Cuộc khởi nghĩa Lý bí - Tiểu sử, tài năng của Lý Bí - Nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa cuộc

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cute pikachu, 30 Tháng sáu 2021.

  1. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    Cuộc khởi nghĩa Bí - tiểu sử, tài năng của Lý Bí - Nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa cuộc khởi nghĩa. Vai trò và công lao của của Lý Bí

    Lý Bí - Lý Nam Đế là 1 trong 14 vị Anh hùng dân tộc tiêu biểu của Việt Nam dân tộc có tài chỉ huy, lãnh đạo, đoàn kết quân và dân kháng chiến lật đổ ách đô hộ của nhà Lương, giành lại độc lập dân tộc.

    Lý Bí Là người Việt Nam đầu tiên tự xưng hoàng đế.

    Trong lịch sử Việt Nam, Lý Bí là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lý và nước Vạn Xuân.

    [​IMG]

    1. Tiểu sử của Lý Bí

    Lý Bí - Lý Nam Đế (503-548), có tên thật là Lý Bôn hoặc Lý Bí, là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lý (tức nước Vạn Xuân).

    Lý Bí sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17 tháng 10 năm 503). Từ nhỏ, Lý Bí đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, sớm hiểu biết. Khi Lý Bí lên năm tuổi thì cha mất, bảy tuổi thì mẹ qua đời. Ông đến ở với chú ruột. Một hôm, có một vị Pháp tổ thiền sư đi ngang qua, trông thấy Lý Bí khôi ngô, tuấn tú liền xin Lý Bí đem về chùa nuôi dạy.

    Sau hơn 10 năm rèn sách chuyên cần, Lý Bí trở thành người học rộng, hiểu sâu, văn võ kiêm toàn. Lý Bí được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương.

    Thấy Lý Bí có tài, Thứ sử Tiêu Tư nhà Lương mời Lý Bí ra làm chức Giám quân ở Đức châu (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh)

    2. Nguyên nhân bùng nổ cuộc khởi nghĩa

    Thứ sử Giao Châu là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư rất hống hách, hà khắc, tàn ác. Chúng thực hiện chính sách phân biệt đối xử với người Việt, chúng bắt nhân dân phải chịu tô thuế nặng nề khiến đời sống dân ta vô cùng khổ cực.

    3. Diễn biến cuộc khởi nghĩa

    A, Khởi nghĩa đánh đuổi Tiêu Tư


    Do bất bình với các quan lại đô hộ tàn ác, Lý Bí bỏ quan, về quê, chiêu binh mãi mã chống lại chính quyền đô hộ. Được nhiều người hưởng ứng, lực lượng của Lý Bí ngày càng lớn mạnh:

    - Tù trưởng ở Chu Diên (Hải Dương) là Triệu Túc cùng con là Triệu Quang Phục (sau này là Triệu Việt Vương) phục tài đức của ông nên đã đem quân nhập với đạo quân của ông.

    - Tinh Thiều (là công thần khai quốc nhà Tiền Lý trong lịch sử Việt Nam), một người giỏi từ chương, từng đến kinh đô nhà Lương xin được chọn làm quan, nhưng chỉ được cho chức "gác cổng thành" nên bỏ về Giao Châu theo Lý Bí.

    - Phạm Tu (là võ tướng, công thần khai quốc nhà Tiền Lý trong lịch sử Việt Nam), đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn có gương mặt phương phi, khôi ngô tuấn tú, học giỏi, tư chất thông minh, hay đọc sách binh pháp. Ông có vóc dáng rất to khoẻ và trở thành đô vật nổi tiếng trong vùng, thường được gọi là Phạm Đô Tu. Ông có khả năng cưỡi ngựa và bắn cung thiện xạ.

    - Ngoài ra, các tướng tài theo giúp Lý Bí còn có: Trịnh Đô, Tam Cô, Lý Công Tuấn.

    Lý Bí liên kết với các châu lân cận cùng chống lại tên thứ sử Tiêu Tư. Cuối năm 541, Lý Bí chính thức khởi binh chống nhà Lương, khí thế rất mạnh. Theo sách Lương thư của Trung Quốc, Tiêu Tư liệu thế không chống nổi quân Lý Bí, chạy về Quảng Châu. Quân của Lý Bí đánh chiếm lấy thành Long Biên.



    Chiến công đánh đuổi Tiêu Tư của Lý Bí là một trong những trận chiến khẳng định được tài cầm quân của ông.

    (Mời các bạn đọc tiếp phần 2 ở bên dưới nhé❤

     
  2. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    (Phần 2)

    [​IMG]

    b, Đánh lui cuộc phản công của nhà Lương

    Tuy tên thái thú Tiêu Tư đã bỏ chạy nhưng Lý Bí chỉ mới kiểm soát được vùng Bắc Bộ Việt Nam hiện nay, các châu phía nam vẫn còn trong tay nhà Lương.

    Tháng 4 năm 542, nhà Lương (Lương Vũ Đế) sai Thứ sử Việt châu là Trần Hầu, Thứ sử La châu là Ninh Cự, Thứ sử An châu là Úy Trí, Thứ sử Ái châu là Nguyễn Hán cùng hợp binh đánh Lý Bí. Nhưng Lý Bí đã chủ động ra quân đánh trước, phá tan lực lượng quân Lương ở phía nam, làm chủ toàn bộ Giao Châu.

    Không chịu từ bỏ dã tâm, cuối năm 542, Lương Vũ Đế lại sai thứ sử Giao Châu là Tôn Quýnh, Thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng sang đàn áp. Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng sợ thế mạnh của Lý Bí nên không dám tiến quân, xin khất tới mùa thu năm sau. Thứ sử Quảng Châu là Hoán (theo Trần thư là Tiêu Ánh) không cho, Tiêu Tư cũng thúc giục, nên Quýnh và Hùng buộc phải tiến quân. Được tin quân Lương lại tiến sang, Lý Bí chủ động mang quân ra bán đảo Hợp Phố đón đánh. Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng đi đến Hợp Phố, bị quân Lý Bí đánh bại, mười phần chết đến sáu, bảy phần, quân tan rã.

    Chiến thắng này giúp Lý Bí kiểm soát toàn bộ Giao Châu, tức là miền Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam cộng thêm quận Hợp Phố (khu vực huyện Hợp Phố thành phố Bắc Hải tỉnh Quảng Tây và bán đảo Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay).

    c, Đánh tan âm mưu xâm lược của vua Lâm Ấp ở phía nam

    Trong khi Lý Bí bận đối phó với nhà Lương ở phía Bắc thì tại phía nam, vua Lâm Ấp có ý nhòm ngó Giao Châu.

    Biên giới giữa Giao Châu và Lâm Ấp lúc đó là dãy Hoành Sơn. Tháng 5 năm 543, vua Lâm Ấp (Rudravarman I) mang quân xâm chiếm quận Nhật Nam và tiến đến quận Cửu Đức. Lý Nam Đế sai Phạm Tu cầm quân vào nam đánh tan quân ở Cửu Đức khiến vua Lâm Ấp phải bỏ chạy.

    4, kết quả cuộc khởi nghĩa - Thành lập nước Vạn Xuân

    Cuộc khởi nghĩa Lý Bí kết thúc thắng lợi hoàn toàn.

    Đến tháng giêng, năm 544, Lý Bí lên ngôi vua, hiệu là Lý Nam Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức (Đức trời), đặt tên nước là Vạn Xuân thể hiện mong muốn rằng xã tắc bền tồn đến muôn đời.

    Lý Nam Đế đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch (thuộc Hà Nội ngày nay), dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội, thành lập triều đình với hai ban văn, võ và lấy Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ.

    5, Ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lý Bí

    Nước Vạn Xuân được thành lập chứng tỏ nước ta có nhà nước riêng, chế độ cai trị tự chủ, đưa đất nước thoát khỏi ách thống trị của nhà Lương.

    Cuộc khởi nghĩa thể hiện tài chỉ huy quân sự tài tình của Lý Bí và các tướng lĩnh, thể hiện tinh thần chiến đấu quật khởi của nghĩa quân và sự đoàn kết trong toàn quân và dân ta.

    6. Vai trò và công lao của Lý Bí trong cuộc khởi nghĩa

    Tuy rằng đến năm 545, vào tháng 5, nhà Lương lại đem quân tấn công ta, Lý Nam Đế đem ba vạn quân ra chống cự, đáng nhiều trận, sau đó phải lui giữ ở trong động Khuất Lão, Lý Bí ốm và qua đời trong động. Nhưng Lý Bí là vị anh hùng dân tộc tài ba chỉ huy, lãnh đạo, đoàn kết quân và dân ta lật đổ ách đô hộ của nhà Lương, giành lại độc lập dân tộc.

    Lý Bí còn là người Việt Nam đầu tiên tự xưng hoàng đế, lập ra triều đại mới, định niên hiệu riêng, đúc tiền riêng.. đã chứng tỏ sự trưởng thành của ý thức dân tộc, tinh thần dân tộc, tự tôn của người đứng đầu nói riêng, của dân tộc ta nói chung.

    Lý Nam Đế còn chính là người đầu tiên nhận ra địa thế địa lý trung tâm đất nước ở cửa sông Tô Lịch từ giữa thế kỉ VI, là vị trí của thủ đô Hà Nội ngày nay.

    Cuộc khởi nghĩa Lý Bí mang lại tiếng vang lớn trên cả nước. Ngày nay để tưởng nhớ đến công ơn của vị vua Lý Nam Đế người dân đã lập đền thờ tại nhiều nơi. Người anh hùng Lý Bí và cuộc khởi nghĩa mang tên ông đã cổ vũ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc ta không chịu khuất phục kẻ thù, tiếp tục đứng lên đấu tranh giành độc lập cho nước nhà.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...