Cuộc sống của người trầm cảm

Thảo luận trong 'Sức Khỏe' bắt đầu bởi Dam Lan Nhl, 15 Tháng sáu 2019.

  1. Dam Lan Nhl

    Bài viết:
    2
    ĐỐI MẶT VỚI TRẦM CẢM: Thế giới của người trầm cảm

    LỜI MỞ ĐẦU

    Bài viết này là một bài viết dài và rất tâm huyết. N đã suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định viết về chủ đề này. Bài viết này có liên quan trực tiếp đến những góc khuất mà chính bản thân N đôi khi còn cảm thấy run sợ, lẩn tránh. Như một phần thưởng cho những ai chăm chỉ đọc hết, phần quan trọng nhất chính là phương pháp N đã dùng để tự chữa trị bệnh trầm cảm sẽ nằm ở cuối bài viết. Như David Seabury đã viết "Chúng ta bước sang tuổi trưởng thành với những chuẩn bị nghèo nàn cho việc đối mặt với áp lực đến mức mỗi khi bị căng thẳng, ta chẳng khác nào một con mọt sách bị yêu cầu múa ba lê" thì ai trong đời cũng có lúc căng thẳng và lo âu. Không nhằm mục đích chia sẻ và mong ai đó thấu hiểu, N mong, nếu có ai đó đang tổn thương, chiến đấu với bệnh trầm cảm, loay hoay với những suy nghĩ tiêu cực, hoặc đơn giản là đang bị lo lắng và căng thẳng, đọc được bài viết này biết đâu có thể giúp họ tìm ra cho mình một lối thoát khỏi "cái hộp" chính họ tạo ra.

    Lưu ý, đây chỉ là một phương pháp để tham khảo, không phải ai cũng phù hợp, nhưng ai cũng có thể sẽ cần, và phương pháp này không chữa trị hoàn toàn dứt điểm bệnh trầm cảm, chỉ có thể đỡ đi được phần nào.

    Chúc các bạn cảm thấy vui vẻ và thoải mái khi đọc. Xin cảm ơn.

    Phần 1: Nền tảng của khủng hoảng tâm lý

    Ngay từ nhỏ, từ khi còn học mẫu giáo tiểu học, N đã nhận ra mình có gì đó không giống như số đông các bạn. N luôn bị là "con ghẻ" của lớp, thường xuyên bị bạn bắt nạt và thắc mắc chẳng hiểu vì sao các bạn không muốn chơi với mình. Ngay từ lúc này N đã có suy nghĩ muốn "được chết" vì cảm thấy tự ti, bị ghét bỏ, khác người, khép kín, và cô đơn. Tin được không? Một đứa bé mới học cấp 1 đã đứng trên gác nhà nghĩ sẽ nhảy xuống vào ngày sinh nhật của mình. Đây chính là nền tảng cho những rối loạn tâm lý sau này.

    Thậm chí hồi cấp 2, các bạn ghẻ lạnh và trêu ghẹo nhiều, N nói rằng muốn tự tử. N nhớ như in khi đó đã có một cô bạn gái cùng lớp "hỏi đểu" : "Ơ tưởng chết cơ mà. Sao chưa nhảy xuống chết đi?" Khi đó lớp ở tầng 3, N cực kì tổn thương, cũng chỉ muốn nhảy cái ùm xuống thật. Hồi đó lớp cấp 2 có bạn lớp trưởng cực tốt đã dành riêng một tiết sinh hoạt lớp để nói về N. Khi nghe bạn nói, rằng bạn đã hiểu được N đã bị tổn thương, chỉ đơn giản là quá ngây thơ thôi, hãy chơi với N đi, kiểu vậy, N cảm động và khóc như mưa. Mãi tới năm lớp 8, mới có được một nhóm bạn thân hiểu mình, vui vẻ, lúc nào cũng kè kè với nhau. Và phải tới tận cấp 3 N mới hiểu là dù họ có ghét mình cũng không thể tước đoạt được mạng sống của mình nên cứ vui vẻ vô tư mà sống, không cần quan tâm ai ghét ai quý mình cả.

    Phần 2: Khủng hoảng tâm lý lần thứ nhất

    Lần đầu tiên N gặp khủng hoảng tâm lý chính là lần thất tình đầu tiên. Khoảng hè năm lớp 8, đầu năm lớp 9, N gặp và quen Đ. Đó cũng là bạn người yêu cũ tốt nhất mà N từng hẹn hò. N đã có mối tình rất đẹp kéo dài hơn 1 năm. Sau đó N lần đầu tiên biết đến cảm giác đau đớn vì thất tình là như thế nào. Ngày nào cũng khóc lóc, lúc nào cũng u buồn. Thời điểm đó cái facebook N đăng đến cả chục cái post một này chỉ liên quan đến tình cảm tình yêu sướt mướt sến súa thôi. Các bạn cùng lớp cấp 3 cũng xa lánh một phần vì lý do này. Ban đầu N chứng tỏ mình là người rất năng động, cởi mở, sau rồi mất điểm chính vì quá tiêu cực.

    Lần đầu tiên trong đời N vì đau buồn mà bỏ ăn, không có cảm giác thèm ăn. Và tệ nhất là lần đầu tiên N tìm đến việc rạch tay để cảm thấy bớt đau khổ hơn. Thật sự khi rạch tay xong N thấy thỏa mãn. Sau đó là trống rỗng. Đây chính là những dấu hiệu đầu tiên của bệnh về tâm lý mà khi này N vẫn chưa đủ hiểu biết để nhận ra.

    N chìm đắm trong đau khổ suốt một thời gian khá dài và coi đó như một cái hố đen mà mình không bao giờ muốn (lặp lại mặc dù sau này cũng lụy tình y xì đúc vậy chứ không có rút được tí kinh nghiệm nào cả). Chỉ tới khi mà N nhìn thấy một cô bé bị hỏng xe đạp trên đường giữa trời mưa, khi mà mình rất muốn giúp đỡ nhưng không thể giúp được gì. Khi đó kiểu như nhận ra được điều gì đó, như là cái bản chất sâu trong mình ý. Sau cùng thì N cũng move on được. Nhưng nó để lại cho N một nỗi ám ảnh rất lớn.

    Phần 3: Khủng hoảng tâm lý lần thứ hai

    Lần khủng hoảng thứ hai là đợt khủng hoảng nghiêm trọng hơn nhiều so với lần trước. Đó là đợt hè lớp 11 đầu năm lớp 12 và kéo dài cho đến tận khi N thi đại học xong. N nhớ hè năm ấy là một mùa hè rực rỡ, N tham gia nhóm nhảy Dancersity, có một công việc làm thêm và cũng là những mối tình rất ẩm ơ.

    Đầu tiên là N crush anh L, N theo đuổi ảnh miệt mài lắm. N rồi.. "anh có thích em không?" – "anh có thích.. nhưng anh không muốn bắt đầu một mối quan hệ." Lần đầu tiên N thức trắng đêm vì tương tư một chàng trai. Một đêm, hai đêm, ba đêm.. bắt đầu cho một triệu chứng tâm lý mới: Mất ngủ.

    Sau đó cũng là lúc N quen H, bố của bé An, sở dĩ yêu ông ấy cũng là vì nghĩ là ổng ở bên N trong lúc khó khăn đau khổ, sẽ là người hiểu N nhất. Dạo đó năm cuối cấp N bắt đầu rối loạn vì việc chọn ngành, chọn trường để thi. Khi ấy N bỏ học, cảm thấy bí bách, N bỏ nhà liên tục. Lý do là N không biết được mình muốn gì, cần gì, thế mạnh của mình là gì, mình nên học ngành nào trường nào, học để làm gì, vv.. Trong óc N là hàng vạn câu hỏi, N mất phương hướng, cảm thấy chán nản, tức giận vô cớ, không thể kiểm soát cơn nóng giận, đập phá đồ đạc..

    N đã bỏ nhà đi rất nhiều lần. Có thời gian ở cả tháng ở chỗ làm thêm. Lần đầu N bỏ nhà đi là sát Tết. N ra quán pub quen được mời uống vài ly rượu, cũng say say. Ngồi đó khóc rồi thậm chí còn đánh người. Quán pub hồi ý còn ở gần nhà, mẹ N đi tập thể dục ngang qua nhìn thấy, N thấy mẹ vội vàng bỏ chạy, được chị B cưu mang cho lên nhà chị ngủ nhờ một đêm. Sáng hôm sau thì N lượn vô nhà H. Sợ H lại bắt về nhà nên trưa thì lại chạy sang shop của chị chủ cũ, rồi cũng được chị cho tá túc lại đêm đó. Mẹ N gọi thì N không nghe, khi ấy yêu con mèo lắm, mẹ nhắn là Jully đang nhớ con lắm đấy, thì mới xuôi, mới nghĩ Tết nhất không có ai để nương nhờ nhà được, cũng chẳng đi được mãi, Tết chẳng nhẽ không đoàn viên, mới về.

    Khi mẹ N phát hiện tình trạng bệnh và đưa N đến nhà ông bác sĩ. Ông ta chỉ hỏi N vài câu, một cách xa lạ, khám chung với rất nhiều các bác bệnh nhân khác nên cảm thấy không an toàn, không được cảm thông nên khó hợp tác. Ổng phán bị rối loạn tâm lý tuổi dậy thì và rối loạn lưỡng cực rồi kê cho một đống thuốc về uống. Tới nay ngẫm lại thì ổng phán cũng chuẩn, nhưng sai lầm lớn nhất đời N chính là hốc nắm thuốc của ông ấy kê, mà còn uống đều như vắt chanh luôn. Tình trạng bệnh càng ngày càng tệ đi. N cảm thấy mệt mỏi, không muốn đi học, N nghỉ học tới tận 50 buổi vì buổi sáng quá mệt không thể dậy sớm. Hoặc N chỉ đến mấy tiết điểm danh rồi trốn về ngủ cả ngày, trên lớp cũng chỉ ngủ, không cần ăn luôn. Ban đêm N bị mất ngủ, giấc ngủ hoàn toàn phụ thuộc vào thuốc, uống thuốc xong là buồn ngủ, người cứ lúc nào cũng trong trạng thái lâng lâng không tỉnh táo. N còn bị nhược cơ, tay run không viết nổi chữ. N tức giận và đập phá ngày càng không thể kiểm soát.

    Sau đó, N nghe lời một người anh, ngừng uống thuốc. Tình trạng ban đầu cũng rất tệ, không có thuốc thì không ngủ được, sáng mệt cũng không đi học. Ai mà hỏi N định học trường nào định thi trường nào thì N sẵn sàng nổi đóa với họ luôn. Nói chung là, năm lớp 12 N không học gì hết. Chính vì vậy mà cho tới nay N vẫn bị khó tiếp thu và khó tập trung khi học. Ngày đó ai cũng tưởng N bỏ thật rồi, cô giáo và bạn cùng lớp ai cũng phát ngán. Mẹ N dường như tuyệt vọng và kiệt sức. May quá tốt nghiệp được!

    Sau ông bác sĩ tình trạng của N cũng chưa có gì là thuyên giảm, mẹ N tiếp tục đưa N đến chị Lê bác sĩ tâm lý. Chị đưa N vào phòng riêng, cảm giác rất an toàn, chuyên nghiệp. Và đơn giản chỉ như một cuộc nói chuyện, có một người thấu hiểu và không đánh giá mình. N cảm thấy thoải mái về cách chữa trị này. Nhưng cũng chỉ được một buổi. Cho tới khi N thi xong, bệnh mới bắt đầu thuyên giảm.

    Nhưng giảm thì giảm, N vẫn phải đối mặt với những lần lên cơn rất khốn nạn. Có lần N bỏ nhà, mẹ N cũng có tát một cái và tức giận, nhưng N bỏ chạy thì mẹ và Coca chạy theo. N đã định nhảy xuống hồ Phương Mai ấy. Ngồi ở bờ hồ, có người đi ngang hỏi sao em ngồi ở đây, chuyện đâu còn có đó, rồi người khác cũng nhìn rồi nói này nói nọ. Hai mẹ con giằng co, N lăn đùng bò toài ra đất, gào khóc chỉ muốn trốn đi thôi, nhưng mẹ N và con Coca quá dai dẳng. 2 giờ sáng N vẫn ngồi ở đó, bố mẹ N phải gọi chú N xuống khuyên, vì N rất quý chú. Nhưng chú khuyên N cũng chưa nghe. N bỏ ra Circle K ngồi, lướt dọc một danh sách bạn bè không có ai có thể gọi được vào tầm đó, ai cũng nhìn N kiểu "vừa bị đánh hay sao?", N còn quen được một anh bạn hơi "lập dị", sáng N mới về nhà.

    Đó chỉ là một trong những lần lên cơn gay gắt mà chỉ có gia đình của N chứng kiến. Nhiều khi mình không muốn thế, nhưng không kiểm soát được cảm xúc và hành vi, thật sự bất lực. Hàng ngàn hàng vạn lần muốn được chết đi. Cảm giác phỉa chịu đựng rất đau khổ và khó khăn. Thật kinh khủng!

    Phần 4: Khủng hoảng tâm lý lần thứ ba

    Đây là một phần ký ức kinh hoàng nhất mà N không muốn nhớ lại. Nhưng đây chính là bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời N. Là thời điểm N phát hiện mình đã có thai.

    N chỉ có thể nói là khi đó N vẫn chỉ là cô sinh viên 19 tuổi non nớt, trước cú shock mang bầu ngoài ý muốn (là bố An muốn chứ N biết xong bần thần còn ổng vui còn đòi cá cược đi ăn lẩu) ; sau đó là áp lực từ phí gia đình bên H, sự khác biệt giữa quan điểm sống, nền giáo dục và văn hóa của hai gia đình; áp lực từ công việc, học hàn; sự non nớt khi đối mặt với hôn nhân, con cái khi chưa có nền tảng tài chính và kinh nghiệm sống. N đã bị shock cực mạnh.

    N cũng cố gắng để trung hòa, cố gắng nhưng cứ mở mắt ra là lại thấy có một chuyện đau đầu xảy đến. Riêng chuyện bất đồng trong quá trình chuẩn bị đám cưới, ghen tuông nghi ngờ về người mình sắp lấy làm chồng, mất niềm tin ở H vì trước đây từng lừa dối N đi chịch lăng nhăng, vũ phu, hai mặt đã đủ mỗi ngày một diễn biến ly kì rồi. Lại còn thêm cả bất đồng với bạn của H, được cả em tiểu tam chọc ngoáy đá đểu, vân vân.. nói chung là có quá nhiều thứ ập đến cùng một lúc mà N không thể kể hết.

    Khi đó N thật sự bị khủng hoảng. N hoàn toàn không ngủ được, dù là đêm hay ngày. Cứ nhắm mắt ngủ là mơ thấy ác mộng. Có một lần N mơ thấy mình đang làm bài kiểm tra văn thì đến đoạn viết về một ngôi chùa mà N không nhớ nổi tên của ngôi chùa đó. Chỉ còn 5 phút là nộp bài mà N đã xin cô giáo chạy ra sau trường chỉ để ngó cái tên ngôi chùa đó. Ngôi chùa thì nằm ở ngay đằng sau trường thôi. Và N đã chạy vội xuống cầu thang, chạy ra sau trường. Nhưng đến khi tới cổng chùa, N đã thấy rất nhiều thi thể người chết đắp chiếu nằm la liệt. N rất tò mò không biết vì sao nên đã mạnh bạo chạy vào tận bên trong. Vào trong thì không còn một ai cả, chùa đã bị cháy rụi rồi. N hoảng sợ chạy ngược ra ngoài thì bắt gặp một cô giáo và một người bạn cũng đi đang đi lên. Và họ không cẩn thận đã chạm vào một người khiến người đó rơi xuống, chiếu đắp bị tung ra. Một người bị chết cháy. N tỉnh dậy. Hoảng loạn.

    Thật sự viết đến đây N cũng rất đau khổ khi phải nhớ lại và kể lại chi tiết. Nó quá kinh hoàng! N còn nhớ nhiều giấc mơ kinh hoàng khác nữa. Nhưng N không thể chịu đựng thêm, xin lỗi N không thể kể được.

    Tất nhiên khi không ngủ được, N cũng không ăn được. N bị ốm mà không thể uống thuốc. Thời điểm tệ tới mức N khóa facebook, tắt điện thoại và tách ly ra khỏi cuộc sống bình thường. N tiếp tục tới gặp bác sĩ tâm lý. Lần này là chị bác sĩ khác, cũng cách chữa ấy, nhưng chị ấy khuyên rất phải. Chị ấy khuyên N nên tiếp tục việc học. Vẫn là những lần lên cơn điên loạn. N không cầm dao dọa chém chó nữa. N cầm dao suýt nữa tự đâm mình. N gào thét cầu xin được chết. Cứ cách ngày N lại bị đau đầu kinh khủng. N có những hành động điên loạn, kì lạ và khó kiểm soát. N khóc suốt thôi. Trong khoảng 4 5 tháng đầu thai kì, đó thật sự là cơn ác mộng mà N không bao giờ muốn gặp lại. Mọi thứ như thể sẽ đi đến đỉnh điểm của sự tuyệt vọng được vậy. N không thể diễn tả sao cho đủ để mọi người có thể hiểu. N không kể với nhiều người, bởi N kể ra thì không có ai có chung hoàn cảnh với mình, họ chưa trải qua, họ không thể hiểu. Người thì áp đặt N phải làm thế này mới phải, mới tốt, người thì chỉ tốt với N vì chính bản thân họ. Bởi vậy mới nói nó như một cuộc chiến đơn độc. Chính mình đối chọi với chính mình. Đó là góc khuất mà N muốn chôn vùi mãi mãi, những vết sẹo vẫn gợi nhớ đến nó. Đau thương!

    Phần 5: Lối thoát

    Sau những lần khủng hoảng tâm lý kể trên, N đã mất rất nhiều thời gian sau đó để mới có thể rút ra được những cách làm giảm đi khủng hoảng tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng lại không hề đơn giản. N mong những cách sau sẽ giúp được cho những người đã và đang đọc tới tận dòng này. Cảm ơn vì đã lắng nghe những khủng hoảng mà N đã giấu kín bấy lâu.

    Dù sao cũng nhờ những khủng hoảng này mà giờ N đã trưởng thành hơn trước kha khá. N có thể dễ dàng nắm bắt, kiểm soát tình trạng tâm lý của mình, không để bản thân rơi vào khủng hoảng. N cũng được tôi luyện nhiều cho bản thân trở nên kiên cường và bình tĩnh hơn. Mong là bài viết sẽ có ích cho các bạn. Nếu có thắc mắc hãy để dưới phần comment, nếu cần chia sẻ hoặc lắng nghe hãy inbox. N rất lười nhắn tin nhưng nếu cảm thấy tin tưởng N thì N nhất định sẽ lắng nghe. Cảm ơn vì đã đọc bài viết.

    Chúc bạn sẽ luôn hạnh phúc!
     
    LieuDuongLiberty thích bài này.
    Last edited by a moderator: 18 Tháng bảy 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...