nhân vật đó. Thông tin ban đầu của cuộc hành trình đã là một chi tiết mờ nghĩa, thiếu chính xác. Chính điều này đã dẫn đến sự nhầm lẫn giữa anh (Pedro) và Freddie.

    Bức ảnh chính là vật duy nhất chắc chắn mà Guy có thể bám vào trong suốt cuộc hành trình. Đầu tiên, nó được đưa ra từ tay Stioppa, Guy nhận ra mình trong bức ảnh – người đặt tay lên vai Gay: "Một người đàn ông rất to, cao với bộ com-lê hàng tuýt-xuy len kẻ chéo, trạc ba mươi tuổi, tóc đen, với một bộ ria thanh lịch.", nhưng lại không hoàn thiện. Điểm không hoàn thiện nằm ở mấu chốt của bức ảnh: Người được cho là Guy ấy "lại bị mất một phần cánh tay phải ở rìa mép ảnh.". Vì y nhận ra đó là mình, và đang trong suy nghĩ bản thân mình là Freddie, cho nên, người trong tấm ảnh – đương thời, trong nhận định của nhân vật là Freddie. Cho đến khi y gặp được nhân chứng thứ hai có tấm ảnh: Bob – người làm vườn của nhà Freddie, xem được tấm ảnh hoàn chỉnh, nghe chính người thân của Freddie nói về cuộc đời của nhân vật đó, và khẳng định người được đề cập trong tấm ảnh không phải là Freddie, mà chính là gã Nam Mỹ (Pedro) thì điểm mấu chốt trong tấm ảnh mới được sáng tỏ. Như vậy, ở chặng đầu của cuộc hành trình, tấm ảnh – vật đáng tin cậy duy nhất, vẫn bị mờ nhòe. Hơn nữa, một tấm ảnh, liệu có thực sự đủ làm kim chỉ nam cho cả một cuộc hành trình đi tìm nhân thân một đời người? Rõ ràng sẽ có những điểm chông chênh nhất định, vì hình dáng của một người sẽ không thể trường tồn theo thời gian.

    Điểm đầu của cuộc hành trình đã có dấu hiệu của sự bắt chéo, mờ nhòe trong thông tin. Sự mờ nhòe ấy vẫn bám theo Guy đến tận cuối cùng. Mỗi người từng đi qua đời anh đều giữ một mảnh ký ức nhỏ của Guy, và chi tiết quan trọng hơn tất thảy lại được giữ bởi Freddie – một người mất tích không lý do ở đại dương. Điều đắc giá nhất về thân phận thật sự của anh, lại nằm trong tay của một gã được cho là đã chết, và có thể sẽ không bao giờ được hé lộ. Mảng ký ức mờ ảo này đóng vai trò quyết định trong việc xác nhận Guy có phải là Pedro hay không, và anh có thực tồn tại hay không. Không ai trả lời được câu hỏi đó – kể cả Guy, cho đến tận cuối tác phẩm. Và đó, chính là lý do cuộc truy tìm ký ức của y chưa thực sự trọn vẹn. Hay nói cách khác, mọi thứ chỉ là một con số 0 ảo mờ trong mắt những nhân chứng khác và Guy, khi đáp án cuối cùng vẫn chưa được xác thực.

    Điểm mờ tiếp theo, cũng chính là nhan đề tác phẩm – địa chỉ nhà Pedro McEvoy: Phố Rome, số 2 – Phố những cửa hiệu u tối. Địa chỉ này vẫn chưa được xác nhận có tồn tại hay không. Liệu một người: Sử dụng tên giả, giấy tờ giả, địa chỉ và danh tính vẫn chưa xác thực; thì sự tồn tại là có khả năng hay không?

    Nút thắt của cuộc hành trình là những điểm bị mờ nhòe. Và câu hỏi về sự hiện tồn của nhân vật, đi đến cuối cùng vẫn còn sự dang dở..

    2.3. Yếu tố phi thời gian và sự băng hoại của thời gian

    "Modino coi bản thân mình cũng như cả thế hệ ông là những người không có thời gian.", quan điểm này của nhà văn được thể hiện qua hàng loạt chi tiết trong tác phẩm. Khi ba gã lạ mặt cho rằng Guy thuộc về một thời kỳ đẹp đẽ nào đó, và y muốn định vị rõ ràng thời kỳ đó, thì lại nhận được câu trả lời từ họ: "Chúng tôi đã đoạn tuyệt với niên đại.", và nó thuộc thời "đại hồng thủy". Hay hàng loạt những chi tiết gắn với các sự kiện trong cuộc đời Guy: Y sống ở thời điểm nào, mất tích ở năm bao nhiêu tuổi, và bắt đầu cuộc hành trình từ khi nào đều không được nhắc đến. Sự mờ nhòe của thời gian trong chính cuộc hành trình tìm lại ký ức như một hành động giấu diếm vô-nhân-đạo của kẻ đã tạo ra nó.

    Bên cạnh những khoảng trống tàn nhẫn, sự băng hoại của thời gian không hề dung túng cho những đôi chân lạc loài được quay lại. Mọi thứ đã mất, mặc dù ký ức, ít nhiều được tìm lại. Patrick Modiano như bóc trần sự thật trần trụi trên thế gian, để lộ ra nỗi đau không gì có thể lấp đầy của những kiếp người ta-bị-mất-chính-ta.

    Đó là cuộc hành trình dù bạn có chạm đến vạch đích, chiến thắng vẫn chưa bao giờ là trọn vẹn. Bởi những chi tiết thắt nút liên tục bị mờ đi. Bên cạnh lỗ hổng bị xóa nhòa bởi thời gian là sự biến mất bí ẩn trên biển của Freddie – người được cho là nắm giữ mảnh ghép quan trọng nhất trong cuộc đời Guy. Và địa chỉ nơi anh đã từng ở: Số 2, Phố những cửa hiệu u tối – đúng như tên gọi, cũng tối tăm, mơ hồ và chẳng ai biết có thực sự tồn tại hay không. Lý do dẫn đến tất cả những điểm mờ ấy, chính là sự bào mòn của thời gian. Đó là quy luật tàn nhẫn của thời gian: Dù có cố gắng bao nhiêu lần để trở về, thì ngày hôm qua vẫn không thể quay trở lại. Thời gian chuyển động, kéo theo sự phát triển theo nhiều chiều của mọi vật. Trong khi đó, ký ức chỉ có một chiều đơn độc, thì sự lạc lõng của hồn người là điều thực sự dễ hiểu..

    2.4. Nỗi nghi hoặc về sự hiện tồn của bản thân

    Những mảnh ghép mờ nhòa, sự băng hoại của thời gian khiến Guy có cảm giác xa lạ với ký ức của chính mình. Một khi đã chối bỏ ký ức, nỗi nghi hoặc về sự hiện tồn của bản thân là không thể tránh khỏi. Bằng chứng là đã có đôi lúc y nghĩ: "Tôi chẳng là gì cả. Chỉ là một cái bóng nhạt màu, chiều tối hôm ấy ở ngoài hiên một tiệm cafe."... "

    Thực ra, có thể chưa bao giờ tôi là cái gã Pedro McEvoy đó, tôi chẳng là cái gì cả, như những làn song xuyên qua tôi, khi xa xăm, khi mạnh hơn và tất cả những dư vang tàn mác bồng bềnh trong không trung ấy kết tinh lại và đấy là tôi." Hay là "người của bãi tắm". Theo Hutte, họ chính là "những kẻ chỉ để lại trên đường đi của mình một màng hơi nước mau chóng tan biến", "đột nhiên hiện lên từ hư vô để rồi trở lại sau đó khi bừng lên mấy đốm lấp lánh", "ngay khi sinh thời cũng không nắm chắc gì hơn một làn hơi không bao giờ đọng lại", "trong những góc và bối cảnh hàng nghìn tấm ảnh chụp trong vụ nghỉ, hắn mặc đồ tắm giữa những nhóm vui vẻ nhưng không ai có thể nói hắn là gì và tại sao hắn lại có mặt ở đó. Và không ai nhận thấy một hôm hắn bỗng biến đi khỏi các tấm ảnh.", "tất cả chúng ta đều là người của bãi tắm - và cát, chỉ giữ vết chân ta có vài giây.". Khi nghĩ mình là "người của bãi tắm", bằng tất cả những định nghĩa và đặc điểm trong nhận định của Hutte, y đã có nghi ngờ về sự tồn tại của chính mình. Liệu rằng mình có thực sự tồn tại hay không? "Hay là đời một ai đó mà tôi lẻn vào?". Niềm tin về sự hiện hữu của bản thân bị nhòa đi. Ký ức chính là "chứng nhân" cho sự tồn tại hữu hình của mỗi người. Đó là lý do tại sao khi Hutte đã cố ngăn cản Guy thực hiện cuộc truy tìm ký ức bằng mọi cách "từ nay trở đi, đừng ngoảnh nhìn lại đằng sau nữa, mà hay nghĩ đến hiện tại và tương lai.", nhưng tất cả lại bị y bỏ ngoài tai. Nỗ lực tìm kiếm lại kí ức của Guy, chính là ý thức khẳng định sự tồn tại của mình giữa cuộc đời.

    Hiện tại và tương lai không thể tồn tại, nếu quá khứ mất giấu. Trong tác phẩm của mình, Patrick Modiano không hề vạch ra ranh giới rạch ròi giữa mất kí ức và không có ký ức. Ông chỉ khẳng định, nếu tự thân không còn cảm nhận được sự tồn tại của ký ức, thì con người ta chỉ là "một cái bóng". Có lẽ Hutte là một minh chứng, anh hiện diện trong tác phẩm chỉ với vị trí là một người từng đi qua cuộc đời Guy, mặc dù vấn đề mấu chốt của cuộc đời y với nhân vật trung tâm của tác phẩm không mấy khác nhau. Đều là những người bị mất ký ức. Nhưng, đối với Guy, đôi khi sự tồn tại nhập nhoạng giữa hư ảo có – và không, nhưng vẫn nắm giữ được một phần sự thật về cuộc đời nhờ nỗ lực hàn gắn ký ức, cho nên, y vẫn tồn tại – ít nhất là trong trí nhớ của những người đã từng đi qua cuộc đời Guy. Người còn lại, có thể chỉ mãi mãi là một cái bóng của hiện tại khi không có bất kì một câu chuyện nào đằng sau cuộc đời của mình – chỉ trừ một cái tên – Hutte.

    Len lỏi đâu đó, bên trong sự nhập nhoạng về nhận thức ấy là nỗi buồn tủi được thừa nhận một cách kín đáo của những con người vô tình lạc mất chính mình: "Không ai" biết đến sự tồn tại "ngay khi sinh thời cũng không nắm chắc gì hơn một làn hơi không bao giờ đọng lại", và ngay cả khi biết mất (hoặc chết đi) cũng "không một ai" nhận ra sự trống vắng "không ai nhận thấy một hôm hắn biến mất khỏi tấm ảnh".

    Bản thân ký ức của mỗi người tác động đến sự tồn tại của họ trong mắt những người xung quanh. Sở dĩ không ai biết đến sự tồn tại của "người trên bãi biển" vì họ không có tên và những câu chuyện về cuộc đời mình. Nên dù có xuất hiện trong hàng nghìn cuộc vui, sự tồn tại của họ vẫn không được khẳng định.

    2.5. Cuộc hành trình truy tìm ký ức – ý thức khẳng định sự hiện tồn nhân thân

    Thông điệp Modiano gửi gắm trong tác phẩm của mình không dễ dàng lộ ra trên bề mặt câu chữ. "Ký ức" luôn là vấn đề trở đi trở lại trong tác phẩm của ông, và "nỗ lực không mệt mõi khôi phục một ý thức nhân bản – quan tâm và tìm về bám chắc không rời xa cội nguồn nếu muốn khỏi bị tha hóa" chính là chủ đề làm nên giá trị trong các tác phẩm của nhà văn.

    "Tất cả chúng ta đều là người của bãi tắm - và cát, chỉ giữ vết chân ta có vài giây." – tư tưởng đó không chỉ xuất hiện trong các sáng tác của Patrick Modiano mà còn hiện hữu trong tư duy của các nhà văn, nhà triết học cùng thời: "Mỗi người sinh ra và mất đi không phải để ghi lại giấu chân của ta trên cát, mà là để lại giấu chân trên cuộc đời và trong lòng người khác.". Ký ức không chỉ là cơ sở cho sự tồn tại của mỗi người, mà còn là mục đích của sự tồn tại. Chúng ta sẽ là ai khi không có ký ức, là ai khi mất đi định nghĩa về chính mình trong trí nhớ của những người xung quanh? Hằng ngày, mỗi người đều đang sống, nỗ lực để khẳng định vị trí của mình giữa cuộc đời, và trong mắt mọi người. Một khi mất đi tất cả những vị trí, định nghĩa đó, bản thân sẽ rơi vào trạng thái vô định. Chính vì vậy, sự cố mất trí nhớ của Guy chỉ là một lý do, trường hợp điển hình của mỗi chúng ta khi rơi vào trạng thái đánh mất nhân thân. Cuộc đời cũng như những bãi cát dài, nếu không có ý thức lưu giữ lại cội nguồn giá trị của chính mình, thì gió sẽ làm phai đi giấu chân ta trên cát, và trong lòng những người xung quanh.

    Guy đi tìm lại chính mình qua ký ức của những người xung quanh về mình, mỗi người đi ngang qua cuộc đời, giữ lại một mảnh nhỏ kỉ niệm về anh. Từ những mảnh ghép ấy, ký ức gần như được tái hiện hoàn chỉnh. Nếu như sự hiện tồn của Guy không tác động đến những người khác, thì những câu chuyện đằng sau cuộc đời y, sẽ không bao giờ được kể lại, hành trình cũng không hoàn thành, và sự tồn tại là vô giá trị. Hay nói cách khác, nếu sự hiện tồn của anh không để lại giấu vết trên cuộc đời, coi như anh chưa từng tồn tại.

    Nhưng cũng có lúc, con người ta cảm thấy xa lạ với ký ức của chính mình và cảm thấy như chưa từng tồn tại, không phải vì ký ức không được lưu giữ. Mà có lẽ cũng giống như Guy với cuộc hành trình chưa bao giờ trọn vẹn bởi sự tiếp diễn của thực tại và tương lai, sự băng hoại của thời gian khiến ta cảm thấy xa lạ với chính mình. Những lúc như vậy, hãy trở về bên những "chiếc hộp thiếc đỏ" như Bob và Stoppa đã trao cho Guy để được nhìn lại chính mình và "thời vui vẻ" đã từng. Như chiếc chìa khóa của ký ức – hình tượng những chiếc hộp nhỏ trở thành một nét gợi gần gũi trong trái tim của mỗi người về vật dụng bình dị mà quý báu của bà của mẹ, để cất giữ vài tấm ảnh, bức hình của những thành viên trong gia đình.

    III. Kết thúc vấn đề

    Người ta hay nói đến sự lý tưởng của khoảnh khắc hiện tại và phép màu của tương lai mà quên mất giá trị của quá khứ - viên gạch đắp xây nền tảng của hôm nay và ngày mai. Tác phẩm của Patrick Modiano – đặc biệt là "Phố những cửa hiệu u tối" như hồi chuông cảnh tỉnh tất cả chúng ta về ý thức gìn giữ chân giá trị bản thân trong sự hiện tồn của mỗi người giữa cuộc đời: Đừng để bản thân mình tồn tại như một hạt cát vô danh giữa sa mạc rộng lớn vì quên mất ngày hôm qua ta đã từng là ai.

    * Tài liệu tham khảo:

    1. Dương Tường (1989), "Phố những của hiệu u tối", Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Hội nghiên cứu giảng dạy Văn học thành phố Hồ Chí Minh.

    2. Khải Đơn, Duy Kỳ, "Patrick Modiano, người ghép những mảnh vỡ ký ức của lịch sử" Patrick Modiano, người ghép những mảnh vỡ ký ức của lịch sử
     
    Ngudonghc, taodi, haibican1 người nữa thích bài này.
    Last edited by a moderator: 13 Tháng bảy 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...